2011-11-17 10:12:03

SẺ CHIA


"Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49). Thầy Giê-su đã tin tưởng và trao ngọn Lửa của Ngài cho con người, và đặc biệt là cho bạn trẻ. Bạn trẻ không muốn ngọn lửa của Chúa không dừng lại ở trong nhà thờ, trong khi cầu nguyện, nhưng bạn trẻ còn muốn chia ngọn lửa ấy đến mọi nơi, đến mọi người, kể cả những người bị gạt ra lìa xã hội. Một số bạn trẻ của chúng ta đã âm thầm mang ngọn lửa ấy đến với mọi ngõ hẻm đường phố, đến với những em lang thang bụi đời. Xã hội đã cho ra rìa những con người lang thang không nhà không cửa ấy, nhưng một số bạn trẻ của chúng ta lại mang ngọn lửa yêu thương của Chúa làm ấm lòng họ, và đưa họ về với cuộc sống đầy ý nghĩa. Mặc dù nhiều thử thách, nhiều khó khăn nhưng hạnh phúc biết bao nếu như chúng ta thấy được ngọn lửa của Chúa tiếp tục được thắp lên. Chuyên mục Bạn Trẻ - Lửa hôm nay muốn gởi đến các bạn niềm hạnh phúc nho nhỏ của một bạn trẻ khi mang lửa đến với trẻ em đường phố. Mời bạn lắng nghe đôi lời chia sẻ của bạn Thảo – Samari nhé!

Sẻ Chia
“Chị ơi, em chuẩn bị về quê.”

Nghe em nói, tôi chợt thảng thốt, có chuyện gì sao mà em lại bỏ phố về quê, bỏ nơi đã cưu mang em bao nhiêu năm nay, nhưng nghe tiếng em cười vui trong điện thoại, em bảo, “quê em có khu công nghiệp rồi chị, em về làm trong khu công nghiệp, em muốn về ở cùng với bà”, tôi nghe nhẹ người. Em, cậu bé Minh, một trẻ lang thang trong lớp học bên bờ kênh Nhiêu Lộc cách đây hơn 6 năm của tôi, lúc đó trước khi giao nhóm lại cho các anh chị bên Thảo Đàn, chúng tôi đã kịp tìm được nơi cho em học nghề.

Ngày đó, nhóm chúng tôi chỉ vài người bạn, với ước muốn đem con chữ đến cho những em lang thang, không đủ điều kiện đến trường như bao trẻ khác. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là làm cách nào tiếp cận với các em, và tiếp cận được với các em rồi thì làm cách nào để các em chịu học. Như lần đầu tiên tôi tiếp xúc với cậu bé Minh, nước da đen nhẻm và khuôn mặt ốm nhom, mái tóc vàng hoe và cả bộ đồ rách một góc, lâu lắm rồi chưa giặt, đó là những đặc trưng của Minh và nhiều đứa trẻ lang thang khác. Các em không thích tiếp chuyện với mọi người, theo như kinh nghiệm của em thì “đời lang thang mà chị, gặp nhiều loại người lắm, không tin ai được đâu”. Phải sau nhiều lần tiếp xúc với em, tạo đủ lòng tin nơi em, em mới kể cho tôi nghe hoàn cảnh gia đình, quê em ở tận Rạch Giá – Kiên Giang, ba em bỏ mẹ con em đi biệt không về, rồi mẹ em cũng bỏ em mà đi theo chồng khác lên thành phố, bỏ lại em một mình cùng với bà ngoại, nhưng bà ngoại cũng không lo được cho em đủ ăn, đủ mặc, trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ 13 tuổi, em nghĩ lên thành phố sẽ gặp được mẹ, thế là em lang thang lên thành phố tìm mẹ, và rồi gia nhập vào đội quân lang thang từ lúc nào không hay. Em được những đàn anh lang thang “huấn luyện”, lang thang nên có nhiều “chiêu” kiếm sống, phải biết lì mặt ăn xin, thậm chí em được dạy cả cách để khi cần thì…móc túi. Hoàn cảnh của riêng em là thế, những em khác, có đứa thì ba mẹ mất, có đứa không ở chung với dì ghẻ được, có đứa suốt ngày bị ba mẹ đánh đập nên bỏ nhà đi lang thang. Nhà của các em là những bãi cỏ dọc theo kênh Nhiêu Lộc, cầu Thị Nghè, những lề đường, còn hôm nào trời đổ mưa thì tất cả các em co cụm lại một mái hiên nào đấy cho ấm. Cuộc sống của các em cứ thế, bữa đói, bữa no, có hôm cả ngày chỉ có được bữa trưa còn lại thì nhịn đói cả ngày.

Các em hỏi tôi chứ “học để làm gì hả chị? Biết chữ rồi tụi em có được đến trường như các bạn được không? Chắc là không được đâu, khó lắm hen chị, biết chữ rồi có chổ để ở không phải ngủ bờ ngủ bụi nữa không chị, biết chữ rồi có no không chị, em chỉ ước mỗi ngày có cơm ăn no thôi chị”, nghe đắng lòng và thấy mình bất lực vì không thể làm gì hơn cho các em, đúng là rất khó, vì các em không có tấm giấy tờ tùy thân, có em không rõ quê quán vì bị bỏ rơi từ nhỏ, đôi lúc chính bản thân tôi cũng thấy chông chênh với lòng tin của mình, chông chênh với câu hỏi, “các em học rồi sẽ được gì?”, nhưng rồi vẫn quyết tâm dạy, vẫn thuyết phục được các em đến với những con chữ, nhìn các em đánh vật với từng con chữ, nhìn các em háo hức đọc từng chữ một trong quyển truyện tranh mà thương, bé Lan, cô bé bé nhất, lúc đó em khoảng 7 – 8 tuổi nói, “con biết học để làm gì rồi, học để đọc được sách”, “và để làm gì nữa?”… “và để mai mốt đi dạy lại những em khác giống cô”, nghe em nói mà tôi nghe như có dòng nước mát lan tỏa khắp người, hạnh phúc. Khi ta gieo một hạt mầm, ta không mong ngày mình sẽ được ngồi dưới bóng mát của cây, nhưng ta tin bóng mát của cây sẽ lan tỏa, lan tỏa mãi cho những ai cần đến, bạn của tôi ơi, bạn có tin vào điều đấy không? Tôi tin bạn ạ. Những Minh, Lan, Tí Tèo của tôi ngày đó, một số em đã thực hiện được ước mơ của mình, nhưng còn những Tí, những Tèo của bây giờ, tương lai của các em sẽ về đâu, khi mà trong mỗi chúng ta lúc nào cũng có những hoài nghi khi tiếp xúc cùng các em. Nếu một lúc nào đó, trên đường đi, bất chợt có một em lang thang đến gần bạn, xin đừng hất hủi em, hãy cho em một nụ cười, một bữa ăn bạn nhé!
Samari – Mèo Lười

Phụ trách: Nguyễn Hiền Nhu







All the contents on this site are copyrighted ©.