2011-09-19 10:23:41

Mọi người đều có trách nhiệm đối với ơn cứu rỗi của tha nhân


”Khi ấy Thiên Chúa phán với ngôn sứ Edekiel: ”Hỡi con ngưi, Ta đã đt ngươi làm ngưi canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ”Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta s đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 33,7-9; CN XXIII A).

Kể từ khi loài người biết quy tụ lại với nhau và xây các thành phố vào khoảng thế kỷ thứ X trước công nguyên, việc canh gác thành quách để giữ gìn an ninh là điều cần thiết. Vì thế nhiệm vụ của người tuần canh rất quan trọng. Họ phải luôn tỉnh táo, cần mẫn và khôn lanh để có thể kịp thời báo động cho hàng lãnh đạo và dân chúng trong thành biết các nguy cơ đe dọa an ninh của mọi người.

Hình ảnh và nhiệm vụ của người tuần canh được ngôn sứ Edekiel áp dụng cho vị ngôn sứ. Ngôn sứ là người canh gác tinh thần, mà Giavê Thiên Chúa đặt lên cho sự cứu rỗi của dân Người. Ngôn sứ là người được Thiên Chúa tuyển chọn và ban cho khả năng trở thành ”miệng” của Ngài, trở thành sứ giả để chuyển đạt ý muốn của Thiên Chúa cho dân Israel. Ngôn sứ là người lập lại sứ điệp Thiên Chúa gửi cho con người, sứ điệp của Thiên Chúa, chứ không phải của chính ông. Ông phải lắng nghe lời từ miệng Thiên Chúa phán ra và lập lại cho dân biết, ở đây là cảnh cáo kẻ gian ác và kêu gọi họ từ bỏ nếp sống xấu xa, cải tà quy chính để được sống. Nhiệm vụ là người canh gác tinh thần ấy của ngôn sứ quan trọng đến nỗi, nó định đoạt sự cứu rỗi của chính ông, tùy theo ông có thi hành nó hay không.

Khi chứng kiến các sai trái và cung cách sống gian tham ác độc của người khác, mà ngôn sứ không có can đảm lên tiếng cảnh cáo, cản ngăn và kêu gọi họ từ bỏ con đường gian ác, Thiên Chúa sẻ hạch tội ngôn sứ và đòi nợ máu: tuy kẻ gian ác chết vì tội ác của họ, nhưng ngôn sứ có lỗi và cũng có trách nhiệm đối với cái chết ấy, vì đã không chu toàn nhiệm vụ của mình là cảnh cáo và kêu mời kẻ gian ác từ bỏ đường tà vạy để sống liêm chính, thánh thiện. Trong trình thuật ơn gọi của ngôn sứ Giêrêmia Thiên Chúa phán với ông như sau: ”Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân nước, để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng” (Gr 1,9-10). Sứ mệnh ấy thật không dễ dàng và thoải mái chút nào, vì nó sẽ gây ra cho ngôn sứ Giêrêmia nhiều bắt bớ, khổ đau và khốn khó, đến bị mưu sát ba lần. Nhưng qua đó, người ta thấy vị ngôn sứ không được thinh lặng trước bất cứ cung cách suy tư hành xử gian ác nào của con người, trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo.

Ngôn sứ là người có bổn phận nói lên sự thật, can đảm mạnh mẽ tố cáo mọi tàn ác, bất công và gian dối trong cuộc sống con người và cuộc sống xã hội. Vì đứng trên bình diện luân lý đạo đức, nên vị ngôn sứ cò toàn quyền tự do lên tiếng can thiệp vào mọi lãnh vực cuộc sống con người và cuộc sống xã hội, đặc biệt trong lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Không có vần đề nào của con người là xa lạ đối với sứ mệnh tinh thần của ngôn sứ là ”nhổ, lật, hủy, phá, xây và trồng”. ”Nhổ, lật, hủy, phá” tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá và các quyền con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, để ”xây, trồng” những gì giúp thăng tiến phẩm giá, các quyền lợi và hạnh phúc của con người, giúp cho con người có cuộc sống an bình thịnh vượng và hạnh phúc hơn.

Sứ mệnh ngôn sứ ấy được Thiên Chúa trao ban cho toàn Giáo Hội và cho từng tín hữu thành phần của Giáo Hội, thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô, trong ngày họ lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và được xức dầu thánh hiến cho Thiên Chúa. Khi trở thành kitô hữu, họ nhận được quyền và nhiệm vụ vương giả, tư tế và ngôn sứ. Đây là lý do giải thích tại sao Giáo Hội lại nhân danh phẩm giá con người được tạo dưng nên giống hình ảnh Thiên Chúa lên tiếng bênh vực phẩm giá và các quyền con người, khi chúng bị vi phạm và chà đạp. Lên tiếng tố cáo các tội lỗi, các tàn ác bất công vô nhân và vô luân trong cuộc sống con ngưới và cuộc sống xã hội không phải là ”làm chính trị”, mà là cảnh cáo, chấn chỉnh và thăng tiến luân lý đạo đức xã hội. Nếu các chính quyền trên thế giới hiểu được điều này một cách đúng đắn, thì họ không cần phải sợ hãi Giáo Hội, vì Giáo Hội mới chính là đồng minh hữu hiệu nhất có thể giúp xây dựng một xã hội công bằng, huynh đệ, hài hòa và hạnh phúc, trong đó con người không ức hiếp, khai thác, bóc lột con người; nhưng mọi người đều là anh chị em với nhau, liên đới yêu thương đùm bọc nhau và thăng tiến cho nhau nhau. Vì thế muốn cho xã hội thực sự phát triển, văn minh tiến bộ, hãy biết trân trọng để cho Giáo Hội thực thi sứ mệnh ngôn sứ của mình, bởi vì Giáo Hội chỉ nhắm một mục đích duy nhất: đó là phục vụ công ích và mưu cầu hạnh phúc cho con người và cho xã hội. Giáo Hội không muốn thay thế chính quyền, cũng không muốn có đặc quyền đặc lợi, nhưng chỉ muốn góp phần kinh nghiệm vun trồng và thăng tiến dài hơn 2.000 năm của mình vào việc xây dựng một đất nước thực sự phồn thịnh, dân chủ tự do và hạnh phúc. Trong công cuộc dựng nước, mọi lực lượng xã hội dân sự và mọi tổ chức tôn giáo nhằm phục vụ công ích và hạnh phúc của người dân, đều qúy báu, đáng được trân trọng yêu mến và tin tưởng. Nếu không như vậy thì chỉ thiệt thòi cho chính dân nước ấy mà thôi.
Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.