2011-09-01 17:11:01

Từ một lần gặp gỡ (44): Từ của cải đến tự do


Các bạn trẻ thân mến,

Của cải là một trong những điều tự hào của con người. Của cải cũng là dấu chỉ của sự thịnh vượng mà Giáo Hội vẫn cầu xin cho con người và cho các dân tộc. Của cải tự nó độc lập với cái tốt và cái xấu của con người, hay nói cách khác nó không quyết định cho người sử dụng nó là tốt hay xấu, nhưng cách sử dụng của cải lại làm cho người ta trở nên tự do hơn hay bị lệ thuộc hơn.

Không ít lần chúng ta nghe “tiền bạc là một đầy tớ dễ thương, nhưng là một ông chủ khó tính”. Điều đó liên hệ gì tới con người? Có chứ! Khi nói đến tớ thì hàm ý sẽ có chủ, và khi nói đến chủ thì cũng không thể không có đầy tớ. Vậy ai là chủ, ai là đầy tớ? Không cần ai giải thích, chúng ta thừa biết chính người sử dụng tiền bạc là chủ hay là tớ của tiền bạc, tùy theo cách mà họ sử dụng nó. Mà cũng lạ, mình sử dụng tiền bạc, sao tiền bạc lại có thể làm chủ mình được? Đúng thật, đồng tiền không phải là chủ thể để làm chủ con người. Nhưng vì đồng tiền mà không ít người đã bán đứng lương tâm. Nếu thế, đồng tiền đã trở nên một ông chủ vô hình chi phối con người.

Với những trường hợp bán đứng lương tâm vì đồng tiền, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự lệ thuộc và mất tự do bởi đồng tiền. Tuy nhiên, với những trường hợp tế nhị hơn, cũng không ít lần chúng ta bị mất tự do vì tiền bạc. Chúa Giê-su cũng đã tiếc cho anh thanh niên giàu có vì điều này (Mt 10, 17 - 22). Anh đã hớn hở chạy đến hỏi Đức Giê-su làm thế nào để có sự sống đời đời làm gia nghiệp. Chúa Giê-su quý mến anh vì anh đã dám nghĩ và dám hỏi chuyện chuẩn bị cho sự sống đời đời. Nhưng Chúa đã phải tiếc cho anh vì anh đã không dám làm điều anh nghĩ, đơn giản vì anh có nhiều của cải! Của cải thay vì giúp anh thêm tiến lên và thêm tự do, giờ đây nó lại trở thành cản vật không cho anh thực hiện ước mơ. Anh đã không dám vượt qua cản vật đó.
Chúa Giê-su mời anh thanh niên “anh về bán hết những gì mình có đem cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng ở trên trời rồi đến theo tôi”. Anh thanh niên bỏ đi vì anh có nhiều của cải. Giả như anh có tự do, anh đã có thể làm mọi sự để thực hiện ước mơ. Điều đáng quý hơn nữa, anh có thể hiện thực thánh ý Thiên Chúa trong đời mình. Đôi khi Thiên Chúa cũng có những cách thức riêng của Ngài để thanh luyện tự do của chúng ta.

Giả như anh thanh niên quảng đại đồng ý bán hết tài sản của mình cho người nghèo, thì cũng có đôi lúc Chúa lại cản anh đừng bán nữa. Thay vào đó, Chúa có thể mời anh dùng số tiền đó cộng với khả năng của anh để mang về và chăm sóc những người cùng khổ. Giả như anh làm theo ý Chúa và xây dựng những nơi tươm tất để đón nhận người nghèo, và công việc của anh thành công. Rồi sau đó Chúa lại tiếp tục mời anh tiến thêm một bước nữa: anh đừng làm điều ấy một mình, nhưng hãy cho người khác cộng tác với anh. Giả như anh chấp nhận sự cộng tác, và hy sinh danh tiếng cá nhân để nhận lấy phần thưởng cho cả tập thể, Chúa có thể lại tiếp tục mời anh rời bỏ tập thể đang nổi tiếng đó để đi làm một việc vô danh khác mà Ngài sẽ chỉ.

Đây thường là cách thức mà Thiên Chúa thường dùng để thanh luyện tự do cho con cái Ngài. Tự do để phóng túng không mục đích là điều dễ, nhưng tự do để sống ý nghĩa là điều khó cần được mài dũa và tập luyện. Thiên Chúa không thể trao cho một người sớm nắng chiều mưa theo sở thích một nhiệm vụ quan trọng cần lắng nghe và quyết định. Nếu ai chỉ đi tìm thoả mãn cho bản thân, ắt hẳn họ không thể chấp nhận một lối huấn luyện như thế. Nhưng ngược lại, một người mong trở nên một khí cụ sắt bén để cống hiến cho con người, thì họ sẵn sàng đón nhận những cắt tỉa và uốn nắn, dù đôi khi kinh nghiệm ấy không phải là ngọt ngào.

Thánh Phan-xi-cô Xavier quen thuộc của chúng ta đã có kinh nghiệm được cắt tỉa và uốn nắn như thế. Từ một sinh viên xuất sắc, phóng túng và tài hoa của đại học Paris thích tìm vinh danh cho riêng mình, ngài đã trở nên một người loan báo Tin Mừng cho các xứ sở xa xôi, nhờ lời nhắc đi nhắc lại của Thánh I-nhã: “được cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì”. Phan-xi-cô đã từ từ được biến đổi nhờ Linh Thao và trò chuyện thiêng liêng, để rồi ngài chuyển sự hăng say tìm kiếm lợi lộc sang hăng say tìm kiếm lợi ích cho các linh hồn.

Thiên Chúa ban mọi sự tốt lành cho con người và Ngài cũng muốn con người sử dụng những điều ấy cách tốt lành. Sự giàu có về của cải sẽ đẹp biết bao khi nó giúp cho con người có thêm giàu có về tự do. Xin Chúa giúp chúng ta biết cách sử dụng của cải để mua lấy sự tự do của phẩm giá con người và con Chúa.


Hà Thanh Bình







All the contents on this site are copyrighted ©.