2011-06-30 13:37:01

THẾ GIỚI BÊN KIA MỚI LÀ CUỘC SỐNG VĨNH CỬU


Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XII diễn ra tại thủ đô Paris từ chiều thứ năm 21-8 đến sáng Chúa Nhật 24-8-1997, với sự hiện diện phúc lành của Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005).

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XII dành chỗ đứng xứng đáng cho các bạn trẻ tàn tật.

Chiều thứ năm, 21-8, hàng trăm bạn trẻ tàn tật thể lý và tâm thần được ngồi tại lối vào quảng trường Champ-de-Mars, giữa toán người thiện nguyện và tháp tùng.

Một trong số các bạn trẻ tàn tật có mặt hôm ấy là François Jaud, người Pháp. Kinh nghiệm Ngày Quốc Tế Giới Trẻ để lại nơi anh niềm hy vọng mênh mông, giúp anh chấp nhận thử thách tàn tật. Xin nhường lời cho anh Francois Jaud.

Nhân một buổi họp mặt giữa các bạn trẻ Công Giáo trong vùng, tôi được mời chia sẻ kinh nghiệm tàn tật của mình. Còn đang nói, bỗng một bạn trẻ cắt ngang và đột ngột hỏi tôi:
- Làm thế nào, với tất cả hoạn nạn xảy đến trong đời bạn, với cái tàn tật thể xác của bạn, bạn vẫn giữ được niềm hạnh phúc sao?

Nhìn thẳng người cật vấn tôi điềm tĩnh trả lời:
- Trông bên ngoài, hẳn bạn có lý, vì tôi có đủ lý do để than van ca thán. Nhưng, sở dĩ tôi tiếp tục yêu đời và vui sống, vì tôi là tín hữu Công Giáo. Tôi thâm tín rằng: trần gian chỉ là chặng đường chóng qua. Thế giới bên kia mới thật là cuộc sống vĩnh cửu. Sống với THIÊN CHÚA. Niềm tin này thật sự được củng cố sau cái chết của Benoit, bào huynh thân yêu của tôi. Anh tôi tiếp tục sống, nhưng sống một cách khác, thế thôi!

Dĩ nhiên cái tàn tật thể xác đè nặng trên tôi. Nhưng không phải THIÊN CHÚA muốn thế. Ngài luôn luôn yêu thương chúng ta. Đức Chúa GIÊSU càng ở gần tôi hơn khi các bắp thịt cứ dần dần teo lại. Cho đến năm 10 tuổi, tôi sống bình thường như bao trẻ nhỏ khác. Nhưng rồi, tôi thấy mình dễ bị mệt và không theo được môn thể thao thể dục. Khám bệnh, vị bác sĩ chuyên về trẻ em loan báo cho cha mẹ tôi biết tôi bị chứng trướng-cơ, loại trầm trọng, và tôi sẽ không sống quá 20 tuổi ..

Năm nay tôi 29 tuổi. Cơn bệnh lan từ từ. Mặc dầu không đi được và sức mạnh của hai cánh tay giảm dần, nhưng tôi chưa hoàn toàn bị tê liệt. Tôi vẫn còn điều khiển được những cử động chính yếu.

Trên chiếc ghế lăn, kẻ tàn tật trở thành một người ngồi. Bạn nhìn thế giới với nhãn quan khác. Để nói chuyện với người chung quanh, bạn phải ngẩng đầu lên. Đây là tư thế không mấy thoải mái, nhất là khi cuộc đối thoại kéo dài lâu giờ. Trong chiếc ghế lăn, bạn trở thành đối tượng cho những kẻ tò mò. Trong chiếc ghế lăn, bạn tùy thuộc vào người khác. Đang đi, bỗng có ba bậc cấp. Bạn phải ngừng lại và chờ đợi ai đó sẵn sàng giúp bạn!

Khi bạn tự mình bước lên các bậc cầu thang, tự mình đi ngủ, tự mình thức dậy, bạn sẽ không hềng tượng ra những vấn đề của người tàn tật!

Thế nhưng, chiếc ghế lăn bỗng trở thành - một cách nào đó - trung tâm của tình liên đới. Rất thường khi, người thiện nguyện bỗng xuất hiện khi tôi lâm vào tình cảnh lúng túng:
- Anh đợi một chút, tôi sẽ giúp anh một tay!

Ngày nay tôi nhận ra rằng:
- Cái tàn tật không hề cắt đứt tôi khỏi liên hệ với người khác. Trái lại, mối quan hệ được củng cố và duy trì.

Một tuần trước Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, giáo xứ tôi tiếp rước 5 bạn trẻ người Mali (Phi Châu). Một trong 5 người ngụ tại nhà tôi. Chúng tôi tham dự các sinh hoạt do giáo phận đề nghị. Vào chính Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, chúng tôi 5 người trẻ của giáo xứ cùng đến thủ đô Paris. Lòng tôi cảm thấy phập phồng lo âu. Tôi tự hỏi: ”Cái gì sẽ xảy ra? Mình sẽ sống như thế nào trong những ngày ấy?”

Nhưng rồi, mọi lo âu tan biến. Chúng tôi trải qua tuần lễ ”Quốc Tế Giới Trẻ” vô cùng tuyệt diệu. Tôi di chuyển với mọi người và như mọi người, nhờ những bàn tay thiện nguyện luôn sẵn sàng giúp đỡ. Tôi đi métro, lên cầu thang 30, 40 bậc cấp, không sao cả! Tôi tham dự tất cả sinh hoạt của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ: từ Thánh Lễ khai mạc đến các buổi học giáo lý, rồi tiếp đón Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và các Thánh Lễ do chính Đức Thánh Cha chủ sự.

Giờ đây tôi cảm thấy Đức Tin được củng cố và cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn trong tư cách là người và là tín hữu Công Giáo. Tôi cảm thấy thúc dục phải hoạt động để lôi kéo nhiều người đi vào con đường tin tưởng và hy vọng, cùng chung xây một xã hội tràn đầy tình thương.

... ”Thú vị thay được tạ ơn THIÊN CHÚA, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, đưc tuyên xưng Tình Yêu của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya, hòa điệu sắt cầm gieo trầm bổng, nhè nhẹ vấn vương khúc tỳ bà. Lạy Chúa, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ, thấy việc tay Ngài làm, con phải reo lên: Lạy Chúa, công trình Ngài xiết bao vĩ đi, tư tưởng Ngài thâm thúy lắm thay!” (Thánh Vịnh 92,2-6).

(”Annales d'Issoudun”, Juillet+Aout/1998, trang 10-11)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.