2011-06-27 11:53:09

LINH MỤC ĐƯỢC HỒNG PHÚC PHỤC VỤ TÙ NHÂN


... Chứng từ của Cha Jan Racquet, người Bỉ, dòng Khiết Tâm Đức Mẹ MARIA (Thừa Sai Scheut). Cha là Linh Mục Tuyên Úy cạnh các tù nhân.

Khi đứng trước các bức tường của một nhà giam bạn khó có thể tưởng tượng được những gì diễn ra bên trong nhà tù. Nơi nhà giam Saint-Gilles ở thủ đô Bruxelles người ta gặp các tù nhân đến từ năm châu bốn bể: Phi Châu, Á Châu, Châu Mỹ La Tinh, Đông Âu, người Bỉ gốc Marốc và có cả người Bỉ nữa. Đa số các tù nhân ở lứa tuổi từ 18 đến 40. Tất cả đang chờ ngày xét xử. Nhiều người rơi vào vòng lao-lý chỉ vì tìm kiếm một cuộc sống khá hơn tốt đẹp hơn ở Tây Âu, vùng đất được mơ ước từ rất lâu nay! Thế là người ta hiểu ra rằng đã có không biết bao nhiêu người sẵn sàng liều chết chỉ vì họ không có gì để mất cả!!!

Nỗi khó khăn lớn lao nhất nơi nhà tù Saint-Gilles chính là cái rào-cản của ngôn ngữ. Rất nhiều tù nhân không biết một câu tiếng Pháp hay tiếng Anh. Nhân viên canh tù lại không phải là chuyên viên sinh ngữ! Vậy thì chỉ còn cậy nhờ nơi các Linh Mục Tuyên Úy để thông dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức hoặc Tây Ban Nha.

Điều mà các tù nhân đau khổ nhất chính là không được liên lạc với gia đình, đặc biệt trong những tuần lễ đầu tiên, những tháng đầu tiên. Rất thường khi gia đình không hay biết về việc họ bị mất tích hay bị tù tội. Hoặc là vì gia đình không có đường dây điện thoại. Hoặc là vì họ không có tiền để gọi điện thoại cho gia đình. Nhiều người không có cả cái địa chỉ để gởi thư qua đường bưu điện. Thế là họ rơi vào thảm trạng bị cô lập hoàn toàn.

23 trên 24 giờ đồng hồ các tù nhân bị nhốt trong một cái phòng nhỏ xíu. Đôi lúc còn bị giam chung với tù nhân khác không cùng ngôn ngữ. Họ không có Radio và cũng không có tiền để xem Truyền Hình.

Chính vì thế mà một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của vị Linh Mục Tuyên Úy là giúp các tù nhân liên lạc với gia đình. Nhờ đó mà tránh được cái cảnh các tù nhân trở thành những tên hung dữ cộc cằn vũ phu trong thời gian bị giam cầm.

Nhờ các cuộc thăm viếng thường xuyên, sự hiện diện của vị Linh Mục Tuyên Úy là nguồn suối an ủi lớn lao nhất cho các tù nhân. Các ngài thoa dịu nỗi cô đơn và trao ban hơi ấm tình người. Các buổi trò chuyện nơi phòng giam và các buổi cử hành phụng vụ có âm nhạc thích hợp đi kèm là những liều thuốc thần dịệu giúp các tù nhân sống những ngày tù tội trong an bình thanh thản.

Ngay khi nhận ra các Linh Mục lưu tâm chăm sóc yêu thương họ, tức khắc họ cởi mở tâm lòng và ý thức về dĩ vãng buồn thương của họ. Họ bắt đầu kể lại những gì không ổn xảy ra trong đời sống họ. Khi ấy, nếu vị Linh Mục Tuyên Úy biết lắng nghe và biết im lặng thì có thể làm được nhiều Phép Lạ! Phải biết rõ ngọn nguồn câu chuyện cuộc đời các tù nhân để có thể cảm thông các yếu đuối của họ. Chúng tôi - Linh Mục Tuyên Úy - chúng tôi không thể tìm ra giải pháp nhưng chúng tôi có thể giúp các tù nhân tìm lại ý nghĩa cuộc đời. Khi ấy họ nhắm tới hướng đi mới để bắt đầu lại cuộc đời sau khi mãn hạn tù.

Thông thường chúng tôi không được tin tức gì sau khi các tù nhân rời nhà giam. Nhưng chúng tôi tin rằng, kinh nghiệm được cảm thông và cùng nhau san sẻ tình bạn chân thành sẽ còn lại mãi nơi tâm tư của các cựu tù nhân. Và nhất là các cựu tù nhân sẽ hiểu rằng tiền bạc không mang lại hạnh phúc!

Tôi cảm thấy thật an ủi khi được hồng phúc phục vụ các tù nhân. Tôi tri ân Hội Dòng Thừa Sai Scheut đã giao cho tôi trách vụ Tuyên Úy các tù nhân và như thế tôi có cơ hội sống kinh nghiệm truyền giáo cạnh các anh chị em tù nhân thân yêu.

... Khi Con Ngưi đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Ngưi và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên và dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ”Nào những kẻ CHA Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưng Vương Quốc dọn sẵn cho các con ngay từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các con đã cho ăn; Ta khát, các con đã cho uống; Ta là khách lạ, các con đã tiếp rước; Ta trần truồng các con đã cho mặc; Ta đau yếu, các con đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các con đã đến hỏi han” (Matthêu 25,31-36)

(”CHRONICA CICM”, Bulletin mensuel, 81e Année, No. 2, Mars 2011, trang 43-45)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.