2011-02-14 16:09:35

Kỷ niệm 80 năm thành lập đài phát thanh Vaticăng


Phỏng vấn Linh Mục Federico Lombardi, Tổng giám đốc đài Vaticăng về kỷ niệm 80 năm thành lập đài

Lúc 16 giờ 30 chiều ngày 12-2-1931, tức cách đây 80 năm, khoa học gia Gugliemo Marconi trao micro cho Đức Giáo Hoàng Pio XI để ngài khai trương đài phát thanh Vaticăng. Mở đầu sứ điệp trực tiếp truyền thanh, Đức Pio XI đã nói bằng tiếng latinh và mời gọi mọi người: ”Hỡi các dân tộc ở xa, hãy nghe và hãy lắng nghe... ”. Bầu khí buổi lễ khai trương đài phát thành Vaticăng đã rất là cảm động, vì đây lần đầu tiên tín hữu nhiều nơi trên thế giới có radio có thể nghe được tiếng vị Chủ Chăn của Giáo Hội hoàn vũ.

Hai sinh viên người Etiopi đang theo học tại Roma đã xin được đọc bản tin tóm tắt sứ điệp của Đức Thánh Cha bằng tiếng mẹ đẻ trên đài phát thanh mới được thành lập. Thế là ngoài các thứ tiếng âu châu thông dụng, chương trình phát thanh bằng nhiều thứ tiếng khác nhau bắt đầu với tiếng Amarico và Tigrino và ngày nay có thêm các thứ tiếng Swahili, Pháp, Anh, Bồ Đào Nha cho đại lục Phi châu, tổng cộng mỗi ngày 9 giờ phát thanh trên làn sóng ngắn.

Ngoài ra, từ một năm nay, cũng còn có các tin tức liên quan tới Phi châu được liên tục cập nhật và đăng trên địa chỉ liên mạng bằng tiếng Ý của đài.

Sau 80 năm thành lập đài Vaticăng hiện nay hằng ngày phát các chương trình bằng 40 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có chương trình tiếng Hoa và tiếng Việt, trên các làn sóng ngắn, các làn sóng trung bình, làn sóng địa phương FM, trên các kênh kỹ thuật số hệ thống Dab Plus và hệ thống liên mạng. Hai chương trình có giờ phát dài nhất là tiếng Hoa 45 phút và tiếng Việt 42 phút. Ngoài ra hướng về Á châu còn có 5 thứ tiếng Urdu, Hindi, Tanil, Malayalam và Anh cho Ấn Độ; A rập cho vùng Tiểu Á, Trung Đông, Bán đảo A rập và Bắc Phi; và Nhật Bản cho Viễn Đông trên địa chỉ liên mạng.

Tại Roma, chỉ với một chiếc radio nhỏ, có thể theo dõi các chương trình khác nhau dài từ 15 đến 30 phút gồm phần tin tức thế giới, các sinh hoạt và sứ điệp của Đức Thánh Cha và của các Giáo Hội địa phương.

Chương trình tiếng Ý cho vùng Roma và toàn nước Italia là một trong các dấn thân của đài ngay từ ban đầu, tuy bị hạn chế vì gặp nhiều khó khăn.

Việc phát các chương trình trên các làn sóng trung bình và làn sóng ngắn đã bị giảm bớt nhiều vì vấn đề ô nhiễm sóng điện. Tuy đài phát thanh truyền hình của Italia đã hủy bỏ các cơ cấu phát sóng ngắn ra nước ngoài, nhưng đài Vaticăng vẫn tìm nhiều phương thế khác nhau để khiến cho tiếng nói của Đức Giáo Hoàng tới với tất cả mọi người, trong đó có cả các thính giả Ý sống ở ngoại quốc. Trong khi tại Italia và các nước âu châu các làn sóng ngắn - gia tài qúy báu do kỹ sư Marconi và các thế hệ khoa học gia đầu tiên để lại - vẫn cho phép bắt được mọi chương trình bằng tiếng Ý một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay đài Vaticăng còn có chương trình tiếng Ý một không năm (105) phát trực tiếp, có thể nghe được từ khắp nơi trong nước Italia nhờ hệ thống Eurodab Italia.

Để kỷ niệm sinh nhật thứ 80 của đài Vaticăng chiều ngày 11-2-2011 đã có cuộc họp báo trong Viện Bảo Tàng Vaticăng dưới sự chủ toa qủa Đức Hồng Y Giovanni Lajolo, Thống đốc quốc gia thành phố Vaticăng. Phát biểu trong dịp này Đức Hồng Y Lajolo nói: Đài phát thanh Vaticăng là ”một đại gia đình vô biên giới. Trong sự đa diện của các nền văn hóa và ngôn ngữ, tất cả mọi người đều là anh chị em với nhau và diễn tả một sức mạnh lớn lao cho hòa bình. Thời gian đài Vaticăng thành hình đã là các năm có các chế độ độc tài áp bức và khước từ quyền tự do tôn giáo. Trong bối cảnh đó đài Văticăng được coi như dụng cụ thích hợp nhất, và thường khi duy nhất, để phổ biến sứ điệp của đức tin và sự tự do có khả năng thắng vượt các biên giới bị đóng kín, và vào trong các tư gia và các nơi còn tiếp tục vun trồng niềm hy vọng có các thời gian tốt lành hơn, thường khi trong lén lút và đôi khi phải liều cả mạng sống nữa. Sau Công Đồng Chung Vaticăng II đài Vaticăng được khích lệ và mời gọi tiếp tục tham gia ngày càng hữu hiệu hơn vào sứ mệnh rao truyền Tin Mừng và hướng dẫn luân lý của Đức Giáo Hoàng trong thế giới ngày nay.

Lên tiếng trong buổi họp báo, Linh Mục Federico Lombardi, Tổng Giám đốc đài phát thánh Vaticăng, nhấn mạnh rằng cộng đoàn nhân viên tiếng nói của Đức Thánh Cha được kêu mời cộng tác với Đức Giáo Hoàng và nhiệm vụ đặc thù của người, làm sao để thông truyền một cách hữu hiệu, với một thứ ngôn ngữ rõ ràng và dễ hiểu, hầu đến với biết bao nhiêu người và đánh động tâm trí của họ. Vì thế cần phải thấm nhuần sứ điệp nhận lãnh, biến nó thành của mình để có thể diễn tả ra một cách sống động và đáng tin cậy, với các ngôn ngữ, kiểu diễn tả và kỹ thuật thích hợp. Ngày nay, có nhiều phương tiện giúp phổ biến sứ điệp của đài. Cùng với các làn sóng còn có các móc nối vệ tinh, hệ thống liên mạng và nhiều phương tiện khác. Với 40 thứ tiếng khác nhau đài phát thánh Vaticăng là một trong những đài quốc tế phát các chương trình bằng nhiều thứ tiếng nhất thế giới. Sự phong phú này là một niềm hãnh diện đối với Tòa Thánh, là dấu chỉ sự đại đồng của Giáo Hội Công Giáo và sự trân trọng của Giáo Hội đối với các nền văn hóa khác nhau, cả khi chúng có bé nhỏ trên bình diện địa lý chính trị đi nữa. Đài phục vụ tất cả mọi người giầu nghèo, tự do và bị áp bức, già trẻ không phân biệt ai.

Đc Ông Peter Bryan Welles, đại diện Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tham dự lễ nghi kỷ niệm, nhấn mạnh rằng với các khả thể và kỹ thuật truyền thông tân tiến đài Vaticăng phải là một tiếng nói của Giáo Hội rộng mở cho thế giới, phản bác những người cho rằng Giáo Hội không có khả năng canh tân bên trong, chứng minh cho thấy ý muốn của Giáo Hội thanh tẩy chính mình. Đài Vaticăng phải là tiếng nói thăng tiến tự do tôn giáo trên thế giới, kêu gọi đối thoại và hòa hợp trong một thế giới ngày càng dùng thù hận và bạo lực để giải quyết các xung khắc.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị bài phỏng vấn Linh Mục Federico Lombardi, Tổng giám đốc đài Vaticăng, về 80 năm hoạt động của đài.

Hỏi: Thưa cha Lombardi, biến cố thành lập đài phát thanh Vaticăng có phải là một linh hứng nền tảng từ phía Đức Giáo Hoàng Pio XI hay không?

Đáp: Vâng. Nó gắn liền với linh hứng ban đầu, trong nghĩa Đức Giáo Hoàng Pio XI cảm nhận được tiềm năng, mà kỹ thuật cống hiến cho việc phục vụ của Tin Mừng và của Giáo Hội. Chính vì thế Đức Pio XI đã xin kỹ sư Marconi, hồi đó thuộc hàng lãnh đạo của giới khoa học và kỹ thuật Âu châu, tìm cách chế ra một dụng cụ thích hợp cho mục đích này.

Ngoài ra, Đài phát thanh Vaticăng nảy sinh trong bối cảnh xây dựng các cơ cấu độc lập của Quốc Gia Thành Phố Vaticăng. Định hướng đầu tiên của đài cũng có một ít ý nghĩa này, chứ không chỉ thuần túy là việc thành lập đài phát thanh như chúng ta hiểu ngày nay mà thôi. Nhưng dụng cụ đó đa năng, vì vậy ngay từ ban đầu đã rất là hữu hiệu. Và đài Vaticăng cũng là dụng cụ Đức Giáo Hoàng có thể dùng để nói với toàn thế giới. Và đúng thế, vì lễ khánh thành Đài đã bắt đầu với sứ điệp Đức Thánh Cha gửi cho toàn thế giới qua làn sóng phát thanh.

Hỏi: Đây là bưc đầu của một lịch sử dài, có phải thế không thưa Cha? Vy đâu đã là các điểm ý nghĩa nhất trong lịch sử dài này?

Đáp: Cần phải chú ý đến sự kiện đài Vaticăng khai sinh vào thời các chế độ độc tài phát triển mạnh, nghĩa là trong các năm có các hạn chế tự do, kể cả tự do tôn giáo của các Giáo Hội. Vì thế đài phát thanh cho thấy ngay nó là dụng cụ nối liền con tim của Kitô giáo với các Giáo Hội địa phương, cũng như với những ai gặp khó khăn trong việc liên lạc với những người ở bên kia biên giới bị đóng kín. Điều này đã có giá trị ngay trong thời chiến tranh và tiếp theo đó với sự phát triển của các chế độ cộng sản.

Có một điểm rất vinh quang nữa trong lịch sử đài Vaticăng của chúng tôi đó là trong thời đệ nhị thế chiến đài Vaticăng đã không chỉ phát đi các sứ điệp của Đức Pio XII, mà còn trợ giúp văn phòng mà Đức Giáo Hoàng đã muốn thành lập để giúp tìm các tù nhân và người thất lạc vì chiến tranh. Văn phòng này đã dùng Radio Vaticăng như dụng cụ chính để tìm các tù nhân và người thất lạc. Đây là việc phục vụ khổng lồ trong ý nghĩa cũng như trong số lượng thời giờ dành cho việc liên lạc và tìm kiếm, với hơn 1 triệu sứ điệp được nhắn gửi qua làn sóng của đài.

Thế rồi còn có việc gia tăng các phương tiện mạnh hơn để cho tiếng nói của Đức Thánh Cha có thể đến với toàn thế giới. Các chương trình trong các thứ tiếng khác nhau hiện nay lên tới 40 thứ tiếng. Đài Vaticăng cũng trở thành lưu động với các chuyến công du đó đây trên thế giới của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Rồi tới việc dùng các vệ tinh và mạng lưới Internet để phát các chương trình, và nhờ đó mà các đài địa phương trên khắp thế giới có thể phát lại các chương trình của đài Vaticăng. Và hiện nay có hơn 1.000 đài phát thanh địa phương phát lại các chương trình của đài Vaticăng.

Hỏi: Thưa Cha, việc phục vụ này tốn kém như thế nào? Nhất là vì vì đài không qung cáo để có ngân khoản như các đài phát thanh tư khác?

Đáp: Nói rằng đài Vaticăng không nhận quảng cáo thì cũng không chính xác. Từ vài năm nay chúng tôi cũng bắt đầu nhận quảng cáo. Tuy nhiên, cần phải chú ý tới bản chất đặc biệt của đài phát thanh Vaticăng. Không có khó khăn liên quan tới nguyên tắc giáo lý, nhưng có chướng ngại cụ thể của sự không thích đáng của việc quảng cáo đối với công tác phục vụ đa văn hóa và trực tiếp hướng tới nhiều tầng lớp thính giả khác nhau trên toàn thế giới như vậy.

Hiện nay chúng tôi có một kênh cho vùng Roma, gọi là One-O-Five, một không năm với một chương trình tiếng Ý và một lớp thính giả dễ nhận diện hơn. Chúng tôi cũng đã nhận diện một loại quảng cáo, liên quan tới các cơ cấu hay việc phục vụ, có thể thích ứng được. Dầu sao đi nữa, phần đóng góp này cũng không định đoạt đối với các đòi hỏi kinh tế, với các chi phí khoảng 20-30 triệu Euros mỗi năm của một tổ chức có khoảng 350 nhân viên, cộng thêm các cộng sự viên bên ngoài nữa. Ngoài ra còn có các chi phí cho việc đầu tư vào các máy móc kỹ thuật. Qũy Tòa Thánh yểm trợ đài Vaticăng như trợ giúp tài chánh cho các cơ quan khác của Giáo Hội.

(Avvenire 9-2-2011)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.