2010-11-19 11:14:05

Từ Một Lần Gặp Gỡ (6): NHÌN XEM VÀ SUY XÉT


Các bạn trẻ thân mến,

Qua những kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống, người ta có thể dự đoán được những gì sắp xảy ra chung quanh của mình. Thật thế, hiện tại bắt nguồn từ quá khứ và tương lai là kết tinh của hiện tại. Vì vậy, quan tâm và định hình cho tương lai ngay từ trong hiện tại là điều nhất thiết nên làm. Tuy nhiên, nếu tương lai được cho là đồng nghĩa với tiền – tài – danh – vọng thì phải chăng chúng ta chỉ quan tâm đến một góc nhỏ của toàn bộ cuộc sống này?

Đức Giê-su đã gặp gỡ đám đông và Ngài quở trách họ chỉ lo tìm lợi danh, mà quên ưu tư về ý nghĩa của cuộc đời và của thời đại. Ngài gọi họ là những kẻ đạo đức giả, và nói với họ rằng: “cảnh sắc đất trời thì các người biết nhận xét, còn thời đại này sao các người không biết nhận xét?” (Lc 12, 56). Ngài công nhận là họ có khả năng đưa ra những nhận định về chuyển biến bên ngoài liên quan đến các hiện tượng, nhưng Ngài chất vấn họ về chính hiện hữu của họ. Điều này đưa họ đến chỗ tự vấn về ý nghĩa đời người của chính họ và của cả thời đại họ sống. Phải chăng cuộc sống này chỉ là quan sát hiện tượng để tuỳ cơ ứng biến? Phải chăng những giá trị nhân văn của con người chỉ đóng vai trò thứ yếu? Phải chăng thành công về mặt xã hội mới quan trọng, còn thành công về mặt nhân cách chỉ là điều phụ thêm? Ngoài ra, phải chăng cuộc sống của một con người chỉ gói gọn trong ba vạn sáu nghìn ngày, sau đó bị xoá sổ vĩnh viễn mà không còn một sự sống nào khác?

Các bạn trẻ thân mến,

Chất vấn mà Đức Giê-su đặt ra cho người ta hai ngàn năm trước, Ngài cũng đặt ra cho chúng ta và mời chúng ta suy nghĩ ngày hôm nay. Với tư cách là những người trẻ, chúng ta mang trong mình sự năng động và nhạy bén trước những hiện tượng đang diễn ra. Tuy nhiên, Giê-su còn mời chúng ta đi xa hơn những gì là hiện tượng, những gì có thể bên ngoài. Thật vậy, bất cứ vấn đề gì, đàng sau bề nổi của những hiện tượng là cả một khối băng chìm. Bằng sự năng động và nhạy bén của tuổi trẻ, chúng ta ước mong khám phá sâu xa hơn những gì trước mắt chúng ta. Ngày nay, có quá nhiều điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Trong tương quan giữa người với người, dường như thay vì phải tăng thêm, người ta lại ngày càng ít tin tưởng nhau hơn. Hiện tượng thì có nhiều, và chính chúng ta cũng cảm nhận được điều đó. Hàng thật và hàng giả lẫn lộn làm chúng ta không thể tin được những lời người ta nói. Vì tư lợi, người ta sẵn sàng tạo ra những con số và tình huống tưởng như là thật nhưng thật ra không phải thế. Hoặc người ta sẵn sàng lừa nhau nhau cả đối với bạn bè và người thân. Hiện tượng là thế, nhưng đâu là nguyên nhân?

Ngày nay, ai trong chúng ta không đặt vấn đề về đạo đức làm người, cách riêng đạo đức trong môi trường giáo dục? Trong môi trường công việc, có bao nhiêu người còn cảm thức về đạo đức nghề nghiệp? Dường như người ta “chuộng” tiền của hơn là lương tâm. Trong các trường học, bảng hiệu “tiên học lễ hậu học văn” vẫn được treo ở vị trí xứng đáng của nó. Thế nhưng bao nhiêu phần trăm trong nội dung và lớp học thực hiện điều này? Hiện tượng là những gì chúng ta đang thấy: trong một khoảng thời gian ngắn, biết bao vụ học sinh đánh nhau, ngay cả giết nhau ngay trong sân trường.

Là những người trẻ với nhiệt huyết và trái tim, chúng ta không thể không ưu tư về những điều ấy. Chúng ta không thể chỉ nhìn những hiện tượng rồi bỏ qua, không thể chỉ ngồi oán trách và đổ lỗi, nhưng chúng ta được mời gọi tìm hiểu tận nguyên nhân sâu xa của nó. Hơn thế nữa, chúng ta được mời gọi dấn thân nhiều hơn để làm cho cuộc sống đúng là cuộc sống của con người với đầy đủ nhân cách và đáng quý trọng. Và dĩ nhiên, điều rất thích hợp và ích lợi là chọn điểm bắt đầu ngay từ chính bản thân chúng ta. Thế giới này cần những lời chứng về lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa và vào người khác, cần lòng đạo đức của chúng ta trong tư cách là con người và là con Thiên Chúa, cần sự chân thật và khiêm tốn của chúng ta, đặc biệt trong những hoàn cảnh phải chấp nhận sự hy sinh.

Thực ra, chúng ta không có mẫu nào khác ngoài mẫu Giê-su. Ngài đã gặp và chất vấn thời đại của Ngài, nhưng Ngài không làm ngơ sau khi đã chỉ cho người ta thấy điểm yếu của họ. Chính Ngài đã dấn thân bằng cả lời nói lẫn việc làm để mang lại sự thật, sự sống và niềm hy vọng cho con người. Để học được mẫu sống của Ngài, chúng ta không có cách nào khác ngoài việc gặp Ngài và nhờ Ngài dạy chúng ta. Từ trong tĩnh lặng để trò chuyện và gặp gỡ riêng tư với Ngài, chúng ta sẽ được khơi dậy lòng yêu mến và sức mạnh biến đổi từ ngay chính lòng chúng ta. Giê-su mời chúng ta nhìn xem và suy xét về những gì đang xảy ra như một dấu chỉ của thời đại để có thể làm một điều gì đó trước khi đã quá muộn. Ước gì lòng chúng ta được bừng cháy niềm khao khát tiến về Chân-Thiện-Mỹ để chúng ta có đủ nội lực làm biến đổi thế giới này.

Hà Thanh Bình







All the contents on this site are copyrighted ©.