2010-10-05 17:32:16

Cuộc trưng cầu dân ý độc lập cho miền Nam Sudan


Phỏng vấn Đức Cha Cesare Mazzolari, Giám Mục Rumbeck về cuộc trưng cầu dân ý độc lập cho miền Nam Sudan

Ngày 19-9-2010 các hoạt động viên và nghệ sĩ của 14 quốc gia thuộc nhiều đại lục đã tham dự một cuộc hòa nhạc với đề tài ”Một ngày cho Sudan”. Cuộc hòa nhạc đã diễn ra tại trường đua ngựa Circo Massimo của đế quốc Roma xưa kia ở Roma. Đây đã là sáng kiến của nhóm ”Sudan 365”, trong đó có ”Hội người Ý tranh đấu cho Darfur”, phối hợp với các tổ chức như ”Canh chừng các quyền con người”, ”Cứu Darfurt”, và các tổ chức bảo vệ nhân quyền khác. Trong số các ca sĩ tham dự đại nhạc hội ”Một ngày cho Sudan” ở Roma có các nhạc sĩ và danh ca nổi tiếng như Will Champion, Angelique Kidjo và Hugh Masakaela. Ngoài ra còn có phần trình diễn trống với sự hiện diện của Tony Esposito và các nhạc sĩ chơi trống của nhóm Circles Italia.

Buổi hòa nhạc ”Một ngày cho Sudan” nhằm mục đích lôi kéo sự chú ý của hàng lãnh đạo thế giới về nguy cơ của một cuộc nội chiến mới tại Sudan trong dịp trưng cầu dân ý liên quan tới sự độc lập của vùng Nam Sudan vào tháng giêng năm tới 2011.

Sudan rộng hơn 2 triệu 205 ngàn cây số vuông, có hơn 39 triệu dân thuộc ít nhất 16 bộ lạc khác nhau. Vùng Darfur gồm 7,5 triệu dân và miền Nam Sudan có 8,2 triệu dân. 70% dân Sudan theo Hồi giáo là quốc giáo, 25% theo các tôn giáo cổ truyền phi châu, và 5% theo Kitô giáo.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn số nhận định của Đức Cha Cesare Mazzolari, Giám Mục Rumbeck về cuộc trưng cầu dân ý độc lập cho miền Nam Sudan.

Hồi trung tuần tháng 9 vừa qua Đức Cha Mazzolari đã về Italia để phát động vài sáng kiến liên đới với Sudan, qua dự án đào tạo các giáo chức cho Sudan, do tổ chức phi chính quyền Cesar khởi xướng. Cesar là tổ chức phối hợp các hiệp hội liên đới với giáo phận Rumbeck của Đức Cha.

Đức Cha Mazzolari đã làm việc truyền giáo tại Sudan từ năm 1981 tới nay. Ngài đã từng chứng kiến biết bao nhiêu cảnh khổ đau của người dân miền Nam Sudan: nào là chiến tranh, hạn hán mất mùa, đói kém, chậm tiến, bệnh tật. Cuộc nội chiến tại Sudan đã bùng nổ nhiều lần và kéo dài từ 40 năm qua, khiến cho hàng trăm ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải sống kiếp tị nạn trên chính quê hương mình. Sau khi có các thỏa hiệp hòa bình giữa chính quyền Khartum và các lực lượng du kích quân miền Nam, giờ đây có thêm một khúc rẽ mới khác: đó là cuộc trưng cầu dân ý độc lập cho miền Nam Sudan, là vùng có đa số dân gốc Phi châu theo Kitô giáo hay đạo thờ vật linh; trong khi miền Bắc Sudan gồm người A rập theo Hồi giáo.

Hỏi: Thưa Đc Cha Mazzolari, Đức Cha nghĩ gì về cuộc trưng cầu dân ý liên quan tới sự độc lập của miền Nam Sudan vào tháng giêng năm 2011 ti đây?

Đáp: Chúng tôi đang tới gần ngày đó và chúng tôi tràn đầy hy vọng. Giấc mộng xem ra không thể đạt được đó giờ đây đang ở trong tầm tay của chúng tôi. Cả khi chúng tôi không thể che dấu các lý do gây ra sự âu lo rất lớn đối với những gì có thể xảy ra. Cần phải chú ý tới sự xảo quyệt và ý muốn của chính quyền Khartum, không muốn cho miền Nam Sudan được độc lập. Nhưng tôi vẫn lạc quan.

Hỏi: Thưa Đc Cha, ngưi dân đặt biết bao nhiêu hy vọng vào cuộc trưng cầu dân ý vào đu năm ti đây, nhưng tại sao chính quyền lại chưa xác định ngày giờ rõ rệt cho cuộc trưng cầu dân ý này?

Đáp: Ngày dự tính sẽ là mùng 9 tháng giêng năm 2011. Chúng tôi hơi chậm trễ, nhưng chắc chắn các địa điểm bỏ phiếu sẽ được mở cửa. Nếu có vấn đề chăng đó là con đường dẫn đưa chúng tôi tới điểm hẹn với lịch sử của miền Nam Sudan còn đầy khó khăn hiểm trở. Chúng tôi đã ghi nhận một phong trào liên lụy tới cả chính quyền Khartum và các nhóm của lực lượng vũ trang ”Đạo binh kháng chiến của Chúa” do ông Joseph Kony cầm đầu. Đạo binh này từng hoạt động tại miền Bắc Uganda nhưng đã bị đánh bật ra khỏi Uganda, và giờ đây chạy sang trú ẩn và hoạt động tại miền Nam Sudan. Người ta nhận thấy có mưu toan liên tục tạo ra bầu khí căng thẳng đối với dân chúng, kể cả với việc phân phát các loại vũ khí rất tối tân, và hối lộ lũng đoạn các cá nhận và các bộ tộc.

Có biết bao nhiêu đám lửa nhỏ đã được nhóm lên với mục đích gây lo sợ, hoảng hốt, bất an để ngầm nói với dân chúng rằng: đừng có tham dự cuộc trưng cầu dân ý.

Phía Bắc Sudan Arập cố ý làm cho cộng đồng quốc tế thấy một điều: họ muốn khẳng định rằng nếu không có chúng tôi, thì đất nước Sudan này sẽ không thể đứng vững. Cuộc trưng cầu dân ý chỉ gây rối loạn và làm nảy sinh ra một cuộc chiến vô tận mà thôi.

Để cho cuộc trưng cầu dân ý bị thất bại, chính quyền Khartum đang đầu độc tâm trí của biết bao nhiêu người trẻ Sudan thuộc bộ tộc Dinka. Họ là những người trẻ khỏe mạnh như trâu, nhưng không được học hành và giáo dục mở mang tâm trí, nên rất dễ bị tiền bạc và vũ khí cám dỗ, bởi vì sau bao năm chiến tranh cảnh nghèo đói lan tràn khắp nơi và bởi vì không có thực phẩm cho mọi người.

Hỏi: Như thế có nghĩa là chiến thắng độc lập khỏi chính quyền Khartum là điều không chắc chắn, có phải thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Mặc dù người dân miền Nam Sudan bị nhiều cảm xúc, nhưng ý muốn thoát ly khỏi miền Bắc Sudan A rập rất là mạnh. Lý do cũng là vì sự tuyên truyền của chính quyền Khartum trình bày Sudan như là một nước đa văn hóa, đa tôn giáo, đa chủng tộc nhưng vẫn làm thành một quốc gia duy nhất. Thực sự ra không phải như thế. Bởi vì cho tới khi nào trong Hiến Pháp còn có luật Sharia được áp đặt cho tất cả mọi người, thì những gì chính quyền Khartum tuyên truyền đều không đúng sự thật. Cả khi luật Sharia Hồi giáo chỉ được áp dụng cho miền Bắc Sudan thôi, điều này cũng có nghĩa là người dân vẫn chỉ là nô lệ. Vì ngoài Hồi giáo ra, thì không có căn cước tôn giáo nào khác được thừa nhận. Tất cả các tôn giáo khác chỉ được dung thứ, chứ không có quyền được thừa nhận như Hồi giáo. Kể từ cuộc xâm lăng của Hồi giáo năm 1200 tới nay, trong biết bao nhiêu thế kỷ, người dân Sudan đã phải gánh chịu cảnh bất công này. Ngày nay người dân Sudan kiếm tìm căn cước của chính họ. Sự độc lập là một kiểu diễn tả rõ ràng ý chí đó, và không ai có thể cản ngăn được nữa. Dĩ nhiên, sẽ có khổ đau và khó khăn, nhất là khó khăn kinh tế, từ phía Bắc Sudan, vì nó sẽ bị cắt đứt khỏi các tài nguyên thiên nhiên của miền Nam Sudan, như mỏ dầu hỏa chẳng hạn. Nhưng tình hình cũng sẽ không dễ dàng đối với miền Nam Sudan.

Hỏi: Tình cảnh như hin nay có nguy cơ làm nảy sinh ra một cuộc tranh chấp vũ trang mới hay không thưa Đức Cha?

Đáp: Bối cảnh hiện nay có thể làm nảy sinh ra nguy cơ nội chiến, nhưng Giáo Hội và phong trào xã hội dân sự đang cùng nhau giáo dục và đào tạo xã hội Sudan mới, và chúng tôi sẽ cố gắng để cho nguy cơ ấy đừng xảy ra. Bởi vì tranh chấp căng thẳng không trợ giúp xây dựng bầu khí an bình thanh thản cần thiết làm nền cho biến cố trưng cầu dân ý có tầm quan trọng và định đoạt đối với tất cả mọi người.

Hỏi: Việc đòi độc lập này của người dân miền Nam Sudan bị chính quyền Khartum lên án. Theo Đức Cha, hai miền Nam Bắc Sudan còn có thể cộng tác với nhau, hay sẽ có sự chia tay và mỗi miền đi theo con đường riêng của mình?

Đáp: Sự chia sẻ giữa hai miền Nam Bắc Sudan không còn nữa. Riêng đối với Giáo Hội, chúng tôi sẽ sống nỗi khổ đau như đã xảy ra trong vụ chia rẽ giữa Etiopia và Eritrea trước đây vậy. Thực tại chung cho cả hai miền Nam Bắc Sudan là sự nghèo túng. Dầu sao đi nữa chúng tôi cũng đang hoạt động ráo riết cho ngày trưng cầu dân ý vào tháng giêng năm 2011 tới đây và cho tương lai hòa bình của miền Nam Sudan. Chúng tôi muốn làm tất cả những gì có thể để tạo ra bầu khí an bình thanh thản.

Hỏi: Thưa Đức Cha Mazzolari, từ vùng Sừng Phi châu, chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng bùng nổ như mt đám cháy lan ra trong một vùng rộng lớn, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Vì thế chúng tôi rất âu lo. Các xung khắc đã tiếp tục. Cần phải làm mọi sự có thể để kiến tạo hòa bình trong vùng. Trái lại ở đây chỉ có các vũ khí tàn phá các nền văn hóa và đầu độc chúng với cảnh bạo lực.

(Avvenire 19-9-2010)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.