2010-09-28 17:44:27

Nạn đói trên thế giới


Ngày 14-9-2010 ông Jacques Diouf, giám đốc tổ chức Lương Nông Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc viết tắt là FAO, đã công bố bản tường trình 2010 liên quan tới nạn đói trên thế giới. Theo đó so với năm ngoài 2009 nạn đói đã giảm được 9,6%, nghĩa là số người đói đã giảm được 98 triệu trên tổng số 1 tỷ 20 triệu. Đây là lần đầu tiên kể từ 15 năm qua, số người đói giảm bớt trên thế giới. Tuy nhiên, trên trái đất này vẫn còn có 925 triệu người đói, trong đó có 578 triệu tại Á châu, 239 triệu tại Phi châu, 53 triệu tại châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi, 37 triệu tại vùng Trung Đông, và 19 triệu tại các nước phát triển. Như thế số người đói giảm 12% tại Á châu, 9,8% tại Phi châu, 12% tại tại Trung Đông, nhưng lại gia tăng 26% tại các quốc gia phát triển.

Cùng hiện diện trong buổi giới thiệu bản tường trình tại trụ sở Lưng Nông Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc ở Roma, có bà Josette Sheeran giám đốc điều hành tổ chức Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc và bà Yukiko Omura, phó giám đốc Ngận qũy phát triển nông nghệp quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Bà Omura nói: ”Người đói trên thế giới không phải là các con số, nhưng là các bản vị con người đang chiến đấu để nuôi nấng con cái của họ, là những người trẻ đang tìm cách xây dựng tương lai. Có sự kiện trớ trêu là đa số các người trẻ đó lại sống trong các vùng quê của các quốc gia đang phát triển. Nghĩa là 70% sống với lợi tức mỗi ngày dưới một mỹ kim. Hầu như có 1 tỷ người đói, trong đó 4 phần 5 là các nông dân. Và chính trong các vùng quê nghèo đó chìa khóa giúp giải quyết vấn đề là phản ứng lại các thay đổi của thị trường. Đó là đầu máy thứ nhất của việc phát triển”.

Ông Jacques Diouf, giám đốc tổ chức Lương Nông Quốc Tế, khẳng định rằng mỗi năm cần phải đầu tư 45 tỷ mỹ kim vào lãnh vực nông nghiệp để có thể đương đầu với nạn đói trên thế giới. Có thể có người cho rằng số tiền này nhiều qúa, nhưng nó chẳng là gì đối với 1.250 tỷ mỹ kim cho các chi phí quân sự hằng năm. Trong hội nghị thượng đỉnh về thực phẩm năm 1996 các quốc gia thành viên đã cương quyết giảm 400 triệu, tức phân nửa số người đói trên thế giới nội trong năm 2015.

Trong số các mục tiêu đề ra cho ngàn năm mới có việc giảm số người bần cùng từ 1,8 tỷ năm 1990 xuống 1,4 tỷ trong năm 2015, tức giảm 22%. Ngoài ra gia tăng số trẻ em được cắp sách đến trường tiểu học từ 70% năm 1990 lên 80% tức tăng 10%. Ngoài ra còn có các mục tiêu khác như giảm 10% số người đói, thăng tiến bình đẳng giữa hai phái nam nữ, cải tiến tình trạng sức khoẻ của các bà mẹ, bảo đảm khả năng chịu đựng của môi sinh, giảm số tử của trẻ em, và loại trừ bệnh Sida và các thứ bệnh tật khác.

Nhưng trên thực tế, dựa trên các kết qủa nhỏ nhoi đạt được trong hội nghị thượng đỉnh triệu tập trong các ngày từ 20 tới 22 tháng 9 năm 2010 mọi người đều nhận thấy cộng đồng quốc tế đã không đạt được các mục tiêu của ngàn năm thứ ba như trình bầy trên đây.

Bản tường trình năm 2010 nói trên của tổ chức Lương Nông Quốc Tế cũng cho biết 2 phần 3 tổng số người đói sống trong 7 quốc gia là Bangladesh, Cộng hòa dân chủ Congo, Etiopia, Indonesia, Pakistan và trong hai cường quốc kinh tế đang lên là Trung Quốc và Ấn Độ. Đường hầm đen tối nhất là thảm cảnh của các quốc gia ở miền nam sa mạc Sahara, trong đó một phần 3 tổng số dân bị đói, và người ta không có một viễn tượng sáng sủa nào.

Các tiến triển trong trận chiến chống nạn nghèo đói không đồng đều, nhưng thay đổi tùy theo nước. Trong hai năm 2005-2007 tại vùng Phi châu nam sa mạc Sahara, Congo, Ghana, Mali, và Nigeria đã đạt mục tiêu đầu tiên của Ngàn năm mới, trong khi Etiopia và các nước khác gần đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, số người thiếu dinh dưỡng tại Cộng hòa dân chủ Congo lại gia tăng 69%. Tại Á châu Armenia, Myanmar và Việt Nam đã đạt mục tiêu thứ nhất của Ngàn năm mới, trong khi Trung Quốc chỉ gần đạt mục tiêu. Bên Châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi thì có Guyanna, Giammaica, và Nicaragua đạt mục tiêu thứ nhất của Ngàn năm mới, trong khi Brasil gần đạt được.

Hội nghị thượng đỉnh triệu tập trong các ngày 20-22 tháng 9 năm 2010 tại New York nhắm mục đích gia tăng vận tốc cho con đường tiến tới các mục tiêu đã đề ra cho Ngàn năm mới. Và chiến dịch do ông Diouf phát động hồi tháng 5 năm nay đã quyên góp được 500.000 chữ ký nhằm thỉnh cầu các chính quyền trên toàn thế giới coi cuộc chiến chống nạn đói như ưu tiên tuyệt đối số một.

Trong cuộc họp báo giới thiệu bản tường trình ngày 14-9-2010 ông Diouf cũng cho biết cứ mỗi 6 giây thì có 1 trẻ em bị chết vì các vấn đề gắn liền với tình trạng thiếu dinh dưỡng. Vì thế nạn đói là một điều gây vấp phạm có chiều kích rộng lớn trên thế giới, và là điều không thể chấp nhận được. Sự kiện giá cả thưc phẩm gia tăng gần đây có thể ngăn cản một cách nghiêm trọng các nỗ lực đạt các mục tiêu của Ngàn năm mới.

Ngoài ra còn có sự kiện 20 tỷ mỹ kim do các cường quốc kinh tế hứa hẹn trong hội nghị thượng đỉnh của khối G8 tại L'Aquila vẫn chỉ nằm trên giấy tờ, mà chưa có đóng góp nào. Trong hội nghị thượng đỉnh tại Pittsburg khối G8 đã tăng lên 22 tỷ mỹ kim. Nhưng lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Cho tới nay đã chỉ có ngân qũy 425 triệu mỹ kim trong Ngân hàng thế giới. Số tiền này đã đươc dùng để trợ giúp cấp thới các nước Bangladesh, Pakistan, Rwanda, Sierra Leone và Togo. Và số tiền nói trên rất xa đối với 22 tỷ mỹ kim được hứa hẹn.

Đối với ông Jeremy Hobbs, giám đốc tổ chức Oxfam, là liên hiệp quy tụ 14 tổ chức phi chính quyền với 3.000 nhân viên hoạt động tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, sự giảm thiểu tùy thuộc nơi sự đồng phối hợp thuận tiện hơn là tùy thuộc các đường lối chính trị hữu hiệu. Một cuộc khủng hoảng thực phẩm khác sẽ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, nếu các chính quyền không đương đầu với các lý do gây ra hiện tượng này như: giá cả thực phẩm gia tăng, ít đầu tư cho lãnh vực nông nghiệp từ nhiều thập niên qua, các thay đổi khí hậu vv... Đối với tổ chức Oxfam cần phải có 37,5 tỹ mỹ kim mới có thể giảm phân nửa số người đói trên thế giới. Bà Elisa Bacciotti, giám đốc Oxfam phân bộ Italia, cho biết cần phải gia tăng sự trợ giúp cho nông nghiệp khoảng 3,4 tỷ mỹ kim. Trong năm 2008 Italia đã chỉ đóng góp 162 triệu mỹ kim, tức chỉ bằng 1 phần 4 ngân khoản đóng góp của Pháp. Để có ngân khoản cho các trợ giúp này mà không đè nặng trên ngân sách quốc gia, cần phải đánh thuế các vụ di chuyển tài chánh có thể giúp thu vào 650 tỷ mỹ kim.

Nạn đói tiếp tục là một thảm cảnh khiến cho hàng năm trên thế giới có 9 triệu người chết, nghĩa là mỗi tháng có 700.000 người, mỗi tuần có 170.000 người và mỗi ngày có 24.000 người chết vì không có gì để ăn.

Có nhiều lý do giải thích thảm cảnh nạn đói trên thế giới. Trước tiên là sự kiện chính quyền của các nước đang trên đường phát triển đổ ngân qũy cho việc mua sắm khí giới và trang bị quân trang quân dụng, nhưng dành rất ít tiền cho việc phất triển nông nghiệp và thăng tiến giáo dục, y tế và an sinh. Điển hình nhất là trường hợp của chính quyền cộng sản Bắc Hàn. Trong khi có tới 7 triệu người trên tổng số 23 triệu dân Bắc Hàn phải đói, thì nhà nước cộng sản liên tục phung phí hàng trăm tỷ mỹ kim hết năm này sang năm khác đế chế tạo các hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử, hầu đe dọa Nam Hàn, Nhật Bản, các quốc gia khác trong vùng và giương oai với thế giới. Ông Jean Pierre de Margerie, nhân viên cấp cao Chương trình thực phẩm thế giới của Liên Hiệp Quốc, cho biết năm ngoái 2009 gía thực phẩm tại thủ đô Bình Nhưỡng đã gia tăng gấp đôi và cao nhất kể từ năm 2004 đến nay. Năm 2007 gía một kg gạo là 700-900 đồng Won, nay vọt lên 2.000 đồng Won. Trong khi một kí thịt heo giá 5.500 Won, một kí khoai tây giá 5.000 Won, và mỗi qủa trứng gà giá 200 Won. Nhu yếu phẩm đã trở thành xa xỉ đối với đại đa số dân Bắc Hàn. Ngày nay, phải để ra một phần ba tiền lương mới mua được đủ gạo ăn trong mấy ngày. Giá cả thực phẩm mắc mỏ khiến cho người dân Bắc Hàn bị đói triền miên và làm mồi cho bệnh tật.

Khi phân tích các thống kê của nhà nước Bắc Hàn, tổ chức Lương Nông Quốc Tế nhận thấy trong năm 2007 Bắc Hàn đã chỉ sản xuất được 3 triệu tấn ngũ cốc gồm gạo, bắp, lúa mạch và khoai tây. Thêm vào đó các trận lụt hồi năm ngoái đã khiến cho mùa màng bị thất thu, giảm mất 25% tổng lượng lúa và 33% tổng lượng bắp. Tuy tình hình kinh tế và nông nghiệp tồi tệ như thế nhưng Nhà nước Bình Nhưỡng đã không bao giờ đề ra một đường lối chính trị thực phẩm dựa trên khả thể của đất đai; trái lại, vẫn dương dương tự đắc tuyên bố sự độc lập của mình, nhưng còn sống được là nhờ các trợ giúp của Nam Hàn và Trung Quốc. Trong khi một phần tư dân chúng chết đói, chính quyền cộng sản Bình Nhưỡng vẫn mê sảng theo đuổi dự án xây hệ thống đường hầm, nối liền các bức tượng kỷ niệm hai lãnh tụ, đồng thời sẽ được dùng làm các hầm trú khi xảy ra chiến tranh nguyên tử.

Trong hai năm qua sự kiện giá thực phẩm leo thang đã gây ra các vụ bạo động phản đối của dân chúng tại 30 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên Bắc Hàn không phải quốc gia duy nhất dốc đổ tiền bạc cho việc chế tạo vũ khí.

Đây cũng là đường lối chính trị của giới lãnh đạo nhiều nước nghèo Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh, dồn ngân qũy quốc gia cho việc mua sắm khí giới của các nước kỹ nghệ giầu, khiến cho cái vòng luẩn quẩn chiến tranh, nghèo đói, chậm tiến, bệnh tật và dốt nát cứ thế xoay nát tương lai hằng tỷ người trên thế giới.

Hiện tượng toàn cầu hóa thị trường khiến cho các nước kỹ nghệ giầu quyết bảo vệ các sản phẩm của mình và tìm kiếm thị trường nước ngoài, nhưng lại cấm vận sản phẩm của các nước nghèo. Bên cạnh đó còn cám dỗ dùng ngũ cốc để chế xăng sinh học, nghĩa là để cho người dân phải đói và nhường ngũ cốc cho các thứ máy móc và xe hơi. Nếu cuộc chiến ngày mai là nước uống, thì cuộc chiến hôm nay là thực phẩm. Đây là lý do khiến cho Trung Quốc tìm đất canh tác bên Brasil, Lào, Kazakistan, Tanzania, cộng hòa dân chủ Congo; Ấn Độ tìm đất canh tác bên Uruguay, Paraguay và vài nước Phi châu khác; Nam Hàn tìm đất canh tác ở miền Nam Sudan và Siberia; Ai Cập tìm đất canh tác bên Ucraine vv... Tất cả làm nảy sinh ra phong trào thực dân mới là thực dân thực phẩm, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường trong tương lai.

(Avvenire 15-9-2010)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.