2010-08-07 16:34:50

Chính sách cai trị thổ phỉ


Chiều ngày mùng 3-8-2010 hàng ngàn thường dân thuộc thị trấn Liên Giới (Lianjie) quận Uy viễn (Weijuan), tỉnh Tứ Xuyên đã tràn xuống đường phố chính và bao vây đồn cảnh sát địa phương trong nhiều giờ. Họ phẫn nộ ném gạch đá và lật đổ các xe ô tô của cảnh sát. Người dân thị trấn Liên Giới đã phẫn nộ nổi loạn vì cảnh sát đã đánh đập hai thường dân vô cớ: một phụ nữ dựng xe gắn máy trước một cửa tiệm và một thường dân khác tranh cãi với nhà thương. Tuy Nhà Nước ém nhẹm không cho tin tức vụ nổi loạn, nhưng người dân địa phương đã phóng tin và hình ảnh trên liên mạng Internet. Thế là chỉ trong tích tắc, thế giới biết cảnh hàng ngàn người dân nổi loạn.

Tại ”Trung Quốc vĩ đại của phép lạ kinh tế”, các vụ biểu tình phản đối Nhà Nước và xô xát với cảnh sát công an xảy ra như cơm bữa khắp nơi. Cũng giống như năm 2005, trong năm 2008 đã có hơn 87.000 vụ biểu tình phản đối Nhà Nước ăn cướp đất đai, bạo hành, lạm dụng quyền bính, gian tham hối lộ, ức hiếp bất công, khiến cho người dân thấp cổ bé miệng uất ức, không còn lối thoát nào khác ngoài việc xuống đường biểu tình, nổi loạn và xô xát với cảnh sát công an được chính quyền gửi tới để dẹp các vụ phản đối. Nỗi tuyệt vọng của nhân dân trước các bất công chồng chất khiến cho các cuộc xuống đường biểu tình thường kết thúc với các đụng độ gây ra cảnh đổ máu và tạo ra các uất ức mới, luôn âm ỉ cháy và chỉ chờ dịp là tái bùng nổ.

Điển hình như vụ hàng ngàn thường dân ở Cảng Khẩu (Gangkou) tỉnh Giang Tây, đã tấn công tòa thị sảnh và đụng độ với cảnh sát ngày mùng 5-7-2010. Dân chúng phản đối vì 300 công an cảnh sát võ trang chống biểu tình đã chặn mọi ngã đường ra khỏi thành phố, để ngăn cản họ đi đầu đơn phản đối lên chính quyền cấp cao hơn. Ai tìm cách phá vòng vây lọt ra ngoài, đều bị cảnh sát công an đánh đập tàn nhẫn.

Hồi tháng 6 năm 2009 cũng đã xảy ra chiến tranh trong thành phố Bách Thủ (Shishou), Hồ Bắc, khi 50.000 người đã đuống đường biểu tình và chiếm các đường phố để phản đối cái chết của một thanh niên làm việc trong một khách sạn có các quan chức của Nhà Nước lui tới. Cảnh sát phao tin là anh ta đã tự tử, nhưng gia đình đã tố cáo là anh ta bị giết.

Các vụ biểu tình phản đối bùng nổ khi dân chúng không có cách nào khác để đòi công lý, như trong nhiều thành phố bị ô nhiễm vì các chất sa thải của các nhà máy kỹ nghệ, nơi các giới chức chính quyền vô trách nhiệm không kiểm soát các hoạt động của các nhà máy này, hay đã nhận tiền hối lộ và làm ngơ trước các tội làm ô nhiễm môi sinh, gây bệnh tật chết chóc và thiệt hại cho dân chúng.

Ngày mùng 4-9-2008, mười ngàn dân tại Cát Thủ (Jishou) tỉnh Hồ Nam đã xuống đường biểu tỉnh đòi tiền bồi thường, vì bị một tổ chức gây qũy đã lừa đảo ăn cướp. Đã có 50 người bị thương và 20 người bị bắt giữ. Đoàn người biểu tình đã giận dữ ngăn chặn cả tuyến đường xe lửa.

Tại Ninh Ba (Ningbo) cuộc nổi loạn đã xảy ra khi một thanh niên làm việc trong một hãng địa phương bị ném qua cửa sổ và bị thương nặng. Ban đầu chỉ có 500 thường dân biểu tình phản đối, nhưng chẳng bao lâu số người biểu tình lên tới 10.000 người. Các vụ đụng độ với cảnh sát đã khiến cho 20 người bị thương và 10 người bị bắt giữ.

Từ nhiều năm nay mỗi ngày tại Trung Quốc đều xảy ra hàng trăm vụ nổi loạn và biểu tình phản đối Nhà Nước, vì các thành viên của đảng cộng sản và giới chức chính quyền địa phương gian tham hối lộ, ức hiếp nhân dân, không đếm xỉa gì đến các khẩu hiệu mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tung ra để ca tụng ”xã hội hòa hợp” và phát triển kinh tế cho tất cả mọi người. Hồi tháng 6 năm 2008 đã xảy ra một vụ nổi loạn thực sự chống lại Nhà Nước tại tỉnh Qúy Châu (Guizhou). Hàng chục ngàn dân đã tham gia cuộc nổi loạn đòi công lý cho một thiếu nữ bị Nhà Nước sát hại. Cảnh sát và các lực lượng chống biểu tình của quân đội Trung Quốc đã đàn áp đẫm máu đoàn biểu tình.

Tuy nhiên, lý do chính của 50% các vụ nổi loạn và xuống đường biểu tình của nhân dân Trung Quốc là vì Nhà Nước ăn cướp đất đai của họ. Đây đã là lời thú nhận của ông Trần Tích Văn (Chen Xiwen), phó giám đốc Văn phòng trung ương đặc trách tài chánh và kinh tế, trong một cuộc họp báo ngày 30-1-2007. Ông cũng cho biết là 30% các vụ nổi loạn và phản đối khác bắt nguồn từ sự kiện giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc gian tham thâm thụt của công, và 20% các vụ nổi loạn phản đối còn lại là vì lý do ô nhiễm môi sinh.

Thế mới biết đường lối chính trị của Nhà Nước Trung Quốc chỉ là chính sách thổ phỉ, và giới lãnh đạo cộng sản chỉ là một bọn cướp vô luân có quân đội công an cảnh sát chó nghiệp vụ và Hiến Pháp bảo vệ.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.