2010-07-01 16:33:22

Đức Thánh Cha viếng thăm mục vụ giáo phận Sulmona Valva


Giới thiệu chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại giáo phận Sulmona-Valva trung Italia

Chúa Nhật 4-7-2010 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ viếng thăm giáo phận Sulmona-Valva, nhân dịp kỷ niệm 800 sinh ra của Đức Giáo Hoàng Pietro Celestino V. Đây là chuyến viếng thăm mục vụ thứ 19 tại Italia.

Giáo phận Sulmona-Valva nằm trong vùng Abruzzo và Molise, trung Italia, rộng 1.814 cây số vuông, có 83.000 dân, gồm 76 giáo xứ với 80 linh mục cả triều lẫn dòng, 4 phó tế và 96 nữ tu. Trong giáo phận có 9 dòng nam và 18 dòng nữ hoạt động. Đức Giám Mục sở tại là Đức Cha Angelo Spina, 56 tuổi. Ngài là vị Giám Mục thứ 84 của giáo phận, sau vị Giám Mục thứ nhất là Gerunzio được chỉ định hồi năm 490.

Lúc 8 giờ 30 sáng Đức Thánh Cha sẽ đi trực thăng tới Sulmona, trung Italia, cách Roma khoảng 1 giờ bay. Sau lễ nghi chào đón lúc 10 giờ Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ và đọc kinh Truyền Tin với tín hữu tại quảng trường Garibaldi của thành phố.

Sau khi dùng bữa trưa và nghỉ ngơi vào ban chiều lúc 16giờ30 Đức Thánh Cha sẽ gặp các thành viên ban tổ chức cuộc viếng thăm và phái đoàn nhà tù Circondariale, gồm ông Giám đốc, Linh mục tuyên úy một số nhân viên và tù nhân. Tiếp đến Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ giới trẻ tại nhà thờ chính tòa và kính viếng thánh tích hai thánh Panfilo và Celestino V dưới hầm mộ nhà thờ. Lúc 17 giờ 45 Đức Thánh Cha sẽ lấy trực thăng trở về Roma. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm giáo phận Sulmona sau khi Đức Giáo Hoàng Pietro Celestino V qua đời năm 1296.

Từ ngày 28-8 năm 2009 tới ngày 28-8-2010 giáo phận Sulmona-Valva đang cử hành Năm Thánh kỷ niệm 800 thánh Giáo Hoàng Pietro Celestino V sinh ra.

Thánh Giáo Hoàng Pietro Celestino V sinh tại Molise giữa các năm 1209-1215. Năm 1230 người gia nhập dòng Biển Đức, rồi sống ẩn tu trong một hang núi trước khi về Roma để thụ phong linh mục năm 1233-1234. Giữa các năm 1235-1240 cha sống ẩn dật trên núi Morrone gần Sulmona. Cuộc sống chay tịnh cầu nguyện hãm mình ép xác và hương thơm thánh thiện của người lôi kéo tín hữu đến viếng thăm và phá vỡ bầu khí cầu nguyện nên cha Pietro trốn lên đỉnh núi Maiella và sống một mình trong cô tịch nhiều năm trời. Nhưng các người nghèo khổ, tật bệnh và tuyệt vọng vẫn tìm đến với người và được người an ủi giúp đỡ. Nhiều người ở lại theo kiểu sống ẩn tu và sẽ trở thành các tu sĩ đầu tiên trong dòng người thành lập sẽ được Đức Giáo Hoàng Urbano IV cho sát nhập vào dòng Biển Đức. Năm 1274-1275 cha sang Pháp gặp Đức Giáo Hoàng Gregorio X và dòng dược Đức Giáo Hoàng thừa nhận. Sau đó cha trở thành viện phụ tu viện Thánh Maria Faifoli ở Montagano vùng Campobasso hai năm. Trong các năm 1285-1293 cha Pietro sống nhiều nơi khác nhau trên núi Maiella. Năm 1291 cha trở thành Viện phụ tổng quyền dòng Chúa Thánh Thần ở Maiella. Năm 1293 cha triệu tập Tổng Tu nghị thứ IV và thông báo quyết định rút lui lên sống vĩnh viễn ở tịch liêu thánh Onofrio trên núi Morrone cho tới chết. Nhưng ngày 4 tháng 4 năm 1292 Đức Giáo Hoàng Nicolo IV qua đời. Các Hồng Y chia làm hai phe và không bầu được vị Giáo Hoàng mới. Vua Carlo II cũng can thiệp và lên núi Morrone gặp cha Pietro và xin cha viết một bức thư cho các Hồng Y mong các vị chấm dứt tình trạng góa bụa cho ”Hiền thê của Chúa Kitô”. Thế là các Hồng Y như được soi sáng bầu cha Pietro làm Tân Giáo Hoàng ngày mùng 5 tháng 7 năm 1294 trong mật nghị tại Perugia.

Lễ đăng quang diễn ra tại L'Aquila ngày 29 tháng 8 cùng năm và vị Tân Giáo Hoàng lấy tên là Celestino V. Các tranh giành quyền bính giữa hai gia đình quyền qúy Orsini và Colonna cũng như áp lực của vua Carlo II khiến Đức Celestino V thay vì ở Roma thì di chuyển giáo triều về Napoli. Bầu khí căng thẳng khó khăn và cảnh lộng quyền khiến Đức Celestino V nghĩ tới việc từ chức. Sau khi ban hành luật lệ liên quan tới việc này, ngày 13 tháng 12 năm 1294 Đức Celestino V tuyên bố từ nhiệm, xuống khỏi ngai, cởi bỏ nhẫn, mũ, áo choàng và mọi huy hiệu Giáo Hoàng để dưới đất và rời bỏ phòng họp trước sự xúc động sâu xa của các Hồng Y. Tuy rất muốn trở vể cuộc sống tịch liêu nhưng Đức Celestino bị Đức Tân Giáo Hoàng Bonifacio VIII giữ ở lại bên cạnh mình và qua đời ngày 19 tháng 5 năm 1296. Án phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Celstino V đã được tiến hành giữa các năm 1305-1307 và người đã được phong thánh ngày mùng 5 tháng 5 năm 1313. Năm 1327 di hài của người đã được rời về vương cung thánh đường Collemaggio.

Đức Cha Angelo Spina Giám Mục giáo phận Sulmona-Valva cho biết toàn giáo phận rất vui mừng vì chuyến viếng thăm này và trong các tuần qua đã chuẩn bị tinh thần để tiếp đón Đức Thánh Cha, bằng các buổi cầu nguyện canh thức, hội thảo và học hỏi giáo lý. Hồi thế kỷ XIII sau khi đăng quang tại L'Aquila, trên đường đi Napoli Đức Giáo Hoàng Celestino V đã ghé Sulmona và dâng thánh lễ trong nhà thờ chính tòa của giáo phận này, là nơi hiện cất giữ một số thánh tích của Đức Celestino V. Trong các thánh tích qúy nhất là một phần trái tim của thánh nhân. Ngoài ra còn có một đôi dép, một áo nhặm, một áo chùng, vớ, găng tay vv... Bên cạnh đó là Tự Sắc phong thánh và vài Tự Sắc mang chữ ký của thánh Celestino V, một cây thánh giá bằng gỗ rất đẹp. Đức Cha Angelo Spina còn cho biết năm ngoái trong chuyến viếng thăm l'Aquila ngày 28 tháng 4 năm 2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viếng thi hài thánh nhân và đặt một dây Pallium trên mộ thánh nhân.

Riêng trong năm Thánh Celestino này giáo phận Sulmona Valva đã có nhiều sinh hoạt, trước hết là cuộc rước thi hài thánh Pietro Celestino từ L'Aquila qua tất cả mọi giáo phận vùng Abruzzo và Molise. Ngoài ra còn có các đại hội, các buổi cử hành thánh lễ, các buổi cầu nguyện, canh thức, các lễ nghi hòa giải vv... Tại khắp nơi thi hài thánh nhân được rước tới tín hữu đã tới kính viếng rất đông đảo sốt sắng. Thánh Giáo Hoàng Celestino rất nổi tiếng vì đã làm 300 phép lạ có chứng tích tài liệu rõ ràng.

Theo Đức Cha cuộc đời của thánh nhân dậy cho tín hữu ngày nay rất nhiều điều. Trước hết thánh nhân là con người luôn kiếm tìm Thiên Chúa một cách sâu xa, không phải để trốn đời cho bằng để sống với Chúa trong thinh lặng nội tâm, để lắng nghe tiếng Chúa, để cầu nguyện, chiêm niệm. Thứ hai là ý thức sâu xa về tội lỗi cũng như quyền năng của Thiên Chúa là lòng xót thương. Ngoài ra là cuộc sống trong cộng đoàn đan tu chú ý tới thiện ích chung và hạnh phúc của người khác. Thế rồi cuộc sống sát với thiên nhiên, nếm hưởng vẻ đẹp các thụ tạo của Thiên Chúa, bảo vệ và giữ gìn thiên nhiên. Thứ năm là sự tha thứ. Cần có công lý nhưng cũng phải tha thứ. Thứ sáu và cao nhất là ước muốn nên thánh.

Theo bà Stafania Di Carlo giáo sư Khoa Học tôn giáo thuộc Học viện cao học ”Đức tin và lý trí” tỉnh L'Aquila, chuyên viên nghiên cứu cuộc đời thánh Giáo Hoàng Celestino V và là tác giả 10 cuốn sách về thánh nhân, Đức Giáo Hoàng Celestino V là biểu tượng của sự tự do của con người, khước từ quyền bính chính trị để duy trì sự độc lập và tinh tuyền của lương tâm. Đứng trước một Giáo Hội bị chia rẽ nội bộ, bị lũng đoạn bởi nạn tham ô và mua bán chức tước, ngay từ đầu Đức Celestino V đã cho thấy người là một vị ”Giáo Hoàng thiên thần”, có lòng đạo đức sâu xa luôn hướng về các thực tại cánh chung và người rất được tín hữu yêu mến như là vị ẩn tu thánh thiện.

Người cũng là vị Giáo Hoàng của hòa bình, trong nỗ lực hòa giải các xung khắc giữa dòng tộc Aragone và dòng tộc Angio tranh giành quyền kiểm soát Sicilia. Thế kỷ XIII là thời gian xảy ra nhiều tai ương như các nạn dịch, các vụ đói kém mất mùa, và Đức Celestino V đã là vị Giáo Hoàng của tình bác ái và liên đới xã hội vì liên lỉ trợ giúp những người nghèo nàn, khổ đau qua các cơ cấu nhà thương, các huynh đoàn, và các trợ giúp chính xác.

Qua việc tái lập Hiến chế của Đức Giáo Hoàng Gregorio X, người nghĩ tới lợi ích của Giáo Hội, không để cho Giáo Hội bị trống ngôi Chủ Chăn lâu. Ngoài ra Đức Celestino V cũng nghĩ tới việc bảo vệ các tu sĩ, đặc biệt là các vị ẩn tu dòng thánh Agostino, các Anh em thuyết giảng và cả các tu sĩ Biển Đức nữa. Ngoài ra người còn ban bố Tự Sắc năm 1294 liên quan tới ơn Toàn xá ban cho tín hữu kính viếng vương cung thánh đường Collemaggio từ kinh chiều ngày 28 tới kinh chiều ngày 29 tháng 8.

Trong khuôn khổ cuộc viếng thăm giáo phận Sulmona Valva, Đức Thánh Cha cũng sẽ khánh thành một nhà dưỡng lão cho các linh mục già cả. Căn nhà này trước kia là đại chủng viện của giáo phận được trùng tu. Tầng trệt là trung tâm mục vụ, bên trên là nhà hưu dưỡng cho các linh mục đau yếu già cả.

Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp phái đoàn của nhà tù Sulmona. Nhà tù này nổi tiếng vì có số tù nhân tự tử cao nhất Italia. Đức Cha Spina nói cuộc gặp gỡ này muốn nói lên sự quan tâm của Giáo Hội đối với thế giới tù nhân. Mặc dù là những người có tội và đang phải đền bù sự dữ họ đã gây ra cho người khác và cho xã hội, nhưng họ vẫn là người có phẩm giá cần được tôn trọng. Tại Italia có tình trạng các nhà tù có qúa đông tù nhân, khiến cho cuộc sống của họ cũng khó khăn hơn. Đức Cha cũng cho biết một vài tù nhân đã tu sửa chặng đường Thánh Giá cho một nhà thờ bị động đất vùng L'Aquila, như một đóng góp cho việc tái thiết cuộc sống vùng này.

Linh Mục Franco Messori, tuyên úy nhà tù Sulmona từ 5 năm nay, cho biết đây là nhà tù có khu biệt giam dành cho nhiều tù nhân thuộc thế giới tội phạm mafia, bị kết án tù chung thân nhiều lần. Chỉ có các tù nhân tội nhẹ mới được tham dự buổi găp gỡ với Đức Thánh Cha. Các tù nhân thường phát xuất từ các mội trường xã hội nghèo khổ, không được học hành, không được yêu thương, không có công ăn việc làm, nghiện ngập ma túy. Công việc của cha là bênh vực phẩm giá là người của họ mặc dù thường khi cách phản ứng theo bản năng của họ gây khó khăn cho các nhân viên canh tù. Các trợ giúp của cha có tính cách nhân bản, luân lý, bác ái và liên đới. Rất thường khi các tù nhân cũng hoàn toàn bị thân nhân của họ bỏ rơi. Tìm ra các người thiện nguyện viếng thăm họ cũng khó, vì ai cũng sợ. Vấn đề tái hội nhập họ vào xã hội cũng không đơn sơ, vì họ không có một điểm tựa xã hội nào và cũng khó tìm ra nhà hay các hiệp hội và các tổ chức tiếp nhận họ. Giáo Hội làm những gì có thể để trợ giúp các anh chị em bị gạt ra ngoài lề xã hội này. Cha hy vọng cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha sẽ đem lại cho họ niềm hy vọng và xác tín Giáo Hội vẫn yêu thương trân trọng và trợ giúp họ.

(SD 26-6-2010)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.