2010-05-10 10:58:21

Cuộc đấu tranh cho tự do của các phụ nữ mặc quần áo trắng Cuba


Cuộc đấu tranh cho sự tự do của các người bất đồng chính kiến với Nhà Nước xã hội chủ nghĩa Cuba. Phỏng vấn ông Guillermo Coco Farinhas, tù nhân chính trị

Chúa Nhật 2-5-2010 sau thánh lễ tại nhà thờ thánh Rita trong thủ đô La Habana, lần đầu tiên đoàn 12 phụ nữ mặc quần áo trắng là mẹ và vợ của các nhà bất đồng chính kiến với Nhà Nước cộng sản Cuba, đã có thể tuần hành biểu tình mà không bị đe dọa và sỉ vả bởi các nhóm phò Nhà Nước.

Người ta còn nhớ vào mùa xuân năm 2003 trong lúc toàn thế giới hướng mắt theo dõi chiến cuộc tại Irak, Chủ tịch Fidel Castro đã phát động chiến dịch càn quét phong trào bất đồng chính kiến tại Cuba. Theo các quan sát viên tình hình chính trị thế giới, đó đã là một sứ điệp Chủ tịch Fidel Castro gián tiếp gửi cho chính quyền của tổng thống Bush, để chứng minh cho thấy Nhà Nước xã hội chủ nghĩa Cuba vẫn còn rất mạnh. Đã có 75 người gồm các nhà trí thức, nghệ sĩ và nhà báo bị bắt giam, bị xét xử sơ sài và kết án, có người tới 28 năm tù vì tội gọi là ”làm gián điệp”. Nhờ áp lực quốc tế một số đã được trả tự do, nhưng hiện nay vẫn còn có 53 người bị giam giữ. Và đoàn ”các bà mặc quần áo trắng - Damas de Blanco” là mẹ là vợ của họ, đã kiên trì tranh đấu yêu cầu Nhà Nước trả tự do cho họ vì họ vô tội. Mỗi ngày Chúa Nhật sau khi tham dự thánh lễ tại nhà thờ thánh nữ Rita, họ tuần hành dọc ”Đại lộ số 5” là đại lộ chính trong thủ đô La Habana, tay cầm hoa lay-ơn trắng miệng hô to ”Tự do, Tự do”. Bà Laura Pollan, người khởi xướng phong trào ”phụ nữ mặc quần áo trắng” nói: ”Chúng tôi không phải là một phong trào chính trị. Chúng tôi là những phụ nữ tuyệt vọng, tranh đấu cho sự tự do của chồng con chúng tôi. Họ vô tội, nhưng bị tù chỉ vì sự kiện có các tư tưởng khác với tư tưởng của Nhà Nước”. Chồng bà là nhà báo Hector Maseda bị giam giữ trong nhà tù Aguica tại Matanzas, cách La Habana 150 cây số.

Thật ra cho tới nay, Nhà Nước Cuba làm ngơ không thèm ngó ngàng gì tới họ. Trong qúa khứ đã có các cuộc biểu tình chống biểu tình, do nhà nước giàn dựng để cho thấy nhân dân ủng hộ chính quyền. Nhưng sau khi tù nhân chính trị Orlando Zapata Tamayo tuyệt thực cho tới chết ngày 24-2-2010 sau 85 ngày không ăn không uống, Nhà Nước Cuba lo sợ vi khuẩn chống đối nổi loạn lan rộng trong lòng người dân Cuba, vốn đã rất bất mãn với đường lối cai trị sắt máu của chính quyền.

Cộng đồng thế giới đã mạnh mẽ lên án thái độ cai trị tàn ác, vô ích và không thể biện minh được của nhà nước Cuba. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu châu và cả Mehicô là liên minh lịch sử của Cuba, cũng đã mạnh mẽ chỉ trích thái độ chai lì khép kín của Chủ tịch Raul Castro đối với các người bất đồng chính kiến. Vì thế từ ba tuần qua ”Các phụ nữ mặc quần áo trắng” đã không thể tới Đại lộ số 5, vì họ bị công an mặc thường phục chặn bên ngoài nhà thờ, đe dọa và bắt họ phải về nhà. Khi họ từ chối, thì liền bị các nhóm phò Nhà Nước bao vây, chửi bới sỉ vả, xô đẩy. Trò hề ”quần chúng tự phát” do Nhà Nước giật dây giàn dựng đã kéo dài tại ”đất nước cách mạng Cuba khố rách áo ôm” này từ nửa thế kỷ qua, vẫn tiếp tục không thay đổi.

Ông Joachim Villalobos, chuyên viên phân tích tình hình chính trị xã hội Cuba cho biết ”Các cuộc tuyệt thực đang đánh bại chính quyền trên bình diện luân lý”. Đây không phải là các hành động hiếu chiến của cộng đoàn Cuba lưu vong tại Miami bên Hoa Kỳ, mà là các cử chỉ hòa bình do các công dân bị chính quyền kết án tù đầy ”không còn lối thoát”. Giáo Hội Công Giáo đã kêu gọi chính quyền thực thi những thay đổi đã hứa với nhân dân. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nguyệt san ”Lời Mới”, Đức Hồng Y Jaime Ortega Tổng Giám Mục La Habana, đã kêu gọi Nhà Nước rộng mở đối thoại an hòa với phe đối lập, cũng như trả tự do cho các tù nhân chính trị. Đức Hồng Y cũng kêu gọi Hoa Kỳ tìm ra một thỏa hiệp với Cuba, nhưng tổng thống Obama đã chỉ cho phép viếng thăm Cuba dễ dàng hơn, mà không đáp ứng các chờ mong của Chủ tịch Raul Castro.

Trả lời các nhà báo về biến cố Nhà Nước đã không cho người sách nhiễu nhóm phụ nữ mặc quần áo trắng biểu tình hôm Chúa Nhật mùng 2 tháng 5 vừa qua, Đức Hồng Y Ortega cho biết trong các ngày trước đó ngài đã yêu cầu chính quyền làm tất cả những gì có thể để tránh các chuyện đáng buồn như đã xảy ra trong các Chúa Nhật trước. Khi các phụ nữ mặc quần áo trắng ra khỏi nhà thờ thánh nữ Rita họ đã bị các nhóm chống lại sự phản đối của họ chửi bới và đe dọa, vì cho rằng sự phản đối của họ là do nước ngoài xúi bẩy. Và chính quyền đã cho Đức Hồng Y biết là các phụ nữ mặc quần áo trắng có thể biểu tình mà không gặp vấn đề, miễn là tuân giữ một vài điều kiện liên quan tới lộ trình. Đức Hồng Y không biết đây có phải là ”một sự mềm dẻo mới” của chính quyền hay không, nhưng nó là một cử chỉ tốt. Vì sự kiện các bà mẹ và vợ của các tù nhân chính trị biểu lộ ước mong cho chồng con của họ được trả tự do là điều dễ hiểu, và như là người họ đáng được tôn trọng và qúy mến. Đức Hồng Y còn cho biết thêm là Giáo Hội đã yêu cầu nhà báo Guillermo Farinhas ngưng ngay cuộc tuyệt thực vì ông đã không ăn uống từ 68 ngày qua. Đức Hồng Y đã thăm ông ba lần, và ngài cho biết rất buồn vì lời yêu cầu của ngài bị khước từ. Ông Farinhas cũng từ chối đề nghị của chính quyền trả tự do cho ông với điều kiện là rời khỏi Cuba.

Bà Laura Pollan, một trong những bà mẹ lãnh đạo nhóm tranh đấu cho sự tự do của thân nhân họ, cho biết cử chỉ của Nhà Nước là bất ngờ và tích cực. Đây đã là ”một chiến thắng nhỏ” của tinh thần kiên trì, của lý trí và nhất của là tình yêu thương của họ đối với chồng con của họ và đối với Thiên Chúa. Bà cho biết nếu chính quyền không muốn có các cuộc tuần hành khác nữa, thì chỉ cần trả tự do cho chồng con của họ bị bỏ tù bất công.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Guillermo Coco Farinhas, tù nhân chính trị vì bất đồng chính kiến với Nhà Nước xã hội chủ nghĩa Cuba. Ông Farinhas đã bị bỏ tù cùng với 74 người khác gồm các nhà trí thức, nghệ sĩ, và chuyên viên truyền thông.

Từ ngày 24 tháng 2 tới nay ông Farinhas đang tuyệt thực để phản đối chính sách cai trị độc tài tàn ác của Nhà Nước Cuba. Ông đã bắt đầu cuộc tuyệt thực vì bị Nhà Nước Cuba khước từ không cho ông tham dự đám táng của ông Orlando Zapata Tamayo, là tù nhân chính trị đầu tiên đã tuyệt thực 85 ngày không ăn không uống cho tới chết để phản đối chính sách cai trị vô nhân và vô luân của Nhà Nước cộng sản Cuba. Ông Zapata đã yêu cầu Nhà Nước Cuba đối xử với các tù nhân chính trị một cách nhân đạo hơn.

Sau khi ông Zapata qua đời, ông Coco Farinhas quyết định tiếp tục cuộc đấu tranh cho phẩm giá và quyền làm người của các tù nhân. Ông yêu cầu Nhà Nước Cuba trả tự do cho 26 tù nhân chính trị đau yếu, trong đó có kỹ sư Librado Linares Garcia, hầu như bị mù, nhà trí thức công giáo Blas Giraldo Reyes và nhà báo Pedro Arguelles Moran.

Hỏi: Thưa ông Farinhas, ông đã quyết định thay thế chỗ của ông Zapata trong cuộc đấu tranh bất bạo động này từ ngày 24 tháng 2 tới nay bằng cách tuyệt thực không ăn uống gì cả. Tình trạng sức khỏe của ông hiện ra sao?

Đáp: Tôi không bị sốt. Nhiệt độ trong người tôi là giữa 36 và 36 độ rưỡi, và áp huyết là 100 trên 60. Bác sĩ của tôi cho biết là tôi có thể chết trong 20 hay 30 ngày tới đây.

Hỏi: Chủ tịch Raul Castro đã nói là ông ta sẽ không nhượng bộ bất cứ áp lực nào. Nếu tiếp tục tuyệt thực, ông sẽ chết. Tại sao ông lại lựa chọn một quyết định tuyệt đi như thế?

Đáp: Chính quyền không để cho tôi có sự lựa chọn nào khác. Tuyệt thực là phương thế độc nhất mà tôi có để chống lại chính quyền tàn bạo và độc tài của anh em nhà Castro. Tôi không muốn chết, nhưng tôi sẵn sàng chết.

Hỏi: Chết nhân danh cái gì, thưa ông?

Đáp: Nhân danh nền dân chủ của đất nước tôi, nhân danh ông Orlando Zapata và nhân danh 26 tù nhân chính trị đau yếu sắp chết, mà chính quyền vẫn ngoan cố tiếp tục giam giữ họ trong tù. Tôi hy vọng rằng ngày tôi không còn sống nữa, chính quyền sẽ quyết định trả tự do cho họ. Đàng khác chính Bộ Nội Vụ đã tuyên bố rằng họ không còn ở trong các điều kiện có thể ở lại trong tù nữa.

Hỏi: Thưa ông, có hai ngưi tù khác đã ngưng tuyệt thực vì cho rằng nếu còn sống họ sẽ hữu ích cho dân nưc Cuba hơn là chết. Còn ông, ông vẫn tiếp tục kiên trì trong việc tuyệt thực hay sao...

Đáp: Tôi tôn trọng sự lựa chọn của họ, nhưng tôi kiên vững trong sự lựa chọn của tôi. Việc thành lập một quốc gia cần có các người tử đạo của nó. Khi nào tôi chết, thì giáo sư Felix Bonne sẽ thay thế chỗ của tôi tiếp tục cuộc tuyệt thực. Giáo sư đã tuyên bố như thế, cũng như tôi đã tuyên bố với ông Zapata. Chế độ không thể làm ngơ không biết tới chúng tôi cho tới vô tận được.

Hỏi: Ông đã quen biết cá nhân ông Orlando Zapata có phải thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Đó là vào năm 1991. Khi ấy ông Zapata làm thợ nề trong công trình xây dựng một khách sạn tại trung tâm thủ đô La Habana. Hồi đó ông là thành viên của tổ chức ”Thanh Niên Cộng Sản” và thuộc ”Lữ đoàn đáp trả nhanh chóng”, có nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc gặp gỡ của các nhà bất đồng chính kiến với Nhà Nước. Nghĩa là với những người thuộc nhóm của tôi là nhóm ”Liên Minh Tự Do” thường tụ họp với nhau. Ông ta nói chuyện với chúng tôi và sau khi hiểu các lý lẽ của chúng tôi, ông đã bỏ tổ chức Thanh Niên Cộng Sản để gia nhập nhóm bất đồng chính kiến và đứng chung chiến tuyến với chúng tôi.

Hỏi: Cả ông cũng đã từng là thành viên của tổ chức ”Thanh Niên Cộng Sản”, và đã từng tiến chiến đấu bên Angola. Và thân phụ của ông đã nhận lệnh của Che Guevara bên Congo, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Tôi đã tin nơi chủ nghĩa của Castro và chủ nghĩa xã hội. Tôi vẫn còn tin tưởng nơi một nhà nước xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, đúng nghĩa. Nhưng ông Fidel Castro và giờ đây ông Raul Castro đã biến Cuba trở thành một nhà máy người. Nhà Nước Cuba đã cung cấp cho dân chúng việc giáo dục, săn sóc y tế và niềm hy vọng, nhưng lại cướp mất đi mọi quyền tự do của người dân. Ngày nay đất nước Cuba là một nhà tù khổng lồ, mà chỉ có gia đình Castro có chìa khóa. Tôi đã rời bỏ đảng cộng sản, sau khi Nhà Nước Cuba vu khống cho tướng Ochoa là buôn bán ma túy và kết án ông hồi năm 1989. Nhưng thật ra tôi đã bắt đầu xa lánh đảng cộng sản ngay từ năm 1980, khi xảy ra vụ xuất hành của Mariel, lúc hàng ngàn người dân Cuba bao vây tòa đại sứ Perù để xin giấy rời bỏ Cuba. Chỉ khi đó tôi mới ý thức được là có biết bao nhiêu người muốn rời bỏ đất nước Cuba trốn đi nơi khác để tìm tự do.

Hỏi: Thưa ông Farinhas, ông đã lập gia đình và có môt con gái 8 tuổi. Gia đình ông đã sống lựa chon này của ông như thế nào?

Đáp: Clara vợ tôi đã không đồng ý với cuộc tuyệt thực của tôi, nhưng vẫn liên đới và ở sát bên tôi. Diosangeles, con gái tôi thì không biết gì cả. Nó chỉ nghĩ rằng bố nó bị đau thôi. Tôi đã viết cho cháu một bức thư từ biệt, để khi lớn hơn cháu sẽ đọc. Tôi đã giải thích cho cháu hiểu là cha của cháu yêu cháu và không bao giờ muốn rời xa cháu. Nhưng ông phải làm điều đó để góp phần vào một tương lai tự do hơn cho dân nước Cuba. Khi tôi cảm thấy thân xác đau đớn qúa, thì tôi đọc một đoạn Phúc Âm thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu nói: ”Không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng sống mình cho các bạn hữu”. Và tôi đã tìm cách giải thích cho cháu Diosangeles hiểu điều đó.

(Avvenire 28-4-2010)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.