2010-04-22 10:43:52

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (27)


NHÌN XEM TAY THẦY

Các bạn trẻ thân mến,

Câu chuyện Chiếc đĩa vỡ trong Qua tặng cuộc sống kể rằng bà mẹ nọ có cô con gái mới lớn, bắt đầu giúp mẹ làm việc nhà. Một lần, khi rửa chén bát, cô sơ ý làm bể chiếc đĩa thuỷ tinh rất đẹp. Cô bé rất lo sợ bị mẹ trách mắng vì mẹ rất quý chiếc đĩa ấy. Nhưng thật ngạc nhiên, thay vì nặng lời, mẹ chỉ cho cô bé một chiếc đĩa khác trưng bày trong phòng khách và kể rằng: ngày xưa, mẹ cũng đã làm mẻ chiếc đĩa này của bà ngoại và thay vì trách mắng, bà nhìn mẹ cách trìu mến và dặn mẹ phải cẩn thận hơn. Chiếc đĩa mẻ ấy, từ bao năm nay, được giữ gìn như bằng chứng lòng yêu thương tha thứ của bà.

Có những rạn nứt và đổ vỡ khiến ta không vui, thất vọng hay không bao giờ muốn nhớ đến. Đơn giản là vì nó nhắc nhớ về một quá khứ, một kinh nghiệm đau thương. Tuy nhiên, không phải luôn luôn như thế. Có những vết thương là dấu chỉ của tình yêu, có những vết sẹo là kết quả của tha thứ.

Khi Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với các tông đồ, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Chính dấu đinh ở tay và chân, vế thương ở cạnh sườn là bằng chứng tỏ tường rằng Thầy Giêsu đã vượt qua cuộc thương khó để trỗi dậy, các môn đệ không còn gì phải nghi hoặc. Trong số các ông, tiếc là ông Tôma không hiện diện lần ấy. Khi được các môn đệ khác thuật lại: “Chúng tôi đã được thấy Chúa.” Ông Tôma không ngần ngại đáp rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20, 25)

Xác tín của ông Tôma có thể là nhất thời phản ứng lại các môn đệ khác, hoặc để thoả mãn óc duy thực tế, duy lý của ông, nhưng cũng có thể là ao ước thâm sâu muốn thấy tận mắt những vết thương của Chúa để ông tin. Kinh nghiệm của ông Tôma còn là kinh nghiệm thiêng liêng của cả chúng ta ngày nay. Chúng ta không thấy Chúa kiểu ông Tôma, không dám thách thức Chúa như thế nhưng ta vẫn cần chiêm ngắm các vết thương, vẫn muốn “nhìn thấy” chúng trong đức tin của mình. Những vết sẹo ấy không chỉ là bằng chứng sống động Chúa đã phục sinh nhưng còn là dấu chỉ của tình yêu đến cùng, của tình bạn đến hy sinh mạng sống, và của lòng tha thứ vô hạn của Thiên Chúa.

Các bạn thân mến,

Chúng ta không lạ với những vết thương trong đời. Có vết thương đã thành sẹo, có vết thương tiếp tục gây đau đớn. Có vết sẹo vẫn thường gợi lại cho ta một quá khứ, một kinh nghiệm nào đó, đáng nhớ hay để quên. Dù thế nào đi nữa, chúng ta được mời gọi hiệp thông với Đức Giêsu trong đau khổ để cùng với Ngài thông phần vinh quang. Không phải hy sinh nào cũng vô nghĩa. Đôi khi để yêu thương và tha thứ, ta cần phải hy sinh, có thể phải chịu những vết thương.

Đặt những hy sinh và đau khổ dưới ánh sáng phục sinh, chúng ta hiểu được giá trị của khổ đau và thử thách. Qua đó, ta được mời gọi mở rộng vòng tay yêu thương đến tha nhân để hoà giải, tha thứ và chữa lành. Khi đó, có thể ta sẽ còn nhìn thấy những vết sẹo, nhưng chúng không gợi lại một biến cố đau thương nhưng là bằng chứng của tình yêu và tha thứ. Ước gì khi đọc lại Tin Mừng, chiêm ngắm Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh thiêng liêng để sống bình an mỗi ngày, với lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa, Đấng đã chiến thắng Sự Dữ, nhờ yêu mến và vâng phục.

Xin Chúa Giêsu Phục sinh đến với chúng ta để bình an của Ngài thắp sáng niềm tin và gieo rắc niềm vui cho mỗi ngày sống của chúng ta.


Đặng Thế Nhân







All the contents on this site are copyrighted ©.