2010-02-16 12:19:08

CUỘC SỐNG VÀ CÁI CHẾT THUỘC VỀ THIÊN CHÚA


... Trong tất cả các nơi tôi trải qua trong cuộc đời Linh Mục Truyền giáo cho đến ngày hôm nay, nơi nào người dân cũng có thói quen dành đêm 31 tháng 12 rạng ngày Mồng Một Tháng Giêng (dương lịch) để ăn cái gì thật đặc biệt, để uống và để khiêu vũ, nhảy múa. Riêng nơi đây, tại một thôn làng nghèo khổ hẻo lánh của nước Zambia này, chúng tôi kết thúc năm 2008 nơi nhà nguyện.

Chúng tôi hiệp ý cầu cho linh hồn các Cha Mẹ quá cố của 30 cô nhi đang sống trong nhà xứ chúng tôi. Ngay sáng ngày 31-12, Ernest - một trong những cô nhi lớn tuổi nhất - nới với tôi:
- Thưa Cha, 31 tháng 12 là ngày tưởng niệm Ba con được ”chôn vào lòng đất”. Kể từ đó, cứ mỗi lần canh thức đón giao thừa là mỗi lần con buồn và nhớ Ba con vô cùng!

Thế là chúng tôi quyết định dâng Thánh Lễ đêm giao thừa để cầu cho tất cả Cha Mẹ quá cố của các cô nhi, đặc biệt là cầu cho thân phụ của Ernest. Thật là Thánh Lễ đón Năm Mới 2009 cảm động. Với lòng tri ân chân thành Ernest nói với tôi:
- Kể từ ngày Ba con qua đời, đây là lần đầu tiên con trải qua một đêm canh thức tràn đầy niềm vui và ý nghĩa!

Rồi chàng thanh niên âu yếm ôm hôn tôi trước khi lên giường ngủ.

Vài ngày sau Tết dương lịch 2009, Brian - cô nhi 14 tuổi - đến xin phép được tháp tùng tôi trong chuyến đi dâng Thánh Lễ nơi quê sinh của cậu. Đây là lần viếng thăm mục vụ tôi vẫn làm hàng tháng. Trong lúc tôi hội họp với các vị bô lão trong làng thì Brian biến mất. Cậu bé chỉ xuất hiện độ nửa giờ sau đó, trong tay mân mê một bảo vật. Khi tôi hỏi thì cậu bé sung sướng đưa tôi xem tấm hình một phụ nữ trẻ tuổi. Brian hãnh diện nói:
- Bà rất đẹp phải không Cha??? Mẹ con đó!!! Đây là người đàn bà đẹp nhất mà con biết!

Brian liền kể cho tôi nghe câu chuyện Mẹ cậu bị giết chết thảm thương như thế nào chỉ vỏn vẹn vài tháng sau cái chết của Ba. Cậu bé lại bị ông chú hành hung và đánh đập khiến cậu phải tìm đường ẩn trốn .. Tấm di ảnh đã cũ đã mòn. Khi về đến nhà xứ, tôi tìm cách chụp lại và in lớn ra trên giấy mới. Tôi đóng khung tấm di ảnh và tặng cho Brian như món quà đầu năm mới. Cậu bé sung sướng vỗ tay reo hò và nhảy múa theo điệu Phi châu trước di ảnh của hiền mẫu. Brian cảm động thì thầm vào tai tôi:
- Cha biết không, người đàn bà này không bao giờ lìa xa con!

Tôi liền thông báo cho Brian biết là thân mẫu của một người bạn tôi vừa qua đời. Khi Brian muốn biết tuổi thọ của người quá cố thì tôi nhanh nhẹn trả lời:
- Ồ, hình như bà cụ khoảng 85 tuổi!

Brian ngạc nhiên kêu lên:
- Bà sống thọ đến thế sao??? Ở đây, người ta chỉ sống đến 35 tuổi là cùng!

Và đúng như lời Brian nói, tại nước Zambia này, người ta chỉ hy vọng sống đến 37 tuổi. Cái chết là cái gì thật bình thường và người chết tiếp tục ở bên người còn sống mà không tạo nên vấn đề gì. Cái chết là bạn đồng hành trung tín của người dân.

Cách đây không lâu, Maman Kalebuka - Má Kalebuka, nữ giáo viên mới đến dạy học tại Mulungushi, thôn làng có cứ điểm truyền giáo của chúng tôi. Ở nước Zambia này, các giáo viên cũng chịu số phận y như các binh lính: nghĩa là trong thời gian hành nghề, các giáo viên bị thuyên chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, có khi cách xa nhau hàng ngàn cây số. Bà giáo Kalebuka này đến từ làng Icisamba nghĩa là cách đây 150 cây số. Vài ngày sau, bà đến thăm tôi nơi nhà xứ và bày tỏ ước nguyện trở lại với Giáo Hội Công Giáo. Bà giải thích:
- Thưa Cha, con là góa phụ. Nhưng trước khi lập gia đình, con là tín hữu Công Giáo. Chồng con là tín hữu Tin Lành. Và để tỏ lòng trung tín với chồng, con thường tháp tùng chồng tham dự các buổi cử hành tin lành. Giờ đây chồng con qua đời, con ao ước tham dự tích cực vào các sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo. Xin Cha giúp con hội nhập trở lại với Hội Thánh.

Lúc đó là một tuần trước lễ Giáng Sinh. Tôi tìm một người đáng tin cậy để giúp bà giáo Kalebuka chuẩn bị trở về với Giáo Hội Công Giáo. Và đêm Lễ Giáng Sinh 24-12-2008 bà sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Trông bà giống như một công chúa. Bởi lẽ, bà mặc chiếc áo đẹp nhất và đôi mắt long lanh ngời sáng như ánh Ngôi Sao Lạ Bétlêhem năm xưa.

Sau lễ Giáng Sinh bà giáo tiếp tục đến nhà xứ thăm tôi và kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời bà. Vào năm 2006, trong cùng một tháng, bà mất đi đứa con trai, người chồng và thân phụ. Chỉ vài giờ trước khi chồng tắt thở bà mới khám phá ra là ông bị mắc bệnh Sida. Sau đám tang chồng, bà đến nhà thương khám nghiệm và kết quả cho thấy bà cũng bị cùng chứng bệnh Sida như chồng. Ở vào địa vị bà, nhiều người khác hẳn bị rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng hoặc bị điên loạn. Nhưng bà Kalebuka là một phụ nữ khác thường với một Đức Tin vững mạnh, mặc dầu mới chỉ trên dưới 35 tuổi. Thay vì khép kín vào nỗi buồn riêng, bà rộng mở con tim đón nhận người khác. Bà rước về nhà để chăm sóc đứa em trai mồ côi cha và nuôi một đứa cháu gái.

Mỗi ngày bà giáo Kalebuka tới nhà xứ thăm viếng các trẻ mồ côi và chú ý cách riêng các cô nhi bị bệnh. Sáng nay bà đến gặp tôi cùng với một nữ giáo viên khác cũng mắc bệnh Sida. Bà nói với tôi:
- Thưa Cha, con thuyết phục bà giáo này đến đây với con. Con nghĩ rằng phương thế tốt nhất để sống khi người ta bị ”lưỡi hái tử thần treo lủng lẳng trên đu” là thăm viếng các bệnh nhân khác và đồng hành với họ trong nỗi đau đớn.

Vừa nói bà vừa nở nụ cười rạng rỡ trên đôi môi. Bà nói tiếp:
- Cuộc sống chúng ta nằm trong tay THIÊN CHÚA và cả cái chết nữa. Thật ra đối với tín hữu Công Giáo thì cái chết không hiện hữu hay nói đúng hơn, Cái Chết là Hiền Tỷ mở rộng cánh cửa đưa chúng ta vào Nhà Cha.

Đúng như lời bà giáo Kalebuka nói. Nơi cứ điểm truyền giáo mênh mông này, không một nhà nào mà không bị thần chết gỏ cửa. Nhưng thay vì buồn sầu áo não, người dân tiếp tục vui sống. Tôi tự hỏi lý do nào khiến họ có thể bình thản như thế và tôi đã tìm ra câu trả lời nơi Đức Tin vừa đơn sơ vừa sâu sắc của người dân nghèo ở đây. Thật thế, bất cứ đàn ông hay đàn bà nào mỗi lần đến nhà xứ thì cử chỉ đầu tiên là kính cẩn quỳ trước Bức Tượng Đức Mẹ MARIA. Họ kính cẩn chào Đức Mẹ và thân thưa với Đức Mẹ với trọn lòng con thơ phó thác. Rồi họ lẩm nhẩm đọc Kinh Kính Mừng hay lần hạt Mân Côi. Các buổi cử hành Phụng Vụ, các Thánh Lễ không bao giờ quá dài hoặc quá lâu đối với người dân nghèo ở đây. Họ còn cầu nguyện trước Thánh Lễ và cầu nguyện sau Thánh Lễ. Đó là lý do giúp tôi hiểu rằng:

- Cái Chết là Hiền Tỷ và Người Chết đồng hành với Người Sống trên mọi nẻo đưng đi nơi trần gian này.

Chứng từ của Cha Pierre Ruquoy Thừa Sai dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Scheut người Bỉ làm việc mục vụ bên nước Zambia, Phi Châu.

... Người Pharisêu nói với Đức Chúa GIÊSU: ”Ông làm chứng cho chính mình, lời chứng của Ông không thật!” Người trả lời: ”Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của Tôi vẫn là chứng thật, bởi vì Tôi biết Tôi từ đâu ti và đi đâu. Các ông xét đoán theo kiu người phàm, phần Tôi, Tôi không xét đoán ai cả. Mà nếu Tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của Tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình Tôi, nhưng có Tôi và Đng đã sai Tôi. Trong lề luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật. Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa CHA là Đng đã sai Tôi cũng làm chứng cho Tôi” (Gioan 8,13-18).

(”CHRONICA CICM”, Bulletin mensuel - 79è Année - No 7 - Septembre/Octobre 2009, trang 230-233)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.