2010-01-28 11:48:46

DÂNG HIẾN CHO THIÊN CHÚA ĐEM LẠI CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC


... Năm 1866 là năm tín hữu Công Giáo bị bắt bớ dữ dội nhất tại Đại Hàn. Triều đình nước này quyết định tiêu diệt cho bằng được Đạo Công Giáo bị xem là Đạo ngoại lai và nguy hiểm cho truyền thống văn hóa của dân tộc. Thế nhưng về phía Giáo Hội Công Giáo, cuộc bách hại đã tỏ lộ gương mặt anh dũng và trung tín. Tất cả mọi tín hữu Công Giáo đều sẵn sàng chết để bảo vệ Đức Tin, trong số đó có cụ Barthelemy Thiên, 65 tuổi. Cụ bị bắt cùng với 6 tín hữu Công Giáo khác.

Vừa bị bắt, cả 7 vị đều bị tra tấn dã man và bị nhốt vào các hầm mà người Triều Tiên dùng để tích trữ rau cỏ và lương thực dành cho mùa đông. Cuộc sống vô cùng khốn khổ. Vì thế đã có một thời cụ Thiên gần như bị cám dỗ bỏ cuộc, muốn chối Đạo để được sống. Rất may là trong nhóm 7 tín hữu có một vị vô cùng can đảm. Ngài là linh hồn của nhóm. Chính vị này ủy lạo và khuyến khích các bạn anh dũng chấp nhận mọi cực hình và trung thành với Đức Tin Công Giáo cho đến cùng. Nhờ vậy cụ Barthelemy Thiên lấy lại can đảm và quyết định không bao giờ còn có ý tưởng hèn nhát là chối bỏ Đạo Công Giáo.

Từ đó, để kín múc sức mạnh giúp chịu đựng gian khổ, cụ Thiên sốt sắng cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng. Khi bị tra tấn hay bị hạch hỏi, cụ chỉ lập đi lập lại duy nhất lời này:
- Tôi nhất định chịu chết chứ không chối bỏ THIÊN CHÚA Trời Đất!

Ngày 13-12-1866 lính đến dẫn 7 Chứng Nhân Đức Tin ra pháp trường. Cụ Thiên hớn hở nói với bạn hiền:
- Hôm nay chúng ta qua một kỳ khảo hạch về thiên giới. Thật là một ngày hồng phúc!

Người bạn cũng anh dũng và hớn hở không kém, đáp lại:
- Quả thật niềm hạnh phúc thật lớn lao, chúng ta sắp thu hoạch một mùa gặt đầy tràn hạnh phúc!

Cụ Thiên vui vẻ vừa đi vừa đọc kinh thật sốt sắng. Bọn lính ngạc nhiên nói với cụ:
- Lạ quá! Ông sắp bị giết mà ông lại tỏ ra hân hoan và hài lòng!!!

Theo tục lệ Triều Tiên, các tù nhân phải ký bản án tử hình trước khi bị hành quyết. Cụ Barthelemy Thiên tự tay ký bản án, trong đó cụ nói rõ mình bị giết vì tội tin theo Đạo Công Giáo. Sau lát gươm thứ ba, đầu cụ Thiên lìa khỏi cổ, trước sự chứng kiến và thán phục của nhiều người, lương cũng như giáo.

... Câu nói ”mẹ nào con đó” nếu áp dụng vào cuộc đời hai mẹ con bà Catarina Nhu và Madalena Thùy, quả thật rất đúng.

Bà Catarina Nhu là người mẹ Công Giáo Đại Hàn đạo đức và gương mẫu. Bà có đông con và giáo dục chúng theo tinh thần Đạo Công Giáo. Trong số các con, nổi bật người con gái tên Madalena Thùy.

Cô Madalena Thùy rất đoan trang đạo hạnh. Mỗi ngày cô thức dậy thật sớm để cầu nguyện trước khi chu toàn các công việc trong nhà rồi dệt vải và may áo, phụ giúp hiền mẫu kiếm tiền sinh sống.

Năm cô tròn 18 tuổi, mẹ cô muốn gả cô cho một thanh niên Công Giáo cùng làng. Nhưng Madalena nhất định từ chối và bày tỏ cho mẹ biết ý định giữ đức trinh khiết, dâng hiến trọn cuộc đời cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Vị Vua Tình Yêu. Nghe con nói, bà Catarina Nhu cảm thấy thật phân vân. Là bà mẹ Công Giáo đạo đức, bà hoàn toàn tôn trọng quyết định của con. Nhưng trong hoàn cảnh xã hội Triều Tiên lúc ấy, tín hữu Công Giáo rất bị nghi kỵ và ghét bỏ. Nếu Madalena Thùy không lập gia đình thì sẽ khiến người ngoại giáo cùng làng nghi ngờ. Hơn nữa, đang là thời kỳ bách hại Đạo, nếu bà chết thì con gái bà sẽ bơ vơ không nơi nương tựa.

Trước âu lo này, bà Nhu không an lòng. Bà trình bày cho con thấy tất cả lợi và hại của trường hợp một thiếu nữ Công Giáo Đại Hàn không lập gia đình. Nhưng cô Madalena Thùy cương quyết giữ vững ý định. Cô còn thuyết phục mẹ:
- Dâng hiến toàn thân cho THIÊN CHÚA đem lại cho con một cuộc sống hạnh phúc và an toàn.

Tuy nhiên để mẹ an lòng, cô Thùy rời gia đình lên thủ đô Hán Thành sinh sống. Cô giúp việc trong một gia đình Công Giáo. Nhưng vì công việc nhà quá nặng nên cô ngã bệnh. Sau khi khỏi bệnh, cô tìm công việc khác nhẹ hơn. Trong thời gian này, cô luôn dành dụm tiền gởi về cho thân mẫu.

Năm đúng 30 tuổi, Madalena Thùy nghĩ rằng hẳn bây giờ không còn ai nhắc đến chuyện chồng con nữa, nên cô bỏ thủ đô trở về với gia đình. Tại đây cô tiếp tục cuộc sống thật đạo đức và đầy tràn tinh thần bác ái. Cô dạy giáo lý cho người dân dốt nát, đi thăm viếng và săn sóc người đau yếu và rửa tội cho trẻ em gần chết. Cô luôn luôn dịu dàng, khiêm tốn và để ý săn sóc mọi người sống chung quanh.

Nhưng rồi cơn bách hại Đạo Công Giáo ào ào nổi lên. Bà Catarina Nhu dắt díu gia đình lên thủ đô Séoul sinh sống. Bà hy vọng nơi thủ đô rộng lớn, hẳn là người Công Giáo ít bị để ý. Nào ngờ nơi đây cơn bách hại Đạo dữ dội hơn các nơi khác. Thấy rõ tình thế, bà Catarina Nhu cùng với con gái Madalena Thùy chuẩn bị tinh thần lãnh nhận hồng ân chết vì đạo.

Các gia đình Công Giáo đạo đức nơi thủ đô cũng đều sẵn sàng như thế. Họ nói với bà Nhu:
- Nếu chẳng may Đức Giám Mục của chúng ta bị bắt, chúng ta sẽ tiếp tục công việc của ngài!

Bà Nhu hăng hái trả lời:
- Phải, chúng ta sẽ tiếp tục công việc của Ngài để theo chân Đức Chúa GIÊSU KITÔ và theo vết vị Giám Mục khả kính của chúng ta.

Nhưng chưa thực hiện được ý tưởng cao đẹp đó thì cả hai mẹ con bị bắt. Năm đó bà Catarina Nhu 57 tuổi còn cô Madalena Thùy 33 tuổi.

Cả hai mẹ con bị đánh đập tàn nhẫn, nhưng cả hai cương quyết không chối bỏ Đức Tin Công Giáo. Vì các vết thương quá nặng nên cả hai mẹ con không chịu đựng được lâu. Cả hai ngã gục trong tù, chỉ cách nhau vài ngày. Bà Catarina Nhu tắt thở vào một ngày cuối tháng 9 còn cô Madalena Thùy thì qua đời vào ngày đầu tháng 10 năm 1839. Cho đến giây phút cuối đời, cả hai mẹ con vẫn không ngừng cảm tạ THIÊN CHÚA ban cho mình được diễm phúc dâng hiến mạng sống vì Ngài, vì ”Đức Chúa GIÊSU KITÔ của chúng ta” như lời cô Madalena Thùy vẫn kính mến nói lên như thế.

... Đức Chúa GIÊSU phán cùng một người rằng: ”Con hãy theo Thầy!” Người ấy đáp: ”Thưa Thầy, xin cho phép con về chôn cất cha con trưc đã”. Đức Chúa GIÊSU bảo: ”Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn con, con hãy đi loan báo Triu Đại THIÊN CHÚA”. Một người khác nữa lại nói: ”Thưa Thầy, con xin theo Thầy, nhưng xin cho phép con từ biệt gia đình trưc đã”. Đức Chúa GIÊSU bảo: ”Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước THIÊN CHÚA” (Luca 9,59-62).

(Paul Destombes, MEP, ”Au Pays du Matin Calme”, Paris/1968 + Adriano Launay, ”I LXXIX Coreani Martiri”, Milano 1925)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.