2010-01-18 11:53:51

Tình hình sống đạo tại Bỉ và một vài vấn đề của Giáo Hội hoàn vũ


Phỏng vấn Đức Hồng Y Godfried Daneels, Tổng Giám Mục Malines Bruxelles, về tình hình sống đạo tại Bỉ

Trong số các chủ chăn của Giáo Hội công giáo tại Bỉ Đức Hồng Y Godfried Daneels, Tổng Giám Mục giáo phận Malines-Bruxelles được coi là một cây đại thụ.

Đức Hồng Y Daneels sinh năm 1933, thụ phong linh mục năm 1957. Sau khi theo học tại Roma cha Daneels được chỉ định làm linh hướng cho các đại chủng sinh tại đại chủng viện Bruges khi mới 26 tuổi. Năm 1977 ngài được chỉ định làm Giám Mục giáo phận Anvers và hai năm sau được chỉ định làm Tổng Giám Mục giáo phận Malines-Bruxelles. Năm nay Đức Hồng Y đang chờ Tòa Thánh chỉ định người kế vị.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị một số nhận định của Đức Hồng Y về tình hình Giáo Hội công giáo tại Bỉ và một vài vấn đề của Giáo Hội hoàn vũ.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã là Tổng Giám Mục giáo phận Malines-Bruxelles trong 30 năm trời. Đây là một thời gian kỷ lục. Đức Hồng Y có chấp nhận một sự thay đổi nào khác không, chẳng hạn như sang làm việc tại Roma như nhiều Tổng Giám Mục khác trong thời gian qua?

Đáp: Nếu Đức Thánh Cha yêu cầu, thì tôi sẽ thi hành ý muốn của Đức Thánh Cha. Không có vấn đề gì. Nhưng tôi nghĩ sự ổn định trong một giáo phận là điều rất quan trọng. Thay đổi giáo phận mỗi 4, 5, 10 năm là điều người ta làm ít nhiều bên Pháp: một Giám Mục làm chủ chăn một giáo phận nhỏ vài năm, rồi sau đó coi giáo phận ngày càng lớn hơn. Tôi cũng đã thay đổi giáo phận, nhưng tôi nghĩ ở trong một giáo phận một thời gian dài nào đó là điều quan trọng. Sự kiện tôi đã chỉ làm Giám Mục giáo phận Anvers trong vòng 2 năm đối với tôi và đối với tín hữu đã hơi là một tước đoạt.

Hỏi: Năm 2009 Đức Hồng Y đã có thể cử hành các lễ nghi mừng kỷ niệm 450 năm thành lập giáo phận Malines-Bruxelles, như thế thời gian làm chủ chăn ti đây đã có thể giao thoa với lịch sử dài của Giáo Hội Bỉ. Trong các diễn văn dịp mừng lễ này Đức Hồng Y đã tán đồng quyết định của Công Đồng Trento thành lập các giáo phận nhỏ hơn, có đúng thế không?

Đáp: Vâng. Công Đồng Trento đã lựa chọn việc giảm diện tích các giáo phận và thành lập các giáo phận nhỏ hơn, để các chủ chăn có thể gần gũi với tín hữu hơn. Tổng giáo phận Malines Bruxelles vẫn còn khá lớn: trước kia Anvers cũng thuộc giáo phận này. Đặc biệt trong các tình thế hiện nay khiến cho Truyền Thống bị phân tán, tôi thấy sự kiện chủ chăn gần gũi tín hữu hơn là điều quan trọng.

Hỏi: Đức Hồng Y đã sống sự gần gũi này như thế nào?

Đáp: Các thời điểm quan trọng nhất là chiều thứ bẩy và Chúa Nhật, khi tôi đến các giáo xứ để cử hành thánh lễ và gặp gỡ giáo dân, ban bí tích Thêm Sức, và ở lại nói chuyện với họ một giờ. Trong 30 năm qua tôi đã luôn luôn làm như vậy, vì thế tôi đã sống sự hiệp thông với Giáo Hội. Cầu nguyện với giáo dân, cử hành thánh lễ, giảng dậy, và ban các bí tích. Chính trong thực tại bình thường của các giáo xứ, nơi có thể đến nhà thờ một cách dễ dàng không cần phải đi xa, người ta có thể tham dự cuộc sống đức tin. Và đôi khi chỉ có các người giả cả, phụ nữ trẻ em và vài người nghèo nàn, chứ không phải là đoàn ngũ những người thông thái, giầu sang. Y như thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Corinto: giữa họ không có nhiều người khôn ngoan thông thái, quyền thế giàu sang theo thịt xác. Nhưng Thiên Chúa đã chọn những ngưười bé nhỏ nghèo hèn để không ai có thể vênh vang tự đắc. Chính vì thế Giáo Hội được dân chúng làm cho tiến triển với ý thức đức tin của họ chứ không phải do hàng giáo sĩ.

Hỏi: Người ta kinh nghiệm sự gần gũi này khi đem con đến nhà thờ xin rửa tội. Mới đây Đức Hồng Y có giải thích rằng việc này không chỉ liên quan tới thói quen. Nhưng có nhiu người cho rằng rửa tội cho trẻ em là vô ích, vì chúng chưa có ý thức, Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Khi tới một lúc nào đó trong cuộc sống của mình giáo phụ Tertulliano nói trẻ em không được rửa tội nữa, ai muốn lãnh bí tích rửa tội thì phải đợi tới tuổi trưởng thành, Roma đã trả lời là chính Chúa Giêsu đã nói hãy để trẻ em đến với Ta. Lý do rửa tội cho trẻ em là vì chính Chúa Giêsu muốn như vậy. Sự hiện diện của trẻ em được rửa tội trong Giáo Hội là một sự phong phú, mà chúng ta không bao giờ được phép quên. Đó là một ơn thánh và một đặc ân mênh mông: là ngay từ khi còn thơ được sống trong bầu khí cầu nguyện, phụng tự, đươc tham dự thánh lễ. Tôi còn nhớ khi lên 4, 5 tuổi trước khi được rước lễ lần đầu, tôi đã được theo cha mẹ tới nhà thờ tham dự các lễ nghi phụng vụ. Có một trào lưu tin lành chống lại việc rửa tội cho trẻ em. Và tôi đã nghe vị mục sư than phiền rằng trong nhà thờ không có trẻ em mà chỉ có người lớn thôi. Một Giáo Hội không có trẻ em không phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu.

Truyền thống rửa tội cho trẻ em cho thấy Giáo Hội tin rằng việc tới với đức tin là công trình của Chúa Giêsu. Đồng thời nó cũng biểu lộ rằng Giáo Hội là nơi các trẻ em và người nghèo chiếm chỗ nhất. Giáo Hội không phải là một hiệp hội của những người toàn thiện, ý thức và tự lập. Giáo Hội không phải là một hiệp hội của những người ưu việt. Chúng ta thường tin rằng mình càng ý thức bao nhiêu thì ơn thánh càng thấm sâu bấy nhiêu, nhưng không phải như thế. Công việc của ơn thánh không được đo lường bằng ý thức tâm lý. Ơn thánh đi trước ý thức và không bị ý thức điều kiện hóa. Thiên Chúa yêu thụ tạo như nó là, dù nó có ý thức hay không. Ngài biết làm việc thế nào với các linh hồn, cả với các linh hồn không có ý thức nữa, linh hồn các trẻ thơ cũng như linh hồn của người hấp hối và người bệnh vào giai đoạn cuối cùng. Chỉ có ý thức gian ác là chống lai ơn thánh thôi, chứ không phải là sự vô thức vô tội. Thế rồi ai có thể cưỡng lại bàn tay của Thiên Chúa, khi Ngài muốn kéo chúng ta tới với Ngài? Với tất cả ý chí tiêu cực của mình Phaolô đã không thể cưỡng lại Chúa ở cửa thành Damasco.

Hỏi: Thế mà vẫn có người cho rằng trong tình trạng khủng hoảng đức tin hiện nay cần phải siết chặt hàng ngũ. Phải kiểm soát những người xin lãnh nhận bí tích Rửa Tội và các bí tích khác, và phải từ chối những người không thích hợp và không dấn thân sống các bí tích, Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Lập trường này khiến tôi nghĩ tới giai thoại quan Naaman là tướng chỉ huy quân đội của Siria, bị bệnh phong hủi và tìm đến với ngôn sứ Elideo để xin chữa lành. Khi thấy ngôn sứ sai người ra nói xuống tắm 7 lần trong sông Giordan, quan giận dữ, vì thấy mình đã mất công từ Siria đến đây và vấn đề chỉ đựơc giải quyết với việc tắm sông. Nhưng sau cùng nhờ các đầy tớ góp ý, ông xác tín xuống sông Giordan tắm 7 lần và được lành bệnh. Quan trở lại muốn thưởng công cho ngôn sứ, làm như là trả tiền cho việc cứu giúp, nhưng ngôn sứ từ chối, vì ơn thánh của Thiên Chúa được cống hiến nhưng không cho tất cả mọi người. Theo tôi quan Naaman là hình ảnh của tất cả những người không biết chấp nhận rằng ơn thánh đơn sơ như vậy.

Hỏi: Trong thời gian sắp mãn nhiệm Đức Hồng Y có muốn đưa ra tổng kết nào không?

Đáp: Nếu so sánh ngày nay với thời tôi còn bé, biết bao chuyện đã thay đổi.

Thời xưa còn có một loại Kitô giáo có tính cách xã hội, trong đó người ta là Kitô hữu vì truyền thống, như thể sinh ra đã là Kitô hữu rồi. Nhưng ngày nay thì không còn như thế nữa. Đức tin thường đã trở thành một sự kiện cá nhân, đôi khi duy cá nhân. Dĩ nhiên tôi không nói xấu về loại Kitô giáo của truyền thống gia đình đó, và tôi rất biết ơn cha mẹ tôi, vì nhờ các ngài mà ngay từ tấm bé tôi đã biết đức tin. Đây là một điều lợi. Tuy mọi sự xem ra đã thay đổi với thời gian, và thay đổi theo chiều hướng như hiện nay, nhưng lại càng hiển nhiên hơn là chúng ta chỉ có thể hy vọng nơi Chúa mà thôi. ”Bé gái Hy vọng” đó đã là đề tựa bức thư mục vụ cuối cùng của tôi. Niềm Hy vọng như là một bé gái tiến bước giữa hai cô chị lớn là đức tin và đức mến. Dân Kitô tưởng rằng hai cô chị cầm tay dẫn cô em bé bước đi, nhưng trái lại chính bé gái Hy vọng lôi hai chị tiến tới.

Hỏi: Theo Đức Hồng Y, đâu là chướng ngại lớn nhất đối với việc loan báo Tin Mừng hiện nay: sự thù nghịch của thế giới không còn là Kitô nữa, hay sự ích kỷ của các cá nhân, hoặc hồi giáo?

Đáp: Chướng ngại lớn nhất đối với việc loan báo Tin Mừng không phải là sự kháng cự của xã hội hay sự thù nghịch của thế giới. Sự kháng cự lớn nhất là sự thiếu tin tưởng của người muốn rao truyền Tin Mừng, không tin tưởng nơi sức mạnh riêng của Lời Chúa. Với các môn đệ thất vọng vì các khó khăn gặp phải Chúa Giêsu đã kể cho họ nghe 3 dụ ngôn trong Phúc Âm thánh Marcô: dụ ngôn người gieo giống, dụ ngôn hạt giống rơi vào lòng đất và nẩy mầm một mình, và dụ ngôn hạt cải. Chúa tìm cách cho các môn đệ hiểu mọi chuyện tiến hành ra sao. Hạt giống nẩy mầm và sinh bông hạt không phải vì người ta bỏ nhiều hạt giống vào lòng đất, hay vì sự dấn thân của người gieo hạt. Hạt giống tự nó mạnh mẽ và sinh bông hạt.

Hỏi: Có người chỉ trích Đức Hồng Y là đã không leo lên chiến lũy để chiến đu, hay đã không đưa ra các chỉ thị và hướng dẫn cho các linh mục và tín hữu giáo phận, Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Chắc chắn tính tình của tôi cũng là lý do của thái độ này. Nhưng trong Kinh Thánh cũng có nói rằng người tôi tớ của Thiên Chúa không lên tiếng giữa đường. Người ta không bao giờ nhớ và nói đến điều này. Tôi xác tín về sức mạnh thinh lặng nhiệm mầu của Lời Chúa. Đây không phải là chuyện không làm gì cả. Tôi đã làm việc từ sáng tới chiều, nhưng không la lối, không lớn tiếng. Thế rồi có phương pháp của thánh Phaolô bắt đầu rao giảng và nói tiên tri tại các quảng trường. Nhưng cũng có phương pháp của Mẹ Maria, giống phương pháp của cái lò sưởi, không nói gì cả, nhưng sưởi ấm mọi người ngồi chung quanh.

Hỏi: Khi viếng thăm Brescia hi năm 1968 Đức Giáo Hoàng Phaolo VI có nói rằng: ”nhiều người chờ đi nơi Giáo Hoàng các cử chỉ gây chấn động, các can thiệp cứng rắn quyết liệt. Giáo Hoàng không thấy phải theo đường lối khác với đường lối của sự tin tưng nơi Chúa Giêsu Kitô, là Đng thúc đẩy Giáo Hội hơn bất cứ ai hết. Chính Ngài sẽ làm cho bão táp lắng dịu. Đây không phải là một sự chờ đợi khô cằn hay bất động, mà là sự chờ đợi thức tỉnh trong cầu nguyện, mà chính Chúa Giêsu đã chọn cho chúng ta, để Ngài có thể hoạt động trong sự trọn vẹn”. Đức Thánh Cha Biển Đc XVI cũng đã lập lại câu này trong chuyến viếng thăm Brescia. Thái đnày xem ra phù hơp với lập trường của Đức Hồng Y, có đúng thế không?

Đáp: Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã là vị Giáo Hoàng mà tôi cảm thấy gần gũi nhất. Cả Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng có cùng thái độ như Đức Phaolô VI là không la lối, và chỉ nói lên và đề nghị các điều cần nói với một ít tin tưởng. Ngài không phải là típ người thể thao như đức Gioan Phaolô II là một mẫu Giáo Hoàng khác.

Hỏi: Trong các thời gian qua, xem ra Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng nhấn mạnh trên điểm này. Khi khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu Đc Thánh Cha đã nói các Tông đồ cũng chờ đợi hoạt động của Chúa Thánh Thần, vì các vị biết rằng ”Giáo Hội không phải là điều có thể làm ra, Giáo Hội không phải là sản phẩm tổ chức của chúng ta”. Đức Hồng Y thấy ngày nay có cần nhắc nhở thực tại này với Giáo Hội hay không?

Đáp: Giáo Hội cần thánh Agostino, là người đã nói: ơn thánh làm tất cả. Chúng ta phải cộng tác, nhưng chính Thiên Chúa hoạt động. Trái lại chúng ta bị cám đỗ theo thuyết của Pelagio, cho rằng các sự việc tùy thuộc nơi chúng ta và chỉ cần Thiên Chúa giúp một chút thôi. Và như thế chúng ta chối bỏ quyền năng của ơn thánh như đã xảy ra thời thánh Agostino.

Hỏi: Đức Hồng Y nhận thấy cám đ này đã hiện diện trong Giáo Hội khi nào?

Đáp: Hồi thập niên 1960-1970 khuynh hướng này có mầu sắc chính trị. Nhiều người nghĩ rằng việc thực hiện Nước Chúa là một cuộc cách mạng xã hội. Hiện nay một vài người của nền Thần học giải phóng đã đổi sang Thần học môi sinh. Nhưng họ đã chỉ thay đổi khí giới thôi. Trong các thập niên 1980-1990 kiểu giải thích việc rao truyền Tin Mừng như là kết qủa hoạt động của Giáo Hội trong xã hội thắng thế. Ngày nay cùng khuynh hướng đó nhưng nó có hình thức sửa chữa hơn. Có người nói sau Công Đồng đã có sự lạc hướng, biết bao nhiêu điều tốt lành đã bị phá tán, nhưng giờ đây chúng tôi sửa chữa lại lộ trình cho ngay ngắn. Họ luôn đưa ra các điều nòng cốt như phụng vụ, giáo lý và việc chầu Thánh Thể ... nhưng xem ra họ chỉ dùng những thứ đó như lá cờ và chỉ thay đổi khẩu hiệu, còn hướng đi nền tảng vẫn như thế. Nghĩa là chúng ta vẫn bị cám dỗ tự mình làm lấy tất cả, trước đây thì trong phong trào công giáo tiến hành, rồi trong các phong trào khác; trước đây thì trong việc canh tân công đồng, giờ đây trong việc tu sửa công đồng. Chúng ta luôn luôn là các diễn viên phô trương chính mình. Nhưng thực ra không lợi ích gì vì không có Chúa Giêsu. Như thánh Phaolô đã nói ngày nay chúng ta có nhiều thầy dậy, nói và dậy dỗ nhân danh Chúa Kitô, nhưng không hiến mạng sống mình, không là cha trong Chúa Kitô, vì họ không phải là con.

Hỏi: Giáo Hội tại Bỉ đã tiếp nhận việc cho dùng sách lễ tiếng Latinh của Đức Giáo Hoàng Pio V thời tiền công đng như thế nào?

Đáp: Mọi lễ nghi đều tốt, khi đó là các lễ nghi công giáo. Tỗi vẫn nghĩ rằng với Tự sắc Summorum Pontificium, Đức Thánh Cha muốn bầy tỏ sự khoan nhượng và sẵn sàng của ngài để mọi người bảo thủ trở về với Giáo Hội công giáo. Nhưng tôi không tin là nó đủ để giúp giải quyết vấn đề, bởi vì vấn đề của nhóm Lefèbvre không phải là lễ nghi, mà là Công Đồng Chung Vaticăng II. Vấn đề phụng vụ chỉ là cái đầu máy. Cần phải xem trong các toa xe do đầu máy đó kéo chuyên chở cái gì.
 
Hỏi: Chính tại Malines này hồi thập niên 1920 đã có các tiếp xúc đại kết giữa công giáo và tin lành do Đức Hồng Y Joseph Mercier khuyến khích. Đức Hồng Y coi tài liệu cho phép các cộng đoàn anh giáo gia nhập Giáo Hội công giáo như thế nào?

Đáp: Đây cũng đã là một dấu chỉ sự sẵn sàng của Đức Thánh Cha trong việc tiếp nhận các tín hữu anh giáo vào Giáo Hội công giáo. Nhưng phải chờ đợi vài năm để xem quyết định này có phải là giải pháp tốt nhất hay không. Chúng ta sẽ thấy tùy theo các kết qủa của nó. Nói chung tôi thấy tương quan giữa Anh giáo với Công giáo có sự không tin tưởng nào đó. Tổng Giám Mục Rowam Williams đã hội kiến với Đức Thánh Cha. Nhưng khi đọc diễn văn Đức Cha Williams nói tại Đại học giáo hoàng Gregoriana, tôi cảm thấy thất vọng. Nó đã không có chút hứng khởi nào.

Hỏi: Đức Hồng Y nghĩ gì về án phong chân phưc cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II?
 
Đáp: Tôi nghĩ là phải tôn trọng lộ trình bình thường. Nếu tự nó án phong chân phước tiến hành nhanh, thì là điều tốt thôi, Nhưng sự thánh thiện không cần phải theo các con đường đặc biệt. Đức Giáo Hoàng cũng là tín hữu được rửa tội như mọi tín hữu khác, vì thế tiến trình phong chân phước phải như tất cả mọi người.

(Trenta Giorni n.10 Tháng 11 2009, trang 25-31)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.