2010-01-14 13:47:37

Giấc mơ hòa bình cho vùng Trung Đông


Phỏng vấn nhà văn Franco Scaglia về giấc mơ hòa bình cho vùng Trung Đông của Linh Mục chuyên viên khảo cổ Michele Picirillo

Trong số ra cho hai tháng 11 và 12 cuối năm 2009 nguyệt san Thánh Địa của dòng Phanxicô đã dành một phần đặc biệt để trình bầy đề tài ”Kinh Thánh trong xứ sở của Kinh Thánh” để giới thiệu các nơi thánh tại Thánh Địa, quê hương Chúa Giêsu Kitô. Trong phần đặc biệt này cũng có bài phỏng vấn Linh Mục Hervé Ponchot, giám đốc Học Viện Thánh Kinh Giêrusalem về lịch sử khai sinh Học viện; một bài trình bầy về Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho vùng Trung Đông vào tháng 10 năm 2010; và một bài phỏng vấn nhà văn Franco Scaglia, tác giả một loạt các tiểu thuyết lấy hứng từ gương mặt của Linh Mục Michele Piccirillo, dòng Phanxicô, chuyên viên khảo cổ nổi tiếng, qua đời ngày 26-10-2008 hưởng thọ 64 tuổi. Cha Piccirillo đã được an táng cạnh Đài kỷ niệm Môshê trên núi Nebo, nơi cha đã hướng dẫn các cuộc đào bới khảo cổ trong 30 năm trời và đưa ra ánh sáng các bức khảm đá mầu cổ xưa qúy giá.

Nhà văn kiêm nhà báo Franco Scaglia sinh trưởng tại Genova tây bắc Italia, là chuyên viên đài phát thanh truyền hình Italia và là chủ tịch tổ chức Rai Cinema. Ông đã viết mấy cuốn tiểu thuyết có bối cảnh là Thánh Địa như: ”Người canh giữ nước”, ”Con hải âu bằng muối”, và ”Vàng của ông Môshê”. Cả ba cuốn đều có nhân vật chính là Linh Mục Matteo, chuyên viên khảo cổ, bị cuốn hút vào trong các chuyện gián điệp và âm mưu trong một vùng đất in đậm dấu vết xung khắc. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Scaglia tựa đề ”Cuốn sách của Chúa Giêsu. Theo các dấu vết của một người đã dậy yêu thương”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông về cuốn sách nói trên và về gương mặt của Linh Mục Michele Piccirillo.

Hỏi: Thưa ông Scaglia, ông đã gặp gỡ Thánh Địa lần đu như thế nào?

Đáp: Đó là hồi thập niên 1970. Tôi sang thăm Giêrusalem với một người bạn. Tại đây tôi đã gặp tu sĩ Phanxicô đầu tiên, mà tôi quên không nhớ rõ tên tuổi. Chỉ biết rằng tu sĩ ấy đã là một gương mặt đặc biệt, vì trước đó tu sĩ ấy đã là một vũ công Flamenco, nhưng đã bị một tai nạn phải giải nghệ. Cuộc khủng hoảng đã khiến cho anh suy tư, hoán cải và quyết định gia nhập dòng Phanxicô.

Hình ảnh đầu tiên gắn liền với Thánh Địa là chiếc xe pulman đã chở tôi tới bán đảo Sinai sau trận chiến ”Yôm Kippur” giữa Israel Ai Cập và Siria. Mặc dù là thời gian có nhiều chao đảo, nhưng hình ảnh Giêrusalem mà tôi còn nhớ rất khác với hình ảnh ngày nay, vì hồi đó có ước muốn chung sống và đối thoại.

Hỏi: Nhân vật Linh Mục Matteo trong sách đã nảy sinh như thế nào?

Đáp: Nói thật ra thì nó đã nảy sinh nơi một quán nước trong một cuộc gặp gỡ với một nhân viên của nhà xuất bản Piemme. Tôi đã thao thao bất tuyệt với ông về Thánh Địa và thành Giêrusalem. Sau cùng ông hỏi tôi: Tại sao anh không viết cho chúng tôi một cuốn tiểu thuyết? Nhân vật Matteo và cuốn ”Người canh giữ nước” nảy sinh từ đó. Vì Giêrusalem là một nơi đặc biệt, có nhiều điểm quy chiếu và lịch sử nên tôi cũng hơi lo sợ bị từ chối. Nhưng khi đọc xong bản thảo, nhà in xác tín chấp nhận ngay. Và trong các cuốn tiểu thuyết tiếp theo tôi cũng đã để nhân vật và Giêrusalem vào trọng tâm của câu chuyện.

Hỏi: Ông có lạc quan đối với tình hình chính trị của vùng Trung Đông không?

Đáp: Nói thật ra tôi không lạc quan đối với tình hình chính trị tại Trung Đông. Tại sao lại phải dấu diếm sự thật? Linh Mục Michele Piccirillo đã làm việc cả đời cho một dự án hòa bình, nhưng nó vẫn chưa kết thúc. Và chúng ta không thể tưởng tượng rằng ngày nay bất thình lình tất cả mọi người đều trở nên tốt lành hết. Tôi thấy tình hình Thánh Địa ngày càng tồi tệ thêm. Tổng thống Hoa Kỳ có thiện chí, nhưng các câu trả lời của phía Israel và Palestine liên quan tới các đề tài nóng bỏng của cuộc xung đột vẫn luôn luôn như thế, không thay đổi.

Hỏi: Liên quan tới Linh Mục Michele Piccirillo, nhân kỷ niệm một năm cha qua đời, Linh Mục Matteo nhân vật chính của tiểu thuyết có lấy hứng từ gương mặt của cha Michele không?

Đáp: Cha Matteo là cha Michele. Trong các tiểu thuyết của tôi rất nhiều tình trạng nảy sinh từ các cuộc nói chuyện dài với cha Michele là người rất đạo đức, cả khi đối với vài người xem ra không phải là như vậy. Cha Michele đã là một nhà khảo cổ nổi tiếng, nhưng sứ mệnh của ngài không kết thúc nơi đó. Trước hết ngài là một tu sĩ Phanxicô và là một linh mục. Tôi còn nhớ một bữa ăn tối trên núi Nebo với các hoàng thân Giordania, cùng với các viên chức Israel, các người bạn hồi giáo, do thái, công giáo, chính thống... Cha quy tụ tất cả mọi người trong nhà nguyện để dự Thánh Lễ, sau đó là tại phòng ăn của tu viện nhỏ trên núi Nebo. Cha có cái uy tín nảy sinh từ sự đơn sơ của tinh thần phan sinh: đó là biết thắng vượt mọi hàng rào với vũ khí của sự đối thoại.

Hỏi: Ông tin rằng cha Michele thích đưc chúng ta tưởng nhớ như thế nào?

Đáp: Trước hết là đừng miêu tả cha khác với gương mặt thật của cha. Cha Michele đã là một con người của hòa bình, nhưng đã không trông thấy hoa trái công việc tạo dựng hòa bình của mình. Cha đã tin vào hòa bình, nhưng bị vỡ mộng. Sau cái chết của thủ tướng Yitzak Rabin, bị ám sát tại Tel Avviv ngày mùng 4 tháng 11 năm 1995, cha Michele hiểu rằng mọi chuyện đang rẽ sang một khúc quanh xấu. Và cũng kể từ đó tính tình của cha thay đổi. Cha đau đớn và không còn say mê sống tại Giêrusalem nữa. Cha thích sang sống tại Giordania hay Siria hơn. Cha trở thành mệt mỏi và cái chết của cha cũng bắt nguồn từ đó. Là người rất yêu chuộng hòa bình, các biến cố tiêu cực đã thử thách cha rất nhiều. Giấc mơ của cha đó là có thể quy tụ trong một căn phòng nhỏ trong tu viện trên núi Nebo vua Hussein của Giordania, Yasser Arafat của người Palestine và thủ tướng Ytzak Rabin của Israel, để ký thỏa hiệp hòa bình. Nhưng dự án này đã không bao giờ được thực hiện. Khi cả ba nhân vật nói trên qua đời, cha Michele nghĩ rằng căn phòng nhỏ đó sẽ không bao giờ trở thành sự thực. Là người của hòa bình cha đã ngày càng nhìn dự án mà cha đã hiến trọn cuộc sống để mong thực hiện với đôi mắt ngày càng mỏi mệt hơn.

Hỏi: Tác phẩm mới nhất: ”Cuốn sách của Chúa Giêsu. Theo dấu vết của một ngưi đã dậy yêu thương” có phải là một lộ trình kiềm tìm các câu trả lời cho cuộc sống tại Thánh Địa hay không?

Đáp: Câu chuyện bắt đầu với cái chết của Sandro, một người bạn ”tự do vô thần cấp tiến”, mà tôi đã có dự án cùng nhau hành hương Thánh Địa. Riêng cá nhân tôi, tôi xác tín rằng Thánh Địa có thể nói với một người không tín ngưỡng. Việc tiếp xúc với các nơi thánh khơi dậy các câu hỏi. Sự hiện diện của ba tôn giáo độc thần và sự gắn bó của ba tôn giáo với các hòn đá vết tích lịch sử ấy chẳng hạn, cũng đặt ra các vấn nạn đối với người xưng mình là vô thần. Chẳng lẽ mọi sự nảy sinh tại đó chỉ vì tình cờ hay sao?

Hỏi: Đây có phải là một cuốn sách trao ban cho ngưi đc ước muốn đc Kinh Thánh, và đối chiếu các nơi thánh mình viếng thăm với Kinh Thánh hay không?

Đáp: Cần phải khởi hành từ đó, nhưng cũng phải vượt qua điểm khởi hành này. Tôi muốn nói rằng nếu người ta đọc Kinh Thánh trong chủ quan ý thức hệ, chỉ như là tài liệu biện minh cho sự trở về miền đất Thiên Chúa hứa cho dân được tuyển chọn, thì rất khó thảo luận. Nếu điểm khởi hành là như thế thì diễn văn hòa bình cho vùng đất này không tìm được ngõ ra, và bất cứ ai dám nạo hiểm tới vùng đất này đều là một người bị chúc dữ, vì họ đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa là Đấng đã dành vùng đất này cho người do thái.

Tôi cảm nhận và suy tư về đề tài đất hứa rất nhiều, nhưng tôi nghĩ là mình sẽ không bao giờ viết một cuốn tiểu thuyết với cha Matteo là nhân vật chính nữa; vì từ khi cha Piccirillo qua đời tôi cũng cảm thấy mình xa rời Thánh Địa. Nhưng nếu tôi có phải viết một cuốn sách mới, tôi sẽ khởi hành từ lời Thiên Chúa hứa, và tìm đưa cuộc xung đột vào trong sách.

Cha Piccirillo có lần đã viết rằng: ”Sống tại Giêrusalem có nghĩa là va chạm hàng ngày với lịch sử, địa lý và khảo cổ”. Thật thế tại Giêrusalem người ta chung đụng với hàng đống các yếu tố lịch sử, các căng thẳng và ràng buộc đến không thể nào tin được: các dân tộc, các tôn giáo, các nền văn hóa tìm đến vùng đất này đã để lại các dấu vết, nhưng về lâu về dài chúng đã biến thành các khép kín và thù nghịch. Chẳng hạn nếu tôi bước vào một nơi thờ tự không công giáo, tôi bị nhìn với đối mắt nghi ngờ. Cha Michele có lần đã nói với tôi rằng trước kia các tu sĩ Phanxicô thường tự do đi dạo trong khuôn viên đền thờ hồi giáo, không cách xa tu viện Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Nhưng ngày nay thì không thể làm được như vậy nữa.

Hỏi: ”Ngày nay người ta cần Chúa Giêsu hơn cn Kitô giáo” đó là mt câu ông đã viết trong sách. Ông có ý nói gì vậy?

Đáp: Tôi tin rằng để có thể thắng vượt các xung khắc của mình, Thánh Địa không thể không tìm đến với sứ điệp của Chúa Giêsu. Kitô giáo hướng tới những người đã hoán cải. Nhưng việc rao giảng của Chúa Kitô thì rộng rãi hơn nhiều. Con Người của thành Nagiarét nói với tất cả mọi người, kêu gọi mọi người, cả người do thái lẫn người hồi. Tiếp nhận sự điệp của Ngài là con người Thiên Chúa, là Đấng đang bước đi giữa chúng ta. Khi theo Ngài chúng ta tìm được niềm hy vọng và hạnh phúc, và đó là khả thể duy nhất giúp tìm ra hòa bình nội tâm và xây dựng hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia.

(Avvenire 23-12-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.