2009-11-28 17:53:45

Đức Thánh Cha chủ tọa buổi kỷ niệm 25 năm hòa ước Chile-Argentina


VATICAN. Sáng 28-11-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ tọa tại dinh Tông Tòa buổi kỷ niệm 25 năm ký kết ”hiệp ước hòa bình và thân hữu giữa Chile và Argentina”.

Hiệp ước đã được ký kết ngày 29-11-1984 chấm dứt cuộc tranh chấp biên giới kéo dài hàng trăm năm giữa Chile và Argentina, đặc biệt là con kênh Beagle. Hồi cuối năm 1978, chính quyền quân sự hai nước này đã quyết định dùng võ lực để giải quyết tranh chấp, nhưng nhờ sự trung gian của Tòa Thánh từ tháng 1-1979 qua ĐHY Samoré, đại diện hai nước đã ký văn kiện cam kết dùng những phương thế ôn hòa để giải quyết tranh chấp. Sau 5 năm thương thuyết với sự hiện diện của đại diện Tòa Thánh, hai nước đã ký hòa ước và lễ nghi trao đổi văn kiện phê chuẩn đã diễn ra tại Vatican ngày 2-5-1985. Giả sử không có hòa ước ấy, thì hàng chục ngàn sinh mạng binh sĩ và thường dân đã bị tiêu diệt trong cuộc xung đột võ trang.

Lúc 11 giờ, ĐTC và ĐHY Quốc vụ khanh Bertone đã lần lượt hội kiến riêng với tổng thống Chile là bà Michelle Bachelet, rồi tới tổng thống Argentina là bà Cristina Fernández de Kirchner. Sau đó lúc 11 giờ 45, ngài cùng với 2 bà tổng thống và ĐHY Quốc vụ khanh tiến sang sảnh đường Clementina để cùng với phái đoàn hai chính phủ liên hệ cử hành buổi kỷ niệm.

Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhắc đến và ghi ơn tất cả những người đã góp phần vào việc ký hòa ước, ĐTC khẳng định rằng ”25 năm sau hòa ước ấy, chúng ta có thể hài lòng nhận thấy rằng biến cố lịch sử đó đã góp phần tốt đẹp củng cố tâm tình huynh đệ giữa hai nước, cũng như đẩy mạnh sự cộng tác và hội nhập, được cụ thể hóa qua nhiều dự án kinh tế, những trao đổi văn hóa và những công trình quan trọng kiến thiết hạ tầng cơ cấu, nhờ đó khắc phục được những thành kiến, ngờ vực và e dè trong quá khứ. Trong thực tế Chile và Argentina không phải chỉ là hai nước láng giềng, nhưng còn là hai dân tộc anh em với một ơn gọi chung sống huynh đệ, tôn trọng và thân hữu với nhau, phần lớn là do truyền thống CG nơi nền tảng lịch sử, và gia sản phong phú của hai nước về văn hóa và tinh thần”.

ĐTC nhận xét rằng ”Hiệp định hòa bình và thân hữu giữa Chile và Argentina là một ví dụ sáng ngời về sức mạnh của tinh thần con người và ý chí hòa bình đứng trước sự man rợ và vô lý của bạo lực, chiến tranh, như phương thế giải quyết các tranh chấp. Một lần nữa, cần để ý đến lời mà vị Tiền Nhiệm của tôi, Đức Piô 12 đã nói trong thời điểm đặc biệt khó khăn của lịch sử: ”Không gì bị mất mát với hòa bình. Tất cả có thể bị mất mát với chiến tranh” (Sứ điệp truyền thanh 24-8-1939).

ĐTC cũng nêu bật một khía cạnh khác trong nỗ lực đạt tới hòa bình và nhấn mạnh rằng: ”Để chính nghĩa hòa bình tiến hành trong tâm trí của mọi người, đặc biệt nơi những người được kêu gọi phục vụ các công dân của mình trong những chức vụ cao nhất, điều cần thiết là chính nghĩa ấy phải dựa trên những xác tín luân lý vững chắc, trong sự thanh thản của tâm hồn nhiều khi bị căng thẳng, và trên sự liên lỷ tìm kiếm công ích của quốc gia, miền và thế giới. Thực vậy, sự theo đuổi hòa bình đòi phải thăng tiến một nền văn hóa chân thực về sự sống, tôn trọng phẩm giá trọn vẹn của con người, cùng với sự củng cố gia đình như tế bào cơ bản của xã hội. Nó cũng đòi phải chiến đấu chống nghèo đói và tham nhũng, nâng cao phẩm chất giáo dục cho mọi người, phát triển kinh tế trong tinh thần liên đới, củng cố dân chủ và loại trừ bạo lực và nạn khai thác bóc lột, nhất là nạn bóc lột phụ nữ và trẻ em”.

Sau buổi lễ kỷ niệm, hai bà tổng thống cùng với phái đoàn hai nước đã xuống tầng hầm Đền thờ thánh Phêrô để viếng mộ Đức Gioan Phaolô 2, ĐHY Angelo Comastri đã tiếp đón hai tổng thống và hướng dẫn buổi cầu nguyện ngắn, trước khi hai bà đặt vòng hoa như một cử chỉ biết ơn đối với Đức Cố Giáo Hoàng đã góp phần mang lại hòa bình cho hai nước.

Sau cùng, hai phái đoàn Chile và Argentina đã viếng thăm vườn Vatican và dùng bữa trưa do ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh khoản đãi. Hai vị tổng thống đã khánh thành một bia đánh dấu biến cố kỷ niệm này. (SD 28-11-2009)

G. Trần Đức Anh OP







All the contents on this site are copyrighted ©.