2009-11-19 16:49:22

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Viện trưng, Giáo Sư và Sinh Viên Công Giáo


VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 khuyến khích các giáo sư và sinh viên các đại học Công Giáo trở thành dụng cụ rao giảng Tin Mừng.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 19-11-2009 dành cho hàng ngàn người gồm các vị viện trưởng, giáo sư và sinh viên các đại học Công Giáo, tham dự Đại hội của Liên hiệp quốc tế các Đại học Công Giáo, nhóm tại Roma trong những ngày này, nhân dịp kỷ niệm 30 năm công bố Tông Hiến Sapientia Christiana về các Đại học Công Giáo và 60 năm Tòa Thánh phê chuẩn qui chế của Liên hiệp Quốc tế các đại học Công Giáo, gọi tắt là FIUC.

ĐTC ghi nhận rằng các đại học và trường cao đẳng Công Giáo đã gia tăng mạnh trong Giáo Hội, và hiện có hơn 1.300 đại học Công Giáo cùng với khoảng 400 phân khoa Công Giáo, rải rác tại các Đại lục, chứng tỏ sự gia tăng mối quan tâm của các Giáo Hội địa phương đối với việc huấn luyện giáo sĩ và giáo dân về văn hóa và nghiên cứu.
ĐTC nói đến Tông Hiến Sapientia Christiana, ngay từ những dòng đầu tiên, đã nhắc đến sự cấp thiết cần vượt qua hố chia cách giữa văn hóa và đức tin, đồng thời mời gọi gia tăng nỗ lực rao giảng Tin Mừng, với xác tín rằng mạc khải Kitô giáo là một sức mạnh biến đổi, nhắm đi sâu vào đường lối tư duy, các tiêu chuẩn phán đoán, và các qui tắc hành động”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng trong xã hội ngày nay, kiến thức ngày càng trở nên chuyên môn và theo từng lãnh vực, nhưng đồng thời chịu ảnh hưởng sâu đậm của trào lưu duy tương đối, vì thế, cần phải cởi mở hơn nữa đối với sự khôn ngoan đến từ Tin Mừng. Thực vậy, con người không hiểu bản thân và thế giới một cách trọn vẹn nếu không có Chúa Giêsu Kitô: chỉ có Chúa soi sáng cho thấy rõ phẩm giá đích thực, ơn gọi, vận mệnh tối hậu của con người và mở tâm hồn họ đón nhận niềm hy vọng vững chắc và lâu bền”.

ĐTC nói thêm rằng ”Điều quan trọng là tất cả mọi người, giáo sư và sinh viên, không bao giờ quên mục tiêu cần theo đuổi, đó là trở thành dụng cụ rao giảng Tin Mừng. Những năm học cao đẳng về đạo có thể ví như kinh nghiệm của các Tông Đồ sống với Chúa Giêsu: Khi ở với Người, họ học chân lý, để trở thành những người rao giảng chân lý khắp nơi. Đồng thời cũng cần nhớ rằng việc học các thánh khoa không bao giờ được tách rời khỏi việc cầu nguyện, kết hiệp với Thiên Chúa, và sự chiêm niệm, nếu không những suy tư về mầu nhiệm thần linh có nguy cơ trở thành một sự thao luyện trí thức phù du. Thực vậy, mỗi thánh khoa, xét cho cùng, đều qui về khoa học của các thánh, về trực giác của các vị liên quan tới các mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống, về sự khôn ngoan, vồn là hồng ân của Chúa Thánh Linh” (SD 19-11-2009)

G. Trần Đức Anh OP









All the contents on this site are copyrighted ©.