2009-11-09 11:53:27

CHÂN PHÚC CHIẾN SĨ CỦA TÌNH BÁC ÁI


Ngày 5-10-1946 khi Alberto Marvelli (1918-1946) tử nạn, toàn thành phố Rimini (Bắc Ý) thương khóc chàng. Alberto Marvelli hưởng dương 28 tuổi.

Toàn dân Rimini - kể cả những người cộng sản vô thần - cùng nhau thương tiếc một người con, một người anh em đã làm không biết bao điều lành cho thành phố, cho quê hương. Một đoàn người dài đến ba cây số đưa tiễn linh cữu Alberto đến nơi an nghỉ sau cùng. Nhiều người quỳ gối khóc ròng và các bức rèm cửa sổ hạ xuống khi linh cữu chàng đi qua.

Vào năm 1946, nước Ý mới thoát khỏi cảnh tàn khốc của đệ nhị thế chiến 1939-1945. Alberto đem hết tài lực ra góp phần tái thiết xứ sở. Tuy còn trẻ tuổi nhưng Alberto đã kiêm giữ chức vụ: phó chủ tịch Công Giáo Tiến Hành và là thành viên của đảng Dân Chủ THIÊN CHÚA Giáo. Nhiều người mong muốn thấy chàng trở nên thị trưởng thành phố Rimini.

Alberto cống hiến cho người đồng hương đương thời một hình ảnh tuyệt đẹp:
- Mẫu gương của tín hữu Công Giáo dấn thân hoàn toàn trong lãnh vực chính trị để phục vụ tổ quốc.

Alberto Marvelli diễm phúc chào đời ngày 21-3-1918 trong một gia đình Công Giáo vô cùng đạo đức. Cậu bé như hít thở bầu khí Đức Tin và Đức Ái giữa các bức tường của tổ ấm gia đình. Alberto là con thứ hai trong số 7 anh em. Alberto sinh trưởng tại Ferrara nhưng sau đó di chuyển về sống tại Rimini. Khi gia đình chuyển về Rimini thì thân sinh của Alberto - trước đó là giám đốc ngân hàng - bị mất việc, vì từ chối không gia nhập đảng phát-xít (1922-1945) do nhà độc tài Ý Benito Mussolini (1883-1945) thành lập. Tại Rimini, Alberto theo học nơi trường các Cha dòng Salésien Don Bosco và ghi tên vào hội đoàn Công Giáo Tiến Hành.

Kể từ năm 15 tuổi, Alberto dốc lòng tham dự Thánh Lễ, rước lễ hàng ngày và xưng tội mỗi tuần một lần. Năm 1933, sau khi thân phụ qua đời, Alberto bắt đầu thổ lộ tư tưởng và tâm tình trong Cuốn Nhật Ký. Đây là tài liệu duy nhất còn lại sau khi chàng qua đời. Cuốn Nhật Ký gồm tất cả 53 trang viết trên cuốn lịch tay.

Gọi là Nhật Ký nhưng thật ra Alberto không viết tâm sự mỗi ngày mà chỉ viết khi cần. Cuốn Nhật Ký là chứng tích quý giá vì nó ghi lại biến chuyển nội tâm, cuộc hành trình tiến về THIÊN CHÚA và điều dốc lòng sống trong sạch:
- Thà chết chứ không thà phạm tội!

Alberto viết:
- Tôi ước ao gìn giữ tâm hồn luôn ngây thơ như cánh huệ, trắng tinh như tuyết rơi trên đỉnh núi và tinh khiết như bầu trời quang đãng, dọi chiếu ánh sáng rạng ngời.

Alberto là thanh niên tràn đầy sức sống. Chàng yêu thể thao và thích môn leo núi. Chàng là giáo lý viên nhiệt thành và nhất là có biệt tài tổ chức. Sau khi mãn bậc trung học, Alberto ghi danh vào ngành kỹ sư của đại học Bologna (Bắc Ý). Chàng ra trường với số điểm thật cao. Thế chiến thứ hai bùng nổ, Alberto phải lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Nhưng chàng được trả về vì trong gia đình đã có hai anh em trai đang phục vụ trong quân ngũ. Trở lại đời sống thường dân, Alberto đến làm việc cho hãng xe FIAT ở Torino. Sau đó chàng chuyển về làm việc lại Rimini để được ở gần và chăm sóc hiền mẫu.

Alberto trải qua năm tháng đời xuân trẻ trong những biến cố đau thương của đất nước dưới sức tàn phá khốc liệt của đệ nhị thế chiến và của nhóm phát-xít (1922-1945). Giữa những làn tên mũi đạn, Alberto chỉ có khí giới duy nhất để hộ vệ là Tràng Chuỗi Mân Côi và Thánh Lễ hàng ngày. Chàng ra tay chăm sóc người bị thương và giúp đỡ người nghèo khổ túng thiếu. Vì thế, sau ngày nước Ý được giải phóng 25-4-1945, Alberto được mời tham gia Ủy Ban Tái Thiết đất nước. Đây là trách nhiệm vô cùng tế nhị và khó khăn vì phải tìm kiếm và phân phối nhà cửa cho dân chúng. Thành phố Rimini lúc ấy bị chiến tranh tàn phá gần như 82,02%.

Trên cuốn nhật ký, Alberto nắn nót hàng chữ:
- Phục vụ tốt hơn là được phục vụ. Đức Chúa GIÊSU KITÔ phục vụ.

Với châm ngôn đó, Alberto thành công trong việc tìm ra chỗ ở cho hàng ngàn người dân thành phố Rimini. Điều mà các nhà chính trị không làm được thì Alberto đã thành công với lòng bác ái vô bờ. Mỗi ngày, các người nghèo nối đuôi đứng đợi trước nhà để được chàng giúp đỡ chăm sóc. Thế nhưng, ”họa vô đơn chí”! Tiếp liền sau trận đệ nhị thế chiến là đến nạn dịch đậu lào. Alberto lăn xả vào việc cứu giúp người dân Rimini bị mắc bệnh.

Mặc dầu sống đời hoạt động như thế, Alberto Marvelli vẫn giữ tâm hồn liên lạc với Trời Cao và chuẩn bị cuộc gặp gỡ THIÊN CHÚA. Trong một bức thư, chàng viết:
- Tôi cảm thấy nhung nhớ Trời Cao và sẵn sàng đợi ngày THIÊN CHÚA gọi về. Nhưng có lẽ tôi chưa xứng đáng. Tôi phải cố gắng nhiều, sống thánh thiện hơn và thanh tẩy tâm hồn để có thể thân thưa: Lạy Chúa, con đã sẵn rồi, xin Chúa làm nơi con điều Chúa muốn!

Ngày 5-9-2004 trong chuyến viếng thăm mục vụ nhân dịp Đại Hội Toàn Quốc hội đoàn Công Giáo Tiến Hành tại Loreto, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) đã nâng anh Alberto Marvelli lên hàng Chân Phước.

... ”Ai có thể tách chúng ta khỏi Tình Yêu của Đức Chúa GIÊSU KITÔ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: 'Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu đ sát sinh'. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của THIÊN CHÚA thể hiện nơi Đc GIÊSU KITÔ, Chúa chúng ta” (Thư gởi tín hữu Roma 8,35-39).

(”Famiglia Cristiana”, n.40, Ottobre/1996, trang 102-104)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.