2009-10-29 14:58:07

Lắng nghe lời Chúa, suy niệm và cầu nguyện để hiểu biết và yêu mến Chúa hơn


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến gần 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 28-10-2009.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã duyệt qua lịch sử phát triển thần học hồi thế kỷ XII. Nó trùng hợp với một loạt các sự kiện tích cực như bầu khí hòa bình ngự trị tại các nước tây phương hồi đó khiến cho thương mại cũng phát triển, các cơ cấu chính trị được vững chãi và văn hóa được thăng tiến. Bên trong Giáo Hội cuộc ”cải cách gregoriana” bắt đầu vào thế kỷ trước đã khiến cho cuộc sống các cộng đoàn và nhất là hàng giáo sĩ được thấm nhuần Tin Mừng hơn, Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng cũng được thực sự tự do hành động. Phong trào canh tân tinh thần cũng như cuộc sống thánh hiến phát triển mạnh. Chính trong bầu khí đó nền thần học cũng nở hoa, ý thức hơn về bản chất của mình và tìm ra phương pháp để đương đầu với các vấn đề mới, tiến sâu hơn vào việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Thiên Chúa và sản xuất các tác phẩm nền tảng, gợi hứng cho các sáng kiến văn hóa quan trọng từ nghệ thuật tới văn chương, và chuẩn bị cho các trước tác của thế kỷ đến sau của thánh Toma Aquino và thánh Bonaventura thành Bagnoregio.

Đề cập đến các sinh hoạt thần học Đức Thánh Cha nói:

Có hai môi trường trong đó sinh hoạt thần học nồng nhiệt diễn ra: đó là các đan viện và các trường học thành phố, một vài trường sẽ mau chóng cho ra đời các đại học, là sáng kiến đặc thù của thời Trung Cổ Kitô. Chính từ hai môi trường này có thể nói tới hai mẫu thần học khác nhau là thần học đan tu và thần học kinh viện. Đại diện nền thần học đan tu là các đan sĩ, thường là các Viện phụ khôn ngoan và sốt mến chú ý tới việc dưỡng nuôi ước muốn yêu mến Thiên Chúa. Đại diện của nền thần học kinh viện là các bậc thầy muốn cho thấy lý lẽ và nền tảng của các mầu nhiệm của Thiên Chúa và của con người.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích các phương pháp của hai nền thần học. Phương pháp thần học của các đan viện thế kỷ XII là giải thích Kinh Thánh, đặc biệt là thần học kinh thánh. Các đan sĩ thực thi việc đọc Lời Chúa và cầu nguyện để hiểu sứ điệp siêu việt tiềm ẩn trong đó. Kinh Thánh được giải thích một cách ám tỉ để khám phá ra những gì nói tới Chúa Kitô và công trình cứu chuộc của Người trong các trang cựu ước và tân ước.

Thần học đan tu kết hiệp việc tìm hiểu văn chương, chú ý tới văn phạm và ngữ học với việc đọc hiểu tu đức, như được học giả biển đức Jean Leclerq trình bầy trong khảo luận ”Yêu mến các lời và ước mong Thiên Chúa”. Ước muốn hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa được hiện thực qua cố gắng đón nhận suy tư và thực hành đào sâu các văn bản kinh thánh trong tất cả mọi chiều kích của chúng. Ngoài ra thần học đan tu còn nhấn mạnh một thái độ khác nữa đó là thái độ cầu nguyện phải đi trước, chuẩn bị, đồng hành và bổ túc việc nghiên cứu Kinh Thánh. Vì nói cho cùng thần học đan tu là lắng nghe Lời Chúa nên không thể không thanh tẩy tâm lòng để tiếp nhận Lời Chúa và nhất là không thể đốt lên lòng sốt mến để gặp gỡ Chúa. Vì thế thần học trở thành suy niệm, cầu nguyện, chúc tụng, và thúc đẩy con người hoán cải thực sự. Đã có không ít đại diện của nền thần học này đạt kinh nghiệm thần bí. Nó mời gọi chúng ta dưỡng nuôi cuộc sống bằng lời Chúa qua việc chăm chú lắng nghe các bài đọc trong thánh lễ đặc biệt trong thánh lễ Chúa Nhật. Ngoài ra cũng là điều quan trọng dành một thời gian trong ngày cho việc suy niệm Kinh Thánh để Lời Chúa là đèn soi sáng con đường ngày sống của chúng ta trên trần gian này.

Trong phần hai của bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích nền thần học kinh viện. Ngài nói:

Thần học kinh viện trái lại được thực hành trong các trường, được thành lập bên cạnh các nhà thờ chính tòa thời đó để chuẩn bị hàng giáo sĩ, chung quanh một bậc thầy thần học và các môn sinh, để đào tạo các chuyên viên của nền văn hóa, trong một thời đại trong đó sự hiểu biết ngày càng được đánh giá cao hơn. Trong phương pháp kinh viện câu hỏi hay vấn đề là điều chính. Vấn đề được nêu lên cho người đọc trong việc đương đầu với các lời của Kinh Thánh và Truyền Thống, và thầy trò thảo luận trao đổi với nhau. Mục đích là tìm ra một tổng kết giữa quyền bính và lý trí để đi tới chỗ hiểu biết lời Chúa một cách sâu đậm hơn. Thánh Bonaventura sẽ nói rằng thần học thêm chiều kích của lý trí vào Lời Chúa và tạo ra một lòng tin sâu đậm hơn, cá nhân hơn vì thế cũng cụ thể hơn trong cuộc sống con người. Trong nghĩa này người ta đã tìm ra các giải pháp khác nhau và tạo ra các kết luận và bắt đầu xây dựng một hệ thống thần học. Việc tổ chức các câu hỏi và các câu trả lời tạo ra một tổng hợp gọi là Tổng Luận là các khảo luận thần học tín lý nảy sinh từ việc đối chiếu lý trí với Lời Chúa. Thần học kinh viện nhắm trình bầy sự thống nhất và hài hòa của Mặc Khải Kitô với một phương pháp tin tưởng nơi lý trí con người. Văn phạm và ngữ học phục vụ sự hiểu biết thần học, nhưng luận lý học kiểu hoạt động của lý trí lại còn phục vụ hơn nữa. Ngày nay khi đọc lại các tổng luận ấy chúng ta phải ngạc nhiên trước trật tự, sự sáng sủa và tiếp nối luận lý của các đề tài cũng như sự sâu sắc của một vài trực giác. Với từ vựng kỹ thuật mỗi một từ có một ý nghĩa chính xác, và giữa tin và hiểu có một sự chuyển động minh giải cho nhau.

Kết thúc bài huấn dự Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến lấy lại lời mời của thư thứ I thánh Phêrô, nền thần học kinh viện thúc đẩy chúng ta ngày càng sẵn sàng trả lời cho những ai hỏi lý do niềm hy vọng nơi chúng ta (x. 3,15). Nghe các câu hỏi như là của chúng ta và cũng có khả năng đưa ra câu trả lời. Nó nhắc nhớ chúng ta biết rằng giữa lòng tin và lý trí có một tình bạn tự nhiên dựa trên chính trật tự của việc tạo dựng. Vị tôi tớ Chúa Gioan Phaolo II trong phần mở đầu Thông điệp ”Lòng tin và lý trí” viết rằng: ”Lòng tin và lý trí như hai cánh, với chúng tinh thần con người được nâng lên cao hướng tới việc chiêm ngưỡng chân lý”. Đức tin rộng mở cho nỗ lực hiểu biết của lý trí; tới phiên mình lý trí thừa nhận rằng đức tin không hành hạ nó, trái lại thúc đẩy nó tới các chân trời rộng rãi và cao hơn. Đây là bài học của nền thần học viện tu. Đức tin và lý trí đối thoại với nhau rung nhịp tươi vui, khi cả hai được linh hoạt bởi việc kiếm tìm sự kết hiệp thân tình với Thiên Chúa. Chân lý được kiếm tìm với lòng khiêm nhường, được tiếp nhận với sự kinh ngạc và biết ơn. Tắt một lời sự hiểu biết chỉ lớn lên khi ta yêu mến chân lý. Tình yêu trở thành sự hiểu biết và thẫn học đích thực, sự khôn ngoan của con tim định hướng và nâng đỡ đức tin và cuộc sống của tín hữu. Chúng ta hãy cầu nguyện để con đường hiểu biết và đào sâu các Mầu nhiệm Thiên Chúa của chúng ta luôn được soi sáng bởi tình yêu của Chúa.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Lituani, Hòa Lan, Ucraine và Ý. Ngài cầu chúc mọi người có cuộc hành hương sốt sắng và bổ ích. Rồi Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.