2009-10-05 11:48:58

Giáo Hội Công Giáo Đông Timor và vai trò hòa giải đất nước


Giáo Hội Công Giáo Đông Timor trong vai trò hòa giải 10 năm sau cuộc trưng cầu dân ý tách rời khỏi Indonesia

Cách đây 10 năm ngày 30 tháng 8 năm 1999 nhân dân Đông Timor đã đi bo phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý tách rời khỏi Indonesia, để trở thành một nước độc lập. Mười năm đã trôi qua nhưng Đông Timor vẫn chưa tìm được sự ổn định chính trị kinh tế, và vẫn còn đang phải đương đầu với rất nhiều thách đố cam go, trong có đó có vấn đề hòa giải các chủng tộc, các nhóm chính trị và các giai tầng xã hội với nhau.

Vào thế kỷ XVI người Bồ Đào Nha đã đặt chân lên đảo Timor, tiếp theo đó là người Hòa Lan. Sự chung sống giữa hai cường quốc Âu Châu thời đó trên cùng một vùng đất thuộc địa đã gây ra các xung khắc, và các xung khắc này đã chỉ chấm dứt vào năm 1859 với Thỏa hiệp Lisboa, chia Timor thành Đông Timor nằm dưới quyền thuộc địa của Bồ Đào Nha, và Tây Timor nằm dưới quyền kiểm soát của Hòa Lan.

Vào đầu thế kỷ XX trước sự nảy sinh của phong trào đòi độc lập người Bồ Đào Nha đã quyết định tuyển mộ dân địa phương vào làm việc trong các cơ quan hành chánh. Năm 1974 chính quyền Bồ Đào Nha cho phép các đảng phái chính trị Đông Timor hoạt động. Thế là nảy sinh ra các đảng ”Thống nhất dân chủ Timor”, có khuynh hướng bảo thủ; ”Hiệp hội dân chủ xã hội Timor” là đảng công giáo cấp tiến, gồm nhiều nhánh khác nhau trong đó có một nhóm nhỏ theo khuynh hướng mác xít. Sau ít tháng nhóm này biến thành ”Mặt trận cách mạng Đông Timor độc lập”, gọi tắt FRETILIN. Ngày 29 tháng 7 năm 1975 sau khi thất cử, đảng ”Thống nhất dân chủ Timor” thử đảo chánh với sự trợ giúp của chính quyền Indonesia. Nhưng cuộc đảo chánh thất bại nhờ sự can thiệp của Mặt trận cách mạng Đông Timor độc lập. Chỉ nội trong 2 ngày các nhóm binh sĩ của lực lượng quân đội giải phóng quốc gia Đông Timor được dân chúng hậu thuẫn khai trừ được các người cầm đầu cuộc đảo chánh. Trong khi đó Indonesia lợi dụng tình hình bất ổn xua quân chiếm nhiều vùng đất của Đông Timor. Trước nguy cơ bị xâm lăng đảng Fretilin tuyên bố Đông Timor độc lập. Ngày 7 tháng 12 năm 1975 Indonesia chiếm Đông Timor khiến cho hàng ngàn người dân phải thiệt mạng, nhưng họ đã chỉ có thể kiểm soát vùng ven biển. Trong khi đó các thành viên còn sống sót của ”Các lực lượng vũ trang giải phóng quốc gia Đông Timor”, viết tắt là FALINTIL, rút lui vào vùng núi và bắt đầu phong trào kháng chiến, kéo dài nhiều năm trời.

Tuy việc xâm lăng Đông Timor bị cộng đồng quốc tế lên án, ngày 29 tháng 6 năm 1976 chính quyền Jakarta chính thức tuyên bố chiếm Đông Timor. Trong các năm 1977-1979 chính quyền Indonesia đã mở nhiều cuộc tấn công các lực lượng kháng chiến khiến cho hơn 100.000 dân phải thiệt mạng; trong khi Liên Hiệp Quốc đã đưa ra nhiều nghị quyết lên án Indonesia. Chiến tranh giành độc lập vẫn tiếp tục hàng chục năm sau đó. Năm 1998 sau khi tổng thống Suharto của Indonesia từ chức, người dân Đông Timor đã liên tục phát động các cuộc biểu tình vĩ đại đòi độc lập. Năm 1999 qua sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, một thỏa hiệp đã được ký kết giữa Liên Hiệp Quốc, Bồ Đào Nha và Indonesia. Và một Ủy ban của Liên Hiệp Quốc đã được giao cho nhiệm vụ tổ chức trưng cầu dân ý chấp nhận hay khước từ chương trình tự trị do chính quyền Indonesia đề nghị. Người dân Đông Timor đã khước từ chấp nhận đề nghị tự trị, và ngày 30 tháng 8 năm 1999 Đông Timor tuyên bố độc lập.

Sau mấy tháng giao tranh giữa lực lượng dân quân chống độc lập phò Indonesia và các đảng phái chủ trương độc lập, Liên Hiệp Quốc đã gửi lực lượng bảo hòa tới Đông Timor. Ngày 19 tháng 10 năm 1999 chính quyền Jakarta chấp thuận việc tách rời Tây Timor khỏi Đông Timor. Ngày 24 tháng 10 Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc quyết định đặt vùng Đông Timor dưới quyền quản trị của Liên Hiệp Quốc, đồng thời xác định ngày bầu cử vào tháng 8 năm 2001.

Đảng FRETILIN thắng cử, nhưng không đủ đa số cần thiết để thông qua Hiến Pháp mới. Vào tháng 4 năm 2002 người dân Đông Timor bầu tổng thống. Ông Xanana Gusmao, lãnh tụ cuộc chiến giành độc lập đã đắc cử với đa số phiếu và trở thành tổng thống đầu tiên của Đông Timor. Vào tháng 5 sau đó Cộng Hòa Đông Timor chính thức tuyên bố độc lập. Tháng 6 năm 2006 thủ tướng Mari Alkatiri từ chức, vì đã liên lụy với các nhóm ám sát các đối thủ chính trị. Ông Ramos Horta lên làm thủ tướng, và trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 năm 2007 ông trở thành vị tổng thống thứ hai của Cộng Hòa Đông Timor.

Ông Xanana Gusmao, nguyên tổng thống Cộng Hòa Đông Timor, một nhà trí thức đã phải sống lưu vong nhiều năm, hiện nay là thủ tướng. Trong khi tổng thống là ông José Ramos Horta là người đã trúng giải Nobel Hòa Bình năm 1996 cùng với Đức Cha Carlos Filipe Ximenes Bello vì đã có công đem lại hòa bình và độc lập cho nhân dân Đông Timor. Hồi tháng 2 năm 2008 ông đã bị mưu sát hụt. Phó thủ tướng là ông Mario Viegas Cartascalao, nguyên thống đốc vùng Tây Timor, có cả gia đình bị ám sát vì ông theo phong trào đòi độc lập cho nhân dân Timor. Ông đã từ chối lời đề nghị của nhiều nhóm khác nhau ra tranh cử tổng thống hồi năm 2006.

Bên cạnh các chính khách thuộc các đảng phái và phong trào đấu tranh giành độc lập trước kia, có gương mặt nổi bật của Đức Cha Ximenes Bello, dòng Don Bosco, người đã lèo lái con thuyền Giáo Hội Đông Timor trong các năm chiến tranh khó khăn. Tòa Giám Mục của ngài cũng đã có lần bị đặt bom hư hại nặng, nhưng đã không có ai bị thiệt mạng. Đức Cha đã là người liên tục can đảm lên tiếng bênh vực nhân phẩm, sự tự do và các quyền con người. Năm 2002 Đức Cha đã xin nghỉ và rút lui về sống bên Bồ Đào Nha vì lý do sức khỏe. Tiếp đến ngài sang phục vụ dòng Don Bosco tại Mozambic bên Phi châu.

Đông Timor chỉ rộng hơn 14.600 cây số vuông, hiện có khoảng gần 1 triệu dân, trong đó có 93,10% là tín hữu công giáo. Được người Bồ Đào Nha khám phá ra vào đầu thế kỷ thứ XVI Timor trở thành trạm dừng chân của các thương thuyền buôn gỗ hương ”Sandalo” để chế nước hoa, dầu thơm và hương. Năm 1561 các thừa sai dòng Đa Minh đã thành lập cứ điểm truyền giáo đầu tiên trên đảo Solor, là Flores ngày nay, và từ đó đi giảng đạo cho dân chúng sống trên các đảo khác chung quanh, sau này cứ điểm được củng cố trở thành pháo đài. Năm 1595 có một cứ điểm truyền giáo khác được thành lập trên đảo Ende Nhỏ ngoài khơi Flores. Năm 1613 người Hòa Lan tới và lấn chiếm Solor.

Người Bồ di chuyển bản doanh tới Larantuka. Vào năm 1646 nhờ các thừa sai giúp sức người Bồ thành lập một pháo đài tại Cupao, tức Kupang, và đây đã là thành phố Bồ đầu tiên tại Timor. Nhưng nó lại bị người Hòa Lan đánh chiếm. Người Bồ đời về Lifau. Năm 1666 thành phố Dili thủ đô Đông Timor, được thành lập. Trong suốt thế kỷ XVIII người Bồ sống trong các thành phố ven biển như Lifau, Dili, Manatuto và Batugade, và kiểm soát đất liền, nhưng vẫn thường có các cuộc nổi loạn của dân bản xứ. Chỉ vào cuối thế kỷ XIX Bồ Đào Nha mới chiếm toàn đảo Đông Timor. Ban đầu họ trồng cà phê sau đó trồng cây hương sandalo.

Ngày nay việc khai thác các quặng mỏ, chủ yếu là dầu hỏa nằm dưới lòng biển, được giao cho các công ty của Australia. Việc khai thác nông nghiệp và rừng già nếu được phối hợp với kỹ nghệ du lịch có thể khiến cho Đông Timor phát triển mạnh. Mười năm sau ngày độc lập các tương quan với Indonesia cũng vẫn còn căng thẳng, vì sự hiện diện của 100.000 người tị nạn ở cả hai vùng Đông và Tây Timor. Họ đã phải chạy trốn trong hai tháng 8 và 9 năm 1999, và nhiều đợt trong các cuộc khủng hoảng sau đó. Theo các tổ chức nhân đạo hiện có từ 60 tới 80 ngàn người tị nạn sống xa quê sinh trong vùng Đông Timor. Các trại tị nạn chung quanh thủ đô Dili có khoảng 25 ngàn người. Tất cả đều sống nhờ phẩm vật cứu trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế. Chương trình trợ giúp cũng bao gồm việc tái hội nhập xã hội, trợ giúp quân bình tâm lý, và tái chiếm nhà cửa đất đai của họ, đã bị người khác chiếm hữu trong các năm chiến tranh.

Cho tới khi nào các vấn đề của người tị nạn chưa được giải quyết thì nó sẽ luôn luôn là một đe dọa đối với sự ổn định của Cộng Hòa Đông Timor. Ngoài ra còn có 20 ngàn người đã bỏ phiếu cho sự tự trị của Đông Timor cũng phải chạy trốn vì sợ bị báo thù. Trong 60 trại gần biên giới hay chung quanh thủ đô Dili, người tị nạn phải trong cảnh bần cùng. Đa số khước từ trở thành công dân Indonesia, vì họ vẫn hy vọng còn có thể trở về quê quán bên Đông Timor. Chính quyền Đông Timor không gây khó khăn, nhưng thực tại là họ không còn nhà cửa hay đất đai để sinh sống.

Hiện nay nhân dân Đông Timor đang cố gắng tìm ra căn tính của mình trong bất ổn. Các cố gắng nhằm dẹp cuộc nổi loạn của ông Alfredo Reinado và hậu qủa của cuộc khủng hoảng cứu trợ nhân đạo người tị nạn cho thấy Cộng Hòa Đông Timor mới bước vào tuổi thanh niên, và có lẽ còn cần rất nhiều năm để có thể bước sang tuổi trưởng thành.

Thống kê năm 1994 cho biết số tín hữu công giáo chiếm 92% trên tổng số hơn 722 ngàn dân, tín hữu tin lành được 3,7%, và tín hữu hồi 3,1%. Ngoài ra cũng có gần 5.000 tín đồ Ấn giáo, và hơn 2.300 tín đồ Phật giáo.

Hồi năm 1989 Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm mục vụ giáo phận Dili. Trong thánh lễ một nhóm sinh viên đã hô các khẩu hiệu chống chính quyền Indonesia và họ đã bị lực lượng an ninh đàn áp.

Năm 2008 Giáo Hội Công giáo Đông Timor gồm hai tòa giám quản là Dili và Baucau. Thống kê năm 2004 cho biết có 37 giáo xứ, 116 linh mục, 289 nữ tu. Giáo Hội cũng điều khiển 176 trường học và 64 cơ sở bác ái xã hội. Trong suốt các năm chiến tranh Giáo Hội đã đóng vai trò trung gian giữa các phe lâm chiến, bênh vực phẩm giá, bảo vệ sự sống và các quyền con người. Ngày nay Giáo Hội giữ nhiệm vụ hòa giải giữa các thành phần xã hội khác nhau và củng cố nền dân chủ còn non trẻ của Đông Timor.

(Avvenire 28-8-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.