2009-10-01 11:19:12

HÃY XIN THÌ SẼ ĐƯỢC


HÃY HỌC CÙNG GIÊSU (51) RealAudioMP3

Các bạn thân mến,

Người công giáo chúng ta hay có thói quen đi khấn xin. Mỗi khi có chuyện gì cần, có việc gì khó, có điều gì rắc rối… người ta hay chạy đến để cầu xin với Chúa, để kêu khấn với Đức Mẹ. Thói quen ấy là một thái độ sống đạo thật dễ thương. Bởi lẽ, nếu chúng ta tin rằng mình có một Thiên Chúa là Cha nhân từ và yêu thương hết mọi người, thì tại sao chúng ta không kêu xin những lúc cần kíp. Nếu giữa trăm ngàn vất vả bế tắc, không bám tựa kêu xin nơi Chúa, thì con người còn có thể cậy dựa vào đâu?... Thế nên, Đức Giêsu luôn khuyến khích người ta đến và kêu xin cùng Thiên Chúa: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ được mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ thì cửa sẽ mở ra cho” (Mt 7, 7-8).

Thế nhưng ở đây, chúng ta đụng tới một vấn nạn thực tế mà dường như ai cũng đã từng gặp. Đã có rất nhiều lần chúng ta cầu xin Chúa tha thiết, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có cảm giác mình được lắng nghe. Có nhiều điều chúng ta xin hoài mà chẳng được. Chẳng hạn trước khi đi thi, có nhiều người cầu nguyện và kêu xin Chúa hết lòng, vậy mà họ vẫn cứ thi rớt. Trước khi đi phỏng vấn, nhiều người cũng cầu xin nhiều thật nhiều với Chúa, vậy mà đâu phải ai cũng kiếm được việc làm. Có những người nghèo hết sức nghèo phải làm lụng vất vả, họ thường xuyên cầu xin Chúa giải thoát họ khỏi cảnh túng bấn, nhưng kết quả là nghèo vẫn hoàn nghèo, vất vả vẫn cứ chồng chất vất vả. Có những người bệnh tật lâu năm, họ hết lòng van xin Chúa chữa lành, nhưng cuối cùng thì nhiều người phải chết trong bệnh tật… Tại sao lại như thế? Tại sao nhiều người cầu xin mà không được? Sau nhiều lần như thế, đã có nhiều người cảm thấy chán nản và nghi ngờ, chẳng biết là Chúa có thương mình thật hay không nữa…

Thưa các bạn,

Cầu xin với Thiên Chúa là điều thật quan trọng, nhưng quan trọng hơn là người ta phải biết cầu xin với thái độ nào. Người cầu xin là người ở thế yếu. Người tìm kiếm và gõ cửa đợi chờ là người ở trong tình trạng thiếu. Như thế, người có thể thực sự đến với Thiên Chúa để cầu xin là người biết khiêm tốn và kiên nhẫn. Khiêm tốn để nhận ra mình yếu, mình thiếu; kiên nhẫn để chờ đợi và đón nhận những điều mà Chúa sẽ ban. Có bao giờ chúng ta nhìn lại thái độ của mình trong những lúc chúng ta đến với Thiên Chúa, chúng ta thường cầu xin, hay thực sự chúng ta chỉ quen đòi hỏi và yêu cầu? Chúng ta là ai mà có quyền yêu cầu và đòi hỏi Thiên Chúa?

Lời cầu nguyện chính thức mà Đức Giêsu dạy cho các môn đệ của mình, cũng là lời kinh mà người Kitô hữu chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần trong ngày, khởi đầu bằng lời thân thưa: “Lạy Cha…!”(Mt 6, 9; Lc 11, 2). Chúng ta đã có lần nào có thực sự cảm được vị dịu ngọt của lời thân thưa cung kính và thân thương này chăng?

Với lời thân “Lạy Cha…” Đức Giêsu dạy rằng, tôi đến với Thiên Chúa không phải như một tín đồ đến cùng một ông thần nào đó xa lạ, nhưng là như một người con đến với một người Cha. Điều quan trọng không phải là việc kỳ kèo xin xỏ, nhưng là tình cha con. Thiên Chúa có bao giờ lại muốn tôi làm một kẻ ăn mày ngồi ngoài ngưỡng cửa nhà của Thiên Chúa. Nhận ra được sự thật mình là con cái trong nhà của Thiên Chúa là tôi nhận lại được tất cả.

Hơn nữa, trong tư cách của một người Cha, điều cần phải có không chỉ là tình thương, nhưng còn là sự dạy dỗ để giúp con cái mình lớn lên từng ngày. Kinh nghiệm cuộc đời dạy chúng ta rằng, phần lớn những người đổ vỡ và thất bại trong cuộc sống lại là những người được cung cấp cho thừa mứa vật chất nhưng lại thiếu thốn tình người, là những người sống dư dật về đủ mọi phương tiện nhưng lại nghèo đói tình thương… Điều Thiên Chúa muốn chúng ta xây dựng trước tiên trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa không phải là dựa trên những nhu cầu vị lợi, nhưng trước hết là tình thương. Biết đọc ra và đón nhận được tình thương ấy chúng ta mới có thể lớn lên, có thể trưởng thành quân bình, có thể sống hạnh phúc…

Thế nên, lắm khi Thiên Chúa không ban cho chúng ta điều mà chúng ta muốn, chúng ta xin, nhưng là điều mà chúng ta cần. Thiên Chúa thích ban cho chúng ta những điều có thể giúp chúng ta triển nở và trưởng thành, hơn là những điều chiều theo sở thích riêng của chúng ta. “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, hẳn Người sẽ ban những của tốt cho những kẻ xin Người” (Mt 7, 11). Vâng, điều mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta luôn là những của tốt. Có thể có những điều Chúa gởi đến cho tôi là những điều tôi cảm thấy vừa khó vừa cứng, như những cục đá. Chỉ có lòng khiêm tốn đón nhận và kiên nhẫn đợi chờ, tôi mới có thể cảm nếm được từ những khó khăn ấy vị ngọt của chiếc bánh.

Ngày nay, với sự phát triển về kinh tế, khoa học kỹ thuật, con người thường thấy mình đủ, mình mạnh; với sự càng trưởng thành về trí tuệ con người càng thấy mình lớn, mình khôn... Chúng ta thường đặt Thiên Chúa ra bên ngoài cuộc sống của mình, và chỉ thực sự đến để kêu xin Chúa khi chúng ta đã cùng đường, khi chúng ta phải đối mặt với những khó khăn vượt sức mình. Tất nhiên, những lúc ấy tôi có thể chạy đến với Chúa. Nhưng thật đáng tiếc, những lúc ấy tôi thường mang theo bên mình một con tim bất an. Tôi dễ nài ép Chúa đi vào con đường của tôi, mời Chúa đáp ứng những yêu cầu của tôi, xin Chúa giải quyết gấp rút những vẫn nạn của tôi. Cầu xin như thế, có khác gì tôi chỉ sử dụng Thiên Chúa chỉ như một khí cụ, một bảo bối… lúc nào cần thì tôi đem ra xài, khi nào không cần thì tôi quăng vào một xó. Liệu thái độ ấy có đáng được chấp nhận chăng?

Đúng ra, cầu xin chỉ là một phần nhỏ của thái độ cầu nguyện, của việc sống tương quan giữa tôi và Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn chúng ta bước vào một cuộc đối thoại và trong một mối dây tình thân. Chỉ chăm bẵm chú tâm vào những điều mình muốn có được, chúng ta sẽ để vuột mất những điều quý giá hơn mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta. Chỉ xin xỏ và cố công nài ép Thiên Chúa bước theo mình, chúng sẽ đánh mất tình con thảo với Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta luôn có thể chạy đến với Chúa trong tâm tình đơn sơ của một người con, có thể bộc bạch thân thưa với Chúa mọi sự. Ước gì chúng ta cũng luôn có thể đến với Chúa trong tâm tình vâng phục và tín thác, đặt mọi sự vào bày tay yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa,
Cầu nguyện chưa bao giờ là điều lỗi thời,
cầu nguyện cũng chưa bao giờ là điều tùy phụ
đối với những người tha thiết sống
và muốn sống cuộc đời mình nghiêm túc tốt đẹp.
 
Xin dạy chúng con biết dùng việc cầu nguyện
như là những thời khắc đẹp đẽ
được sống với Chúa trong tình nghĩa Cha con,
được ở lại trong tình yêu thương trìu mến của Chúa,
Nhờ đó chúng con có thể kín múc được sức mạnh
để bước đi vững vàng trong cuộc sống.
 
Chúa là Đấng biết thấu suốt mọi điều
ngay cả trước khi chúng con cầu xin.
Xin dạy chúng con biết đến với Chúa
với một tình yêu trong suốt và vô vị lợi
với một tương quan chân tình và đơn sơ
với một sự phó thác và hoàn toàn tin tưởng.
Xin Chúa lắng nghe và dạy dỗ chúng con mỗi ngày,
Vì Chúa biết chúng con luôn cần đến Chúa. Amen.
 
RADIO VATICAN
MỤC : HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
PHỤ TRÁCH : LƯU MINH GIAN

Liên lạc : hayhoccunggiesu@gmail.com







All the contents on this site are copyrighted ©.