2009-09-30 18:08:53

Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa đặc biệt vùng Trung Đông


Phỏng vấn Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trường Bộ các Giáo Hội Đông Phương về Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt vùng Trung Đông

Ngày 19-9-2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tuyên bố triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa đặc biệt về Trung Đông, sẽ tiến hành từ ngày 10 đến 24 tháng 10 năm 2010, về đề tài: ”Giáo Hội Công Giáo tại Trung Đông: hiệp thông và chứng tá, đông đảo những người trở thành tín hữu đều một lòng một ý với nhau” (Cv 4,32).

Đức Thánh Cha đã thông báo quyết định trên đây trong buổi họp sáng ngày 19-9-2009 tại Dinh Tông Tòa Castel Gandolfo với các vị Thượng Phụ và Tổng Giám Mục trưởng của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương. Sáu vị Thượng Phụ tham dự buổi họp là Đức Thượng Phụ Gregorio III Laham của Giáo Hội Hy Lap Melkít Antiochia, Đức Thượng Phụ Nasrallah Boutros Sfeir của Giáo Hội Maronít, Đức Thượng Phụ Ignace Yousef III Younane của Giáo Hội Antiochia, Đức Thượng Phụ Antonios Nagib của Giáo Hội Copte Alessandria, Đức Thượng Phụ Bédros XIX của Giáo Hội Armeni Cilicia, Đức Thượng Phụ Emmanuel III Delly của Giáo Hội Candê Baghdad. Ngoài ra còn có Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Giáo Hội Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, và 4 vị Tổng Giám Mục trưởng của các Giáo Hội Công Giáo đông phương Ucraine, Rumani, Syro Malabar và Syro Malankara.

Cùng tham dự phiên họp còn có Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương.

Hồi tháng giêng năm nay 2009 Đức Tổng Giám Mục Louis Sako của tổng giáo phận Kirkuk bên Irak thuộc Giáo Hội Công Giáo Canđê đã viếng thăm Tòa Thánh và xin Đức Thánh Cha triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho các Giáo Hội vùng Trung Đông để tìm giải pháp cho các vấn đề của các tín hữu Kitô tại đây như: nạn di cư đi nơi khác, việc làm chứng tá Kitô trong thế giới đa số theo Hồi giáo, tương quan với Hồi giáo, vai trò của các các tin hữu Kitô trong đời sống dân sự và chính trị, tình trạng thiếu tự do tôn giáo và viễn tượng tương lai của các tín hữu Kitô.

Hiện nay Giáo Hội Công Giáo Maronít có 740.000 tín hữu tại Trung Đông và 1,2 triệu tại các nước khác; Giáo Hội Công Giáo Hy Lap có 350.000 tín hữu tại Trung Đông và 450.000 tại các nước khác; trong khi Giáo Hội Công Giáo Canđê có 400.000 tín hữu tại Trung Đông và 250.000 tại các nước khác. Riêng Giáo Hội Công Giáo Siro có 110.000 tín hữu tại Trung Đông và 60.000 tại các nước khác; Giáo Hội Công Giáo Armeni có 50.000 tại Trung Đông và 150.000 tại các nước khác; Giáo Hội Công Giáo Copte Ai Cập có 200.000 tín hữu và hàng ngàn tín hữu tại các nước khác; trong khi Giáo Hội Công Giáo Latinh có 80.000 tại Trung Đông và khoảng 10.000 tín hữu tại các nơi khác.

Trong diễn văn đọc trước các vị Thượng Phụ tham dự phiên họp tại dinh tông tòa ở Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha đã đề cao sự chú ý mà Công Đồng Chung Vaticăng II đã dành cho các Giáo Hội Đông Phương qua Sắc lệnh ”Orientalium Ecclesiarum”. Sự chú ý này đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lập lại qua Tông thư ”Orientale Lumen” Ánh sáng đông phương. Ngài cầu chúc các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương nở hoa để chu toàn sứ mệnh được giao phó cho họ với sức mạnh tông đồ mới cũng như để thăng tiến sự hiệp nhất tất cả mọi tín hữu Kitô. Chân trời đại kết luôn đi liền với chân trời liên tôn.

Toàn thể Giáo Hội cần đến kinh nghiệm sự chung sống mà các Giáo Hội Đông Phương đã có ngay từ ngàn năm Kitô thứ nhất. Đề cập tới các thách đố khác nhau mà các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương phải đương đầu, Đức Thánh Cha nói ngài luôn nhớ và gần gũi các Thượng Phụ trong lời cầu nguyện, đặc biệt ngài nhớ lời kêu gọi hòa bình mà các Thượng Phụ đã trao cho ngài vào cuối Thượng Hội Đồng Giám Mục hồi tháng 10 năm ngoái.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trường Bộ các Giáo Hội Đông Phương, về Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt vùng Trung Đông.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với 11 vị lãnh đạo các Giáo Hội công giáo theo lễ nghi đông phương đã như thế nào?

Đáp: Tất cả các Thượng Phụ và các Tổng Giám Mục đã lập lại lòng trung thành, sự vâng phục và liêm chính của các vị đối với Đấng kế vị Thánh Phêrô nơi con người của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Trên bình diện giáo hội học, đây là điều nền tảng và là sức mạnh tháp nhập vào cuộc sống của Giáo Hội đại đồng. Và như thế các Giáo Hội Đông Phương là lá phổi thứ hai của Giáo Hội, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường nói. Mỗi Thượng Phụ đã trình bầy với Đức Thánh Cha các vấn đề mà Giáo Hội của mình đang phải đương đầu.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, đâu là các vn đề mà các Giáo Hội Đông Phương đang gặp phải hiện nay?

Đáp: Có nhiều vấn đề, nhưng nhất là các vấn đề có thể nảy sinh từ sự kiện hạn chế pháp quyền trong các vùng đất không thuộc các Thượng Phụ. Các Giáo Hội công giáo theo lễ nghi đông phương đang gặp phải vấn đề tín hữu tìm di cư ra nước ngoài sinh sống, nghĩa là họ bỏ quê cha đất tổ nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Như thế một vài Giáo Hội đông phương có tín hữu ở nước ngoài đông hơn số tín hữu trong nước. Vì thế các Giáo Hội này cần phải thành lập các cơ cấu và phải nghiên cứu các cơ cấu đó thế nào để có thể đáp ứng những nhu cầu mục vụ của tín hữu trong các nước vùng Vịnh Ba Tư hay trong các nước Âu châu. Đòi buộc này cũng đặc biệt có giá trị đối với các tín hữu công giáo Ucraine, Rumani và Ấn Độ. Đức Thánh Cha đã được tường trình về các vấn đề này, ngài đã chăm chú lắng nghe và cũng đã đưa ra một số các định hướng.

Hỏi: Xem ra đặc biệt khẩn cấp là vấn đề mục vụ cho các anh chị em công giáo đông phương ti các nước vùng Vịnh Ba Tư và tại Kuwait, có phải thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, đúng thế, trong các nước này có hàng ngàn tín hữu công giáo Phi Luật Tân, hay tín hữu công giáo lễ nghi la tinh, nhưng cũng có các tín hữu công giáo theo lễ nghi Siro Malabar và Siro Malankara. Và các chủ chăn của các Giáo Hội đông phương này cũng muốn có khả năng và nhân lực đi theo các tín hữu này để phục vụ họ một cách thích hợp.

Nhưng không phải chỉ có các nước vùng Vịnh Ba Tư, mà công tác mục vụ cho tín hữu cũng cần thiết cả tại Italia nữa chẳng hạn. Với sự đồng ý của hàng giáo phẩm địa phương các anh chị em di cư Ucraine và Rumani cũng cần phải được săn sóc mục vụ một cách thích đáng. Nếu không thì chúng ta không thể trách họ là đi theo các Giáo Hội Chính Thống hay các giáo phái.

Hỏi: Trong cuộc họp với Đc Thánh Cha các Thượng Phụ có thảo luận các vấn đề nào khác nữa không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Có một vấn đề khác nữa liên quan tới Đông Âu. Đó là vấn đề các nơi thờ tự của Giáo Hội Công Giáo Hy Lap đã bị tịch thu và đã không được trả lại, như trường hợp của các Giáo Hội công giáo khác. Đây là một vấn đề nền tảng, vấn đề tự do tôn giáo phải được tôn trọng đồng đều như nhau đối với tất cả mọi nhóm, chứ không phải chỉ có các tôn giáo đa số trong một quốc gia được hưởng mà thôi.

Tín hữu công giáo rất rộng rãi trong vấn đề này. Chúng tôi bảo vệ và bảo đảm quyền lợi của các Kitô hữu khác trong các quốc gia có đại đa số theo Công Giáo. Nhưng rất tiếc là tại những nơi nào các anh chị em tín hữu công giáo chúng tôi chỉ là thiểu số, họ không được đối xử với cùng phẩm giá như vậy.

Hỏi: Vào cuối bài diễn văn trong buổi gặp gỡ Thượng Phụ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, Đc Thánh Cha đã loan báo triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho Trung Đông. Đây là Thượng Hội Đồng Giám Mục đầu tiên loại này, vì trong qúa khứ đã không có Thượng Hội Đồng Giám Mục miền, mà đã chỉ có các Thượng Hội Đồng Giám Mục chung hay các Thượng Hồi Đồng Giám Mục đại lục, hoặc các Thượng Hội Đồng Giám Mục của một nước mà thôi.

Đáp: Đây là một Thượng Hội Đồng Giám Mục không liên quan tới tất cả mọi tòa thượng phụ và tòa tổng giám mục hiện diện, chẳng hạn như Ucraine, Rumania và Ấn Độ, nhưng nó biểu lộ sự gần gũi của Đức Thánh Cha đối với Trung Đông, là vùng đất có qúa nhiều đau khổ vì các xung khắc không chấm dứt, khiến cho người dân tìm di cư ra nước ngoài sinh sống, gây ra cảnh khốn khổ và làm mất đi sự hiện diện của các Kitô hữu, là một yếu tố chính của các quốc gia trong vùng, đó là sự chung sống với các tôn giáo khác.

Hỏi: Như thế đây là mt Thượng Hội Đồng Giám Mục có các hệ lụy mạnh mẽ có thể gọi là hệ lụy ”liên tôn” có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Nó không chỉ có hệ lụy liên tôn mà cả hệ lụy đại kết nữa. Đây sẽ là một thời điểm rất quan trọng, vì chúng ta có thể trông thấy các lý do ngoại tại ảnh hưởng trên các tình hình khủng hoảng đặc thù của vùng Trung Đông như chiến tranh, khủng bố phá hoại và bạo lực. Nhưng điều chính yếu đó là chính Giáo Hội có được thời điểm tự ý thức về bổn phận và dấn thân của mình phải sống cuộc sống Kitô như thế nào. Và đây sẽ là một thúc đẩy khác nữa đối với hòa bình, đối thoại đại kết và đối thoại liên tôn. Tôi chắc chắn là Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt này sẽ đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng cho toàn vùng Trung Đông.

Hỏi: Các công việc chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục có bắt đầu ngay tức khắc không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chắc chắn rồi. Một ủy ban chuẩn bị đã được thành lập. Trong số các thành viên ngoài vài vị Thượng Phụ, còn có Đức Hồng Y Ivan Dias của Bộ Truyền Giáo, Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn.

(Avvenire 20-9-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.