2009-09-09 18:02:05

Đức Thánh Cha kêu gọi thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa


  Hãy yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu, sống sự hiệp thông và phục vụ đại đồng trong Giáo Hội, tìm đối thoại với Chúa và biết thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 9-9-2009.

Cũng như tuần trước sáng thứ tư hôm qua Đức Thánh Cha đã đi trực thăng từ Castel Gandolfo về Vaticăng để tiếp tín hữu. Trong số nhiều đoàn hành hương hiện diện cũng có hơn một trăm các nữ tu Tiểu Muội Chúa Giêsu đang có mặt ở Roma nhân dịp mừng kỷ niệm 70 năm thành lập dòng.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu một gương mặt nổi bật khác của Giáo Hội: đó là thánh Pier Damiani, đan sĩ, thích đời ẩn dật, nhưng cũng rất dấn thân trong công cuộc cải cách do các Giáo Hoàng khởi xướng hồi thế kỷ XI. Liên quan tới tiểu sử của người Đức Thánh Cha nói:

Pier Damiani sinh tại Ravenna năm 1007 trong một gia đình gốc quyền qúy, nhưng không khá giả. Vì mồ côi cha mẹ nên chú bé đã có cuộc sống thiếu thốn khổ đau, cả khi chị gái là Rosellina cố gắng thay mẹ nuôi em và người anh cả là Damiano nhân nuôi như con. Chính vì thế nên chú bé sẽ được gọi là Piero di Damiano, Per Damiani. Sau thời gian theo học tại Faenza rồi tại Parma, năm lên 25 tuổi Pier Damiani đã vào nghề dậy học. Vừa giỏi luật lại vừa có khiếu trong nghệ thuật sáng tác, và biết các tác giả cổ điển lớn Pier Damiani trở thành một trong những chuyên viên latinh nổi tiếng thời bấy giờ, và là một trong những nhà văn lớn nhất thời trung cổ latinh (J. Leclercq, Pierre Damien, ermite et homme d' Église, Roma 1960, tr.172).

Thật thế Pier Damiani biết rất nhiều loại văn thể khác nhau: từ thư tín tới bài giảng, từ thuật viết hạnh các thánh cho tới các lời cầu, từ các bài thơ cho tới các bài thơ châm biếm. Sự nhậy cảm dẫn Pier Damiani tới việc chiêm niệm thơ văn về thế giới và coi vũ trụ như là một vòng cầu bất tận, với các biểu tượng mênh mông, trong đó có cuộc sống nội tâm và thực tại về Thiên Chúa và siêu nhiên. Chính trong viễn tượng này vào năm 1034 việc chiêm ngắm Thiên Chúa thúc đẩy Pier Damiani từ từ tách rời khỏi trần gian và những thực tại chóng qua của nó, để rút lui vào tu viện Fonte Avellana sống đời ẩn tu nhiệm nhặt. Tại đây tu sĩ Pier Damiani viết cuốn sách ”Đời sống” của vị sáng lập là thánh Romualdo thành Ravenna và dành thời giờ đào sâu nền tu đức và trình bầy lý tưởng viện tu.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nhấn mạnh trên những nét nổi bật trong cuộc sống của đan sĩ Pier Damiani. Trước hết là yêu mến Thánh Giá Chúa Kitô: ”Ai không yêu thập giá Chúa Kitô là không yêu Chúa Kitô” (Sermo XVIII, 11,tr. 117) và Pier Damiani tự gọi mình là ”Phêrô tôi tớ các tôi tớ của thập giá Chúa Kitô” (Ep, 9,1). Người đã sáng tác các lời nguyện rất đẹp về Thập giá với cái nhìn mầu nhiệm bao gồm các chiều kích vũ hoàn vì chứa đựng toàn lịch sử cứu độ: ”Ôi Thập Giá có phúc, mà lòng tin của các tổ phụ, các lời ngôn sứ, thượng viện các tông đồ, đạo binh chiến thắng của các vị tử đạo, và hàng ngũ tất cả các thánh thờ lậy, rao giảng và tôn kính” (Sermo XLVIII, 14, tr.304). Gương thánh Pier Damiani cũng thúc đẩy chúng ta luôn hướng nhìn lên Thánh Giá như hướng nhìn cử chỉ tối cao tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người, và đã ban ơn cứu độ cho chúng ta.

Liên quan tới đời sống ẩn tu vị đan sĩ lớn này đã soạn một Luật nhấn mạnh trên sự ngặt nhiệm của đời đan tu: trong thinh lặng của tu viện, người đan sĩ được mời gọi sống trong cầu nguyện ngày đêm, với các cuộc chay tịnh kéo dài, thực thi tình bác ái huynh đệ và luôn sẵn sàng mau mắn vâng lời bề trên. Trong việc nghiên cứu và suy niệm Kinh Thánh Pier Damiani khám phá ra các mầu nhiệm ý nghĩa của lời Chúa và tìm thấy của ăn thiêng liêng mỗi ngày. Trong nghĩa này thánh nhân coi tu phòng của các đan sĩ là ”phòng đàm đạo nơi Thiên Chúa nói chuyện với con người”. Đối với thánh nhân đời ẩn tu là tột đỉnh của cuộc sống kitô, của mọi tình trạng sống, vì vị đan sĩ từ nay tự do khỏi mọi ràng buộc của trần gian và cái tôi, nhận lấy ”ngôi lều của Thánh Thần và linh hồn kết hiệp hạnh phúc với Đấng Phu Quân thiên quốc” (Ep 18,17; Ep 28,43 tt.). Đây cũng là điều quan trọng đối với chúng ta ngày nay, cả khi chúng ta không phải là các đan sĩ: đó là biết thinh lặng trong mình để lắng nghe tiếng Chúa, kiếm tìm một phòng khách nơi Thiên Chúa nói chuyên với chúng ta. Học Lời Chúa trong cầu nguyện và suy niệm là con đường của cuộc sống.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Ngoài ra thánh Pier Damiani còn là một thần học gia tinh tế nữa. Các suy tư thần học của người đưa tới các kết luận quan trọng cho cuộc sống. Thánh nhân trình bầy các đề tài giáo lý khác nhau về Thiên Chúa Ba Ngôi một cách rất rõ ràng. Đó là ba đề tài nền tảng là phát xuất, tương quan và ngôi vị, sau này cũng sẽ trở thành định đoạt đối với nền triết lý tây âu. Phân tích thần học về mầu nhiệm cuộc sống thân tình của Thiên Chúa và cuộc đối thoại giữa ba Ngôi Vị thánh nhân rút tỉa ra các kết luận khổ hạnh đối với cuộc sống cộng đoàn và tương quan giữa các tín hữu kitô latinh và hy lạo hồi đó đang chia rẽ nhau. Gương mặt Chúa Kitô cũng có các phản chiếu ý nghĩa cụ thể. Chính dân Do thái mang Chúa Kitô trên vai. Vì thế Chúa Kitô phải là trung tâm cuộc sống của vị đan sĩ. Sự kết hiệp mật thiết đó với Chúa Kitô cũng phải là kiểu sống của mọi kitô hữu. Chúng ta được mời gọi đừng để cho mình bị cuốn hút bởi các hoạt động, các vấn đề và các lo lắng mỗi ngày, mà quên đi rằng Chúa Giêsu mới thực sự phải là trung tâm cuộc sống chúng ta.

Sự hiệp thông với Chúa Kitô tạo ra sự hiệp nhất yêu thương giữa các tín hữu. Đức Thánh Cha nói: Trong bức thư số 28 là một loại giáo hội học, Pier Damiani khai tirển một nền thần học sâu xa về Giáo Hội như là sự hiệp thông. Người viết: ”Giáo Hội Chúa Kitô hiệp nhất bởi mối dây bác ái đến độ như là một trong mọi chi thể, và là tất cả toàn vẹn trong từng chi thể, như thế toàn thể Giáo Hội đại đồng được gọi một cách đúng đắn là Hiến Thê duy nhhất của Chúa Kitô, và mỗi linh hồn được tuyển chọn, vì mầu nhiệm bí tích, được coi như Giáo Hội một cách hoàn toàn”. Đậy là điều quan trọng, không phải chỉ toàn Giáo Hội đại đồng hiệp nhất, mà trong từng người chúng ta Giáo Hội phải hiện diện trong sự toàn thể của nó. Như vậy việc phục vụ từng người diễn tả sự đại đồng” (Ep 28,9-23).

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Tuy nhiên thánh nhân biết điều mình nói không điễn tả thực tại của Giáo Hội thời đó. Vì thế người không sợ tố cáo tình trạng thối nát hiện hữu trong các tu viện và giữa hàng giáo sĩ, nhất là các vụ quyền bính dân sự chỉ định các chức sắc của Giáo Hội: nhiều giám mục và viện phụ sống như thể là các quan cai quản bề dưới hơn là như các chủ chăn. Và cũng thường xảy ra là cuộc sống luân lý của các vị cũng lỏng lẻo. Do đó vào năm 1057 Pier Damiani đau đớn buồn phiền bỏ tu viện và chấp nhận việc được chỉ định là Hồng Y Giám Mục Ostia một cách khó khăn, rồi bắt đầu cộng tác với các Giáo Hoàng trong nỗ lực khó khăn để cải cách Giáo Hội. Thánh nhân đã phải khước từ việc chiêm niệm để dấn thân canh tân Giáo Hội.

Nhưng vì yêu thích đời viện tu nên mười năm sau, tức năm 1067, người từ chức Giám Mục Ostia và được phép trở về đan viện Fonte Avellana. Nhưng hai năm sau đó lại đươc mời đến Franfurt để cố gắng hàn gắn tránh vụ ly dị giữa vua HenriIV và hoàng hậu Berta, năm 1071 lại đến Montgecassino để thánh hiến nhà thờ đan viện, rồi đầu năm 1072 đi Ravenna đề tái lập hòa bình giữa Đức Tổng Giám Mục địa phương đã ủng hộ ngụy giáo hoàng khiến cho thành phố bị vạ. Trong chuyến hành trình về đan viện ngài bị lâm bệnh bất thình lính phải dừng lại tu viện biển đức ở Faenza, và qua đời tại đây trong đêm 22 rạng ngày 23 tháng 2 năm 1072.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: thật là một ơn lớn lớn lao cho cuộc sống Giáo Hội có một người phong phú tràn trề như thánh Pier Damiani, người đã để lại các tác phẩm tu đức sâu sắc và sống động. Thánh nhân đã là đan sĩ cho tới cùng với hình thức sống khắc khổ, đôi khi thái qúa đối với chúng ta ngày nay. Nhưng người đã khiến cho đời sống đan tu trở thành chứng tá hùng hồn cho quyền tối thượng của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi tiến tới sự thánh thiện và không giàn xếp với sự dữ.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.