2009-08-27 11:21:37

SCHEUT PHI CHÂU ĐẦU TIÊN TẠI MÔNG CỔ


Cách đây hơn 10 năm, ngày 13-9-1998, một biến cố tôn giáo diễn ra tại Ulan Bator bên Mông Cổ. Cha Phêrô Kasemuana Kitengie, gốc Congo cựu Zaire, là vị Linh Mục Công Giáo đầu tiên được truyền chức tại Mông Cổ .. Cha Kitengie thuộc Hội Thừa Sai Scheut (Các Cha Khiết Tâm Đức Mẹ). Tham dự Thánh Lễ truyền chức có khoảng 400 người. Thánh Lễ diễn ra tại Trung Tâm Khoa Học và Văn Hóa Nga.

Thánh Lễ truyền chức đầu tiên này là một biến cố tôn giáo quan trọng đối với cộng đoàn các tín hữu Công Giáo Mông Cổ. Bởi lẽ, Giáo Hội Công Giáo tại đây lúc đó chỉ gồm khoảng 100 người. Đức Cha Giovanni Battista Morandini chủ sự Thánh Lễ truyền chức. Cùng đồng tế Thánh Lễ có 14 Linh Mục, trong số này có Cha Bề Trên Giám Tỉnh Scheut, Cha Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Tên Đại Hàn và một Linh Mục thừa sai Maryknoll, gốc người Hong Kong.

Khách mời danh dự gồm có 4 đại diện Mông Cổ, các tín đồ phật tử Đại Hàn cùng giới chức chính quyền, các nhà ngoại giao và thành viên các tổ chức quốc tế. Nghi lễ Phụng Vụ được linh hoạt bởi nhóm trẻ thuộc giáo xứ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Trong Thánh Lễ trưng bày 4 biểu tượng đặc thù của Mông Cổ:
- Lửa biểu tượng cho ánh sáng và sức nóng;
- Nước biểu tượng cho sự sống;
- Đất biểu tượng cho nền văn hóa và lịch sử địa phương;
- Nhà chòi bằng nỉ biểu tượng cho quốc gia và tượng trưng cho mái ấm gia đình.

Sứ điệp chúc mừng đặc biệt của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) được đọc lên và mọi người im lặng lắng nghe trong thái độ thật cung kính. Các trẻ em thuộc 5 châu xếp thành lá cờ mang mầu sắc cầu vòng.

Ngỏ lời sau Thánh Lễ, Cha Bề Trên Giám Tỉnh Scheut nói:
- Thánh Lễ truyền chức Linh Mục hôm nay ghi khúc rẽ trong Giáo Hội Công Giáo tại Mông Cổ. Biến cố góp phần đẩy mạnh tiến trình rao giảng Tin Mừng và thánh hóa nơi cộng đoàn tín hữu Công Giáo Mông Cổ.

Về phần vị tân Linh Mục, Cha Phêrô Kasemuana Kitengie ngỏ lời cám ơn toàn thể cộng đoàn đã đến tham dự Thánh Lễ truyền chức của Ngài:
- Tôi mong ước được truyền chức Linh Mục tại Mông Cổ. Mặc dầu Giáo Hội Công Giáo mới hiện diện từ hơn 6 năm qua và chưa được nhiều người biết đến, nhưng các thừa sai chúng tôi được tiếp đón thật nồng hậu. Giờ đây, tôi chọn Mông Cổ làm quê hương thứ hai của tôi, cũng như tiếng nói Mông Cổ là ngôn ngữ thứ nhì sau tiếng mẹ đẻ của tôi.

Cha Francois-Pierre Kasemuana Kitengie chào đời tại Zaire, ngày nay là cộng hòa dân chủ Congo. Cha đã dành ra hai năm để học tiếng và tìm hiểu văn hóa Mông Cổ.

Các Cha thừa sai Scheut (Linh Mục thừa sai dòng Khiết Tâm Đức Mẹ) đã đến mở cứ điểm truyền giáo tại Ulan Bator năm 1992, ba tháng ngay sau khi Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Hiện tại, dòng có 6 Linh Mục cùng với 13 nữ tu làm việc truyền giáo tại thủ đô Mông Cổ. Ngoài ra, các Nữ thừa sai Bác Ái của Mẹ Têrêxa Calcutta cũng có 3 cộng đoàn tại Mông Cổ. Thêm vào đó có sự hiện diện của các Nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Nhiều dòng tu khác cũng gởi tu sĩ đến làm việc tại Mông Cổ như dòng Salésien Don Bosco, dòng Tên, v.v.

Truyền giáo tại Mông Cổ không phải công tác dễ dàng, vì hai lý do chính: khí hậu và ngôn ngữ vô cùng khó khăn. Nhưng các thừa sai không nản chí. Các ngài đặt trọn niềm tin tưởng nơi sự trợ giúp của THIÊN CHÚA. Hơn nữa, cánh đồng truyền giáo bao la của Mông Cổ đang có các hạt giống đầu tiên. Các thanh niên, trong số này có một phật tử, vì cảm kích trước nhiệt tâm truyền giáo của các thừa sai Bác Ái, đã xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo và ước muốn trở thành Linh Mục sau này. Muôn vàn cảm tạ THIÊN CHÚA.

Ngoài ra vào ngày 29-8-2003 Giáo Hội tại Mông Cổ đã có một vị Giám Mục đầu tiên. Đó là Đức Cha Wenceslao Padilla, Phủ Doãn Tông Tòa Ulan bator, bao trùm toàn lãnh thổ nước này. Đức Cha Padilla người Phi-luật-tân và thuộc Hội Thừa Sai Scheut giống như Cha Kitengie.

Hiện nay Giáo Hội Công Giáo Mông Cổ có hơn 200 tín hữu, hơn 40 vị thừa sai với 3 giáo xứ, và hơn 100 dự tòng chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội. Giáo Hội Công Giáo cũng hiện diện tại hai thành phố Darhan và Erdenet.

... Đp thay trên đi núi bưc chân người loan báo TIN MỪNG, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cu độ và nói với Sion rằng: ”THIÊN CHÚA ngươi là VUA hiển trị”. Kìa nghe chăng quân canh gác ca ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt THIÊN CHÚA đang trở về Sion. Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì THIÊN CHÚA an ủi dân Ngài và cứu chuộc Giêrusalem. Trước mặt muôn dân, THIÊN CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Ngài: ơn cu độ của THIÊN CHÚA chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy (Isaia 52,7-10).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.340, Juin/1999, trang 177-178)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.