2009-08-27 15:52:22

Giới trẻ, Kinh Thánh và các tật xấu của con người thời nay


Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Giancfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa về giới trẻ, Kinh Thánh và các tật xấu của con người ngày nay

Ngày 21-8-2009 chương trình tiếng Bulgari của đài Vaticăng đã thực hiện một cuộc phỏng vấn quay phim Đức Tổng Giám Mục Giancfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa về các thách đố văn hóa trong thế giới toàn cầu, ngôn ngữ của người trẻ, cách thức họ tiến tới gần Kinh Thánh và các tật xấu của con người thời nay. Chúng tôi đã gửi tới qúy vị và các bạn phân đầu cuộc phỏng vấn đề cập tới các thách đố văn hóa trong thế giới toàn cầu. Hôm nay xin gửi tới qúy vị nội dung phần hai của bài phỏng vấn về người trẻ, Kinh Thánh và các tật xấu của con người thời nay.

Hỏi: Kính thưa Đức Tổng Giám Mục Ravasi, nền văn hóa trong thế giới toàn cầu như Đc Cha đã miêu tảớng tới chỗ giáo dục người trẻ sống theo vật chất có giảm thiểu giá trị của nền văn hóa đích thực, là nền văn hóa luôn tìm hưng con người lên cao hay không?

Đáp: Để trả lời câu hỏi này, tôi xin lập lại lời nói của một nghệ sĩ Mỹ rất nổi tiếng đó là ông Bill Viola, tác giả của một Video nghệ thuật liên quan tới các biểu tượng như nước, ánh sáng để diễn tả mầu nhiệm các lần Thiên Chúa tự tỏ hiện. Ông nói: ”Chúng tôi bị khiêu khích bởi ước muốn của Đức Cha là khiến cho nghệ thuật mới có thể trở vào trong các nhà thờ. Lý do vì nghệ thuật ngày nay loại trừ hai nhân tố nền tảng trong qúa khứ. Nhân tố thứ nhất loại trừ việc tìm kiếm vẻ đẹp, nhân tố thứ hai là loại trừ ý nghĩa của một sứ điệp. Đó là sự diễn tả cảm xúc, diễn tả thực tại bùng nổ với các ý nghĩa tối tăm”. Đó là lý do tại sao nghệ thuật đang ở trong một tình trạng khó khăn, ngày càng trở thành điểm quy chiếu của chính nó, đóng kín trong chính nó trong các hình ảnh không thể hiểu nổi, nếu không có cùng loại ngôn ngữ. Đây có lẽ là dịp đặt vấn nạn trở lại về con người, về mầu nhiệm của các dấu chỉ mà con người nhìn thấy chung quanh mình, về sự siêu việt. Chúng ta hãy nghĩ tới giá trị của các biểu tượng, và ý nghĩa của chúng.

Hỏi: Các người thông truyền của Giáo Hội làm thế nào để khiến cho Kinh Thánh ”ngon lành hơn” đối với giới trẻ ngày nay, và khiến cho nó dễ hiểu hơn với ngôn ngữ của họ, thưa Đức Cha?

Đáp: Tôi xin đề nghị ba con đường. Thứ nhất là con đường ghi nhận rằng Kinh Thánh dùng thứ ngôn ngữ biểu tượng. Chúa Kitô đã giảng dậy bằng các dụ ngôn. 35 dụ ngôn trở thành 72 dụ ngôn, nếu kể cả các ẩn dụ và các so sánh. Vì thế phải trở về với một ngôn ngữ, hay đề nghị ngôn ngữ của Kinh Thánh trong các biểu tượng của nó. Con đường thứ hai là chỉ cho người trẻ thấy bên trong Kinh Thánh có tất cả các vấn đề, các câu hỏi và các cật vấn cấp bách nhất trong cuộc sống con người. Nếu muốn chọn một vài tác phẩm kinh thánh để giới thiệu các vấn đề đó với người trẻ thì hãy lấy sách Diễm Ca, sách ông Giốp, sách Qohelet và lấy Diễn Văn Trên Núi tức Hiến Chương Tám Mối Phúc Thật.

Tôi đã lấy 4 thí dụ trên đây vì các tác phẩm này đề cập tới các vấn đề: mầu nhiệm sự dữ, hạnh phúc và niềm vui của tình yêu, ý nghĩa cuộc khủng hoảng, sự tràn đầy của việc cho đi, sự tràn đầy của cuộc sống. Các yếu tố này tôi phải gỡ chúng ra khỏi ngôn ngữ. Và đây là con đường thứ ba. Ngôn ngữ kinh thánh là ngôn ngữ thuộc các thời đại khác nhau nhưng có điểm lợi, vì nó là ngôn ngữ biểu tượng. Nó là một ngôn ngữ được sao đi chép lại. Sao đi chép lại trong các bản dịch, và các bản dịch mới trong ngôn ngữ của người trẻ rất là quan trọng; thế rồi cũng có các bản dịch bằng hình ảnh đó là Kinh Thánh như được diễn tả trong lịch sử nghệ thuật trong tất cả mọi hình thái của nó, kể cả lịch sử phim ảnh. Chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ xem phim Phúc Âm thánh Matthêu của Passolini muốn nói gì, Phúc âm thánh Marco của Pisolini muốn nói gì. Đó là một kiểu dịch Kinh Thánh bằng phim ảnh. Đó là chưa kể tới biết bao nhiêu các tác phẩm nghệ thuật rất phong phú diễn tả các cảnh và các nhân vật trong Kinh Thánh từ cổ chí kim. Rồi nếu muốn giới thiệu sách Khải Huyền thì có thể lấy cuốn phim ”Dấu ấn thứ bẩy” của đạo diễn Bergman. Nghĩa là tôi cũng phải khiến cho người trẻ tái chiếm được nền văn hóa cổ xưa hay mới đây, mà họ chỉ nghe nói đến trong trường học, hay không nghe nói đến bao giờ. Đó là ba con đường: con đường của biểu tượng, con đường của các đề tài, và con đường của ngôn ngữ.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Ravasi, ngày nay có vài cuốn sách hay cuốn phim đề cập tới các biến cố của Giáo Hội và tìm kích thích tính tò mò của con người. Tín hữu phải có thái đ đúng đn nào đối với các sản phẩm văn hóa này?

Đáp: Trước hết cần phải nói rằng trong loại phim này sự thái qúa khiến cho chúng trở thành không thật. Khi đưa ra nhiều cảnh bất thình lình, khi phóng đại các tội phạm, và khi phóng đại cả mầu sắc, thì khán gỉa chắc chắn coi đó chỉ là một trò chơi, chứ không phải một sứ điệp.

Và đó là các phản ứng có thể ghi nhận được ở bên ngoài rạp chiếu phim. Tuy nhiên cần phải chú ý tới một yếu tố đáng buồn khác nữa. Đó là sự dốt nát nòng cốt, như là một bàn tay che mắt thế giới của các tín hữu chứ không che mắt xã hội tục hóa ngày nay. Chính thế giới của các tín hữu có một trình độ hiểu biết qúa thiếu sót và kém cỏi đến báo động về các sự thật lòng tin, về lịch sử Kitô giáo, một cách tối thiểu. Và đây là một câu hỏi cật vấn nhất là đối với Giáo Hội. Ngày trước thì có giáo lý và việc thông truyền kiến thức lòng tin qua nhiều cách thế khác nhau. Giờ đây có lẽ vì lý do ngôn ngữ, đề tài thông truyền của Giáo Hội không còn có ý nghĩa lớn, không còn có sự bén nhọn nữa. Như thế để tìm bổ túc cho sự dốt nát, cho cái trống rỗng hiểu biết đó, cần phải chú ý tới tình trạng hiểu biết yếu kém ấy và chắc chắn cần có vài hình thức, vài đơn giản hóa... Thí dụ, đối với các cuốn sách có khuynh hướng vô thần rất là tầm thường xoàng xĩnh thì câu trả lời có chiều kích triết lý thần học cao không thích hợp. Cần tìm ra các câu trả lời tức thì, đôi khi có hình thái một cú đánh hữu hiệu. Và đây cũng là nhiệm vụ phái có đối với các cuốn phim mới được đề nghị sau này.

Hỏi: Trong cuốn sách viết về các tật xấu chính, Đức Cha cho rằng tật xấu không còn là hiện tượng cá nhân nữa, mà đã biến trở thành hiện tượng xã hội. Thế thì đâu là các tật xấu được liệt kê ưu tiên trong danh sách đen, thưa Đức Cha?

Đáp: Đúng thật là có một quan niệm thuộc loại duy lý tưởng và duy chủ thể, theo đó tội lỗi là một vấn đề riêng tư, là một lỗi cá nhân. Nhưng ngược lại với quan niệm này ngày nay người ta càng ngày càng xác tín rằng trên thực tế mỗi một hành động của con người đều có một âm hưởng. Mỗi một hành động đều có một âm hưởng trên chính chính người đó. Chúng ta hãy nghĩ tới một người nghiện ma túy: họ tàn phá chính họ và tàn phá cả gia đình họ nữa, bởi vì tất cả những người chung quanh đều bước vào trong vòng xoắn của thảm cảnh, và như thế nó không phải là một tật xấu riêng rẽ nữa. Nếu tôi phạm điều bất công, sự bất công đó âm hưởng trên người khác. Như thế càng ngày cả khoa tâm lý cũng càng chú ý tới hiện tượng cá nhân như hiện tượng xã hội. Ngoài ra cũng phải nói rằng việc phổ biến tật xấu cũng do sự kiện thông truyền các tật xấu cá nhân khiến chúng trở thành một kiểu mẫu công cộng. Hãy lấy một thí dụ tự phát, tức thì nhất: chẳng hạn một lúc nào đó một thái độ tính dục không kiềm chế trở thành tật xấu gọi là dâm đãng, được một vài nhân vật chính trong dư luận chung đề nghị, thì nó tự động trở thành mẫu cho người ta bắt chước. Như vậy phải thừa nhận rằng các hiện tượng cá nhân đều mang một chiều kích xã hội, và ngược lại các hiện tượng xã hội đều ảnh hưởng trên cá nhân. Nếu một cá nhân yếu đuối đứng trước các gương tồi bại, thì chắc chắn là họ bắt chước các gương tồi bại ấy. ”Mimesis” bắt chước trong tiếng Hy Lạp: ở đây không chỉ là bắt chước gương lành của Chúa Kitô, mà là bắt chước sự đổ đốn tồi bại.

Tật xấu như vậy trước hết là một hiện tượng cá nhân, nó là sự tự do của con người ngày càng nhượng bộ sự dữ, nhưng đàng khác nó cũng là hiện tượng xã hội.

Hỏi: Thế thì tật xấu nào là tật xấu nền tảng, thưa Đức Cha?

Đáp: Đối với truyền thống tật xấu nền tảng là sự kiêu căng, là tính kiêu ngạo. Nó được coi như sự quyết định coi cái gì là thiện cái gì là ác, và hậu qủa là tất cả mọi tật xấu khác, là việc bẻ gẫy sự hài hòa. Ở đây tôi muốn trích lại một câu của ông Carl Kraus, một nhà văn bi quan của thế kỷ XIX. Ông nói: ”Có sự khác biệt nào giữa tật xấu và nhân đức? Có cùng một sự khác biệt giữa than đá và kim cương. Cả hai đều được tạo thành bởi một nền tảng chung là than. Than trở thành kim cương, than trở thành than đá”. Nếu chúng ta nhìn vào cuống họng, thì cũng thế. Cuống họng như là điểm khởi hành có một nhân đức là nhân đức sống còn, còn hơn thế nữa là sự thông truyền niềm vui: không phải các đám cưới được đồng hành bởi bữa tiệc hay sao? Sự đau đớn trong phụng vụ Đông phương cũng được diễn tả bằng tiệc đám táng ”panihida”, bao gồm chiều kích của thực phẩm. Khi thực phẩm trở thành yếu tố của sự đồi trụy, sự qúa đáng hay sự thiếu vắng, thì trước hết nó trở thành một hiện tượng tâm thần, tâm lý - con người tàn phá chính mình, khi ăn uống qúa độ hay không ăn uống gì - nhưng nó cũng trở thành sự phung phí, thái độ khinh mạn, sự đồi trụy được diễn tả một cách rạng rỡ và tàn bạo bởi cuốn phim tựa đề “Bữa đại nhậu” của đạo diễn Marco Ferreri, trong đó thực phẩm và cái chết sống với nhau. Như vậy từ kim cương chúng ta đi tới than đá, đi tới cái chết. Chính vì lý do đó tôi cho rằng sự kiêu căng ngạo mạn là tật xấu nền tảng. Chính cái kiêu căng của con người bẻ gẫy lược đồ luân lý. Từ đó phát xuất ra sự đổ dốc tồi bại của tất cả mọi thực tại, kể cả các thực tại tích cực như sự nghỉ ngơi, sự an bình trở thành tính lười biếng, tính dục trở thành dâm đãng.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Ravasi, như thế thì làm sao để bảo vệ người trẻ khỏi bị lôi cuốn bởi tính dục sai lầm?

Đáp: Tôi nghĩ ở đây cũng phải trở lại với các vấn đề truyền thông, giáo dục và đào tạo. Phải đưa người trẻ trở lại với nhân loại đích thật, có ba móc xích nối liền nhau mà không bị bẻ gẫy. Xã hội ngày nay đã bẻ gẫy ba móc xích đó và tiếp tục bẻ gẫy chúng. Móc xích thứ nhất là tính dục, một ơn rất xinh đẹp Thiên Chúa ban cho con người. Tính dục là nguyên lý của sự sinh nở, là một yếu tố sinh học tạo thành con người. Các thúc đẩy tính dục là một nhân tố nền tảng đối với sự sống. Nó cũng là nhân tố đối với thú vật. Tuy nhiên con người còn có khả năng cho một móc xích thứ hai nữa, khiến cho chính phái tính được xinh đẹp hơn, đích thật hơn: đó là ”eros”. Eros là gì? Đó là sự khám phá ra vẻ đẹp của người khác, của sự mỹ, của sự dịu dàng, của óc tưởng tượng, của tâm tình, của đam mê. Sách Diễm Ca biết tới eros, biết sự chiêm ngắm thân xác của người nữ và thân xác của người nam được diễn tả mà không có sự bối rối nào. Thú vật không biết tới ”eros”, vì eros là thi văn, eros là óc tưởng tượng, eros là sự sáng tạo. Nhưng điều này không đủ để trong eros người khác còn được coi như một đối tượng xinh đẹp, để có một liên hệ với người ấy. Và đây là móc xích thứ ba: đó là tình yêu. Và tình yêu trái lại là một niềm vui tràn đầy của sự thông truyền, của sự hiệp thông, mắt trong mắt, nỗi khổ đau và sự tươi vui được thông truyền cho người khác. Đó là điều mà người phụ nữ nói trong sách Diễm Ca: ”Người tôi yêu là của tôi và tôi là của chàng, và tôi là của người tôi yêu và người tôi yêu là của tôi”, nghĩa là có sự trao ban cho nhau, đến độ nói rằng căn tính của tôi mà tôi có vì có người khác là nam hay là nữ. Theo tôi đối với người trẻ, học đường - tôi không nói tới tôn giáo - trong trường hợp này học đường và việc đạo tạo phải dậy cho họ biết giữ gìn ba móc xích đó nối liền nhau. Và khi đó người trẻ sẽ hiểu được rằng đây không phải là việc khước từ tính dục bởi nguyên tắc trong một hình thái khổ hạnh, và đàng khác đây cũng không phải là việc giản lược tính dục thành vật chất lệch lạc như là báo chí phim ảnh dâm ô giới thiệu: nó chỉ là xác thịt, chỉ là vật chất tính, hầu như là thịt bị chặt ra, và không có trong nó tất cả óc sáng tạo và sự xinh đẹp của tình yêu.

(SD 21-8-2009) 2/2

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.