2009-08-24 15:11:59

Tầm quan trọng của việc đào tạo các linh mục tương lai


Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Jean Louis Brugues, Thư ký Bộ Giáo Dục Công Giáo về việc đào tạo các linh mục

Trong buổi tiếp kiến chung 2000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 20-8-2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo các linh mục tương lai trên bình diện trí thức và tinh thần, cũng như tầm quan trọng và sự cần thiết của các chương trình thường huấn sau đó. Gợi lại gương của cha Jean Eudes sống vào thế kỷ thứ XVII, là người đã có sáng kiến thành lập chủng viện để đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận tại Caen bên Pháp, Đức Thánh Cha nói linh đạo của thánh nhân là trung thành với tình yêu mà Thiên Chúa đã vén mở cho nhân loại trong Con Tim của Chúa Giêsu và Con Tim của Mẹ Maria. Thánh nhân mời gọi mọi người, nhất là các linh mục, dấn thân sống thể nào để có được con tim như con tim của Chúa Giêsu và con tim của Mẹ Maria. Phúc Âm thánh Marcô ghi rõ là Chúa Giêsu đã tuyển chọn các tông đồ để các vị ở với Ngài và để Ngài sai các vị ra đi rao giảng Tin Mừng. Đó cũng là mục đích của thời gian được đào tạo trong các chủng viện.

Sau đây chúng chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Jean Louis Brugues, Thư ký Bộ Giáo Dục Công Giáo, về việc đào tạo các linh mục. Trong các tháng tới đây dưới ánh sáng của Năm Linh Mục, Bộ Giáo Dục Công Giáo sẽ nhóm họp Ủy Ban liên cơ quan trung ương Tòa Thánh đặc trách việc đào tạo các linh mục tương lai như trọng tâm công tác giáo dục trong sứ mệnh của Giáo Hội.

Hỏi: Thưa Đc Cha Bruguès, trong Thông đip ”Yêu thương trong sự thật” Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi ngày càng thăng tiến việc giáo dục cho mọi dân tộc trên thế giới. Bộ Giáo Dục Công Giáo có cảm thấy mình được mời gọi hay không?

Đáp: Trước hết chúng ta có thể ghi nhận ba điều. Thứ nhất Đức Thánh Cha đặt việc giáo dục vào trong nguyên tắc của tình liên đới. Trong Thông điệp Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc lại các nguyên tắc lớn trong giáo huấn xã hội của Hội Thánh là phụ đới và liên đới. Như thế giáo dục là một vấn đề của sự liên đới giữa các lãnh vực và các thế hệ khác nhau trong một xã hội. Điểm thứ hai đó là việc giáo dục gỉa thiết một sự biết thông truyền. Đức Thánh Cha trở lại ý niệm hiểu biết này trong nhiều dịp. Chắng hạn ở số 30 của Thông điệp ngài khẳng định rằng: ”Tình bác ái không loại trừ, trái lại nó đòi hỏi sự hiểu biết”. Không có sự hiểu biết thì tình bác ái không hữu hiệu. Nó không chỉ là vấn đề của các tâm tình tốt đẹp. Nhưng cũng cần phải dùng sự hiểu biết để thay đổi các sự vật nữa. Điểm thứ ba đó là Kitô hữu chúng ta tin nơi một sự đào tạo toàn vẹn con người. Người ta nói tới việc đào tạo toàn vẹn; nó giả thiết một quan niệm toàn thể về con người trong các chiều kích khác nhau của nó.

Dưới ánh sáng của các nhận xét trên, cơ quan của chúng tôi được khích lệ hai lần: trước hết là đánh gía cao sự hiểu biết và nền văn hóa. Chúng tôi đang phát triển các cơ cấu khác nhau tùy thuộc Bộ Giáo Dục Công Giáo thăng tiến một nền văn hóa phẩm chất, đây là điều tôi đã tìm thấy trong Thông điệp. Thứ hai chúng tôi nhấn mạnh trên việc đào tạo con người toàn vẹn, đặc biệt là chiều kích tinh thần, có nguy cơ bị lãng quên trong xã hội tục hóa ngày nay.

Hỏi: Trong sứ điệp gửi hội nghị thưng đỉnh của khối G8 tại L'Aquila, Đc Thánh Cha đã đề cao tầm quan trọng của việc giáo dục và nêu bật rằng nó là điều kiện không thể thiếu cho hoạt động của nền dân chủ, cho cuộc chiến chống lại nạn gian tham hối lộ, và cho việc thực thi các quyền chính trị và xã hội. Giáo Hội có thể cống hiến phần đóng góp nào trong nghĩa này, thưa Đức Cha?

Đáp: Bộ Giáo Đục Công Giáo có trách nhiệm đối với 1.200 đại học trên thế giới, hơn 2.700 chủng viện và 250.000 trường công giáo. Bộ Truyền Giáo cũng đặc trách các cơ sở giáo dục tại Phi châu và Á châu. Điều này cho thấy các cơ cấu giáo dục này là một khả thể, qua đó Giáo Hội tham dự vào việc tạo thành một nền văn hóa của một quốc gia xác định. Không có phương thế nào giúp hội nhập vào một nền văn hóa của một nước một cách tốt đẹp hơn, nếu không phải là qua các trường học và đại học. Như thế các cơ sở giáo dục là một khả thể đối với Giáo Hội cũng như đối với xã hội; và nỗ lực sư phạm to lớn mà chúng tôi đã làm từ bao thế kỷ nay, chúng tôi dùng nó để phục vụ cộng đoàn nhân loại.

Hỏi: Phục vụ với các mục đích nào thưa Đức Cha?

Đáp: Có hai mục đích: mục đích thứ nhất đã được Đức Thánh Cha nhắc tới trong thư công bố Năm Linh Mục: đó là trả lại cho linh mục việc yêu thích chức linh mục và giúp tìm lại căn tính rõ ràng hơn điều đang thấy xảy ra nơi nhiều quốc gia. Trong một vài bối cảnh văn hóa, xem ra gương mặt của tu sĩ nam nữ hiển nhiên hơn gương mặt của linh mục giáo phận. Vì thế đây là dịp tuyệt vời giúp tái khám phá ra bản chất linh mục và sự cần thiết của linh mục đối với Giáo Hội. Do đó mục đích thứ hai là tái khám phá ra thế đứng của linh mục trong lòng cộng đoàn Kitô và nói chung trong Giáo Hội.

Như vậy có hai chiều kích mời gọi Bộ Giáo Dục. Như là cơ quan đặc trách việc đào tạo các chủng sinh, chúng tôi phải giúp các chủng sinh hiểu sứ điệp này: các bạn đã được tuyển chọn, đó là một vinh dự, hãy hạnh phúc là linh mục. Tôi muốn rằng chủng viện là một trường học của hạnh phúc là linh mục. Đó là chiều kích thứ nhất. Chiều kích thứ hai là việc đào tạo được cống hiến cho các chủng sinh phải tốt chừng nào có thể.

Mỗi khi tiếp các Giám Mục về thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh, Đức Hồng Y Tổng trưởng của chúng tôi thích lập lại với các vị rằng: ”Xin các Đức Cha hãy dành ra các linh mục tốt nhất cho việc đào tạo các chủng sinh, đó là điều rất đáng công”.

Hỏi: Thưa Đc Cha, Năm Linh Mục là dịp để duyệt xét và kiểm thực lại việc đào tạo các ứng sinh linh mục trong các chủng viện. Bộ Giáo Dục có đưa ra các sáng kiến nào không?

Đáp: Trong năm nay sẽ có các sinh hoạt đặc biệt. Như là chủ tịch Ủy ban liên bộ thường trực đặc trách việc thu nhận các chủng sinh, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo Dục có ý triệu tập một phiên hội trong năm nay. Mục đích là để soạn thảo một văn kiện và công bố vào cuối Năm Linh Mục, một văn kiện ngắn gọn nhưng rõ ràng chính xác liên quan tới việc đào tạo các ứng sinh linh mục.

Hỏi: Mới đây Đc Thánh Cha đã mời gọi vượt thắng khuynh hướng nhị nguyên giữa ý niệm bí tích - bản thể và ý niệm nhiệm vụ xã hội của chức linh mục. Đây có phi là con đường hòa giải giữa hai chiều kích này của chức linh mục hay không, thưa Đức Cha?

Đáp: Xem ra trong Giáo Hội các tình hình có thể rất khác nhau. Có những nước trong đó người ta nhấn mạnh chiều kích xã hội, vai trò xã hội của vị linh mục: như tôi đã trông thấy bên Phi châu, và Châu Mỹ Latinh cũng như tại Đại Hàn bên Á châu. Vị linh mục không chỉ nắm giữ một vai trò giữa lòng cộng đoàn mà cả giữa lòng xã hội nữa. Trong khi tại các xã hội rất bị tục hóa như Italia chẳng hạn, vai trò xã hội của linh mục bị giảm thiểu đi.

Có lẽ với luật trừ là Italia, nơi xã hội bị tục hóa nhưng Giáo Hội đã biết sống bình dân và rất hiện diện trong cuộc sống xã hội, cũng như trong cuộc sống chính trị. Vì thế hai khía cạnh này tạo ra một sự căng thẳng cần thiết và hữu ích. Thật là điều bình thường, khi linh mục có vai trò xã hội, vì ngài là một mục tử, ngài là đầu của một phần dân Chúa, như Công Đồng Chung Vaticăng II đã nói. Trong danh nghĩa đó linh mục là nhân vật hữu hình trong xã hội.

Nhưng mà ngài cũng là người trung gian giữa trời và đất: ngài biểu lộ Chúa Kitô, hành động nhân danh Chúa Kitô. Cho nên tôi thấy cần phải duy trì sự căng thẳng đó ở khắp nơi, vì nó tốt cho chức linh mục và cho dân Kitô. Vì thế trước hết cộng đoàn tín hữu phải cảm thấy mình có trách nhiệm đối với vị linh mục hướng dẫn họ. Khi tôi còn là Giám Mục giáo phận Angers bên Pháp, mỗi khi chỉ định một cha sở mới, tôi đều đến giới thiệu ngài với tín hữu và nói: ”Tôi tín thác cha xứ cho anh chị em”. Vị linh mục cần được cộng đoàn tín hữu giúp đỡ. Thứ hai, mỗi linh mục cần phải được linh mục đoàn giúp đỡ. Chúng ta phải nhấn mạnh chiều kích huynh đệ của linh mục đoàn. Có qúa nhiều linh mục đau khổ vì cô đơn, và vì thế có nguy cơ bỏ quên khía cạnh này hay khía cạnh kia trong hai khía cạnh vừa nói. Một linh mục là một người bạn, một người anh em giữa lòng đại gia đình của linh mục đoàn. Và liên quan tới Bộ Giáo Dục thì còn có một con đường thứ ba: đó là chủng viện. Nó là nơi, trong đó các chủng sinh học biết sống hai khía cạnh này của chức linh mục trên bình diện thần học.

Hỏi: Bộ có cảm thấy cần phải đnh hướng trở lại việc giáo dục trong các cơ cu đào tạo của Giáo Hội hay không, thưa Đức Cha?

Đáp: Một nền đào tạo tốt là một nền đào tạo có khả năng thích ứng với các thay đổi của xã hội. Tôi xin lập lại điều tôi đã nói trong nhiều dịp khác nhau: đương nhiên là người trẻ ngày nay khác với thời của chúng tôi, nhưng cần phải chấp nhận họ với lòng quảng đại. Cần phải quảng đại đón nhận các thế hệ mới và cũng cần phải có óc phân định: phân định xem họ có lòng can đảm hay không và phân định những gì cần sửa đổi. Tôi nhận thấy các người trẻ gia nhập các nhà đào tạo tại các nước như Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Hoa Kỳ đều có một trình độ đào tạo nghề nghiệp rất tốt, đôi khi tới các cấp cao tại đại học, nhưng họ thiếu một nền văn hóa tổng quát và nhất là thiếu nền văn hóa Kitô. Vì thế tôi cầu mong chương trình đào tạo bắt đầu với một năm dự bị và thích ứng với diện mạo của các thế hệ mới. Và cũng cần phải tránh việc phân tán các môn học trong chương trình đào tạo; trái lại phải có một cái nhìn tổng hợp về thần học, nhấn mạnh trên vai trò của triết học, đặc biệt là khoa siêu hình, như là bước chuẩn bị cho thần học.

Hỏi: Thưa Đức Cha Brugues, các chỉ thị của tài liệu Đnh hướng công bố năm 2008 có đề cập tới việc sử dụng các khoa học tâm lý trong việc thu nhận và đào tạo các ứng sinh linh mục. Thế thì trong những trường hợp nào có thể cậy nhờ các chuyên viên của khoa tâm lý?

Đáp: Câu trả lời rất đơn sơ: đó là khi nào thấy nó ”cần thiết”. Trong tài liệu của Bộ Giáo Dục chúng tôi đã muốn phản ứng lại hai thái cực. Thái cực thứ nhất là nói rằng tất cả mọi chủng sinh đều phải được các chuyên viên tâm lý thử nghiệm. Thái cực thứ hai là khẳng định rằng cần phải coi chừng đừng có tin nơi khoa tâm lý và các nhà tâm lý. Tài liệu nói trên có giọng điệu rất tích cực đối với vấn đề này. Đôi khi người ta trách Giáo Hội là đã tỏ ra xa cách và đôi khi nghi ngờ khoa tâm lý học. Thật ra không đúng. Bằng chứng là tài liệu của chúng tôi có khẳng đinh rằng khi cần thiết, thì phải nhờ các chuyên viên tâm lý. ”Khi cần thiết” có nghĩa là gì? Đó là khi nó có thể giúp ứng sinh vượt thắng các vết thương chưa lành và chúng gây ra các quấy phá mà chính đương sự cũng không hiểu biết tầm nghiêm trọng của chúng, và thường khi lại đổ lỗi một cách sai lầm cho các lý do ngoại tại, và như thế không có khả năng đương đầu với chúng một cách thích hợp.

(SD 19-8-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.