2009-08-03 16:51:55

Các vụ bạo động tại Nigeria


Phỏng vấn Đức Cha John Onaieyekan, Tổng Giám Mục thủ đô Abuja, về các vụ bạo động tại Nigeria

Một tuần đã trôi qua sau khi quân đội Nigeria chấm dứt vụ tấn công chống lại nhóm Hồi giáo qúa khích Boko Haram tại Maiduguri, thủ phủ bang Borno ở miền bắc nước này. Cuộc tấn công đã khiến cho hơn 600 người thiệt mạng, gồm cảnh sát quân đội và các phiến quân hồi, trong đó có cả ông Mohammed Yusuf, thủ lãnh của các lực lượng hồi cuồng tín. Mục đích cuộc nổi loạn của các lực lượng hồi cuồng tín là áp đặt luật Sharia trên toàn nước Nigeria. Luật này hiện đang được áp dụng cho 12 bang miền bắc nước này có đa số dân theo Hồi giáo là: Sokoto, Zamfara, Katsina, Kano, Jigawa, Yobe, Borno, Kebbi, Niger, Kaduna, Bauchi và Gombe. Chính chủ trương Hồi giáo hóa Nigeria đã làm nảy sinh ra các vụ xung đột và tấn kính các Kitô hữu trong các bang miền bắc Nigeria từ mấy thập niên qua.

Nigeria rộng gần 924 ngàn cây số vuông, có 143 triệu dân, 43,1% theo Hồi giáo, 29,8% theo Kitô giáo, 19% theo các tôn giáo cổ truyền và 8,1% theo các tôn giáo khác.

Bạo lực đã bùng nổ vào ngày 26-7-2009 và lan nhanh như một bệnh dịch tại nhiều vùng trong nước Nigeria. Các vụ đụng độ mới nhất xảy ra trong vùng Hawan Malka, gần thành phố Potiskum, đã khiến cho hơn 40 người thiệt mạng.

Một số thành phần của nhóm hồi cuồng tín Boko Haram ẩn nấp trong vùng rừng cách xa thành phố Potiskum 20 cây số. Boko Haram là nhóm hồi cuồng tín chủ trương Hồi giáo hóa toàn nước Nigeria và loại trừ ảnh hưởng của người Tây Âu khỏi Nigeria để áp đặt luật Sharia trên toàn nước. Đại tá Ben Ahanotu chỉ huy cuộc tảo thanh, cho biết quân đội đã được lệnh bỏ bom đại bản doanh của Mohammed Yusuf tại Doidamgari. Căn nhà của Yusuf có 250 phiến quân bảo vệ, trong khi toàn vùng này có khoảng 1.000 thành viên của lực lượng Boko Haram.

Trong nhà của ông Yusuf người ta đã tìm được các tài liệu chứng minh cho thấy nhiều phiến quân hồi cuồng tín đến từ các nước khác như Niger và Ciad. Cho tới nay bạo lưc đã chỉ bùng nổ mạnh trong các bang Borno, Yobe, Kano và Bauchi. Trong bang Sokoto, quân đội cũng đã bắt giữ ông Malam Abdurrahman Abdullahi, nguyên giáo sư sử học Hồi giáo tại đại học bang Katsina. Cùng bị bắt với ông có 4 giáo sư khác thành viên của tổ chức Boko Haram. Đại tướng Saleh Maina cho biết tại Maiduguri lực lượng tình báo đã được tăng cường, quân đội và cảnh sát truy nã các phiến quân hồi tại tư gia cũng như trong các đền thờ và tại các nhà ga xe lửa.

Ngày 28-7-2009 trước khi lấy máy bay sang viếng thăm Brasil, Tổng thống Umaru Yar' Adua của Nigeria tuyên bố rằng: ”Các phiến quân này mua vũ khí, tập chế tạo bom và len lỏi vào xã hội Nigeria để phá hoại và giết chết người Nigeria. Tuy nhiên chính quyền hiện kiểm soát được tình hình và chính tôi đã điều động các vụ tấn công trong các ngày vừa qua. Tôi bảo đảm với quốc dân rằng chính quyền sẽ không khoan nhượng với bất cứ cuộc nổi loạn nào ở bất cứ đâu trong nước”.

Cảnh sát cho biết trong vùng Maiduguri đã có hơn 100 người thiệt mạng kể cả 90 thành viên lực lượng Boko Haram, 8 cảnh sát, 2 binh sĩ, và hai sĩ quan của vùng này. Trong bang Bauchi đã có 176 thường dân bị bắt giữ ngay từ khi bạo lực bùng nổ và đã có ít nhất 39 người bị chết. Ngày 29-7-2009 quân đội chính phủ đã giải thoát đươc 180 phụ nữ và trẻ em bị các phiến quân bắt làm con tin trong vùng Maiduguri. Các người này cho biết trong suốt một tuần họ đã không có thực phẩm nào khác ngoài chà là và nước lạnh.
Các thành viên hồi cuồng tín này được gọi là ”người Taliban Nigeria”, mặc dù họ không có liên hệ nào với lực lượng Taliban bên Afghanistan. Theo các chuyên viên phân tích tình hình thế giới, các phiến quân hồi cuồng tín Nigeria này chỉ lấy người Taliban Afghanistan làm mẫu mực. Trong khi nhóm Boko Haram, có nghĩa là ”giáo dục Tây âu là một tội lỗi” được thành lập năm 2004 trong vùng Maiduguri bang Borno thuộc miền bắc Nigeria. Nó nhằm mục đích lật đổ chính quyền Nigeria để áp đặt luật Sharia trên toàn dân và loại trừ mọi dấu vết nền văn hóa Tây âu khỏi Nigeria. Người ta còn nhớ trong một buổi phỏng vấn trên đài BBC Luân Đôn lãnh tụ nhóm này ông Yusuf đã tuyên bố rằng nền giáo dục Tây âu bao gồm các điều đi ngược lại lòng tin Hồi giáo. Chẳng hạn nói rằng trái đất tròn là trái nghịch với giáo huấn của Allah.

Trong các năm qua thế giới đã chứng kiến hiện tượng các nhóm hồi qúa khích bành trướng thế lực và ảnh hưởng của chúng trong nhiều vùng khác nhau. Từ Somalia cho tới Mauritania, nhánh wahhabismo có khuynh hướng triệt để cuồng tín đã thắng thế, và càng ngày càng có thêm đông đảo đồ đệ.

Các lực lượng có lập trường chống Tây âu và chống Kitô hữu ngày càng sinh sôi nẩy nở. Các cuộc đụng độ gia tăng tại Nigeria cũng như các đề nghị của các lực lượng hồi cuồng tín theo lý tưởng của người Taleban bên Afghanistan, đang trở thành một trong các thách đố nghiêm trọng đối với tương lai của Phi châu. Giới chuyên viên nghiên cứu tình hình Phi châu chứng minh cho thấy từ 2 thập niên qua Hồi giáo Phi châu vốn nhân nhượng và hòa hoãn, đang gia tăng các lập trường qúa khích đối với các tôn giáo khác, cách riêng đối với Kitô giáo. Nghĩa là kể từ khi số học bổng cấp cho các sinh viên Phi châu theo học tại các đại học của một vài quốc gia Hồi giáo gia tăng một cách qúa đáng như tại Ai Cập, Libia, Sudan và A rập Sau đi. Các sinh viên này trở về nước với một hành trang tinh thần của phong trào Hồi giáo cuồng tín kiểu wahhabít. Nó không chỉ hạn hẹp trong lãnh vực xã hội, dân sự, mà muốn chi phối mọi bình diện cuộc sống của đất nước.

Lực lượng Boko Haram đã làm nảy sinh ra các vụ bạo động đẫm máu vừa qua tại Nigeria chỉ là một trong biết bao nhiêu phong trào Hồi giáo quá khích đang hoạt động và được quảng bá rộng rãi tại nhiều nước Phi châu. Chúng tuyên truyền chống lại các nước Tây âu và coi Kitô giáo là tôn giáo do người thực dân đưa vào Phi châu, trong khi Hồi giáo mới là tôn giáo tự nhiên của người dân Phi châu. Nó là một loại Hồi giáo không nhân nhượng đối với việc thích ứng vào tâm thức và nền tu đức của các dân tộc Phi châu. Nó phát triển và trở thành một nguy cơ đối với các quốc gia Phi châu, bắt đầu từ Somalia, qua Sudan và Nigeria rồi tới bờ đại tây dương của nước Mauritania. Trong tương lai miền nam sa mạc Sahara sẽ trở thành sân khấu của các tranh chấp tương lai do các nhóm hồi cuồng tín chủ mưu.

Riêng đối với Hoa Kỳ đây là vùng sẽ cung cấp 25% số lượng dầu hỏa cho kỹ nghệ Mỹ cho tới năm 2015. Và các thành viên các phong trào Hồi giáo cuồng tín cũng được hưởng nhiều lợi lộc: họ có thể tự do di chuyển trong một vùng rộng mênh mông, với các biên giới không rõ ràng khó kiểm soát và là vùng buôn bán khí giới rất dễ dàng. Chính lực lượng Boko Haram đã tung ra tư tưởng một siêu quốc hồi. Trong số những thành phần bị bắt những ngày vừa qua, có nhiều người chỉ nói tiếng A Rập chứ không biết tiếng Anh và tiếng Hausa của Nigeria. Người ta gọi lực lượng này là lực lượng Al Qaeda vùng Magreb.

Trung tâm Kidal tại miền bắc nước Mali tiếp đón các vị thuyết giáo gốc Pakistan và Afghanistan. Và làn gió hồi cuồng tín thổi mạnh tại nhiều nơi trong nước Mali. Hình Bin Laden được trưng bầy trong các hàng quán của chợ trung ương thủ đô Bamako. Các đài phát thanh do lực lượng hồi wahhabít cực đoan kiểm soát ngày càng nhiều và cho phát các chương trình chống lại các imam truyền thống. Các trường dậy kinh Coran mọc lên như nấm và vượt thoát mọi kiểm soát của chính quyền. Trong thủ đô Bamako có tới 3.000 trường tiếp đón 40% trẻ em tới tuổi cắp sách tới trường.

Tại nước Niger láng giềng Hồi giáo chưa xâm lăng lãnh vực chính trị, vì các đảng phái chính trị hồi bị cấm, nhưng phong trào Hồi giáo cực đoan wahhabít đang lấn đất trong lãnh vực giáo dục và truyền thông. Họ kiểm soát đài phát thanh hồi Bonferey và nhật báo As-Salam. Chính quyền của tổng thống Niamey đã trục xuất một số các nhà thuyết giảng nước ngoài, nhưng lực lượng hồi lại thay thế vào đó bằng các hoạt động bác ái trợ giúp dân nghèo, và luật Sharia lan tràn trong nhiều vùng miền nam nước này giáp giới với Nigeria.

Trong miền bắc nước Benin phong trào Hồi giáo cực đoan lan nhanh trong các vùng có đông người thất nghiệp, và giới trẻ tìm đủ mọi cách để có được học bổng của hai nước Kuweit và A rập Sauđi. Nhưng tình hình tại Somalia có nguy cơ khiến cho làn sóng hồi cuồng tín lan nhanh sang các nước láng giềng như Kenya.

Hôm mùng 1-8-2009 Hội Đồng Giám Mục Nigeria đã mạnh mẽ lên án các vụ bạo động nói trên và kêu gọi sửa chữa các bất công trong nước.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha John Onaieyekan, Tổng Giám Mục thủ đô Abuja về các vụ bạo động các ngày vừa qua tại Nigeria.

Hỏi: Thưa Đc Cha, Đức Cha có cảm tưởng gì về các vụ bạo động gây ra chết chóc cho người dân tại một vài bang miền bắc Nigeria trong các ngày vừa qua?

Đáp: Trông thấy cảnh bạo lực tàn phá sự sống con người một cách uổng phí như thế khiến cho chúng tôi cảm thấy rất buồn. Có các nhóm hồi cuồng tín gồm các thành viên không biết tôn trọng sự sống của người khác và của cả chính họ nữa. Có những người sẵn sàng chết vì theo đuổi các tư tưởng cuồng tín, và đó là điều không được phép làm. Người ta không biết các nhóm này có liên hệ với các lực lượng nước ngoài hay không, hay có nhận được khí giới từ bên ngoài hay không. Nhưng chúng tôi hy vọng là chính quyền có thể tìm ra câu trả lời cho các vấn nạn này.

Hỏi: Thưa Đc Cha Onaieyekan, tương quan giữa các tí hữu hồi và các tín hữu Kitô tại Nigeria như thế nào?

Đáp: Các tín hữu hồi và các tín hữu Kitô không có vấn đề trong tương quan với nhau. Đây là một nhóm tín hữu hồi cực đoan nổi dậy chống lại tất cả mọi người. Thật thế họ cho rằng tín hữu hồi Nigeria không cứng rắn đủ. Cả khi luật Sharia là luật Hồi giáo được áp dụng trong vùng này, họ cho rằng đó không phải là luật Sharia thật, mà là một loại Sharia yếu kém đã không đạt đích của nó. Họ muốn luật Sharia được áp đặt trên toàn nước Nigeria và nước Nigeria được tuyên bố là một quốc gia Hồi giáo.

Theo họ những tiến bộ mà Nigeria chúng tôi đã đạt được là các tiến bộ bị Hồi giáo cấm đoán. Tổng thống Nigeria là một tín hữu hồi đã mạnh mẽ lên án tất cả những tư tưởng lệch lạc này và tuyên bố rằng đó không phải là Hồi giáo.

Hỏi: Đức Cha có tiếp xúc nào với một vài lãnh tụ Hồi giáo hay không?

Đáp: Tôi có tiếp xúc với Sultan bang Sokoto là thủ lãnh các tín hữu hồi toàn nước Nigeria và cả hai chúng tôi đều đồng ý rằng cần phải lên án các thành phần Hồi giáo qúa khích này, là những người không muốn có hòa bình trong nước Nigeria này. Mọi người đều nhận thấy rằng họ dùng luật Sharia để chống lại chính quyền và các lực lượng an ninh trật tự. Điều này chứng minh cho thấy không còn có thể giỡn chơi với các lực lượng hồi qúa khích này nữa.

Hỏi: Đức Cha có nghĩ rằng cần phải đưa ra một tài liệu chung giữa hai bên hay không?

Đáp: Có. Giờ đây điều quan trọng đó là ít nhất với một tuyên ngôn chung lập trường của Hồi giáo tại Nigeria được mọi người lắng nghe. Chúng tôi đã nói chuyên với các bạn Hồi giáo và họ nói rằng các thành phần nói trên không phải là tín hữu hồi, mà chỉ là những người dùng bình phong Hồi giáo để gây rối loạn trong nước. Rất tiếc là chúng ta cũng đã thấy các thành phần cuồng tín như thế ở nhiều nơi khác trên thế giới, họ là những người không tin nơi hòa bình, không tin nơi sự chung sống hài hòa giữa các tôn giáo. Tại Niegeria chúng tôi, nơi có tới 50% tổng số dân theo Kitô giáo và 50% theo Hồi giáo, chúng tôi không thể nhân nhượng đối với tình trạng bạo lực này nữa, vì chúng tôi muốn sống hòa bình.

(RG 31-8-2009; Avvenire 30-7-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.