2009-07-30 11:32:20

ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN: RƯỚC KIỆU THÁNH THỂ


Tối thứ bảy đầu tháng ngày 2-4-2005 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vĩnh viễn lìa bỏ trần gian trở về Nhà Cha trên Thiên Quốc, hưởng thọ 85 tuổi, sau gần 27 năm lèo lái con thuyền Giáo Hội Hoàn Vũ.

Trước đó, ngày 18-5-2004, nhân dịp sinh nhật thứ 84 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Tổng Trưởng Bộ Giám Mục, mở cuộc họp báo giới thiệu cuốn: ”Hãy đứng lên! Nào Chúng Ta đi!” Đó là tác phẩm chính thức cuối cùng của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Xin trích dịch phần Đức Thánh Cha viết về tầm quan trọng của lòng đạo đức bình dân biểu lộ qua các hình thức bề ngoài, trong đó có rước kiệu Mình Thánh Chúa, tổ chức trọng thể vào dịp lễ Mình Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Cứ sự thường, cuộc rước kiệu hàng năm vào ngày lễ trọng Mình Thánh Chúa - Corpus Domini là dịp rất tốt để thuyết giảng và dạy giáo lý. Trước đệ nhị thế chiến 1939-1945, cuộc rước kiệu trọng thể tôn vinh Mình và Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ khởi hành từ nhà thờ chính tòa Wawel đi dọc theo các đường phố và băng qua các quảng trường rồi đi mãi cho đến Rynek Glówny. Sau đó trong thời kỳ đất nước Ba Lan bị chiếm đóng thì quan thống đốc người Đức Hans Frank cấm tất cả các hình thức rước kiệu. Sang thời kỳ Ba Lan sống dưới chế độ cộng sản thì chính quyền tái cho phép tổ chức các cuộc rước kiệu, nhưng bị thu ngắn lại. Cuộc rước khởi hành từ nhà thờ chính tòa Wawel như thường lệ, nhưng chỉ được đi tới sân nằm ngay bên cạnh lâu đài hoàng gia. Mãi đến năm 1971 cuộc rước kiệu vào ngày lễ Mình Thánh Chúa - Corpus Domini mới trở lại lộ trình như trước nghĩa là đi tới tận đồi Wawel. Lúc ấy tôi tổ chức ngay các buổi diễn thuyết vào mỗi chặng rước - nơi có đặt bàn thờ - để Kiệu Mình Thánh Chúa dừng lại. Đó là những bài giảng hay nói đúng hơn đó là các bài dạy giáo lý liên quan bí tích Thánh Thể dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi không quên lồng vào đó đề tài nói về tự do tôn giáo, một đề tài thật nóng bỏng và rất thời sự vào thời điểm ấy.

Dưới các hình thức biểu lộ khác nhau của lòng đạo đức bình dân, tôi nghĩ rằng, chúng dấu ẩn câu trả lời cho vấn nạn về ý nghĩa của truyền thống, ngay cả trên bình diện địa phương.

Câu trả lời thật ra có chiều sâu rất đơn giản. Truyền thống là mối hòa điệu giữa các tâm lòng tạo thành sức mạnh vô song. Truyền thống đâm rễ sâu trong những gì có tính chất xa xưa cổ kính, trong những gì là uy hùng, là sâu sắc và cùng lúc rất khắng khít với con tim, tạo nên sức mạnh nội tâm kỳ diệu phi thường. Nếu việc đâm rễ sâu gắn liền với sức mạnh táo bạo gan lì của tư tưởng thì không có lý do gì khiến chúng ta phải sợ hãi về tương lai của Đức Tin và về những mối liên hệ nhân bản, người với người, giữa lòng một quốc gia. Chính trong sự phong phú nhân bản của truyền thống mà một nền văn hóa được vun trồng, được nuôi dưỡng và kết chặt các phần tử công dân lại với nhau. Nhờ đó mỗi công dân có cảm tưởng thuộc về một đại gia đình, được nâng đỡ và được củng cố trong các tâm tình tôn giáo thánh thiêng.

Nhiệm vụ cao cả lớn lao của chúng ta ngày hôm nay, trong thời đại mệnh danh hoàn-vũ-hóa, chính là phải biết làm cho phát triển các truyền thống trong lành, dành ưu tiên cho các sáng kiến chung, mang tính chất vừa linh hoạt vừa trầm tư, cổ động một nhãn giới mở rộng cho tương lai, đồng thời vẫn một mực yêu thương và kính trọng đối với quá khứ. Có như thế thì quá khứ mới tiếp tục nối dài trong tâm lòng mọi người, dưới hình thức các câu nói xưa, các dấu hiệu xưa, những kỷ niệm và tập tục xưa được truyền lại từ các thế hệ trước và được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ kia.

... ”Này con, giáo huấn của Cha, con hãy nghe, lời dạy của Mẹ, con đừng gạt bỏ. Vì những lời ấy sẽ là vòng hoa xinh con đi trên đầu, là vòng kiềng con đeo vào cổ .. Này con, nếu lời Thầy, con luôn nhận lấy, và huấn lệnh Thầy, con hằng ấp ủ, nếu con lắng tai nghe lẽ khôn ngoan và hướng lòng theo sự hiểu biết, phải, nếu con cầu xin trí thông minh, van nài ơn hiểu biết, nếu con tìm khôn ngoan như tìm bạc và lùng kiếm như thể kho tàng, thì lúc đó, con sẽ hiểu thế nào là kính sợ THIÊN CHÚA và sẽ khám phá ra hiểu biết THIÊN CHÚA có nghĩa là gì” (Sách Châm Ngôn 1,8-9+2,1-5).

(Jean Paul II, ”Levez-vous! Allons!”, Plon/Mame, 2004, trang 158-159)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.