2009-07-25 11:45:31

ĐỨC THÁNH CHA BIỂN-ĐỨC XVI VÀ NGÀY RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU


Chiều thứ bảy 15-10-2005, tại quảng trường Thánh Phêrô ở thủ đô Roma diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI và các thiếu nhi Rước Lễ Lần Đầu trong năm 2005. Tham dự cuộc gặp gỡ có hơn 150 ngàn người gồm thiếu nhi, cha mẹ, giáo lý viên và Linh Mục. Sau phần Phụng Vụ công bố Lời Chúa, Đức Thánh Cha lần lượt trả lời câu hỏi của 7 thiếu nhi. Xin trích dịch 3 câu hỏi đầu tiên.

1/ Câu hỏi thứ nhất của bé nam Andrea Rauccio thuộc giáo xứ Thánh Tâm Đức Đức Chúa GIÊSU ở Ladispoli, cách Roma khoảng 40 cây số về hướng Bắc. Bằng một giọng ngây thơ trong trắng với dáng điệu thật hồn nhiên, Andrea hỏi:
- Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha nhớ kỷ niệm nào về ngày Rước Lễ Lần Đầu của Đức Thánh Cha?

Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI từ tốn khoan thai trả lời như sau. Trước hết Cha xin cám ơn về buổi lễ biểu dương Đức Tin mà các con dành cho Cha, cũng như cám ơn về sự hiện diện và về niềm vui của các con. Cha cám ơn và đã ôm hôn chào thăm vài người trong các con, dĩ nhiên đây cũng là những vòng tay ôm hôn có tính cách tượng trưng dành cho tất cả mọi người.

Bây giờ Cha trả lời câu hỏi. Cha nhớ rất rõ về ngày Cha Rước Lễ Lần Đầu. Hôm ấy là một Chúa Nhật thật đẹp trong tháng Ba năm 1936. Đó là ngày trời nắng, nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, có âm nhạc, có nhiều điều tốt lành ghi khắc trong trí nhớ của Cha. Có khoảng 30 thiếu nhi nam nữ trong ngôi làng nhỏ bé chưa tới 500 dân cư. Nhưng giữa những kỷ niệm vui tươi và đẹp đẽ này có một tư tưởng chiếm chỗ đứng trọng yếu - cũng là điều mà một đại diện của các con vừa bày tỏ - đó là Cha hiểu rằng Đức Chúa GIÊSU đã ngự vào trái tim Cha, Ngài chính thức đến viếng thăm Cha. Và cùng với Đức Chúa GIÊSU chính THIÊN CHÚA đến với Cha. Đây quả thật là hồng ân của tình yêu, đáng giá hơn tất cả mọi thứ khác mà cuộc sống có thể trao tặng. Và như thế, ngày hôm ấy Cha đã được tràn đầy một niềm vui rộng lớn, bởi vì Đức Chúa GIÊSU đã đến ở nơi Cha. Rồi Cha cũng hiểu rằng, giờ đây khởi đầu chặng đường mới trong cuộc đời Cha - năm ấy Cha 9 tuổi - và điều quan trọng là Cha phải sống trung thành với cuộc gặp gỡ của ngày hôm nay, với lần Rước Lễ Lần Đầu này. Cha hứa cùng Chúa điều Cha có thể làm được, đó là: ”Con muốn luôn luôn ở với Chúa” và Cha xin Chúa rằng: ”Nhưng nhất là xin Chúa hãy ở lại với con”. Và từ đó Cha tiếp tục tiến bước trong cuộc đời Cha. Cám ơn Chúa, Ngài luôn cầm tay Cha dắt đi, Ngài hướng dẫn Cha ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn.

Thế là từ niềm vui của ngày Rước Lễ Lần Đầu ấy khởi đầu cuộc hành trình cùng tiến bước chung. Cha cũng hy vọng điều tương tự xảy ra đối với tất cả các con, để lần Rước Lễ Lần Đầu các con nhận lãnh trong Năm Thánh Thể 2005 trở thành bước khởi đầu cuộc sống tình bạn với Đức Chúa GIÊSU suốt trong cuộc đời các con. Khởi đầu cuộc hành trình cùng tiến bước chung, bởi vì cùng đi với Đức Chúa GIÊSU thì cuộc hành trình sẽ tốt đẹp và cuộc sống trở nên tốt lành.

2/ Câu hỏi thứ hai của bé nữ Livia Bradetti thuộc giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Uganda ở Roma. Bé Livia nói:
- Thưa Đức Thánh Cha, trước Ngày Rước Lễ Lần Đầu con đi xưng tội. Sau đó con đi xưng tội nhiều lần khác. Nhưng con muốn hỏi Đức Thánh Cha: Con có phải xưng tội mỗi lần con Rước Lễ không? Kể cả khi con phạm cùng một thứ tội? Bởi vì con thấy rằng con cứ phạm đi phạm lại mấy thứ tội ấy?

Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI trả lời. Cha sẽ nói 2 điều. Thứ nhất, dĩ nhiên con không cần phải luôn luôn xưng tội trước mỗi khi con Rước Lễ, nếu con không phạm tội nào trọng cần phải xưng. Vì thế, con không cần phải xưng tội trước mỗi khi con Rước Mình Thánh Chúa. Chỉ phải xưng tội trong trường hợp con phạm một tội đúng là tội nặng, xúc phạm trầm trọng đến Đức Chúa GIÊSU, khiến cho mối tình thân hữu giữa con với Chúa bị cắt đứt và con phải bắt đầu lại. Chỉ trong trường hợp này thôi, khi là một tội trọng, thì lúc đó con phải xưng tội rồi mới được Rước Lễ. Đó là điểm thứ nhất.

Bây giờ đến điểm thứ hai. Như Cha vừa nói, cho dầu không cần phải xưng tội trước mỗi khi Rước Lễ, con vẫn nên xưng tội cách thường xuyên. Thật hữu ích khi con xưng tội cách đều đặn. Đúng thế, cứ sự thường, các tội chúng ta phạm thường giống nhau. Nhưng chúng ta quét dọn nhà cửa, phòng ốc ít ra mỗi tuần một lần, cho dầu rác rưởi luôn luôn giống nhau. Để sống sạch sẽ cần phải bắt đầu lại, nếu không, bụi bặm dầu không trông thấy, sẽ chồng chất thêm mãi. Một điều tương tự như thế cũng có giá trị cho tâm hồn, cho chính riêng tôi, nếu tôi không bao giờ xưng tội, thì linh hồn sẽ sống trong tình trạng nhơ nhuốc, rồi sau cùng, tôi sẽ không còn hài lòng với chính tôi và không còn hiểu rằng tôi phải làm việc để trở nên tốt hơn, rằng tôi phải tiếp tục tiến bước. Và việc dọn dẹp linh hồn này, chính Đức Chúa GIÊSU ban cho chúng ta trong bí tích Giải Tội để giúp chúng ta có được một lương tâm bén nhạy hơn, cởi mở hơn và nhờ đó được trưởng thành hơn trong phạm vi thiêng liêng cũng như trong phạm vi nhân bản. Vậy thì có hai điều: xưng tội chỉ thật sự cần thiết trong trường hợp có tội trọng, nhưng rất hữu ích nếu chúng ta xưng tội thường xuyên đều đặn để giữ linh hồn trong sạch, đẹp đẽ và mỗi ngày một trưởng thành hơn trong cuộc sống.

3/ Câu hỏi thứ ba của bé nam Andrea Serafini, thuộc một giáo xứ ở Viterbo, Trung Ý, cách Roma khoảng 80 cây số. Bé Andrea hỏi:
- Thầy dạy giáo lý, khi giúp con chuẩn bị Rước Lễ Lần Đầu, nói với con rằng Đức Chúa GIÊSU hiện diện trong Thánh Thể. Nhưng hiện diện bằng cách nào? Con đâu thấy Ngài!

Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI trả lời. Đúng thế. Chúng ta không trông thấy Ngài. Nhưng có rất nhiều điều nhiều sự, mặc dầu chúng ta không trông thấy, chúng vẫn hiện hữu và là chính yếu. Chẳng hạn, chúng ta không trông thấy lý trí, nhưng chúng ta vẫn có lý trí. Chúng ta không trông thấy trí thông minh nhưng chúng ta vẫn có trí thông minh. Chúng ta không trông thấy linh hồn nhưng linh hồn vẫn hiện hữu và chúng ta trông thấy các hiệu quả của linh hồn, bởi vì nhờ linh hồn mà chúng ta có thể nói, nghĩ và quyết định v.v. Cũng giống như chẳng hạn chúng ta không trông thấy dòng điện chạy nhưng chúng ta biết nó hiện hữu bởi vì nhờ nó chúng ta thấy cái micro hoạt động như thế nào và chúng ta trông thấy ánh sáng. Nói tóm một lời, chính những sự vật thâm sâu nhất - nâng đỡ thật sự cuộc sống và thế giới - lại là những sự chúng ta không trông thấy được, nhưng chúng ta có thể nhận thấy hiệu quả của chúng. Chúng ta không trông thấy dòng điện nhưng chúng ta trông thấy ánh sáng. Cũng giống như thế, Chúa Sống Lại chúng ta không trông thấy bằng mắt trần, nhưng chúng ta nhận thấy rằng, nơi nào có Đức Chúa GIÊSU thì nơi đó con người được biến đổi, trở nên tốt lành hơn, có khả năng kiến tạo hòa bình, hòa giải v.v. Vậy thì, chúng ta không trông thấy chính Chúa, nhưng chúng ta nhìn thấy các hiệu quả, nhờ thế chúng ta có thể hiểu rằng Đức Chúa GIÊSU hiện diện. Như Cha đã nói, chính các sự vô hình lại là những điều thâm sâu và quan trọng nhất. Vậy thì chúng ta hãy đi gặp THIÊN CHÚA Vô Hình nhưng dũng mạnh. Chính Ngài giúp chúng ta sống đàng hoàng tử tế.

... ”Chúng ta bẩm sinh là người Do-thái, chứ không phải hạng người tội lỗi xuất thân từ dân ngoại. Tuy nhiên, vì biết rằng con ngưi được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nh tin vào Đc Chúa GIÊSU KITÔ, nên chúng ta cũng tin vào Đc Chúa GIÊSU KITÔ, đ được nên công chính, nhờ tin vào Đức Chúa KITÔ, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy. Nhưng nếu khi tìm cách nên công chính trong Đức Chúa KITÔ mà chúng ta vẫn bị liệt vào tội lỗi, thì chẳng hóa ra Đc Chúa KITÔ là người phục vụ tội lỗi sao? Không phải thế! Thật vậy, nếu tôi xây lại những gì tôi đã phá, thì tôi tỏ ra mình là kẻ phạm pháp. Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho THIÊN CHÚA. Tôi cùng chịu đóng đinh vi Đức Chúa KITÔ vào Thập Giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Chúa GIÊSU KITÔ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con THIÊN CHÚA, Đng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của THIÊN CHÚA ra vô hiệu, vì nếu ngưi ta được nên công chính do Lề Luật, thì hóa ra Đc Chúa KITÔ đã chết vô ích” (Thư gởi tín hữu Galát 2,15-21).

(”L'Osservatore Romano”, Lunedi-Martedi 17-18 Ottobre 2005, trang 8/9)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.