2009-06-09 18:32:05

Trách nhiệm của gia đình, học đường và Giáo Hội đối với việc giáo dục giới trẻ


 Phỏng vấn ông Giuseppe Savagnone, nhà xuất bản, đặc trách văn phòng mục vụ văn hóa tổng giáo phận Palermo, nam Italia, về trách nhiệm của gia đình, học đường và Giáo Hội đối với việc giáo dục giới trẻ

Hồi hạ tuần tháng 2 năm nay đài truyền hình Italia đưa tin về thái độ bất kính của vài học sinh trung học đệ nhất cấp của một trường nọ, đốt thánh giá trong lớp học, rồi quay phim đưa lên liên mạng Internet. Đây không phải chỉ là sự tinh nghịch của người trẻ trong một xã hội tục hóa duy đời cực đoan như xã hội Italia ngày nay, nhưng nó còn diễn tả một hiện tượng có ý nghĩa sâu rộng hơn. Nó diễn tả tình trạng vô giáo dục của giới trẻ. Thế thì ai là người có lỗi đối với tình trạng vô giáo dục của người trẻ ngày nay?

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Giuseppe Savagnone, nhà xuất bản, đặc trách văn phòng mục vụ văn hóa tổng giáo phận Palermo, trên đảo Sicilia, nam Italia, về trách nhiệm của gia đình, học đường và Giáo Hội đối với việc giáo dục giới trẻ.

Hỏi: Thưa ông, trong thời gian qua tại Italia người ta đã nói nhiều về tịnh trạng khẩn trương của giáo dục. Làm thế nào để chống lại tình trạng này thưa ông?

Đáp: Để chống lại tình trạng giáo dục đồi tệ này chỉ đưa ra các điều luật không thôi, thì không đủ. Cần phải tái chiếm lại sự đam mê giáo dục nữa. Và để làm việc này thì cần phải đặt ở hàng tiền tuyến các người lớn, các nhà giáo dục, xem ra đã đánh mất đi ý thức về sự giáo dục của họ. Tại Palermo trong giáo phận của chúng tôi, vào mùa thu năm 2006 chúng tôi đã khai sinh ra một phòng thí nghiệm sư phạm riêng, để gây ý thức cho người lớn và khiến cho họ ý thức trách nhiệm của họ đối với việc giáo dục người trẻ.

Kinh nghiệm này tôi đã kể lại trong cuốn sách viết chung với ông Alfio Briguglia tựa đề ”Sự can đảm giáo dục”, do nhà xuất bản Elledici phát hành.

Hỏi: Từ phòng thí nghiệm sư phạm đó ông nhận thấy tình hình giáo dục khẩn thiết hiện nay như thế nào?

Đap: Người ta nhận thấy sự liên lụy của người lớn đang gặp khó khăn. Người lớn đã đánh mất đi phạm trù giáo dục, và thường tỏ ra là họ không có gì để nói với các thế hệ trẻ cả. Chúng ta có các giới cha mẹ qúa bảo vệ con cái của họ, nhưng lại không hiểu biết giáo dục có nghĩa là gì. Và xem ra trường học và cộng đoàn kitô cũng ở trong cùng tình trạng này.

Hỏi: Làm sao giải thích được sự lạc lõng này của người lớn đối với việc giáo dục giới trẻ thưa ông?

Đap: Xã hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu rộng. Nhiều người lớn xem ra cũng không có được sự quân bình cho chính họ. Thế rồi các giá trị và các cơ cấu bị chính thế hệ người lớn tranh luận. Qúy vị hãy nghĩ tới cơ cấu gia đình chẳng hạn: từ bao thế kỷ qua nó đã đứng vững, mặc dù cũng đã không thiếu các phản bội, các vụ hôn nhân giàn xếp và nhiều chuyện khác nữa. Nhưng đã không có ai nghi ngờ ý tưởng gia đình. Ngày nay thì không còn như thế nữa. Nếu thế hệ người lớn là thế hệ trước hết cần tìm ra các chứng nhân đáng tin cậy và một chân trời giá trị được chia sẻ, mà còn tìm chưa ra, thì sẽ rất khó mà đề nghị các giá trị đó cho các thế hệ trẻ, như đáng lý ra họ đã phải làm.

Hỏi: Như thế có nghĩa là thế hệ người lớn ngày nay không có các yếu tố để thông truyền lại cho giới trẻ hay sao thưa ông?

Đáp: Việc giáo dục cần có các chứng nhân và các giá trị được chia sẻ. Nếu không có các chứng nhân và các giá trị được chia sẻ, thì tất cả sẽ trở thành khó khăn và phức tạp. Dĩ nhiên là có thể đưa ra các luật lệ thiết định các giá trị, nhưng nếu không được làm trong chiều sâu, nếu không tạo ra một nền văn hóa của các gía trị được chia sẻ, thì các điều lệ và các quy luật đó có nguy cơ chỉ là chữ viết chết, không có giả trị sinh động và thực tế nào.

Hỏi: Trong xã hội như xã hỘi của chúng ta ngày nay có thể có các giá trị được chia sẻ hay không thưa ông?

Đáp: Không có các liều thuốc kê sẵn, nhưng con đường chính là việc đối chiếu dựa trên các giá trị lớn. Nó là một cuộc thảo luận, trong đó người thảo luận phải để cho một con mắt của mình hướng tới khía cạnh giáo dục, vì cần phải có các giá trị có thể đào tạo các thế hệ trẻ. Tôi thích hỏi thế hệ người lớn như thế này: ”Qúy vị có thực sự muốn cho con em của qúy vị lớn lên mà không có các mục đích, không có các giá trị và không có các chỉ dẫn hay không?

Hỏi: Dĩ nhiên là câu trả lời sẽ là ”không”. Nhưng mà khi đó tại sao người lớn lại xem ra không có khả năng giáo duc thưa ông?

Đáp: Bởi vì họ không suy nghĩ. Họ không tự hỏi xem phải làm gì để cho con người lớn lên, để cho con người trưởng thành. Người ta lo lắng có các câu trả lời tức khắc, có tính cách an ủi, nhưng không giải quyết vấn đề, không đặt vấn đề giáo dục. Cả giữa các giáo chức: họ say mê môn dậy của họ, họ dậy rất hay, nhưng thường khi không đặt vấn đề làm thế nào để giúp cho các sinh viên học sinh trưởng thành một cách nhân bản.

Hỏi: Tuy nhiên cũng có nhà giáo có thể phản bác lại rằng để có thể thông truyền kỷ luật thì cần phải có đam mê, ông nghĩ sao?

Đáp: Đương nhiên rồi, nhưng mà giáo dục lại khác. Như là nhà giáo tôi phải làm cho các sứ điệp có ý nghĩa phát ra từ kỷ luật, mà tôi dậy cho các người trẻ này trong cuộc sống của họ ngày nay. Nếu không thì sẽ xảy ra là người trẻ ban sáng nhận được một nền văn hóa không có sự sống, ban chiều họ lại bước vào một con đường không có văn hóa.

Hỏi: Thưa ông Savagnone, làm thế nào để canh tân các giáo chức?

Đáp: Canh tân các giáo chức thật không phải là điều dễ dàng, bởi vì vấn đề là thúc đẩy họ suy tư về con đường nghề nghiệp của họ. Có một trận chiến văn hóa phải đánh. Các giáo chức phải tái chiếm trở lại ý nghĩa sư mệnh giáo dục của họ; tôi còn dám nói mạnh hơn nữa, là cần phải tái chiếm ý nghĩa ”ơn gọi giáo dục” của họ. Hiểu trở lại ý nghĩa của ơn gọi là ”thầy dậy”, là ”thầy giáo”. Tôi ý thức rằng các lời này sẽ bị phán đoán như là hùng biện, nhưng nếu chúng ta không tái chiếm trở lại khía cạnh này, thì sẽ không thể làm được gì nhiều trong lãnh vực giáo dục người trẻ.

Hỏi: Thế thì ông đề nghị với giới phụ huynh những gì?

Đáp: Tôi đề nghị thế hệ cha mẹ tìm lại chí hướng giáo dục, xem ra đã bị mất. Đây không phải là việc huấn luyện con cái mình, mà là giáo dục chúng. Và để giáo dục chúng thì phải cùng sống với chúng, nói chuyện với chúng và nhất là biết lắng nghe chúng nói. Một huấn luyện viên thì đưa ra các lệnh truyền, các hiểu biết, nhưng không cần lắng nghe người mà mình đang huấn luyện. Còn trong việc giáo dục thì cần phải tìm các dịp gặp gỡ người trẻ và sống với họ.

Hỏi: Chúng ta hãy bỏ qua các thế hệ người lớn để chú ý tới giới trẻ. Ông muốn nói với người trẻ ngày nay những gì?

Đáp: Với giới trẻ tôi yêu cầu họ xin người lớn sống với họ. Thường khi giữa hai thế hệ xem ra có sự phân rẽ rõ ràng. Có một vài thinh lặng của người trẻ gây lo âu, vì chúng dấu ẩn sự tuyệt vọng không được người lớn hiểu. Người trẻ cảm thấy là họ được thoát ly hơn, nhưng đó là sự trưởng thành giả tạo bề ngoài, không sâu xa. Và chúng ta thường thấy các người trẻ chịu trận, ít muốn thay đổi các sự vật. Và khi đó tôi muốn nói rằng họ là ”con cái của một sự thất vọng” hay ”con cái của một thế hệ thất vọng”.

Hỏi: Thật là một bức tranh buồn thảm. Thế không có ánh sáng nào khác hay sao thưa ông?

Đáp: Thay đổi lộ trình là điều có thể làm được lắm chứ. Và chúng ta thấy có vài dấu hiệu. Nhưng cũng có các điều kiện để có thể đi lại con đường giáo dục. Tuy nhiên cần phải làm điều đó với ý thức sâu xa hơn, bắt đầu từ chính các nhà giáo dục, là những người phải làm việc trên chính họ trước.

Avvenire 19-3-2009

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.