2009-06-03 17:29:30

Lòng tin khiến cho con người nếm hưởng chân lý với mọi khả năng hồn xác


”Lòng tin không phải chỉ là tư tưởng mà nó còn đánh động toàn con người nữa. Vì Thiên Chúa đã nhập thể làm người bằng xương bằng thịt và đã bước vào thế giới nhậy cảm, do đó chúng ta phải tìm gặp gỡ Thiên Chúa trong tất cả mọi chiều kích con người của chúng ta. Như thế, qua lòng tin, thực tại của Thiên Chúa thấm nhập bản thể của chúng ta và biến đổi nó”. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 30.000 tín tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư 3-6-2009 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu một gương mặt đan sĩ nổi tiếng thông thái thời Thượng Trung Cổ: đó là đan sĩ Rabano Mauro, thường được gọi là ”Vị thầy của nước Đức”. Cùng với các vị như Isidoro thành Siviglia, Beda Vị Đáng Kính, Ambrogio Autperto, đan sĩ Rabano Mauro đã là một trong những người phong phú phi thường và có khả năng góp phần vào nền văn hóa thần học, chú giải kinh thánh và tu đức làm thành kho tàng tham chiếu của các thế hệ đến sau, đặc biệt là các vĩ nhân như Pier Damiani, Pietro Vị Đáng Kính và Bernardo thành Chiaravalle, cũng như nhiều giáo sĩ tu sĩ thuộc các thế kỷ XII và XIII, là những người đã làm nảy sinh ra một trong những giai đoạn triển nở nhất của lịch sử tư tưởng nhân loại.

Sinh tại Mainz vào khoảng năm 780 Rabano gia nhập đan viện biển đức khi còn rất trẻ và được đặt tên dòng là Mauro. Việc gia nhập đan viện khi còn trẻ tuổi như thế khiến cho tu sĩ Mauro tiến triển rất nhanh trên bình diện nhân bản cũng như văn hóa và tinh thần, đem lại rất nhiều ích lợi cho cuộc sống của các đan sĩ cũng như cho xã hội thời đó, thường được gọi là thời ”Carolingia”. Đề cập tới khả năng văn hóa đặc biệt của đan sĩ Mauro Đức Thánh Cha nói:

Nền văn hóa ngoại thường mà đan sĩ Rabano Mauro có được, đã lôi kéo sự chú ý của rất nhiều nhân vật lỗi lạc thời đó. Đan sĩ Mauro trở thành cố vấn của các vua chúa và dấn thân bảo đảm cho sự hiệp nhất của Đế quốc. Và trên bình diện văn hóa người không bao giờ khước từ trả lời tất cả những ai hỏi han người, với các văn bản Kinh Thánh cũng như bút tích của các giáo phụ. Ban đầu người được bầu làm Viện phụ của đan viện nổi tiếng ở Fulda, rồi được chỉ định làm Tổng Giám Mục của thành phố Mainz là quê sinh. Trong mọi chức vụ Rabano Mauro đều nêu gương không ngừng nghiên cứu học hỏi, suy tư chiêm ngắm và dùng sự hiểu cao biết rộng của mình để phục vụ tha nhân. Vì thế Rabano Mauro là nhà chú giải Kinh Thánh, triết gia, thi sĩ, mục tử và là người của Thiên Chúa. Các giáo phận Fulda, Mainz, Limburg, và Wroclaw sùng kính ngươi như là thánh hay chân phưởc. Các tác phẩm của người chiếm đầy 6 cuốn của bộ sách các Giáo Phụ La Tinh Migne. Người đã là tác giả của một trong những bài thánh ca la tinh nổi tiếng nhất của Giáo Hội Latinh: đó là là bài ”Veni Creator Spiritus - Lậy Thần Khí Sáng Tạo xin hãy đến”, là tổng luận tuyệt diệu của khoa Thánh Thần học của Kitô giáo.

Dấn thân nghiên cứu thần học đầu tiên của Rabano được diễn tả ra bằng thơ và có đề tài là mầu nhiệm Thánh Giá trong tác phẩm tựa đề ”De laudibus Sanctae Crucis - Các bài chúc tụng của Thánh Giá”, với hình thái thơ, họa, và nội dung thần học trong cùng một thủ bản. Khi trình bày hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đánh giữa các hàng văn bản, thánh nhân viết: ”Đây là hình ảnh của Chúa Cứu Thế; với vị thế của tay chân Người khiến cho hình ảnh rất dịu dàng đáng yêu của thập giá trở thành thánh thiêng, để khi tin vào danh Người và vâng giữ các giới răn của Người, chúng ta có được sự sống vĩnh cửu nhờ cuộc Khổ Nạn của Người. Vì thế, mỗi khi hướng nhìn lên Thập Giá, chúng ta hãy nhớ tới Đấng chịu đau khổ vì chúng ta để giật thoát chúng ta khỏi quyền lực của tối tăm, bằng cách chấp nhận cái chết để cho chúng ta thừa tự sự sống vĩnh cửu” (Lib 1. Fig. 1, PL 107, col 151 C).

Kiểu phối hợp tất cả các nghệ thuật, trí tuệ, con tim và các giác quan bắt nguồn từ Đông Phương, đã phát triển rất mạnh bên Tây Phương và đạt tột đỉnh với các thủ bản có hình vẽ nhỏ của Kinh Thánh và các tác phẩm lòng tin và nghệ thuật khác nở hoa bên Âu châu cho tới khi khám phá ra máy in và cả sau đó nữa. Nó chứng minh cho thấy thánh Rabano Mauro có ý thức ngoại thường đối với sự cần thiết phải lôi cuốn vào trong kinh nghiệm lòng tin trí tuệ, con tim và cả tất các giác quan qua hương vị thẩm mỹ và sự nhậy cảm dẫn đưa con người tới chỗ nếm hưởng chân lý với toàn con người mình bao gồm cả hồn lẫn xác.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng đây là điều rất quan trọng: lòng tin không phải chỉ là tư tưởng mà nó còn đánh động toàn con người nữa. Bởi vì Thiên Chúa đã nhập thể làm người bằng xương bằng thịt và đã bước vào thế giới nhậy cảm, vì thế chúng ta phải tìm gặp gỡ Thiên Chúa trong tất cả mọi chiều kích con người của chúng ta. Như vậy, qua lòng tin, thực tại của Thiên Chúa, thấm nhập bản thể của chúng ta và biến đổi nó. Vì vậy thánh Rabano Mauro đã rất chú ý tới Phụng Vụ, và coi đó như là tổng hợp mọi chiều kích nhận thức thực tại của chúng ta. Trực giác này của thánh Mauro khiến cho người thời sự một cách ngoại thường. Thánh nhân đã để lại các bài thánh thi dùng cho các buổi cử hành phụng vụ. Như là đan sĩ người dùng thơ văn và mọi hiểu biết khác cho việc đào sâu Lời Chúa, và nỗ lực hướng dẫn con người thời đó nhất là các giám mục linh mục và phó tế tới chỗ hiểu biết ý nghĩa thần học và tu đức sâu xa của của mọi yếu tố ẩn dấu trong các lễ nghi phụng vụ. Người cho biết là đã kín múc các giải thích từ Kinh Thánh và bút tích của các giáo phụ.

Trong suốt cuộc đời mình thánh Rabano Mauro đã viết rất nhiều tác phẩm chú giải Lời Chúa và giải thích hầu hết các sách Cựu ước và Tân Ước, với chủ đích mục vụ, và người hay dùng tư tưởng của các giáo phụ Girolamo, Ambrogio, Agostino và Gregorio Cả. Đức Thánh Cha ca tụng sự nhậy cảm của thánh nhân đối với việc sám hối tội lỗi như sau:

Sự nhậy cảm mục vụ cao độ khiến cho người lưu tâm tới một trong các vấn đề được tín hữu và các vị thừa tác thánh thời đó cảm nhận sâu xa: đó là vấn đề sám hối. Thật thế người đã soạn ra danh sách các tội và các hình phạt tương ứng bằng cách sử dụng lý cớ rút tỉa từ các văn bản Kinh Thánh, từ các quyết định của các Công Đồng và Sắc Lệnh của các Giáo Hoàng. Các vua nhà Carolingi cũng dùng chúng cho nỗ lực cải cách Giáo Hội và xã hội. Qua các tác phẩm mục vụ như ”Luật lệ giáo hôi” hay ”Việc thành lập giáo sĩ” thánh Rabano giải thích cho những tín hữu đơn sơ và cho hàng giáo sĩ giáo phận biết các yếu tố nòng cốt của lòng tin kitô: chúng là một loại sách giáo lý nhỏ.

Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trích một vài tư tưởng của thánh Rabano Mauro:

”Ai trễ nải trong việc chiêm niệm, thì khiến cho mình mất đi việc nhìn thấy ánh sáng của Thiên Chúa. Ai để cho mình lo lắng nhiều chuyện và cho phép các tư tưởng bị lôi cuốn bởi các sự vật ồn ào của thế gian, thì tự kết án mình tuyệt đối không có khả năng bước vào trong các bí mật của Thiên Chúa vô hình” (Lib. I, PL 112 col 1263 A). Đó cũng là những lời thánh nhân nói với từng người trong chúng ta ngày nay: trong những lúc làm việc, với tiết nhịp cuồng nhiệt, và trong những thời gian nghỉ hè chúng ta hãy biết dành thời giờ cho Thiên Chúa, mở rộng cuộc sống cho Chúa, hướng tư tưởng về Chúa, đọc một lời cầu ngắn, và nhất là đừng quên rằng Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày của Phụng vụ, để nhận ra trong vẻ đẹp của các nhà thờ, thánh nhạc và Lời Chúa vẻ đẹp của chính Thiên Chúa, để cho Ngài bước vào trong con người của chúng ta. Chỉ như thế cuộc sống của chúng ta mới trở thành lớn lao và là cuộc sống đích thật.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau và chúc mọi người những ngày hành hương sốt sắng và bổ ích, rồi ngài cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.