2009-05-25 08:57:25

CHA ANRÊ BOBOLA VÀ CUỘC TỬ ĐẠO THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU


Cha Anrê Bobola sinh ngày 30 tháng 11 năm 1591 trong một gia đình quý tộc tại khu vực gần Cracow, Ba Lan. Năm 15 tuổi, Anrê đi học tại trường dòng Tên ở Vilna, thủ phủ của Lithuania, khi đó còn là một phần của Ba Lan. Năm 20 tuổi, Anrê gia nhập dòng Tên và trải qua các chương trình huấn luyện như bao Giêsu hữu khác cho đến khi thụ phong linh mục ngày 12 tháng 3 năm 1622.

Cha Anrê Bobola bắt đầu cuộc đời sứ vụ tại Lithuania trong vai trò một nhà giảng thuyết tại nhà thờ thánh Casimir ở Vilna. Những bài thuyết giảng của vị linh mục trẻ tuổi góp phần xoa dịu xung đột giữa những tín hữu Kitô giáo và người theo dị giáo. Cha Bobola quy tụ và điều hành nhiều nhóm giáo dân cho công việc tông đồ thăm viếng người nghèo, tù nhân và dạy giáo lý cho trẻ em. Cho đến năm 1630, sứ vụ tông đồ của Cha Bobola được mở rộng trên khắp lãnh thổ Lithuania và cả vùng phía bắc Ba Lan. Qua lời giảng dạy, giải tội và các việc tông đồ khác Cha Bobola khôi phục lại nhiều ngôi làng công giáo và người ta gọi Cha bằng cái tên thân mật “thợ gặt các linh hồn”.

Cha Bobola hiểu rằng lời giảng dạy tuyệt vời nhất để đem về cho Chúa các linh hồn chính là đời sống nhiệm nhặt và thánh thiện. Tuy vậy, là một linh mục trẻ, Cha Bobola bị phê bình là người có tính khí nóng nảy, thích giữ ý kiến của mình và đôi khi xem ra còn nhiệt tình thái quá. Hiểu được hạn chế về tính cách của mình, Cha Bobola lưu tâm và sửa đổi cho đến khi tính nóng nảy và ngoan cố được thay bằng lòng kiên nhẫn và sự hiền lành. Hai phương thế giúp Cha Bobola đạt đến điều này đó là: thứ nhất, lòng nhiệt thành và cố gắng không ngừng làm tan biến những gì chưa hoàn thiện; thứ đến, việc rao giảng, dạy giáo lý và giải tội làm dịu dàng tính khí nóng nảy và hấp tấp. Trên hết, chính ân sủng của Chúa đã biến đổi Cha Bobola, cả tâm hồn lẫn tính cách.

Trong bối cảnh xã hội – tôn giáo nơi Cha Bobola sinh sống lúc bấy giờ, mặc dù đã có hiệp ước giữa Giáo hội công giáo và Giáo hội Nga trong việc hợp tác và chung sống hòa bình. Một số người chính thống, được sự ủng hộ của người Cossack, muốn hủy bỏ hiệp ước và đánh đuổi hết người công giáo khỏi lãnh thổ của họ. Đứng đầu nhóm người Cossack cuồng tín là Bogdan Chmielnicki, kẻ đã làm mọi cách để phá bỏ hiệp ước và triệt hạ mọi tín hữu công giáo. Năm 1655, thành phố Vilna bị chiếm đóng do cuộc chiến giữa Nga và Ba Lan, Cha Bobola phải rời bỏ nhiệm sở và sứ vụ ở Vilna để lui về thành phố Pinsk và vùng phụ cận. Tại đây, Cha Bobola chứng kiến những tín hữu công giáo kiên vững với niềm tin của mình mặc dù phải chịu áp lực chống đối và khai trừ từ những người Cossack. Cha Bobola vốn đã nổi tiếng như một người gặt hái các linh hồn, vì vậy Cha dĩ nhiên trở thành mục tiêu chống đối của người Cossack.

Tháng 5 năm 1657, thành phố Pinsk rơi vào tay người Cossack, người dân Ba Lan và các Kitô hữu chạy trốn vào rừng. Người Cossack tiếp tục đánh chiếm những khu vực lân cận và tàn sát các tín hữu tại những nơi họ đi qua. Sau một vài lần thoát khỏi tay họ, Cha Bobola bị bắt tại Peredil do có người thông báo nơi Cha đang ẩn náu. Không thuyết phục được Cha từ bỏ Kitô giáo, những người Cossack bắt đầu đe dọa, lột trần và đánh đòn Cha. Họ kết một vòng gai và đặt lên đầu vị linh mục, sau đó dùng ngựa kéo lê ngài dưới đất trên đoạn đường hai dặm dài ngược lại thị trấn Janów.

Sau khi đưa Cha Bobola đến một địa điểm dùng để giết thịt súc vật, những người Cossack hung tợn tiếp tục cuộc hành hình với những hình thức tra tấn khủng khiếp nhất. Cha Bobola bị những vết cắt sâu nơi lòng bàn tay, ở trên đầu. Và để phỏng theo chiếc áo lễ Cha vẫn thường mang, những kẻ tra tấn lột da phần trước ngực và phía sau lưng của vị linh mục. Hơn thế nữa, bắt chước những vết thương của Chúa Giêsu, những người Cossack xuyên thủng lòng bàn tay của Cha Bobola và sau đó lấy dùi đâm vào cạnh sườn phía gần trái tim.

Ngay trong những đau đớn tột cùng ấy của cuộc hành hình, nhờ ơn Chúa, Cha Bobola luôn giữ được lòng kiên vững, không hề tỏ ra một dấu hiệu sợ hãi nào. Bên cạnh đó, Cha còn không ngừng cầu nguyện cho những người hại mình và thậm chí kêu gọi họ hoán cải về hành động của mình. Đáp lại, họ càng tra tấn Cha tàn bạo hơn. Sau cùng, những người Cossack treo ngược vị linh mục lên và dùng một lưỡi kiếm để kết thúc cuộc hành hình. Sau hơn hai giờ đồng hồ chịu đựng những đau đớn, Cha Bobola dâng lên Thiên Chúa hy lễ cuối cùng trong bộ lễ phục nhuộm đỏ máu đào.

Thánh Anrê Bobola
Linh mục Dòng Tên
Sinh : 30.11.1591 – tại Strachochina, Ba Lan.
Tử đạo : 16.5.1657
Lễ nhớ ngày 16.5

Đặng Thế Nhân







All the contents on this site are copyrighted ©.