2009-05-18 11:47:14

MARC DE ROTZ TRUYỀN GIÁO TẠI NHẬT


Cách đây 130 năm - 1879 - một Linh Mục thừa sai trẻ người Pháp nhận chức Cha Sở họ đạo Sotomé thuộc thành phố Nagasaki bên Nhật. Đó là Cha Marc de Rotz (MEP). 35 năm sau, ngày 7-11-1914, Cha tử nạn hưởng thọ 74 tuổi, lúc vẫn còn hăng say làm việc.

Hoạt động của Cha Marc de Rotz thiên hình vạn trạng trong nhiều lãnh vực: kiến trúc, đường xá, y sĩ, bào chế thuốc, dệt vải, trồng trọt, sản xuất thực phẩm, v.v. Cha đã cho đi trọn vẹn và cho đi tất cả: sức lực thể xác và tinh thần, thời giờ cùng tài năng. Có thể nói cách nôm na: Cha là nhà truyền giáo bách nghệ.

90 năm sau - 1969 - người dân phường Sotomé thành lập một bảo tàng viện trong khu phố Shittsu để trưng bày tất cả kỷ vật hình ảnh liên quan đến các hoạt động của Cha Marc de Rotz. 100 năm sau - 1979 - quê sinh của Cha là làng Vaux-sur-Aure bên Pháp kết nghĩa huynh đệ với phường Sotomé bên Nhật.

Cha Marc de Rotz chào đời ngày 27-3-1840 trong một gia đình quí tộc ở vùng Normandie, miền Bắc nước Pháp.

Năm 22 tuổi Marc de Rotz gia nhập Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris. Nhưng vì sức khỏe kém, thầy phải trở về giáo phận nguyên quán Bayeux và thụ phong Linh Mục ngày 29-6-1865. 3 năm sau, sức khoẻ khôi phục, Cha Marc de Rotz sung sướng trở lại Hội Thừa Sai Paris. Cha được chỉ định đi truyền giáo tại Nhật Bản. Ngày 15-4-1868 Cha lên đường cùng với Đức Cha Bernard-Thaddée Petitjean (1829-1884), Giám Mục Nagasaki và cũng thuộc Hội Thừa Sai Paris. Vào thời kỳ ấy, các tín hữu Công Giáo Nhật Bản vừa ra khỏi tình trạng hầm trú sau 250 năm bị bách hại tàn khốc. Họ được tự do giữ đạo nhưng vẫn còn bị đe dọa, bị theo dõi và một số đông vẫn còn bị lưu đày.

Đặt chân lên đất Nhật, trước tiên Cha Marc de Rotz được giao phó nhiệm vụ trông coi việc xây cất nhà cho Các Bà Saint-Maur. Ngôi nhà nằm trên ngọn đồi Yokohama. Với sự trợ giúp của các kỹ sư Pháp làm việc nơi xưởng đóng tàu, Cha vẽ họa đồ nhà rồi tự chế biến một chiếc xe do 4 con ngựa kéo. Với xe ngựa, Cha tự chuyên chở lên đồi tất cả vật liệu cần thiết cho công cuộc xây cất.

Vừa làm các công việc tay chân Cha Marc de Rotz vừa đảm trách công tác mục vụ cho người Âu Châu sống tại Nhật và lo việc phụng tự nơi nhà nguyện của xưởng đóng tàu Yokosuka.

Năm 1873, sắc lệnh cấm đạo được bãi bỏ, các tín hữu Công Giáo Nhật từ các nơi lưu đày lục tục trở về nguyên quán. Chính Cha Marc de Rotz cũng trở lại Nagasaki để lo việc in sách Kinh và sách giáo lý cho bổn đạo.

Trở lại mái ấm gia đình nhưng vì sống khốn cực trong thời gian lưu đày quá lâu nên đa số các tín hữu Công Giáo Nhật mắc phải những chứng bệnh trầm trọng. Năm 1874 khởi phát bệnh dịch kiết lỵ rồi đến dịch đậu mùa. Cha Marc de Rotz liền xin phép Đức Giám Mục cho ngài hành nghề chế biến thuốc chữa trị các bệnh nhân. Rồi Cha dạy cho vài thiếu nữ ở Motabari cách thức săn sóc người bệnh, cho bệnh nhân uống những thứ thuốc thích hợp do Cha bào chế. Khi cơn dịch chấm dứt, các thiếu nữ này quyết định dâng mình cho THIÊN CHÚA để có thể phụ giúp vị thừa sai trong công tác nâng cao kiến thức cho phụ nữ và dạy dỗ trẻ em. Đây là bước khởi đầu của việc thành hình Cộng Đoàn tiên khởi của các Nữ Tu Mến Thánh Giá trong giáo phận Nagasaki.

Trong thời kỳ bệnh dịch hoành hành, mỗi ngày Cha Marc de Rotz đi bộ 6 cây số để đến nơi các nữ trợ tá của Cha đang làm việc tại Urakami. Cha cùng với Các Chị chăm sóc các bệnh nhân và ở lại đó mãi đến chiều tối. Để có đủ thuốc men chăm sóc bệnh nhân, Cha xin gởi từ Pháp đến cho Cha nguyên một tiệm thuốc tây. Nhưng hiểm họa vẫn chưa hết. Cũng cùng năm ấy một cơn bão đến phá sạch mùa màng hoa trái toàn vùng Sotomé. Cha lại xin gởi từ Pháp các hạt giống lúa mì, khoai tây, dâu tây và cà chua. Khoai tây đã gặp đất thích hợp ở Urakami nên phát triển thật tốt. Người dân ở đây tiếp tục việc trồng khoai tây mãi cho đến ngày nay.

Năm 1875, Cha Marc de Rotz hoàn thành việc xây cất chủng viện. Cha bắt đầu công việc in sách Đạo và các Ảnh Thánh. Sau đó vì bị cạnh tranh nên Đức Giám Mục giáo phận truyền cho Cha ngưng công tác ấn loát và thuyên chuyển Cha về Shittsu. Shittsu là một hải cảng nhỏ chuyên nghề biển. Người dân ở đây phân chia thời gian cho 2 việc làm ở hai nơi: đánh cá và trồng trọt.

Điểm đánh động lòng Cha nhất chính là việc chứng kiến nhiều dân chài bị chết trên biển cả để lại vợ góa với đàn con thơ. Để giúp các bà góa có phương tiện sống còn và nuôi con, Cha thành lập Viện-Tế-Bần chuyên nghề dệt vải. Cha thu nhận khoảng vài chục bà thợ dệt. Để công việc có kết quả, Cha đặt mua các máy dệt tốt đến từ Pháp, Hòa Lan và Đức. Chưa hết. Cha còn dạy các phụ nữ và thiếu nữ nghề làm bánh mì và làm bún.

Năm 1885, xảy ra nạn đói hoành hành trong vùng. Cha khởi công xây xưởng chế tạo lưới. Như thế, các bổn đạo có thể mua lưới rồi tự đi đánh cá để nuôi sống. Rồi Cha cũng tìm cách cải tiến và phát huy nghề canh nông.

Chính quyền tỉnh Nagasaki mãi mãi ghi ơn Cha Marc de Rotz. Họ ghi vào gia sản văn hóa địa phương các công trình xây cất của Cha như: Chủng Viện, Thánh Đường, Viện-Tế-Bần, Bệnh Xá và xưởng sản xuất lưới đánh cá.
 
... ”Giờ đây chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là Cha Ông chúng ta qua các thế hệ. THIÊN CHÚA đã sáng tạo nên nhiều con người hiển hách là các vĩ nhân từ những thư xa xưa. Có nhng người cai trị đt nước mình và là những con người nổi danh về quyền lực; có những người cố vấn nhờ trí thông minh; có những người loan báo bằng các lời sấm. Có những lãnh đạo dân bằng các lời chỉ dẫn, bằng tài dạy dỗ dân chúng và những lời giáo huấn khôn ngoan; có những người sáng tác những điệu nhạc du dương, viết ra những bài thơ bài phú .. Hết thảy đu đưc ngưi đương thời khen ngợi, được vẻ vang trong lúc sinh thời. Trong các vị, có những ngưi lưu danh hậu thế cho ngưi đời ca ngợi tán dương” (Sách Huấn Ca 44,1-8).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.392, Novembre/2004, trang 6-9)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.