2009-03-30 16:58:44

Các nỗ lực của Giáo Hội trong việc trợ giúp các bệnh nhân liệt kháng


Một số nhận định bác sĩ Filippo Ciantia, về lập trường đúng đắn của Giáo Hội trong cuộc chiến chống bệnh liệt kháng

Chiều Chúa Nhật 29-3-2009 hàng ngàn sinh viên Phi châu và người trẻ thuộc các phong trào công giáo tại Roma đã tham dự một buổi canh thức biểu tỉnh để cám ơn và tỏ tình liên đới với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Trong thông cáo phổ biến ngày 25-3-2009 Hội sinh viên Phi châu cho biết họ tổ chức buổi canh thức biểu tình để cám ơn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vì ngài đã bắt mạch sức khỏe xã hội, văn hóa, tinh thần, môi sinh và kinh tế của đại lục Phi châu một cách rất kỹ lưỡng, và đã đề ra các giải pháp và con đường khác nhau để cho người Phi châu là các tác nhân và nhân vật chính sự phát triển của họ. Lý do thứ hai là để cám ơn Đức Thánh Cha đã nói lên với cộng đồng quốc tế các ưu tiên tuyệt đối của người Phi châu hiên nay. Đó là cần có thực phẩm, nước uống, năng lực, các săn sóc y khoa, một lợi tức ổn định cho các gia đình, một hệ thống thương mại tạo dễ dãi cho việc xuất cảng các sản phẩm Phi châu chứ không phải chỉ xuất cảng các nguyên liệu, biết đánh giá tại chỗ các tài sản phong phú của mình chứ không phải chỉ là cướp bóc các tài nguyên của Phi châu.

Buổi canh thức biểu tình này đặc biệt có mục đích là nói to lên tiếng ”không” đối với các lý thuyết sai lạc về Phi châu, ”không” đối với việc lèo lái xuyên tạc lạm dụng sứ điệp Đức Thánh Cha nhắn gửi Phi châu, ”không” đối với những ai muốn biến Phi châu thành một trong những thị trường để bán túi cao su, và để nói to lên tiếng ”có” đối với các săn sóc hữu hiệu cho các bệnh nhân liệt kháng tại Phi châu, nói ”có” đối với nền giáo dục tính dục có trách nhiệm.

Như qúy vị và các bạn đã biết, trong chuyến Đức Thánh Cha công du hai nước Camerun và Angola những ngày vừa qua báo chí và một số các chính trị gia Âu châu đã chỉ trích Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về câu ngài trả lời cho giới báo chí liên quan tới bệnh Sida. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng không thể khắc phục nạn dịch Sida bằng tiền bạc, hoặc bàng cách phân phát các túi cao su, trái lại nó lại càng làm gia tăng vấn đề tại Phi châu. Cần có sự giáo dục, việc sống tính dục với tinh thần trách nhiệm và đặc biệt quan tâm yêu thương săn sóc các bệnh nhân.

Nhiều chính trị gia và cơ quan truyền thông Âu Mỹ đã chỉ chú ý túi cao su trong câu nói của Đức Thánh Cha, loan tin một chiều và chỉ đề cập đến những tranh luận, bút chiến về hiệu năng của túi cao su.

Ông Eric Chevalier, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Pháp, tuyên bố rằng: Các khẳng định của Đức Giáo Hoàng ”là một nguy hiểm đối với các đường lối chính trị y tế và việc bảo vệ sự sống”. Bà Ulla Schmidt, Bộ trưởng y tế và bà Heidemarie Wieczorek, Bộ trưởng phát triển của chính quyền Liên Bang Đức thì nhấn mạnh rằng: ”Các túi cao su cứu sống bên Âu châu cũng như bên Phi châu”. Còn bà Laurete Onkelinx, Bộ trưởng y tế Bỉ, thì cho rằng các khẳng định của Đức Giáo Hoàng có thể phá hủy bao nhiêu năm phòng chống và loan tin tức về bệnh Sida, và khiến cho nhiều sự sống gặp nguy hiểm”. Các thành viên của Ủy ban Âu châu cũng tỏ ra dè dặt. Còn ông Josè Martinez Olmos, tổng thư ký Bộ y tế Tây Ban Nha, tuyên bố sẽ gửi 1 triệu túi cao su sang Phi châu và cho rằng ”Đức Giáo Hoàng đã được cố vấn dở”. Ông Jean Claude Juncker, thủ tướng Luxembourg tuyên bố ”bị báo động” bởi các khẳng định của Đức Giáo Hoàng.

Hai nhật báo lớn nhất Hoa Kỳ là tờ New York Times và tờ Washington Post đều cho chạy hàng tít lớn ”The Pope is wrong - Đức Giáo Hoàng sai lầm” liên quan tới việc dùng túi cao su. Nhật báo Le Monde thì cho đăng một bức hí họa thô bỉ và phạm thượng có hình con thuyền Giáo Hội rẽ sóng giữa biển người Phi châu. Trên thuyền có Chúa Giêsu, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều thì làm phép lạ hóa túi cao su ra nhiều, trước gương mặt chịu trận của Đức Giáo Hoàng. Còn tuần san Times ở Luân đôn, là tuần báo có truyền thống rất đứng đắn, thì lần này trở thành hạ cấp đăng hình Đức Giáo Hoàng đội một túi cao su thay vì đội mũ ba tầng.

Tất cả những sự kiện trên đây là bằng chứng cho thấy làn sóng tấn kích gia tăng từ phía các trung tâm chính trị và phương tiện truyền thông quốc tế, song song với các nhóm duy đời cực đoan, duy tục hóa và duy hư vô, tất cả đồng loạt chống lại Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Công Giáo. Nước Pháp dẫn đầu phong trào tấn kích này, đến độ ngoại trưởng Bernard Kouchner không ngần ngại tuyên bố rằng ”Đức Giáo Hoàng cho thấy mình ít hiểu biết về tình trạng thật sự của Phi châu”. Bệnh dịch bôi nhọ và xuyên tạc này cũng lan sang Italia. Tuy nhiên tờ Daily Telegraph cho rằng Đức Giáo Hoàng hoàn toàn có lý.

Phát biểu trong chương trình tryền hình Telecamera, ông Fernando Casini, Chủ tịch đảng Liên hiệp dân chủ Kitô Italia mạnh mẽ cảnh giác mọi người, vì theo ông đàng sau tất cả những tấn kích và bôi nhọ Đức Giáo Hoàng có bàn tay lèo lái của tổ chức Tam Điểm.

Trong thông cáo công bố tại Yaounde ngày 18-3-2009, Linh Mục Federico Lombardi Giám đốc Phong báo chí Tòa Thánh, tái khẳng định lập trường của Giáo Hội và những đường hướng thiết yếu trong sự dấn thân của Giáo Hội nhắm bài trừ tai ương Sida. Trước hết bằng cách giáo dục con người sống tính dục có trách nhiệm và thăng tiến hôn nhân và gia đình. Tiếp đến là bằng các nghiên cứu và áp dụng các biện pháp chữa trị hữu hiệu chống bệnh Sida và phổ biến rộng rãi các phương pháp này. Và sau cùng là yêu thương săn sóc các bệnh nhân bằng cách trợ giúp nhân bản vật chất tinh thần cho các bệnh nhân cũng như cho mọi người đau khổ vì bệnh này.

Ngày 25-3-2009 Hội Đồng Giám Mục Camerun cũng đã công bố thông cáo mạnh mẽ tố cáo kiểu thông tin xấu xa của báo chí tây âu, nhằm che mờ ý nghĩa đích thật chuyến công du của Đức Thánh Cha tại Phi châu và che mờ thảm cảnh của biết bao nhiêu người Phi châu bị chết vì bệnh tật, nghèo đói và chiến tranh huynh đệ tương tàn. Sứ điệp của Đức Thánh Cha là sứ điệp yêu thương liên đới, hòa giải, công lý và hòa bình. Người dân Phi châu đã hiểu sứ điệp này của Đức Thánh Cha, nhưng giới truyền thông tây âu thì không. Và sự kiện họ cố tình quên đi các nỗ lực phi thường của Giáo Hội trong việc phòng chống và săn sóc trợ giúp các bệnh nhân Sida là một việc làm vô liêm chính và rất trầm trọng.

Thống kê năm 2007 cho biết Phi châu có 33 triệu người bị bệnh Sida tuổi từ 15 đến 49, trong đó có 22 triệu sống tại các nước miền nam sa mạc Sahara. Zwasiland dẫn đầu với 26,1% tổng số dân, tiếp đến là Boswana với 23,9%, Lesotho với 23,2% và Nam Phi với 18,1%. Giữa các năm 2001-2007 sồ bệnh nhân tại Zimbabwe giảm được 10,7%, Boswana 2,5% và Uganda 2,5%. Trong khi đó số bệnh nhân tại Mozambic gia tăng 2,2%, Mauritius 1,4% và Nam Phi 1,2%. Trong năm 2007 đã có 1,5 triệu bệnh nhân bị chết, đồng thời số người mới mắc bệnh là 1,9 triệu.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bác sĩ Filippo Ciantia, về lập trường đúng đắn của Giáo Hội trong cuộc chiến chống bệnh liệt kháng.

Bác sĩ Ciantia, thuộc ”Hội Thiện Nguyện Phục Vụ Quốc Tế”, viết tắt là AVSI, hiện là đại diện phân bộ Italia của tổ chức phục vụ các nước vùng Đại Hồ. Bác sĩ có vợ và 8 con, đã sống và làm việc tại Uganda từ năm 1980 đến nay. Bác sĩ là tác giả nhiều bài khảo luận được đăng trên các nguyệt san khoa học liên quan tới bệnh liệt kháng. Trong một bài mới nhất được đăng trên nguyệt san ”Lancet”, bác sĩ đã nêu bật sự hữu hiệu của giáo lý công giáo trong việc đối phó với bệnh liệt kháng.

Uganda là một trong các nước Phi châu có số bệnh nhân liệt kháng rất cao, nhưng nhờ các chương trình giáo dục phòng ngừa do Giáo Hội phát động trong các năm qua, số bệnh nhân đã giảm rất nhiều.

Hỏi: Thưa bác sĩ Ciantia, bác sĩ có nhn định nào về những gì Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói liên quan tới bệnh liệt kháng tại Phi châu. Lập trường của Giáo Hội có thực tế không và trong nghĩa nào?

Đáp: Lập trường của Đức Thánh Cha và Giáo Hội về bệnh liệt kháng rất là thực tế, có lý và rất có cơ sở trên bình điện khoa học. Nó thực tế, vì đối với vi khuẩn bệnh SIDA chiến thuật giúp chiến thắng không thể chỉ là y tế và dược khoa. Chỉ có thể chiến thắng bệnh liệt kháng, nếu chú ý tới tất cả mọi yếu tố khác tạo thành con người. Các dữ kiện chứng minh cho thấy rằng bệnh liệt kháng đã chỉ giảm tại những nước nào, trong đó người ta đã dấn thân thay đổi cung cách sống tính dục và kiểu sống của của con người. Chúng là kết qủa của việc thông tin và giáo dục lôi cuốn các gia đình, nữ giới và trường học vào cuộc. Đã xảy ra như thế tại Kenya, Etiopia, Malawi, Zambia, Zimbabwe và đặc biệt là tại Uganda. Nhưng để có được các hiệu qủa tốt, cần phải có can đảm chap nhận những lựa chọn mạnh mẽ, như tại các nước Phi châu nói trên.

Hỏi: Đó là những lựa chọn nào thưa bác sĩ?

Đáp: Trọng tâm của vấn đề là việc thay đổi các cung cách sống, chẳng hạn như các tương quan tính dục với nhiều người khác nhau dễ khiến cho người ta lây bệnh liệt kháng. Đây là tệ nạn rất phổ biến bên Phi châu. Trong lãnh vực này người ta ngại can thiệp, vì nhân danh sự tự do người ta cho rằng không được can thiệp vào các lựa chọn của người khác. Nhưng đây là một lập trường giả hình. Thế thì phải nói gì đối với các chiến dịch, mà chúng ta vẫn phát động ngày càng rộng lớn, như chiến dịch chống hút thuốc, chống uống rượu, chống nghiện ma túy? Các chiến dịch này cũng là xâm phạm tới sự tự do của con người hay sao? Nếu một cung cách sống có nguy hại cho sức khỏe, mà lại không tìm cách can thiệp, thì đó thực sự là làm hại người có cung cách sống đó và làm hại toàn xã hội nữa.

Hỏi: Như thế, khi nói tới việc tiết dục và trung thành trong hôn nhân là Giáo Hội không xâm lấn lãnh vực cuộc sống của con ngưi, có đúng thế không thưa bác sĩ?

Đáp: Đúng vậy. Giáo Hội thi hành nhiệm vụ của mình là nhắc nhở và khuyến khích mời gọi con người chú ý tới sức khỏe của chính mình và sức khỏe của các người liên hệ. Khi làm như thế là Giáo Hội góp phần vào việc tạo dựng hạnh phúc cho tất cả mọi người. Không có nơi nào bệnh liệt kháng giảm mà lại không có sự thay đổi cung cách sống tính dục. Nhưng để được như vậy cần phải củng cố bình diện giáo dục, chứ không thể chỉ phân phát túi cao su và tin cậy nơi tính cách phòng ngừa ảo thuật của nó khiến cho con người sống vô trách nhiệm. Chính quyền Uganda đã hiểu điều này và đã phát động chiến thuật ABC.

Hỏi: Thưa bác sĩ chiến thuật ABC là chiến thuật gì vậy?

Đáp: Nó là ba chữ viết tắt của ba lời khuyên: tiết dục ABSTINENCE, trung thành trong hôn nhân BEING FAITHFUL, và dùng túi cao su CONDOM USE, trong các trường hợp rất đặc biệt và chắc chắn vì biết là có bệnh và hạn chế loại người giao hợp. Kết qủa là từ 15% trong năm 1992 số bệnh nhân liệt kháng giảm xuống còn 5% trong năm 2004. Và qúy vị có biết chi phí của các chương trình phát động để thay đổi cung cách sống của người dân là bao nhiêu không? 23 xu cho mỗi đầu người. Vì thế Đức Thánh Cha Biển Đức XVI hoàn toàn có lý. Cần phải có một chiến thuật đa phương lấy hạnh phúc của con người làm trọng tâm.

Hỏi: Một cách cụ thể bác sĩ muốn nói gì?

Đáp: Tôi muốn nói rằng phải thăng tiến điều kiện sống của nữ giới, trợ giúp thuốc men cho những người bị vi trùng HIV, sự nhưng không của việc chữa trị là yếu tố nền tảng, nhưng nó có nguy cơ bị thiệt thòi vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay. Thế rồi cũng cẫn phải chống lại việc kỳ thị các bệnh nhân liệt kháng, và phát động các chiến dịch giáo dục phòng ngừa trong các trường tiểu học để bảo vệ các trẻ em trước khi các em đạt tới tuổi sinh hoạt tính dục. Và để đạt các mục tiêu này thì cần phải có sự tham gia và cộng tác của cộng đoàn xã hội dân sự và quốc gia.

Hỏi: Tại sao sự tham gia của cộng đoàn lại là yếu tố nền tảng thưa bác sĩ?

Đáp: Trong một xã hội như xã hội Phi châu cần phải cần phải lôi cuốn được các vị lãnh đạo chính trị dân sự tôn giáo và các cộng đoàn địa phương. Tại Uganda có rất nhiều tổ chức săn sóc các trẻ em mồ côi cha mẹ, vì cha mẹ các em đã chết bởi bệnh SIDA. Có tới 2,4 triệu trẻ em mồ côi. Các tổ chức này cũng trợ giúp các gia đình có người bị bệnh, và dấn thân trong công tác giáo dục, và nhất là đồng hành với người bệnh. Chẳng hạn như các thành viên của hiệp hội ”Điểm gặp gỡ - Meeting Point”, là phân bộ địa phương của ”Hội Thiện Nguyện Phục Vụ Quốc Tế”, từ nhiều năm nay đã trợ giúp phụ nữ tại thủ độ Kampala và các thành phố khác bên Uganda.

Họ thăng tiến các khóa học về vệ sinh và sức khỏe, cho vay tiền để các phụ nữ thực hiện các sinh hoạt buôn bán kinh doanh nhỏ và phân phát thực phẩm. Rất nhiều phụ nữ bị bệnh liệt kháng đã được trợ giúp để hiểu rằng sự sống của họ lớn lao hơn bệnh tật. Họ đã chấp nhận được chữa trị chống vi khuẩn liệt kháng. Trước đó họ từ chối vì nghĩ rằng đời họ tàn rồi, và họ giúp nhau uống thuốc để trị bệnh. Nếu một người qua đời, thì một phụ nữ khác đem con của họ về nuôi. Họ cảm thấy được ai đó yêu thương và được trân trọng. Và đó là một phép lạ nho nhỏ xảy ra mỗi ngay, một kinh nghiệm của tình yêu thương lây mạnh hơn là vi trùng liệt kháng.
 
(Avvenire 19.20-3-2009; CD 25-3-2009)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.