2009-03-04 15:09:04

Những điều kiện cần thiết cho tiến trình hòa bình tại Thánh Địa


Một số nhận định của Linh Mục Pierbattista Pizzaballa, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô Quản Thủ Thánh Địa, về tiến trình hòa bình tại Thánh Địa

Ngày 2-3-2009 hội nghị thượng đỉnh các ân nhân trợ giúp tài chánh tái thiết vùng Gaza đã khai diễn tại Sharm El Shekh, với sự tham dự của giới lãnh đạo quốc tế. Mục đích của hội nghị là để củng cố một cuộc ngưng bắn lâu dài nhằm bắt đầu một con đường hòa bình trọn vẹn và toàn diện cho Thánh Địa. Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy đề nghị là từ nay cho tới cuối năm 2009 phải thực hiện một hội nghị hòa bình cho Vùng Trung Đông. Cần phải ”áp đặt” nó, và đây là thời điểm phải lãnh nhận sự liều lĩnh của hòa bình.

Mục đích cụ thể của hội nghị Sharm El Shekh là tìm ra ngân khoản 3 tỷ mỹ kim để tái thiết vùng Gaza. Thủ tướng Berlusconi của Italia đã hứa giúp 100 triệu mỹ kim, và Hoa Kỳ hứa tài trợ 900 triệu mỹ kim, trong đó có 300 triệu dành cho việc tái thiết vùng Gaza và số còn lại dành cho chính quyền Palestine.

Tổng thống Palestine Abu Mazen cảnh báo là nếu không tìm ra một giải pháp chính trị, thì các ngân khoản cũng không giúp giải quyết vấn đề.

Như đã biết hồi tháng 2 vừa qua quân đội Israel đã tấn công lực lượng Khamas tại vùng Gaza trong 22 ngày liên tiếp, khiến cho 1.330 người Palestine bị chết và 5.000 bị thương. Tuy ngày 2-3-2009 lực lượng Khamas đã bắn hỏa tiễn vào lãnh thổ Israel, khiến cho tình hình lại căng thẳng, nhưng các ngã giao thương giữa hai bên vẫn được mở cửa. Và Israel đã lập tức trả đũa bằng cách oanh kích 60 địa điểm khác nhau.

Trong sứ điệp gửi đại hội về đề tài ”Giá trị của các Giáo Hội tại Trung Đông”, do cộng đoàn thánh Egidio triệu tập tại Roma ngày 25-2-2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cầu mong Trung Đông là ”một vùng đất của đối thoại và cộng tác huynh đệ” giữa các tín hữu của các tôn giáo khác nhau. Sự hiện diện của các Kitô hữu tại Trung Đông là một sự giầu có đích thật cho toàn xã hội và là một bảo đảm cho sự phát triển xã hội, văn hóa và tôn giáo.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Pierbattista Pizzaballa, 44 tuổi, từ năm 2004 là Bề trên tỉnh dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa, về tiến trình hòa bình tại Thánh Địa.

Hỏi: Thưa cha, chiến tranh trong vùng Gaza đã chấm dứt, nhưng người ta có cảm tưởng đang chứng kiến cảnh đối thoại giữa hai người điếc, và tình hình trong vùng xem ra qúa phức tạp, đến độ không ai tin là mình nắm trong tay chiếc đũa thần giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây. Đâu là các điều kiện phải có để giúp tái khởi hành việc xây dựng một nền hòa bình lâu dài tại Thánh Địa?

Đáp: Điều kiện thứ nhất là chấm dứt mọi thứ bạo lực từ phía quân đội cũng như từ phía dân quân. Nếu tiếng súng không im lặng, thì mọi thương thuyết đều thất bại. Thế rồi phải đối thoại với nhau và thừa nhận sự hợp pháp của nhau. Trong nghĩa này vai trò của các người trung gian và của các giới chức ngoại giao rất là quan trọng. Trong thế giới hồi giáo thì Ai Cập có thể nằm vai trò chìa khóa, vì uy tín của nó được thừa nhận trong vùng. Bên Tây Phương thì cần có các khởi động của tân chính quyền Hoa Kỳ, từ trước tới nay vẫn có nhiều ảnh hưởng trên Israel; trong khi Âu châu có thể làm trung gian nhất là với người Palestine, nhưng cần phải có khả năng đi theo một hướng đồng nhất chứ không được sơ tán, như thường xảy ra cho tới nay. Sau cùng còn có Liên Hiệp Quốc là tổ chức quốc tế có uy tín không thiên vị, nhưng đã mất đi sự tín nhiệm của người dân trong vùng. Dầu sao đi nữa thì các hoạt động ngoại giao là điều kiện cần thiết, nhưng không đủ. Để xây dựng một nền hòa bình lâu dài cần phải có nhiều yếu tố khác nữa.

Hỏi: Đó là các yếu tố nào thưa cha?

Đáp: Trong các năm qua đã xảy ra nhiều chia rẽ và đổ vỡ sâu rộng, do đó cần phải tính sổ với các tâm tình xung đột hằn sâu trong tâm lòng người dân tại đây. Các nỗ lực chính trị phải được yểm trợ bởi một công tác hàn gắn xã hội dân sự, và phát triển một não trạng mới, trong đó các cơ quan giáo dục và truyền thông có một vai trò quan trọng định đoạt. Đa số người dân Israel và Palestine qúa mệt mỏi với chiến tranh, bạo lực và hoàn cảnh sống bấp bênh không an ninh và không có ngày mai. Ai cũng ước mong có hòa bình, nhưng cho tới nay hàng lãnh đạo đã không có khả năng đưa ra các câu trả lời vững chắc và lâu dài cho ước mong hòa bình đó.

Hỏi: Thưa cha, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi có một hành động đa phương cho điều mà người gọi là ”một sự hòa giải khó khăn nhưng cần thiết”. Và Đức Thánh Cha xin mọi người cầu nguyện không ngừng và nài van ơn hòa bình cho Thánh Địa. Lập trường này thực tế tới mức nào thưa cha?

Đáp: Nếu chúng ta nhìn vào những gì đã xảy ra trong các tuần vừa qua, thì chúng ta thấy hiển nhiên là cái luận lý của sự khiếm nhiệm và báo thù đang hụt hơi và hít thở rất khó khăn. Cần phải có hơi thở sâu và dài hơn, nhưng nó chỉ phát xuất từ việc sẵn sàng chấp nhận một thứ luận lý cao hơn cái luận lý của con người, và lời cầu nguyện giáo dục con người có được điều này. Cầu nguyện cho hòa bình không phải là dấu chỉ của một sự khuất phục, mà nó nảy sinh từ ước muốn thay đổi hoạt động trong cùng thẳm tâm hồn con người, và đồng thời nó thừa nhận là hòa bình chỉ có thể đến từ Một Vị Khác hiện diện và là tác nhân của lịch sử, khiến cho con người có thể chung sống với người khác mình. Dưới ánh sáng của tất cả những điều đó, ngày càng hiển nhiên là lập trường của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là lập trường thực tế, vì nó chú ý tới tất cả mọi yếu tố cần thiết bắt đầu từ các cơ quan quốc tế và việc đương đầu với các nút thắt từ lâu nay vẫn nằm trên bàn thương thuyết mà vẫn chưa được giải quyết, cho tới bình diện của từng cá nhân.

Hỏi: Các lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đã có tiếng vang nào đối với dân chúng sống tại Thánh Địa? Và các Kitô hữu xem ra là các bình sành giữa các bình bằng sắt, có thể có vai trò nào trong tiến trình hòa bình này tại Thánh Địa thưa cha?

Đáp: Giáo Hội hoàn vũ, và đặc biệt lời của Đức Thánh Cha, rất được lắng nghe tại Trung Đông và có uy tín rất lớn. Hầu như ai cũng thừa nhận rằng thái độ của Tòa Thánh và hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh được huy động bởi ước muốn cộng tác để đem lại hòa bình cho vùng này và hòa giải các tâm hồn. Tại Thánh Địa sự hiện diện của các Kitô hữu ngày càng yếu ớt hơn, và hầu như tất cả các Kitô hữu đều là người Palestine. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là họ không có ảnh hưởng nào. Trái lại, họ có thể nắm giữ một vai trò quan trọng.
 
Hỏi: Vai trò quan trọng này của Kitô hữu tại Thánh Địa có thể được diễn tả như thế nào thưa cha?

Đáp: Trước hết là trong quyết định tiếp tục sống và ở lại tại Thánh Địa như là mầm giống của cuộc sống mới, bằng cách nhập thể cái luận lý của Tin Mừng: một thứ luận lý không loại trừ người khác, nhưng coi người khác như là phần của chương trình cứu rỗi duy nhất. Với cung cách sống của mình Kitô hữu có thể làm chứng rằng phải luôn luôn coi người khác như chủ thể, không thể bị giản lược vào bất cứ lược đồ hay dự án chính trị nào. Và điều này được thể hiện ra qua biết bao nhiêu công tác bác ái, giáo dục do Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Kitô khác đảm trách. Các trường học do dòng Phanxicô Quản Thủ Thánh Địa và các dòng tu khác nhau điều hợp, có uy tín rất lớn đối với dân chúng địa phương từ biết bao nhiêu thế kỷ qua, và chúng sinh hoa trái nơi các thành qủa mà sinh viên học sinh đạt được trong lãnh vực văn hóa và nghề nghiệp. Có hàng ngàn người trẻ hồi giáo theo học tại các trường công giáo này của Giáo Hội và họ làm thành phòng thí nghiệm quan trọng của sự chung sống hòa bình. Kiểu chung sống này đề nghị và làm chứng cho các giá trị định đoạt trong một bối cảnh như bối cảnh vùng trung đông: giá trị không thể khước từ được của con người trong tất cả mọi chiều kích của nó, sự tự do, các quyền con người, phẩm giá của nữ giới, sự tôn trọng người khác, khước từ bạo lực. Tất cả những điều này để lại một dấu vết không thế xóa nhòa được trong trí óc và con tim của người trẻ theo học trong các trường Kitô; và chúng góp phần vào việc tạo ra và phổ biến một tâm thức mới. Dĩ nhiên đây không phải là điều tự động mà có được: chúng ta không chế tạo máy móc hòa bình, và sự tự do là nơi con tim của mọi người. Nếu một người trẻ Kitô và một người trẻ hồi giáo sống và lớn lên bên cạnh nhau trong nhiều năm trời như là bạn học cùng lớp, và tập hiểu biết và qúy mến nhau, thì khi lớn lên họ sẽ được chuẩn bị nhiều hơn để đánh đổ các thành kiến và các đố kị, và đem lại các viên đá giúp xây dựng cuộc sống chung hòa bình. Trong các trường học của chúng tôi người trẻ đều sống chung với nhau mọi ngày: đó là một thách đố hằng ngày góp phần tạo ra một mảnh đất mầu mỡ cho sự trưởng thành của ”các con người mới”, mà xã hội rất cần.

Hỏi: Thưa cha, có người cho rằng chỉ trong vài thập niên nữa là sẽ không còn có các Kitô hữu tại Thánh Địa. Như thế Thánh Địa sẽ có thể biến thành viện bảo tàng của Kitô giáo hay không?

Đáp: Các chiều hướng dân số chứng minh cho thấy sức nặng đặc thù của Kitô hữu trên tổng số dân, so với tín hữu do thái và hồi giáo, tiếp tục suy giảm. Càng ngày càng khó duy trì đất đai hơn; nguy cơ tài sản của các Kitô hữu bị người khác mua lại ngày càng gia tăng. Nhưng tôi không tin là các Kitô hữu sẽ biến mất khỏi Thánh Địa, đến độ các nơi thánh trở thành viện bảo tàng. Đúng hơn là chúng ta sẽ chứng kiến số Kitô hữu giảm dần, và sự hiện diện của họ ít hữu hình hơn cũng như ít phẩm chất hơn, đặc biệt là tại Bếtlehem.

Hỏi: Có nhiều người tự hỏi: tôi có thể làm gì cho Thánh Địa? Câu trả lời thường khô khan là ”cầu nguyện và đến viếng thăm Thánh Địa”. Năm 2008 vừa qua làn sóng tín hữu từ Italia cũng như các nước khác đến hành hương Thánh Địa đã gia tăng. Ngoài đóng góp tài chánh phát xuất từ ngành du lịch các tín hữu hành hương diễn tả điều gì đối với Kitô hữu sống tại những nơi Chúa Giêsu đã sống?

Đáp: Các tín hữu hành hương là các chứng nhân của tình yêu thương của Giáo Hội hoàn vũ đối với các anh chị em Kitô sống tại Thánh Địa. Họ giúp các anh chị em sống tại Thánh Địa thắng vượt được sự chán nản ngã lòng và sự cô đơn, hay đôi khi cảm tưởng bị ”vây hãm”, và giúp họ ý thức mình là thành phần của một đại gia đình rộng lớn. Và thường khi các tín hữu hành hương cũng khích lệ các Kitô hữu tại Thánh Địa hướng nhìn lên cao, vượt thắng những ghen tương và cãi vã có nguy cơ làm suy yếu ý thức hiệp nhất, là ơn họ đã nhận lãnh và được mời gọi làm chứng trước mặt mọi người. Các cuộc gặp gỡ của người hành hương với tín hữu địa phương, các kết nghĩa anh em với các giáo phận hay hiệp hội hoặc phong trào khác trên thế giới, hoặc sự trợ giúp các dự án giáo dục và bác ái từ xa: tất cả đều tạo ra các tương quan và các công trình dưỡng nuôi sự tin tưởng nơi tương lai, và sự cảm nhận được mình là thành phần của một chương trình quan phòng. Nó là phương thế giúp loại bỏ ý muốn di cư ra nước ngoài, đánh bại sự bi quan yếm thế và đưỡng nuôi niềm hy vọng, khiến cho các anh chị em Kitô tại Thánh Địa là một thực tại sinh động trên vùng đất nơi con người được gặp gỡ Mầu Nhiệm cứu chuộc.

(Tracce, Febbraio 2009, trang 26-29)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.