2009-03-03 17:16:15

Tình trạng sống hiện nay của các linh mục


Phỏng vấn Đức Cha Agostino Superbo, Tổng Giám Mục Potenza-Muro Lucano-Marsico Nuovo, về tình trạng sống của các Linh Mục hiện nay

Hôm thứ hai 2-3-2009 chúng tôi đã gửi tới qúy vị và các bạn một số nhân định của Linh Mục Lucio Pinkus, giáo sư phân tâm học về các hình thái diễn tả sự giòn mỏng trong cuộc sống của các linh mục. Hôm nay xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Agostino Superbo, Tổng Giám Mục Potenza-Muro Lucano-Marsico Nuovo, về tình trạng sống của các Linh Mục hiện nay.

Đức Cha Superbo đã từng là Giám đốc đại chủng viện miền Pugliese, nam Italia. Theo Đức Cha một trong các ưu tiên trong hoạt động của các Giám Mục là lo lắng cho các điều kiện sống của các linh mục. Sau đây là một số góp ý của Đức Cha với loạt bài ”Các linh mục và chúng ta” của bác sĩ Vittorino Andreoli, được đăng trên nhật báo ”Tương Lai” cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia, trong tháng Giêng năm nay 2009.

Hỏi: Thưa Đức Cha Superbo, theo kinh nghiệm, Đức Cha nhận thấy tình trạng thực tại sống của các linh mục hiện nay như thế nào?

Đáp: Trong tất cả mọi nhóm xã hội đều có sự giòn mỏng và các các tấn kích chống lại sự toàn vẹn luân lý và tinh thần. Vì thế tình trạng này cũng xảy ra đối với các linh mục. Nhưng điểm nòng cốt đó là các linh mục sống cuộc sống của các vị trong xã hội tục hóa ngày nay như thế nào? Sự tục hóa tấn kích niềm vui của các vị là những người sống đời thánh hiến và ơn gọi linh mục như thế nào? Nói cho cùng điều quan trọng đó là tình bạn đối với Chúa Kitô. Nếu linh mục sống tình bạn với Chúa Kitô, thì có thể thắng vượt được bất cứ khó khăn nào. Nhưng nếu linh mục mất đi tình bạn đó, thì sẽ rất dễ trở thành người không hài lòng là linh mục. Từ đó nảy sinh ra các vấn đề như sự cô đơn, hay thái độ hống hách quyền bính, hay cả tình trạng gẫy vụn tình cảm nữa, và trong một số trường hợp là tấn kích sự độc thân. Tài liệu ”Pastores dabo vobis” nói rằng linh mục là con người của sự tương giao, bắt đầu từ tương quan nền tảng với Chúa Kitô. Và chúng tôi là Giám Mục chúng tôi phải giúp các linh mục liên lỉ nhớ tới điều đó.

Hỏi: Xin Đức Cha cho phép con hỏi một câu ”khiêu khích”: theo Đức Cha các Giám Mục có hiểu biết tường tận tình trạng sống của các linh mục không?

Đáp: Nói chung thì từ phía các Giám Mục chúng tôi, chúng tôi biết và chú ý tới các điều kiện sống của các linh mục. Nhưng cần ghi nhận hai khía cạnh: trong các giáo phận trung bình hay nhỏ, việc hiểu biết các hoàn cảnh sống của các linh mục là điều có thể làm được một cách dễ dàng; nhưng trong các giáo phận lớn thì chính các Giám Mục Phụ Tá đặc trách vùng nào thì có trách nhiệm với các linh mục thuộc vùng đó. Và đây là một sự hiểu biết liên quan tới chiều kích nội tâm của cuộc sống linh mục.

Hỏi: Và đây là điểm có thể có các vấn đề, có phải thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Tôi không có ý nói tới điều đó. Nhưng chắc chắn là việc hiểu biết các năng lực nội tại trong cuộc sống của một linh mục đòi hỏi phải có sự đối thoại có tính cách cá nhân. Cuộc đối thoại này chỉ có thể có được nếu có thiện chí lắng nghe từ phía này và biểu lộ từ phía kia. Dĩ nhiên một sự hiểu biết sâu rộng hơn là điều có thể thực hiện được và đáng thực hiện.

Nhưng không nên lẫn lỗn sự hiểu biết này với nhiệm vụ linh hướng. Tuy nhiên không thể áp đặt, vì đây là một cuộc đối thoại dựa trên sự tự do gặp gỡ. Một linh mục phải cảm thấy nhu cầu và niềm vui nói chuyện với Giám Mục của mình, và Giám Mục phải cảm thấy nhu cầu và niềm vui lắng nghe linh mục của mình. Chẳng hạn tôi nghĩ không cần phải thiết định các cuộc gặp gỡ mỗi tháng hay hai tháng một lần. Khi một linh mục gọi, thì Giám Mục phải chạy thôi.
 
Hỏi: Có người nói rằng các Giám Mục không luôn luôn có thời giờ cho các cuộc gặp gỡ này, Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Trái lại, các Giám Mục phải tìm ra giờ cho các cuộc gặp gỡ đó, cả bằng cách tái lượng định các công việc khác, nếu cần. Nhưng theo tôi cần nhất là các Giám Mục phải duyệt xét lại hệ thống tương quan mà chúng ta đã học ngay từ thời còn trong đại chủng viện.

Nếu tương quan với các bề trên chỉ có tính cách kỹ thuật kỷ luật, thì các linh mục tương lai sẽ có khynh hướng tiếp tục như thế với Giám Mục của mình sau khi chịu chức. Nếu trái lại có sự cởi mở đối thoại với cha giám đốc đại chủng viện và với các cha giáo, thì các sự việc sau đó sẽ có hướng đi khác. Ngoài ra tôi cũng xác tín rằng sự đối thoại sẽ trao ban cho các cộng đoàn của chúng ta ánh sáng rạng ngời hơn, và nó cũng quan trọng hơn đối với vai trò chủ chăn của Giám Mục. Nhưng tương quan này phải được cả hai bên đều mong ước.

Hỏi: Thưa Đức Cha, có một vấn đề đặc biệt liên quan tới các linh mục ở lứa tuổi 40: đó là các vị còn trẻ nên phải làm qúa nhiều việc vì thế dễ bị mệt mỏi. Phải làm gì để gần gũi và giúp đỡ các vị thưa Đức Cha?

Đáp: Thật ra các linh mục ở trong lứa tuổi này là tầng lớp rất cần được lưu tâm, vì các vị là cột sống của tất cả mọi giáo phận, vì là thành phần được chuẩn bị nhất, vì lòng hăng say và tuổi 40 là tuổi tràn đầy sức sống. Nhưng cũng chính vì lòng hăng say nên các linh mục thuộc lứa tuổi này ít nghĩ tới sự giòn mỏng của mình. Các vị thường có các sinh hoạt mục vụ khác nhau nên dễ bị mất sức và mất mầu sắc, nếu không được ơn thánh Chúa trợ lực. Tôi nghĩ rằng bắt các vị làm tất cả mọi sự là một sai lầm.

Nếu trong giáo phận còn có một vài nhiệm vụ trống không có người đảm trách, thì chúng ta phải kiên nhẫn chấp nhận thế thôi, chứ không nên giao cho các linh mục trẻ qúa nhiều việc. Chịu một chỗ trống mục vụ thì hơn là gặp nguy cơ của chủ trương duy hoạt động, lấp các chỗ trống, nhưng khiến cho con người mau kiệt quệ nội tâm. Trong một trường hợp như thế sự mệt mỏi và nỗi đau đớn rất lớn. Điều quan trọng hơn nhiều đó là giữ cho lòng say mê Chúa được cháy sáng, qua lời cầu nguyện, sự thinh lặng nội tâm, và các lúc nghỉ ngơi và suy tư.

Hỏi: Thưa Đức Cha, còn có một lý do khác khiến cho chúng ta lo âu đó là con số: Rất nhiều giáo phận còn hoạt động vì còn có các linh mục 65 tuổi. Nhưng sau đó thì sẽ ra sao, vì không có hay có ít linh mục tiếp nối?

Đáp: Tại Italia mục vụ ơn gọi hoạt động tích cực. Nhưng theo tôi việc đáp trả lại tiếng Chúa mời gọi còn tùy thuộc nơi hai yếu tố quan trọng khác nữa: đó là gia đình và hình ảnh mà chính các linh mục cho thấy về các vị.

Sự lôi cuốn đầu tiên hướng tới chức linh mục phát xuất từ niềm hạnh phúc là linh mục. Không ai bị lôi cuốn bởi một cái gì tạo ra thái sộ không hài lòng. Yếu tố thứ hai là môi trường gia đình, mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI định nghĩa là ”chủng viện đầu tiên - nơi ươm trồng ơn gọi đầu tiên”. Chắc chắn là các Giám Mục chúng tôi cũng phải bắt đầu củng cố ý thức cho thấy là các ơn gọi có thể trưởng thành bắt đầu từ việc tạo ra một thửa đất thích hợp trong gia đình, trong các giáo xứ và cộng đoàn. Tôi không biết gia tài ý thức này có được phổ biến không và lớn chừng nào, nhưng có lẽ có thể hoạt động mạnh mẽ hơn trong lãnh vực gây ý thức này.

Hỏi: Có người nhận xét rằng ngày nay các gia đình ”đốt cháy” ơn gọi hơn là tạo điều kiện cho các ơn gọi, Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Trừ một số trường hợp, tôi không nghĩ là ngày nay các bậc làm cha mẹ công khai cấm con cái đi tu. Đúng hơn nó là kiểu sống. Nếu trong gia đình còn cầu nguyện với nhau, sống thanh đạm, liêm chính, yêu thương, nếu gia đình không nhượng bộ các cám đỗ của một số phương tiện truyền thông nào đó và có con mắt phê bình đối với nền văn hóa thống trị ngày nay, thì ơn gọi sẽ nảy sinh một cách dễ dàng hơn. Trái lại nếu gia đình sống như thể là Thiên Chúa không hiện hữu, thì sẽ khó mà nhận ra tiếng gọi của Chúa. Nhưng cũng có sự kiện thường khi Thiên Chúa lật ngược tình thế và làm nảy sinh ơn gọi từ những môi trường mà con người không chờ đợi. Nhưng chắc chắn là các gia đình Kitô phải đóng góp phần mình vào việc làm nảy sinh và vun trồng ơn gọi. Vì xem ra người ta chỉ nhận ra vấn đề, khi thấy Đức Giám Mục phải gộp hai ba giáo xứ lại với nhau, vì thiếu linh mục và mất đi tình trạng ”có linh mục” ngay bên dưới nhà mình.

Hỏi: Thưa Đức Cha, cuộc sống chung có thể giúp đỡ các linh mục những gì trong sứ mệnh của các vị?

Đáp: Ngày nay các linh mục cần phải sống một cách thực tế cuộc đời linh mục của mình. Chính linh mục đoàn cùng với Giám Mục của một giáo phận là môi trường sống động, trong đó trên bình diện thần học và trong kiểu diễn tả phụng vụ truyền chức, vị linh mục nảy sinh và sống. Linh mục không phải là người sống một mình, trái lại phải sống kinh nghiệm sự hiệp thông, do đó ngay từ thời còn trong đại chủng viện phải củng cố mạnh mẽ ý thức hiệp thông ấy. Có một kinh nghiệm đã được thực hiện trong nhiều giáo phận đó là hình thức sống chung của các linh mục. Các linh mục giáo phận sống chung với nhau. Dĩ nhiên cần tận dụng các cơ cấu có sẵn, hay nếu cần thì xây các cơ cấu mới, và đây phải là một điều ưu tiên trong các giáo phận. Bằng nhiều cách thế Hội Đồng Giám Mục Italia cổ võ hình thức sống chung này của các linh mục giáo phận: ở chung với nhau, ăn chung với nhau hay thường xuyên gặp gỡ hội họp với nhau. Nó là một khích lệ rất lớn để các linh mục sống một cuộc sống linh mục tươi vui, và trở thành chứng tá sống động cho tất cả mọi người và nêu gương cho giới trẻ.

(Avvenire 25-2-2009)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.