2009-02-18 16:58:00

Thánh giáo phụ Beda, thần học gia cha đẻ của ngành viết sử Anh quốc


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi mọi người cầu nguyện để Kitô hữu Âu châu sẵn sàng tái khám phá ra các gốc rễ chung và là những người xây dựng một Âu châu nhân bản và Kitô sâu xa đích thực.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung gần 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 18-2-2009. Trong các nhóm hiện diện cũng có 27 tu sĩ dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa, đang tham dự khóa huấn luyện chuẩn bị khấn trọn do nhà Bề Trên Tổng Quyền tổ chức tại Roma, trong đó có 5 thầy Việt Nam.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy tiểu sử và các tư tưởng thần học của Thánh Beda. Giáo Phụ Beda sinh tại Northumbia, miền bắc Anh quốc năm 672-673, năm 7 tuổi được cha mẹ giao cho viện phụ tu viện Biển Đức gần nhà giáo dục. Người lớn lên, sống đời tu sĩ trong kinh nguyện và nghiên cứu Kinh Thánh rồi trở thành một trong những gương mặt thông thái nổi tiếng của thời Thượng Trung Cổ. Nhờ nghiên cứu các thủ bản và tài liệu qúy báu mà các viện phụ đem về sau các chuyến đi Roma và Âu châu, Beda đã trở thành một giáo sư lỗi lạc và viết nhiều bộ sách nổi tiếng khiến cho thánh nhân có rất nhiều bạn bè trong các nhân vật nổi tiếng thời đó. Bị đau nhưng thánh nhân vẫn cố gắng làm việc, và đã kết thúc tác phẩm quan trọng nhất là ”Bộ Lịch Sử Giáo Hội Anh” với lời cầu sau đây: ”Lậy Chúa Giêsu, là Đấng đã cho phép con kín múc nơi suối nguồn các lời ngọt ngào sự khôn ngoan của Chúa, con xin Chúa cho con một ngày kia được đến với Chúa là suối nguồn của sự khôn ngoan, và luôn ở trước mặt Chúa”. Giáo phụ qua đời ngày 26 tháng 5 năm 735 đúng ngày lễ Thăng Thiên. Liên quan tới một số đặc thái trong suy tư thần học của thánh Beda, Đức Thánh Cha nói:

Kinh Thánh là suối nguồn thường hằng trong suy tư thần học của giáo phụ Beda. Chúng ta còn có được thủ bản Vulgata Codex Amiatinus mà giáo phụ dùng xưa kia. Dựa trên việc nghiên cứu phân tích văn bản cẩn thận, giáo phụ chú giải Kinh Thánh bằng cách đọc nó trong chìa khóa Kitô học. Nghĩa là người kết hợp hai yếu tố: một đàng là lắng nghe điều văn bản nói một cách chính xác để hiểu ý nghĩa văn bản, đàng khác là xác tín rằng chìa khóa giúp hiểu Kinh Thánh như lời duy nhất của Thiên Chúa là Chúa Kitô, và với Chúa Kitô, trong ánh sáng của Ngài, chúng ta hiểu Cựu Ước và Tân Ước như là một Kinh Thánh duy nhất.

Mặc dù được diễn tả trong các dấu chỉ và cơ cấu khác nhau, các biến cố cựu ước và tân ước đi với nhau và là con đường dẫn tới Chúa Kitô. Chẳng hạn lều giao ước, mà ông Môchê cho dựng lên trong sa mạc và đền thờ thứ nhất và thứ hai của thành Giêrusalem, là hình ảnh của Giáo Hội, đền thờ mới được xây dựng trên Chúa Kitô và trên các Tông Đồ với các viên đá sống động, được gắn liền nhau bởi tình bác ái của Chúa Thánh Thần. Và cũng như đã có cả các dân ngoại góp phần vào việc xây dựng đền thờ cũ bằng cách đóng góp vật liệu qúy giá và kinh nghiệm kỹ thuật của các thợ cả, các tông đồ và các bậc thầy không chỉ phát xuất từ dòng giống do thái cũ, mà từ cả các dân tộc mới nữa, trong đó giáo phụ Beda kể tên cả dân tộc Iro-Celtic và người Anglosaxon. Sự đại đồng của Giáo Hội không chỉ giới hạn vào một nền văn hóa, nhưng bao gồm tất cả mọi nền văn hóa của thế giới: chúng phải rộng mở cho Chúa Kitô và tìm thấy điểm tới nơi Ngài.

Còn có một đề tài khác được thánh Beda ưa thích: đó là lịch sử Giáo Hội. Khởi hành từ sách Công Vụ thánh nhân lần lại lịch sử của các Giáo Phụ và các Công Đồng, với xác tín rằng Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động trong lịch sử. Trong tác phẩm ”Sử Biên Lớn” thánh nhân vạch lại thứ tự thời gian, sau này trở thành nền tảng của Lịch đại đồng ”bắt đầu từ biến cố nhập thể của Chúa”. Vào thời đó người ta đã tính ngày thành lập thành Roma. Nhưng giáo phụ Beda cho rằng mốc tính thời gian là biến cố Chúa Kitô giáng sinh. Thánh nhân cũng ghi chép lại 5 Công Đồng Chung đầu tiên và các tiến trình của chúng, bằng cách trung thực ghi chép lại giáo lý Kitô học, thánh mẫu học, và cứu độ học, và tố cáo các lạc giáo duy nhất tính và duy nhất ý chí, cũng như bè phái tàn phá ảnh tượng thánh và tân pelagio. Sau cùng giáo phụ biên soạn ”Bộ Sử Ký Giáo Hội” của các dân tộc Anh và được coi là cha đẻ của ngành viết sử Anh quốc.

Các đặc tính của Giáo Hội mà thánh Beda thích nêu lên đó là: thứ nhất, tính cách công giáo như sự trung thành với truyền thống và rộng mở cho các phát triến lịch sử cũng như kiếm tìm hiệp nhất trong đa dạng, trong sự khác biệt lịch sử và các nền văn hóa, theo các chỉ dẫn mà Đức Giáo Hàng Gregorio Cả đã trao cho vị tông đồ nước Anh là Agostino thành Canterbury. Thứ hai là tính cách tông truyền và Roma. Liên quan tới sự kiện này giáo phụ Beda cho rằng điều tối quan trọng là thuyết phục mọi Giáo Hội Iro-Celtic và Pitti cùng cử hành lễ Phục Sinh theo lịch Roma. Lịch do thánh nhận biên soạn một cách khoa học để xác định ngày chính xác của lễ Phục Sinh và toàn chu kỳ phụng vụ đã trở thành văn bản quy chiếu cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Thánh Beda cũng là một bậc thầy của thần học phụng vụ. Các bài giảng thánh lễ Chúa Nhật và Lễ Trọng của người là một tổng hợp giáo dục tín hữu tươi vui cử hành các mầu nhiệm lòng tin và thực hành mầu nhiệm đó trong cuộc sống, trong khi chờ đợi ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và thân xác vinh hiển của chúng ta được theo Chúa bước vào tham dự phụng vụ thiên quốc.

Theo khuynh hướng giáo lý thực tế cụ thể của các giáo phụ Cirillo, Ambrogio và Agostino, giáo phụ Beda dậy rằng các bí tích khai tâm Kitô ”không chỉ biến mỗi tín hữu trở thành Kitô hữu mà trở thành Chúa Kitô”. Thật thế, khi một linh hồn noi gương Mẹ Maria trung thành tiếp nhận và giữ gìn Lời Chúa với tình yêu thương, thì nó thụ thai và sinh ra Chúa Kitô trở lại. Hay khi một nhóm tín hữu tân tòng lãnh nhận các bí tích Phục Sinh, thì Giáo Hội ”tự sinh ra”, hay với một kiểu nói táo bạo hơn nữa, thì Giáo Hội trở thành ”Mẹ Thiên Chúa”, bằng cách tham dự vào việc sinh ra các con cái của mình do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tóm tắt kiểu suy tư thần học của thánh Beda Đức Thánh Cha nói:

Nhờ kiểu làm thần học bằng cách để cho Kinh Thánh, Phụng Vụ và Lịch Sử gặp nhau, giáo phụ Beda đưa ra một sứ điệp thời sự cho các tình trạng sống khác nhau: trước hết người nhắc cho các nhà nghiên cứu biết hai bổn phận chính yếu của họ; đó là thăm dò các việc diệu kỳ của Lời Chúa để trình bầy chúng cho tín hữu trong hình thái hấp dẫn; tiếp đến là trình bầy các sự thật tín lý một cách đơn sơ theo tinh thần công giáo bằng cách tránh các phức tạp lạc giáo. Điểm thứ hai, về phần mình các chủ chăn phải dành ưu tiên cho việc giảng dậy, không phải chỉ bằng cách dùng ngôn từ hay hạnh các thánh, mà còn bằng các hình ảnh thánh, các cuộc rước kiệu và hành hương nữa. Thánh Beda khuyên các vị dùng từ ngữ bình dân như thánh nhân đã làm khi giải thích cho dân chúng ý nghĩa kinh Lậy Cha, kinh Tin Kính và chú giải Phúc Âm thánh Gioan. Điểm thứ ba thánh nhân nhắn nhủ những người sống đời thánh hiến với các giờ kinh thần vụ, cuộc sống huynh đệ cộng đoàn tươi vui và nỗ lực tấn tới trong đời khổ chế và chiêm niệm, phải biết làm việc tông đồ, cộng tác với các Giám Mục trong các sinh hoạt mục vụ khác nhau đối với các cộng đoàn Kitô trẻ, sẵn sàng ra đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại ở nước ngoài như là các ”người hành hương vì tình yêu thương Thiên Chúa”.

Trong viễn tượng đó khi chú giải sách Diễm Ca, thánh Beda trình bầy Hội Đường và Giáo Hội như là các nữ cộng sự viên trong việc phổ biến Lời Chúa. Chúa Kitô Hôn Phu muốn Giáo Hội chuyên cần ”da sạm nắng vì các khổ nhọc trong công tác rao truyền Tin Mừng”, dọn dẹp cánh đồng vườn nho để thiết lập giữa các dân tộc mới ”không phải một túp lều tranh nhưng một ngôi nhà chắc chắn”, nghĩa là hội nhập Tin Mừng vào lòng xã hội và trong các cơ cấu văn hóa. Cũng trong nghĩa này thánh Beda khích lệ anh chị em giáo dân kiên trì trong việc học giáo lý, noi gương các đám đông xưa kia khao khát nghe giảng giải Lời Chúa đến độ không để cho các tông đồ có thời giờ ăn uống nghỉ ngơi.

Thánh nhân dậy họ cầu nguyện liên lỉ, thực hành các điều họ cử hành trong phụng vụ và dâng mọi hành động lên cho Thiên Chúa như của lễ thiêng liêng kết hiệp với của lễ của Chúa Kitô. Ngài khích lệ các người làm cha mẹ thi hành ”chức tư tế là chủ chăn và người hướng dẫn” trong gia đình bằng cách giáo dục con cái sống lòng tin Kitô.

Hương thơm thánh thiện của giáo phụ Beda nổi tiếng đến độ ngay khi ngài còn sống người ta đã gọi là ”Đấng Đáng Kính”; và Đức Giáo Hoàng Sergio I cũng gọi người như vậy khi viết thư cho đức viện phụ xin phép cho giáo phụ về Roma để Đức Giáo Hoàng hỏi ý kiến người về một số vấn đề của Giáo Hội hoàn vũ. Sau khi thánh Beda qua đời các bút tích của người được phổ biến rộng rãi bên Anh quốc và tại Âu châu. Giám Mục Bonifazio, thừa sai tại Đức, nhiều lần xin Đức Tổng Giám Mục York và đức viện phụ Wearmouth sao chép lại một số các tác phẩm của thánh nhân và gửi sang Đức cho ngài. Một thế kỷ sau đó viện phụ Motkero Galbulo của tu viện San Gallen gọi thánh Beda là mặt trời Thiên Chúa cho mọc lên từ Phương Tây.

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Do ảnh hưởng các bút tích của người thánh Beda đã góp phần xây dựng Âu châu Kitô. Chúng ta hãy cầu nguyện để mọi người sẵn sàng tái khám phá ra các gốc rễ chung và là những người xây dựng một Âu châu nhân bản và Kitô sâu xa đích thực.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.