2009-02-16 16:27:16

Mao Trạch Đông và cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo


Phỏng vấn Linh Mục Angelo Lazzarotto, thừa sai Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano, chuyên viên nghiên cứu Trung Hoa về các tội của Mao Trạch Đông đối với Giáo Hội Công Giáo

Ngày 10-2-2009 Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bắt đầu chuyến viếng thăm các nước Phi châu là Mali, Senegal, Tanzania và đảo Mauritius. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên trong thời đại khủng hoảng tài chánh kinh tế toàn cầu. Trước khi sang Phi châu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã viếng thăm A rập Sauđi, là quốc gia chính cung cấp dầu lửa cho Trung Quốc.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết mục đích chuyến viếng thăm là để tạo tình hữu nghị với các nước Phi châu nói trên, chứ không phải kinh tế thương mại, vì các nước này không có nhiều tài nguyên mà Trung Quốc đang tìm kiếm. Nhưng từ nhiều năm qua Trung Quốc liên tục gia tăng liên hệ buôn bán thương mại với các nước Phi châu; năm ngoái ngân khoản giao thương đã lên tới 106,8 tỷ mỹ kim so với 40 tỷ hồi năm 2005. Trung Quốc không sợ sự cạnh tranh của Hoa Kỳ và các nước châu Âu, vì các nước châu Âu không dám đầu tư vì sợ tình trạng chính trị xã hội bấp bênh, nạn gian tham hối lộ và chiến tranh. Trong khi Hoa Kỳ đã không bao giờ nhắm bành thị trường bên Phi châu. Trái lại Nhà Nước Bắc Kinh đầu tư hàng tỷ mỹ kim qua các hãng xưởng địa phương, đặc biệt để có thể nhập cảng tài nguyên thiên nhiên từ các nước Phi châu; chẳng hạn như dầu lửa từ Sudan, Nigeria và Angola; cobalto và đồng từ Zambia và Cộng Hòa Dân Chủ Congo; sắt từ Liberia; bauxít từ Guinea. Đó là chưa kể tới các quặng mỏ qúy hiếm như kim cương, vàng, bạc và Uranium.

Hiện nay Trung Quốc có 700 hãng xưởng đủ loại hoạt động tại 49 nước Phi châu. Số công nhân trung quốc làm việc trong kỹ nghệ khai thác dầu hỏa tại Sudan lên tới 10.000 người.

Các nước Phi châu rất thích buôn bán với Trung Quốc, vì họ cần đủ thứ mọi thứ sản phẩm mà Trung Quốc có thể thỏa mãn một cách nhanh chóng dễ dàng. Trung Quốc giúp tài chánh cho các nước Phi châu để xây dựng các cơ cấu hạ tầng như đường rầy xe lửa, đường sá cầu cống, dinh thự, hệ thống dây điện và điện thoại, cũng như các dự án khai thác khoáng chất và xây các nhà máy lọc dầu, với điều kiện là để cho các hãng Trung quốc thực hiện. Trung Quốc cũng bán sang các nước Phi châu đủ mọi thứ sản phẩm như xe hơi, vải vóc, tơ sợi, các dụng cụ truyền thông, các máy móc điện tử, và họ cạnh tranh với các hãng xưởng kỹ nghệ địa phương.

Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình bài Trung Quốc tại Nam Phi. Trong khi các tổ chức quốc tế thì tố cáo chính quyền Trung Quốc là làm ăn với các chính quyền thối nát, mà không chú ý xem các số tiền lời có thực sự tới tay người dân Phi châu hay không. Trung Quốc cũng bị tố cáo là khai thác bóc lột sức lao động của người dân địa phương. Hồi tháng 3 năm 2008, công nhân hầm mỏ Zambia đã biểu tình và săn đuổi các chủ nhân Trung hoa.

Trong 50 năm qua tình hình Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Nhưng cách đây nửa thế kỷ Nhà Nước Bắc Kinh đã thẳng tay trục xuất các thừa sai nước ngoài và bách hại các Kitô hữu rất tàn bạo. Đây đã là nội dung cuốn sách của cha Angelo Lazzarotto, người Ý, thuộc Hiệp Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano. Cha mới cho xuất bản cuốn sách nghiên cứu về tình hình Giáo Hội Trung Quốc trong các năm 1938-1954, dưới thời Mao Trạch Đông. Cha Lazzarotto đã từng làm việc thừa sai tại Hồng Kông nhiều năm trời và là chuyên viên nghiên cứu tình hình Trung Quốc.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha về cuốn sách nói trên, ghi lại những trang sử đen tối và thê thảm nhất của lịch sử Trung Quốc.

Hỏi: Thưa cha Lazzarotto, cuốn sách cha viết dầy hơn 500 trang kể lại công việc của một nhóm nhỏ các thừa sai thuộc Hiệp Hội Thừa Sai Nước Ngoài Milano gọi tắt là PIME bên Trung Quốc, trong một thời gian ngắn. Ngoài các đặc thái lôi kéo sự chú ý của các chuyên viên, cuốn sách có gì đặc biệt?

Đáp: Tôi tin rằng cuốn sách có giá trị như lời Đức Tổng Giám Mục Claudio Celli khẳng định trong phần dẫn nhập: ”Khoảng thời gian đã không dài, nhưng có ý nghĩa lớn trên quan điểm chính trị cũng như trên bình điện giáo hội”. Qua các biến cố xảy ra cho các thừa sai PIME tại Hà Nam, tôi đã dựng lại bối cảnh lịch sử của Trung Quốc hồi đó, một đàng bằng cách giải thích sự chao đảo chính trị đã dẫn đưa tới biến cố thiết lập chủ nghĩa cộng sản và khai sinh ra Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, đàng khác là sự chín mùi đường lối chính trị tôn giáo của Mao Trạch Đông, là người đã tạo ra các cơ cấu kiểm soát trong bối cảnh luật lệ xã hội, vần còn hiệu lực cho tới ngày nay trên cuộc sống của Giáo Hội tại Trung Quốc.

Hỏi: Thưa cha, để có thể hiểu tình hình của Giáo Hội tại Trung Quốc hiện nay cần phải quay ngược về qúa khứ cách đây nửa thế kỷ, có đúng thế không?

Đáp: Nếu ngày nay chúng ta có hai cộng đoàn giáo hội tại Trung Quốc: một cộng đoàn chính thức, một cộng đoàn hầm trú, thì đó là bởi vì hồi đầu thập niên 1950 các tín hữu đã bị bó buộc phải lựa chọn: chấp nhận các lời hứa cho tự do của chính quyền như là điều tốt lành, hoặc là nhìn các quyết định cụ thể của chính quyền và chống lại những gì không phù hợp với các quyền lợi của tín hữu. Thảm cảnh nảy sinh từ sự kiện tín hữu kitô đã không bao giờ được phép tự do thảo luận và trao đổi ý kiến với nhau: do đó mỗi người đã phải lựa chọn theo các quyết định cá nhân của mình.

Hỏi: Chính vì thế mà đã xảy ra tình trạng rất hỗn độn. Nó đã được xác định bởi sự khác biệt trong các chiến thuật truyền giáo được các Giáo Hội Kitô khác nhau áp dụng, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đùng thế. Trước sự kiện chế độ của Mao Trạch Đông được củng cố, tại Vaticăng cũng như trong đa số các Giáo Hội Tin Lành người ta đã hy vọng sẽ có các thời điểm tốt lành hơn. Sự kiện vào cuối năm 1947 Hiệp Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano đã gửi một nhóm các thừa sai trẻ đến các cứ điểm truyền giáo Trung Quốc đã là một biến cố ý nghĩa. Nó chứng minh cho thấy thái độ không thiên kiến tiêu cực đối với chế độ cộng sản. Nhưng cChính trong bối cảnh này các tài liệu tôi thu thập cho thấy rõ nỗi đau đớn của các thừa sai và các cộng đoàn công giáo trước sự củng cố tiệm tiến của chế độ cộng sản trong thực tại sống sượng của nó.

Hỏi: Thưa cha, cuốn sách của cha trình bầy một số chứng từ trực tiếp và các tài liệu hé mở cho thấy thực tại thê thảm, mà chế độ Mao Trạch Đông đã tạo ra tại Trung Quốc. Và tình trạng này lại đã được giới trí thức tây âu huyền thoại hóa và người ta đã im lặng che đậy không hé môi trong thời gian lâu dài như vậy, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Cuốn sách này của tôi, cũng như ”Cuốn sách đỏ của các vị tử dạo Trung Quốc” tôi cho xuất bản cách đây ba năm, cống hiến cho người đọc một bức tranh lịch sử liên quan tới ý thức hệ Mao Trạch Đông, sự kiện nó thành công tại Trung Quốc và các hậu qủa tàn phá khủng khiếp, mà nó đã gây ra cho xã hội Trung Quốc. Các hậu qủa đó đã được chính giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc thừa nhận. Tôi tin rằng việc đọc lại các dữ kiện ấy là một điều khẩn thiết, để loại bỏ một số kiểu nói hoa mỹ thuộc lòng, liên quan tới chế độ Mao Trạch Đông lưu hành tại Tây Phương bao gồm cả Italia này nữa.

Hỏi: Thưa cha, bức thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi tín hữu Trung Quốc hồi tháng 7 năm 2007 nhắc lại rằng ”Sự lén lút không phải là sự bình thường trong cuộc sống của Giáo Hội”. Một vài người bình luận đã coi đó như là việc Đức Thánh Cha đánh gía cao những ai biết cộng tác với chế độ, mặc dù có các khó khăn. Và điều này đã xảy ra trong các cộng đoàn ”chính thức” được Nhà Nước Bắc Kinh thừa nhận. Riêng cha thì cha nghĩ sao?

Đáp: Đã có không ít người chỉ trích thái độ kiên vững của các thừa sai ngoại quốc, cho rằng các vị bị trục xuất vì các vị chống lại chế độ cộng sản. Cả mới đây nữa cũng có người cho rằng Giáo Hội cần duyệt xét lại việc phán xử sự lựa chọn của giới lãnh đạo các cộng đoàn công giáo theo khunh hướng cộng tác với Nhà Nước và của Hội Công Giáo Yêu Nước. Đến độ trong thư gửi cho 4 Giám Mục Trung Quốc để mời các vị tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới hồi năm 2005, Đức Thánh Cha cũng đã mời một vài vị xem ra đã giàn xếp với Nhà Nước Trung Quốc nữa.

Hỏi: Cha có đồng ý với thái độ này hay không?
 
Đáp: Tôi xác tín rằng nếu ngày nay đa số các Giám Mục Trung Quốc có thể tuyên bố là các vị hiệp thông với Tòa Thánh, thì trước hết đó chính là nhờ lập trường kiên vững của những người đã phải trả giá mắc mỏ cho sự kiên trì trung thành với Giáo Hội hoàn vũ, bằng cách gánh chịu tù đầy, bắt bớ và giam cầm. Nhưng có điều mâu thuẫn: đó là chính các thái qúa của chế độ Mao Trạch Đông, chính các cuộc bách hại của cuộc Cách Mạng Văn Hóa cũng đã không dung tha cho những người đã thành thật cộng tác với Nhà Nước Cộng Sản Trung Quốc. Chính các điều này đã khiến cho người ta mở mắt nhiều nhất liên quan tới các mục tiêu cuối cùng của Nhà Nước Cộng Sản Trung Quốc.

Hỏi: Ngày nay tình hình tại Trung Quốc đã thay đổi nhiều và nhanh chóng rồi thưa cha...

Đáp: Vâng, ngày nay thách đố lớn nhất đối với Giáo Hội không còn là chủ thuyết mác xít nữa, mà là chủ thuyết duy vật thực tiễn, do nền văn hóa kim tiền mang tới. Vì thế các chủ chăn phải biết diễn tả cùng một sự kiên trì ấy ra, để bảo vệ các nguyên tắc nền tảng của Kitô giáo trong ý chí chân thành cộng tác xây dựng một xã hội hài hòa.
 
(Avvenire 24-1-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.