2009-02-13 11:48:12

CHA TÔI, VỊ ANH HÙNG


Thân phụ tôi là sĩ quan thượng cấp trong quân lực Rumani. Thời thế chiến thứ hai 1939-1945, người gia nhập kháng chiến quân cộng sản, để phản đối chính quyền Rumani hợp tác với quân đức quốc xã. Lúc bấy giờ, kháng chiến quân cộng sản là tổ chức duy nhất dám đương đầu với chính quyền Rumani hùa theo quân Đức xâm lăng. Khi Ba tôi si tình Mẹ tôi - một nữ nghệ sĩ trẻ đẹp - người đã mang lon cấp tá và là một trong những gương mặt nổi bật, có triển vọng lãnh chức vụ cao trong hàng ngũ của tân chính quyền cộng sản.

Nhưng Ba tôi quá lý tưởng. Chẳng bao lâu sau, người bị truất chức vì dám công khai chỉ trích một chế độ đặt nền tảng trên tham ô hối lộ. Người liền khởi công viết một tác phẩm vừa trào phúng vừa dã tưởng giống như cuốn tiểu thuyết ”Các cuộc du hành của Gulliver”. Đó là tác phẩm châm biếm thời thế của Jonathan Swift (1667-1745), văn sĩ Ái-nhĩ-lan. Tác phẩm của Ba tôi mang tên: ”Gulliver du hành nơi xứ sở gian dối”. Trong sách, Ba tôi vạch trần mọi giả hình của chính quyền cộng sản Rumani. Viết xong, Ba tôi cẩn thận trao bản thảo cho người bạn thân, nhờ bạn tìm đường kín đáo chuyển sang Pháp, đưa cho một nhà in lo việc ấn hành và phổ biến. Nhưng Ba tôi vô phúc rơi nhằm bạn giả! Chính ông này phản bội Ba tôi và giao nộp tác phẩm cho công an nhà nước cộng sản vô thần Rumani.

Ba tôi bị bắt và bị xử án bí mật năm 1958. Tòa kết tội Ba 25 năm tù. May mắn thay, vì biết rõ tình thế đen tối và vận mạng rủi ro nên Cha Mẹ tôi chính thức li dị vài tuần trước đó. Nếu không, Mẹ cũng chung số phận với Ba. Tuy không bị bắt, nhưng Mẹ tôi bị mất tất cả: nhà cửa và công ăn việc làm.

Ngày Ba tôi bị bắt, tôi lên 5 tuổi. Trước khi tai nạn xảy ra, gia đình tôi sống trong hạnh phúc đầy tràn. Tôi còn nhớ rõ, mỗi lần Ba tôi trở về, tôi vui mừng chạy ra đón Ba: một người đàn ông cao lớn, mặc quân phục, bên trên có gắn đủ mọi thứ huân chương. Nhưng bỗng một ngày Ba tôi biến mất, không trở về nữa. Khi tôi hỏi, Mẹ tôi trả lời:

- Ba con đi xa có chuyện, nhưng rồi Ba con sẽ trở về!

Tôi tin lời Mẹ nói.

Một thời gian dài gia đình chúng tôi không hề nhận tin tức gì của Ba. Đến năm 1964, nhà nước cộng sản Rumani ân xá cho một số tù nhân chính trị, trong đó có Ba tôi. Khi Ba tôi trở về, tôi không nhận ra và không chấp nhận là Ba của tôi. Phải 8 tháng trời ròng rã, chúng tôi mới học biết và chấp nhận nhau. Nhưng hạnh phúc không kéo dài lâu.

Nicolae Ceaucescu (1918-1989) lên nắm quyền cai trị Rumani. Ceaucescu là kẻ thù vừa chính trị vừa cá nhân của Ba tôi. Thấy tình thế không ổn, Ba tôi quyết định bảo Mẹ tôi đưa hai con di tản sang Hoa Kỳ, ở bang California. Một mình Ba tôi ở lại Rumani. Trong vòng 25 năm Ceaucescu cầm quyền, chúng tôi chỉ liên lạc với Ba tôi bằng thư từ. Năm 1989, chế độ cộng sản Đông Âu cáo chung, Ceaucescu qua đời, Ba tôi mới sang Hoa Kỳ thăm viếng chúng tôi.

Sau 25 năm trời xa cách, đây là lần đầu tiên Ba giải thích cho tôi hiểu chọn lựa của người. Người giao cho tôi tập hồi ký chính tay người viết. Tôi đọc một đoạn:

- Tôi có tất cả để được hạnh phúc: vợ đẹp, con ngoan và một sự nghiệp vẻ vang .. Nhưng, mỗi ngày, tôi chứng kiến cảnh người dân đói khổ, xếp hàng nối đuôi trước những cửa tiệm trống trơn. Vợ tôi khẩn khoản xin tôi hãy im tiếng để bảo vệ gia đình. Nhưng làm sao tôi có thể nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng tuyệt vọng của các đồng bào tôi??? Kết quả, tôi bị đưa vào tù .. Một ngày sau lễ Giáng Sinh, kính thánh Stêphanô tử đạo. Chìm ngập trong mớ kỷ niệm nên tôi không nhận ra tiếng ho khác thường liên tục của người tù, giam cạnh phòng tôi. Đó là một vị Linh Mục. Ngài là tù nhân duy nhất được phép ho, vì ngài bị lao phổi nặng.

Nghe một lúc, tôi mới nhận ra vị Linh Mục ho theo nhịp điệu đánh morse, ký hiệu chúng tôi thường gõ nhẹ trên tường để thông báo cho nhau vài tin tức. Vị Linh Mục lợi dụng đặc ân, nên đã ho để đọc lời nguyện dâng lên thánh Stêphano cho các bạn đồng tù:

- Lạy thánh Stêphanô, ngài là vị tử đạo đầu tiên của Kitô Giáo, xin lắng nghe lời chúng con khẩn cầu: xin tháo cởi xiềng xích và giúp chúng con thoát khỏi kẻ hành hung chúng con. Amen.

Những đêm kế tiếp, tôi gõ trên tường để bắt liên lạc với vị Linh Mục. Nhưng im lặng hoàn im lặng. Tôi hiểu vị Linh Mục đã bị thủ tiêu. Ngài trả giá lời kinh bằng chính mạng sống của ngài.

Sau một thời gian ngắn vui chơi với gia đình ở Hoa Kỳ, Ba tôi quyết định trở lại Rumani. Người nói:

- Ba không làm gì ích lợi cho Hoa Kỳ. Ba muốn trở về Rumani và tìm lại bản thảo tác phẩm của Ba nơi các hồ sơ mật của công an nhà nước. Ba sẽ cho xuất bản tác phẩm ”Gulliver du hành nơi xứ sở gian dối”.

Chứng từ của bà Irina Eremia Bragin.

... ”Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh THIÊN CHÚA dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do Thái, sau là người Hy-lạp. Vì trong Tin Mừng, sự công chính của THIÊN CHÚA được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ Đức Tin sẽ được sống” (Thư gởi tín hữu Roma 1,16-17).
 
(”Reader's Digest SÉLECTION”, Décembre/1997, trang 19-28)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.