2009-02-09 16:24:03

Sinh hoạt của Hội Bạn Người Cùi Italia Raoul Follereau


Phỏng vấn bác sĩ Sunil Deepak, giám đốc văn phòng y tế khoa học của Hiệp Hội Italia Bạn Người Cùi Raoul Follereau, về sinh hoạt của hiệp hội

Chúa Nhật 25-1-2009 là Ngày Quốc Tế Phong Cùi lần thứ 51.

Phong hủi là một trong những căn bệnh cổ xưa nhất trong lịch sử loài người. Nó bắt nguồn từ Ấn Độ hay Phi châu rồi lan sang Âu châu, Á châu và Mỹ châu. Trong các luật lệ của Manu, trong Kinh Vệ Đà Ấn Độ thuộc thế kỷ thứ XVI trước công nguyên có nói tới việc phòng ngừa bệnh phong cùi. Sách thuốc Ấn Độ thuộc thế kỷ thứ VI trước công nguyên gọi nó là bệnh ”Kushta”.

Năm 1873 bác sĩ Gerhard Armauer Hansen, người Na Uy, đã khám phá ra vi khuẩn gây ra bệnh phong cùi, và người ta lấy tên ông để gọi vi khuẩn đó. Trong hội nghị quốc tế lần thứ VI về bệnh phong cùi, triệu tập tại Madrid thủ đô Tây Ban Nha hồi năm 1953 các giới chức chuyên môn cho biết có 4 loại phong cùi khác nhau.

Nhưng chỉ bắt đầu năm 1947 người ta mới chế ra loại thuốc trụ sinh Cochrane Dapson để trị bệnh phong cùi.

Ngày nay phong cùi là bệnh có thể chữa lành với 3 loại thuốc trụ sinh trộn lẫn với nhau: đó là Dapson và Clofazimin, bất đầu được sử dụng từ năm 1962, và từ năm 1971 có thêm loại thuốc thứ ba là Rifampicin.

Từ năm 1982 tới nay tổ chức Sức Khỏe Thế Giới khuyến khích sử dụng kiểu hóa chất trị liệu hỗn hợp này. Vì bệnh phong cùi phát xuất từ tình trạng thiếu vệ sinh, thiếu dinh dưỡng và hệ thống miễn nhiệm suy yếu, nên tại các nước kỹ nghệ giầu hầu như không có người bị bệnh. Tuy nhiên tại các nước nghèo trên thế giới số người bị phong cùi vẫn cao, đặc biệt là tại Ấn Độ. Hiện nay trên thế giới có 15 triệu người phong cùi, và trong năm 2008 vừa qua đã có thêm 270.000 người bị bệnh phong cùi.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bác sĩ Sunil Deepak, người Ấn Độ, giám đốc văn phòng y tế khoa học của Hiệp Hội Italia Bạn Người Cùi Raoul Follereau, về bệnh phong cùi.

Bác sĩ Deepak cũng là Chủ tịch Liên Hiệp quốc tế chống bệnh phong cùi, có trụ sở tại Luân Đôn. Trong các năm từ 1988 tới 2001 bác sĩ đã tham dự 20 sứ mệnh hỗn hơp của tổ chức Sức Khỏe Thế Giới, viết tắt là OMS, và các tổ chức khác của Liên Hiệp Quốc, tại các nước Uganda, Guinea Bissau, Trung Quốc, Ấn Độ, Eritrea, Brasil vv... Từ năm 1996 bác sĩ cũng là cố vấn văn phòng đặc trách về tàn tật và hồi phục của tổ chức Sức Khỏe Thế Giới và đã theo dõi hai sáng kiến do tổ chức đề ra: đó là chương trình hồi phục người tàn tật sống trong các khu xóm ổ chuột các nước Ấn Độ, Indonesia, Ai cập, Kenya, Brasil, Bolivia và Phi Luật Tân; thứ hai là các cuộc hội thảo về việc thực hiện các công tác trợ giúp người tàn tật tại các nước Campuchia, Nepal, Libăng, Nicaragua và Benin.

Hỏi: Thưa bác sĩ Deepak, từ rất nhiều năm qua bác sĩ đã dấn thân hoạt động chống lại bệnh phong cùi. Công việc của bác sĩ bao gồm những gì?

Đáp: Hiện nay tôi đặc trách văn phòng y khoa khoa học của Hội Bạn Italia của Raoul Follereau, và sinh hoạt chính yếu của tôi là bảo đảm làm sao để các dự án của chúng tôi cung cấp các đường hướng quốc tế cập nhật, và để cho các nhân viên làm việc tại các trung tâm phong cùi - nhân viên các chính quyền, các thừa sai, tu sĩ và anh chị em giáo dân - được đào tạo trong lãnh vực y khoa một cách thích đáng. Chúng tôi cũng cộng tác với nhiều trung tâm huấn luyện quốc tế và cũng trợ giúp các trung tâm này. Chúng tôi cũng tổ chức các khóa học, như khóa học tổ chức tại Bologna hồi tháng 6 năm 2008, với sự tham dự của các nhân viên thuộc nhiều tổ chức quốc tế và nhiều nước khác nhau.

Khía cạnh thứ hai trong công việc của tôi là lượng định và thu thập các dữ kiện liên quan tới tình hình của bệnh phong cùi trên thế giới ngày nay. Đây là công tác chuyên biệt mà chúng tôi thực hiện đều đặn, bằng cách tổ chức các chuyến viếng thăm của các cố vấn độc lập, vì chúng tôi không muốn ảnh hưởng trên các bản tường trình, chỉ vì sự kiện họ nhận trợ giúp của Hiệp Hội bạn người cùi Italia.

Khía cạnh thứ ba liên quan tới việc nghiên cứu. Một trung tâm riêng có thể làm các cuộc thí nghiệm có giá trị và chúng tôi như là tổ chức Hội bạn người cùi Italia, chúng tôi có thể thăng tiến các nghiên cứu tại nhiều trung tâm khác nhau trên toàn thế giới, vì tổ chức của chúng tôi thường xuyên liện lạc với các cá nhân, các chính quyền và các thừa sai cũng như hiệp hội thiện nguyên địa phương trên thế giới. Và như thế chúng tôi có thể nắm vững các kết qủa và các dữ kiện quan trọng giúp đề ra những đường nét hướng dẫn chung có giá trị trên bình diện toàn cầu.

Hỏi: Ngoài ra trong cương vị là Chủ tịch của Liên Hiệp quốc tế chống bệnh phong cùi, bác sĩ còn đảm trách sinh hoạt nào khác nữa không?

Đáp: Như là Chủ tịch của Liên Hiệp quốc tế chống bệnh phong cùi, tôi có nhiệm vụ phối hợp công việc của tất cả mọi tổ chức yểm trợ tài chánh, kỹ thuật máy móc, nhân lực, các bác sĩ cũng như các nhân viên y tế vv... để bảo đảm sự phân phối tài trợ một cách công bình. Chúng tôi cũng tìm cách nhận diện các vùng trên thế giới nơi có bệnh phong cùi trầm trọng, mà không được ai trợ giúp, để giao việc trợ giúp cho một tổ chức nào đó.

Ngoài ra hiện nay tôi cũng là cố vấn cho phân bộ tàn tật và phục hồi người tàn tật của tổ chức Sức Khỏe Thế Giới. Tôi đặc trách việc thăng tiến các chiến thuật trong các vùng đồng quê, nơi không có các cơ cấu y tế nền tảng hay các cơ cấu giúp phục hồi người tàn tật.

Bên cạnh việc trợ giúp người phong cùi Hiệp Hội Bạn Người Cùi Itallia cũng đặc trách các dự án y tế căn bản khác cho các anh chị em không được săn sóc y tế. Vì trong rất nhiều vùng nơi chúng tôi cung cấp các phương tiện trợ giúp người phong cùi không có cơ cấu y tế nào để lo cho sức khỏe của dân chúng.

Hỏi: Thưa bác sĩ Deepak, theo thống kê số trẻ em bị bệnh chiếm 14% trên tổng số người phong cùi. Đâu là các biện pháp cần có để chữa bệnh cho các em và hồi phục chúng vào cuộc sống xã hội?

Đáp: Tại những nơi có các trẻ em bị phong cùi như trong trung tâm người phong thì có các nhà nuôi trẻ. Ngày xưa việc tách rời con cái khỏi cha mẹ bị bệnh phong cùi rất quan trọng, vì người ta sợ con cái bị lây bệnh của cha mẹ. Nhưng từ 30 năm qua với các thứ thuốc mới phương pháp tách rời này không cần thiết nữa, vì chỉ trong vài ngày là hầu hết các em có thể khỏi bệnh. Liên quan tới việc phòng ngừa, người ta nhận thấy thuốc chủng BCG chống lao phổi khiến cho các em cũng có sức đề kháng chống bệnh phong cùi. Và cho tới nay đó là phương thế duy nhất ngừa bệnh phong cùi nơi trẻ em.

Tuy nhiên cần phải thăng tiến các điều kiện sống khác nữa giúp phòng ngừa bệnh phong cùi như dậy vệ sinh, cung cấp lương thực đầy đủ và hướng dẫn giáo dục. Và phải gây ý thức cho các phụ huynh cũng như trẻ em.

Hỏi: Bác sĩ có hài lòng về Ngày Quốc Tế Phong Cùi lần thứ 51 hay không?

Đáp: Vâng, tôi hài lòng về ngày này, cả khi tôi nhận thấy bệnh phong cùi không phải là bệnh duy nhất trầm trọng trên thế giới. Còn có nhiều thứ bệnh khác nữa vẫn còn tiếp tục giết hại, mặc dù chúng ta có tất cả các phương tiện tối tân mà vẫn không diệt trừ nước. Chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ tới 10 triệu trẻ em chết mỗi năm, rồi nghĩ tới số trẻ em chết tại Sierra Leone tới 32% nghĩa là cứ 1000 em thì chết 327 em. Nhưng tôi nghĩ rằng bệnh phong cùi là dấu chỉ đối với các bất công xã hội, chiến tranh, nghèo đói, do đó chương trình của chúng tôi là thăng tiến việc can thiệp toàn diện.

Hỏi: Theo bác sĩ cần phải làm gì để duy trì sự chú ý của mọi người đối với bệnh phong cùi, và không chỉ chú ý một ngày trong năm mà thôi?

Đáp: Hiệp Hội Bạn Cùi Italia rất may vì không chỉ hiện diện ở Bologna mà thôi, nhưng có tới 60 nhóm rải rác khắp nơi trên toàn nước Italia. Chúng tôi có các sáng kiến khác nhau. Đây là các thành viên hoạt động, các hiệp hội và các thành viên dấn thân thuộc hơn 100 quốc gia trên thế giới làm việc trong các chương trình thăng tiến khác nhau, đặc biệt là thăng tiến an sinh. Chẳng hạn như trong trường hợp 10 triệu trẻ em chết hằng năm có tới 23% chết vì bệnh tiêu chảy, không phải vì thiếu thuốc mà vì không có nước trong lành để uống.
 
(FIDES 27-1-2009)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.