2009-02-04 17:56:38

Noi gương sống và học hiểu giáo huấn của thánh Phaolo để củng cố căn cước Kitô và canh tân Giáo Hội


”Chúng ta phải noi gương sống của thánh Phaolô và học hiểu giáo huấn của người để củng cố căn cước kitô và canh tân toàn thể Giáo Hội”. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước 8000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi găp gỡ chung hằng tuần với Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 4-2-2009. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói tới cái chết của thánh Phaolô. Truyền thống cổ xưa nói rằng thánh nhân đã bị tử đạo tại Roma. Nhưng Tân Ước không nói gì về sự kiện này. Sách Công Vụ chỉ nói tới điều kiện thánh Phaolô bị tù tại Roma, và có thể tiếp đón mọi người (x. Cv 28,30-31). Trong thư thứ II gửi Timoteo thánh nhân cho chúng ta biết: ”Còn tôi tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra di” (x. 2 Tm 4,6; Pl 2,17). Thánh nhân dùng hình ảnh phụng tự của lễ tế, như đã dùng trong thư gửi giáo đoàn Philipphê, để giải thích cái chết tử đạo của mình như là tham dự vào hy tế của Chúa Kitô, và hình ảnh hàng hải con thuyền tới bến để ám chỉ cái chết đổ máu của mình.

Chứng từ rõ ràng đầu tiên về cái chết của thánh Phaolô là vào khoảng năm 90, tức ba thập niên sau khi thánh nhân qua đời. Đó là bức thư Giáo Đoàn và Giám Mục Roma là Clemente I gửi cho giáo đoàn Côrintô, mời gọi tín hữu noi gương thánh Phaolô. Thư viết:

”Vì sự ghen tương và bất đồng ý kiến Phaolô bị bó buộc cho chúng ta thấy phải đạt phần thưởng sự kiên nhẫn như thế nào. Bị bắt giữ 7 lần, bị đầy ải, ném đá, thánh nhân đã là kẻ rao giảng Chúa Kitô bên Phương Đông và bên Phương Tây, và vì lòng tin người đã chiếm hữu được một vinh quang tinh tuyền. Sau khi rao giảng công lý cho toàn thế giới và sau khi đạt tới tận cùng đông phương, người chịu tử đạo trước các kẻ cầm quyền; như thế người chịu đau khổ từ đời này và đạt nơi thánh thiện và trở thành mẫu gương lớn lao của lòng kiên nhẫn” ( 1 Clem 5,2). Sự kiên nhẫn được nói tới ở đây ám chỉ việc thông phần của người vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, ám chỉ lòng quảng đại và kiên trì của người trên con đường khổ đau, đến độ có thể nói rằng: ”Tôi mang trên mình tôi các vết thương của Chúa Giêsu” (Gl 6,17). Thư của Giám Muc Clemente nói tới ”tận cùng tây phương”, khiến cho các học gỉa tranh luận cho rằng thánh Phaolô đã sang tới Tây Ban Nha. Có điều chắc chắn là trong thư gửi tín hữu Roma thánh nhân có cho biết người muốn sang giảng đạo bên Tây Ban Nha.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha ghi nhận sự kiện ý nghĩa này đó là trong thư Giám Mục Clemente để hai tên Phêrô và Phaolô liền nhau, cả khi trong bút tích thuộc thế kỷ thứ IV của Eusebio thành Cesarea thứ tự bị đổi. Đề cập tới hoàng đế Neron, tác giả viết: ”Trong thời ông cai trị Phaolô bị chặt đầu chính tại Roma và Phêrô thì bị đóng đanh. Câu chuyện được minh xác bởi tên Phêrô Phaolô ngày nay còn ở trên mộ của các vị trong thành phố này” (Hist.. eccl. 2,25,5). Rồi Eusebio tiếp tục kể lại lời tuyên bố của một linh mục Roma tên là Gaio, hồi đầu thế kỷ thứ II: ”Tôi có thể chỉ cho bạn thấy các chiến tích của các tông đồ: nếu bạn tới Vaticăng hay trên đường Ostiense, bạn sẽ tìm thấy các chiến tích của các vị sáng lập Giáo Hội” (ibid. 2,25,6-7). Các chiến tích là chính các mộ của hai thánh Phêrô và Phaolô, mà ngày nay, sau hai nghìn năm, chúng ta còn tôn kính tại chính các nơi này: thánh Phêrô ở đây tại Vaticăng và thánh Phaolô trong đền thờ thánh Phaolô Ngoại Thánh trên đường Ostiense.

Đức Thánh Cha cũng ghi nhận sự kiện hai tông đồ cả cùng được nhắc tới, cả khi không có tài liệu cổ nào đề cập tới sự kiện hai vị thi hành thừa tác đồng thời với nhau tại Roma, nhưng ý thức kitô sau đó đã dựa trên sự kiện cả hai vị được chôn cất tại Roma nên coi cả hai như là các vị sáng lập ra Giáo Hội Roma. Đề cập tới việc kế vị các tông đồ Ireneo thành Lyon sống vào cuối thế kỷ thứ II viết: ”Vì kể hết ra các việc kế vị của tất cả mọi Giáo Hội thì dài qúa, chúng ta chỉ nói đến Giáo Hội vĩ đại mọi người đều biết là Giáo Hội đã được hai tông đồ Phêrô Phaolô thiết lập tại Roma thôi” (Adv. haer. 3,3,2).

Rồi Đức Thánh Cha nói tới cái chết của thánh Phaolô được sách Công Vụ Phaolô ghi nhận như sau:

Sách kể lại rằng hoàng đế Neron kết án chém đầu thánh nhân, và án được thi hành ngay sau đó (x. 9,5). Các tài liệu cổ xưa cho biết giữa cuộc bách hại của hoàng đế Neron sau vụ thành Roma bị hỏa hoạn hồi tháng 7 năm 64 và năm cuối cùng của triều đại Neron là năm 68 (x. Gerolamo, De viris ill. 5,8). Thời điểm xê xích tùy theo ngày thánh Phaolô tới Roma.

Các truyền thống tiếp theo xác định hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất có vẻ truyền kỳ hơn đó là biến cố thánh nhân tử đạo xảy ra tại Acquae Salviae trên đường Laurentina, thủ cấp của thánh nhân nhảy ba lần và mỗi lần khiến cho một con suối từ đất vọt lên, vì thế nơi này có tên gọi là Tre Fontane, Ba Suối. Yếu tố thứ hai phù hơp với chứng tá của linh mục Gaio, thánh nhân được chôn cất ”ngoài thành, dặm thứ hai trên đường Laurentina”, ”trong đất của Lucina” là một phụ nữ kitô (Passione di Paolo dello Pseudo Abdia, thuộc thế ky thứ IV). Tại đây vào thế kỷ thứ IV hoàng đế Constantino cho xây một đền thờ đầu tiên, được các hoàng đế Valentiniano II, Teodosio và Arcadio nới rộng giữa thế kỷ thứ IV và thứ V. Sau vụ hỏa hoạn hồi năm 1800 đền thờ được xây lại như trông thấy hiện nay.

Dầu sao đi nữa gương mặt của thánh Phaolô lớn hơn là cuộc sống trên dương thế và cái chết của ngài, vì thánh nhân đã để lại một gia tài tinh thần rất lớn.... Vì chẳng bao lâu sau, các thư của người đã được dùng trong các bài đọc phụng vụ, và nhờ thế tư tưởng của thánh nhân trở thành lương thực tinh thần cho tín hữu thuộc mọi thời đại.

Và dĩ nhiên là các thư và nền tu đức của thánh nhân đã dưỡng nuôi cuộc sống của các Giáo Phụ và mọi thần học gia. Cho tới ngày nay thánh Phaolô là vị thầy và là tông đồ đích thật của dân ngoại. Tác phẩm chú giải đầu tiên thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Roma là của giáo phụ Origene thần học gia lớn của trường phái Alessandria. Ngoài việc chú giải các thư của thánh Phaolô Thánh Gioan Kim Khẩu còn viết 7 bài ca tụng đáng ghi nhớ. Thánh Agostino đã hoán cải là nhờ đọc các thư của thánh Phaolô và suốt đời trích thánh Phaolô. Từ việc liên tục đối thoại với thánh nhân, nảy sinh ra nền thần học công giáo và tin lành.

Thánh Toma Aquino cũng để lại cho chúng ta tác phẩm chú giải các thư của thánh Phaolô, tiêu biểu cho khoa chú giải Kinh Thánh thời Trung Cổ. Vào thế kỷ XVI xảy ra phong trào Cải cách với Lutero là người đã tìm ra một kiểu chú giải mới giáo thuyết công chính hóa giải thoát khỏi mọi âu lo sợ hãi của qúa khứ và trao ban một sự tin tưởng triệt để nơi lòng lành của Thiên Chúa, là đấng tha thứ vô điều kiện. Từ đó Lutero đồng hóa chủ trương duy luật lệ do thái kitô với sự nô lệ luật lệ trái nghịch với sự tự do của Tin Mừng. Công Đồng Chung Trento từ năm 1545 tới 1563 đã giải thích sâu rộng sự công chính hóa và tìm thấy trong toàn truyền thống công giáo tổng kết giữa luật lệ và Tin Mừng, phù hợp với sứ điệp của toàn Kinh Thánh.

Trong thế kỷ XIX ảnh hưởng của thuyết thiên quang luận đã giúp phát triển kiểu chú giải phê bình lịch sử. Trong hai thế kỷ XIX và XX người ta đã nói xấu thánh Phaolô. Điển hình như triết gia Nietsche đã chế nhạo thần học sự khiêm nhường của thánh nhân và đối nghịch lại bằng thần học của con người mạnh mẽ và quyền năng.

Ý niệm về sự tự do của thánh Phaolô là nòng cốt tư tưởng của thánh nhân. nhưng ngày nay nó được giải thích trong bối cảnh của chủ thuyết tân tự do. Người ta cũng đối chọi sự rao giảng của thánh Phaolô với sự rao giảng của Chúa Giêsu và cho rằng thánh nhân là sáng lập viên mới của Kitô giáo.

Điều đúng là Nước Trời như trung tâm điểm lời loan báo của Chúa Giêsu đã trở thành trung tâm điểm của Kitô học, có tuyệt đỉnh là mầu nhiệm phục sinh. Từ mầu nhiệm phục sinh phát xuất ra các bí tích Rửa tội và Thánh Thể như sự hiện diện thường hằng của mầu nhiệm đó và là thần lương làm cho Thân Mình Chúa Kitô lớn lên và xây dựng Giáo Hội. Nước Thiên Chúa hiện thực trong trung tâm mới của nền Kitô học và mầu nhiệm phục sinh, khiến cho lời loan báo của Chúa Giêsu trở thành cụ thể, hiện diện và hoạt động.

Trong mấy chục năm qua xảy ra nhiều khác biệt giữa khoa chú giải công giáo và khoa chú giải tin lành nhưng lại thực hiện được sự đồng thuận liên quan tới điểm gây chia rẽ lịch sử giữa hai bên. Đây là niềm hy vọng lớn của phong trào đại kết.

Sau cùng Đức Thánh Cha nhắc đến ba dòng lớn mang tên của thánh Phaolô là dòng Thánh Phaolô gọi là dòng Barnabiti thuộc thế kỷ XVI, dòng Thừa Sai thánh Phaolô gọi là dòng Pauliti thuộc thế kỷ XIX và Gia đình Phaolô do chân phước Giacomo Alberione thành lập trong thế kỷ XX.

Khi noi gương thánh Phaolô và tìm hiểu giáo lý của người là chúng ta củng cố căn cước kitô và canh tân toàn Giáo Hội.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.