2009-02-02 15:04:25

Ngày quốc tế các gia đình công giáo lần thứ VI tại Mêhicô


Một số nhận định của Đức Hồng Y Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Gia Đình, về Đại hội quốc tế các gia đình công giáo lần thứ VI tại thành phố Mehicô

Trong các ngày từ 14 đến 18-1-2009, Đại hội quốc tế các gia đình công giáo kỳ VI đã diễn ra tại thành phố Mehicô ,với sự tham dự của các phái đoàn thuộc 98 quốc gia, 30 Hồng Y, hơn 200 Giám Mục, 318 nhà báo quốc tế và hơn 1 triệu tín hữu. Trong thánh lễ bế mạc đại hội ngày 18-1-2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ngỏ lời với mọi người qua hệ thống truyền hình vệ tinh.

Ngài khẳng định rằng gia đình ”là trường dậy nhân bản và cuộc sống Kitô đối với tất cả các thành phần của nó, với các hiệu qủa ích lợi cho các cá nhân, Giáo Hội và xã hội”. Đức Thánh Cha đã kêu mời mọi người hiệp nhất với các hiệp hội thăng tiến căn cước và các quyền của gia đình, theo một quan niệm nhân chủng học trung thực với Tin Mừng. Đức Thánh Cha cũng khích lệ các hiệp hội cộng tác chặt chẽ với nhau trong công tác cao qúy này.

Trong phần đầu của sứ điệp Đức Thánh Cha đã nêu bật tầm quan trọng của việc cầu nguyện chung trong gia đình, vì khi đối diện với Lời Chúa gia đình được biến đổi và cuộc sống cá nhân và gia đình cũng trở nên tốt lành hơn. Việc cầu nguyện cũng là phương thế hữu hiệu giúp thông truyền lòng tin cho con cái và làm cho sự hiệp nhất trong gia đình lớn mạnh.

Một trong các vấn đề đã được thảo luận trong hội nghị thần học mục vụ gia đình mấy ngày trước đó là cuộc khủng hoảng của các người cha và các gia đình chỉ có mẹ. Con số các vụ ly dị và ly thân gia tăng khiến cho các người cha gặp khủng hoảng: xem ra họ giòn mỏng và ít tự tin hơn. Bên cạnh đó là số gia đình không có cha gia tăng tại các quốc gia Mỹ Latinh. Thống kê hiện nay cho biết tại Châu Mỹ Latinh có tới 20% tổng số các gia đình chỉ có người mẹ. Một gia đình không có bóng dáng người cha, hay có gương mặt nam giới bị mờ nhạt, thì có nguy cơ chỉ chu toàn một phần các nhiệm vụ giáo dục của mình, hay chu toàn chúng một cách rời rạc.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Gia Đình, về Đại hội quốc tế các gia đình công giáo lần thứ VI tại thành phố Mehicô.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, gia đình có tầm quan trọng nào trong thế giới ngày nay và đâu là sứ điệp chính của Đại hội quốc tế các gia đình công giáo kỳ VI tại Mehicô?

Đáp: Gia đình là tế bào nòng cốt của xã hội, một cơ cấu không thể thay thế được. Một gia đình lành mạnh đem lại rất nhiều thiện ích cho xã hội. Trái lại một gia đình tan nát khiến cho các vấn đề xã hội gia tăng. Gia đình không thể thay thế được đối với việc giáo dục các thế hệ mới cũng như đối với việc đào tạo các nhân đức nhân bản và xã hội.

Xã hội không thể chỉ dựa trên sự quân bình của các ích kỷ hay trên luật lệ hoặc sức mạnh công cộng. Cần có những xác tín sâu xa và các giá trị tinh thần và văn hóa, mà chỉ có gia đình mới có thể thông truyền một cách thích hợp thôi. Thật vậy, trong gia đình chúng ta giáo dục trẻ em và người trẻ trong một bầu khí yêu thương, và tình yêu thương làm nảy sinh ra sự tin tưởng nơi chúng. Tất cả những điều được thông truyền đó khiến cho các giá trị luân lý trở thành các yếu tố cấu tạo cuộc sống và được nhận thức như là những đòi buộc của cuộc sống con người. Chúng không phải là các điều luật trừu tượng được áp đặt từ bên ngoài. Ngoài ra, gia đình cũng quan trọng trên bình diện kinh tế: chúng ta hãy nghĩ tới các sinh hoạt doanh thương có tính cách gia đình, hay tới công việc của các gia đình thì đủ biết. Tóm lại, chúng ta đang đứng trước gia đình là ”một phòng thí nghiệm của tính cần mẫn” và sự cộng tác, thiết yếu cho cuộc sống xã hội.

Hỏi: Các xác tín này đã là gia tài được huấn quyền phổ biến rộng rãi. Làm thế nào để đề nghị chúng với tất cả mọi người thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trong đại hội thần học mục vụ về gia đình tại thủ đô Mehicô, chúng tôi đã trưng dẫn kết qủa của nhiều cuộc nghiên cứu xã hội học và để cho các sự kiện này nói với mọi người. Hơn thế nữa Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình đang dự tính đưa ra đề nghị gia tăng các nghiên cứu loại này, để chứng minh cho thấy gia đình lành mạnh đem lại rất nhiều thiện ích cho xã hội; trong khi gia đình tan nát tạo ra các vấn đề cho xã hội. Kết qủa các nghiên cứu này sẽ được chuyển tới các giới lãnh đạo xã hội, các chính trị gia và các nhà làm luật.

Hỏi: Nhưng mà thưa Đức Hồng Y, ngày nay cả quan niệm về gia đình cũng bị tấn công nữa. Đại hội quốc tế các gia đình công giáo vừa qua đã nói gì liên quan tới điểm này?

Đáp: Chúng ta phải dấn thân trong việc tái đánh giá gia đình đích thật, bao gồm sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ, và nối kết các thế hệ với nhau. Tự nó gia đình là một sự hiệp thông giữa các khác biệt. Rất tiếc là ngày nay có một loại não trạng duy bình đẳng nào đó muốn chối bỏ chúng. Và như thế người ta có khuynh hướng giảm thiểu sự khác biệt nam nữ, và thay thế phái tính với ý niệm ”giống”, là một dữ kiện thuộc phạm trù văn hóa. Nói cách khác, ngày nay người ra cho rằng mỗi người có thể tự khẳng định phái tính của mình, làm như có thể lựa chọn nhuộm một mầu tóc nào đó như mình muốn. Trái lại thiên nhiên có các luật lệ khách quan của nó, cần phải được tôn trọng.
 
Hỏi: Nói chung tình hình sức khỏe của gia đình trên thế giới ngày nay ra sao thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Dựa trên các chứng từ của các gia đình năm châu, tôi có thể nói rằng giá trị gia đình được thừa nhận ở khắp mọi nơi trên thế giới này. Nhưng chúng tôi cũng ghi nhận sự kiện khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tiêu thụ, các ý thức hệ về ”giống”, kiểu cách tổ chức công việc duy cá nhân chủ nghĩa... , tạo ra rất nhiều khó khăn cho gia đình ở mọi vĩ tuyến trên trái đất này. Chúng ta đang chứng kiến một loại toàn cầu hóa các khuynh hướng đe dọa gia đình đích thực. Tuy nhiên từ đại hội và từ cuộc găp gỡ của các gia đình công giáo tại thành phố Mehicô, cũng nảy sinh ra lời mời gọi luôn luôn coi gia đình như một tài nguyên phong phú cho công tác truyền giảng Tin Mừng cũng như cho xã hội dân sự. Điều này đòi hỏi một đàng nơi Giáo Hội một công tác mục vụ cho và với gia đình, đàng khác đòi hỏi nơi giới lãnh đạo chính trị biết đối thoại nhiều hơn, chẳng hạn như đối thoại với các hiệp hội quy tụ và đại diện các gia đình.

Hỏi: Thật thế thưa Đức Hồng Y, vì Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã mời gọi các anh chị em giáo dân làm chứng tá công khai cho gia đình, có phải vậy không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Đây là một lời mời gọi nền tảng. Cần phải động viên các gia đình để các gia đình nắm vai chính trong cuộc sống xã hội. Điều này xảy ra nếu các gia đình gia nhập các hiệp hội, và nếu các hiệp hội kết hiệp với nhau thành một mạng lưới, như đã được làm tại Italia với Diễn Đàn gia đình. Trong cách thế đó các gia đình mới có tiếng nói công cộng và ảnh hưởng trên các giới chức chính trị. Công tác mục vụ gia đình cũng phải mời gọi các gia đình quy tụ lại với nhau ngay từ nền tảng, chẳng hạn qua các buổi gặp gỡ cầu nguyện, chung sống, đào tạo và liên đới với nhau, thì khi đó các gia đình sẽ trở thành một sức mạnh. Thế rồi trên bình diện giáo hội cũng cần phải tìm cách thông truyền các kinh nghiệm tích cực, để khích lệ và trao ban can đảm cho người khác.

Hỏi: Từ việc duyệt xét sức khỏe gia đình trên thế giới trong đại hội quốc tế các gia đình công giáo tại Mêhicô, tình trạng gia đình tại Âu châu như thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Nói thật ra thì đại lục âu châu đã không nắm nhiều vai trò trong đại hội này, có lẽ vì khoảng cách xa xôi. Đã nảy sinh ra các vấn đề liên quan tới dân số tại Âu châu. Chúng ta biết là tại nhiều vùng Âu châu số sinh ở mức tối thiểu. Nhưng các cặp vợ chồng muốn có nhiều con hơn. Vì thế cần phải cấp thiết trợ giúp sự sinh sản qua hệ thống thuế má công bằng hơn hay qua các phương tiện khác, làm sao để các gia đình được trợ giúp nhiều hơn khi có con cái. Tại những nước như nước Pháp, đường lối chính trị thăng tiến và trợ giúp gia đình đã khiến cho số sinh gia tăng. Mùa đông dân số tại Âu châu sẽ tạo ra các vấn đề lớn về kinh tế và văn hóa. Nếu thiếu sự canh tân và óc sáng tạo, thì chính làn sóng của các người di cư sẽ có thể tạo ra tình trạng khiến cho các nước âu châu đánh mất đi căn cước của mình. Vì thế không phải vô tình mà Đức Gioan Phaolô II đã nói tới một cuộc ”tự tử dân số” của Âu châu.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, làm thế nào để tiếp nối công việc của đại hội quốc tế các gia đình công giáo Mehicô cho tới đại hội quốc tế các gia đình công giáo tới sẽ được triệu tập tại Milano, bắc Italia vào năm 2012?

Đáp: Chúng tôi có một đề tài thời sự hơn cho đại hội lần tới tại Milano: đó là ”gia đình, công việc làm và ngày lễ”. Đây là ba thực tại nối kết chặt chẽ với nhau, vì gia đình không thể sống mà không có công ăn việc làm. Nhưng gia đình cũng cần có ngày lễ, để nghỉ ngơi một cách chính đáng và để cho các thành phần gia đình sống quây quần bên nhau. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến một xã hội liên tục giải trí, nhưng lại không biết mừng lễ; một xã hội liên tục làm việc nhưng lại không biết chú ý đến các nhu cầu của gia đình. Trái lại, thật là điều quan trong khi thế giới lao động trở lại làm bạn với gia đình. Vì thế các suy tư mà chúng tôi sẽ đưa ra trong các năm tới đây sẽ có tầm quan trọng lớn.

(Avvenire 25-1-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.