2009-01-26 17:04:10

Nền tảng của mọi xã hội là sự thánh thiêng


Sự thánh thiêng như là nền tảng của mọi xã hội. Một số nhận định của ông Maurice Godelier, giáo sư nhân chủng học

Hồi cuối năm 2008 ông Maurice Godelier, chuyên viên nhân chủng học đã cho phát hành cuốn sách tựa đề ”Nền tảng của các xã hội con người”, trong đó ông khẳng định rằng nền tảng của các xã hội con người ngay từ thời tiền sử là sự thánh thiêng siêu việt, chứ không phải là sự trao đổi người hay hàng hóa và liên hệ bà con.

Thật thế, khi nói tới xã hội người ta thường liên tưởng tới các yếu tố diễn tả cuộc sống có tổ chức, trong đó có các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Nhưng người ta chú ý nhiều hơn tới các yếu tố chính trị kinh tế và hành chánh quản trị, mà lơ là với các yếu tố tinh thần. Và trong một xã hội tục hóa như xã hội ngày nay, người ta có khuynh hướng coi thường các yếu tố tinh thần, thiêng liêng, siêu việt. Chẳng những chúng không được trân trọng bảo tồn duy trì và phát huy như là nhân tố nền tảng của cuộc sống con người, mà rất thường khi còn bị bài bác, tấn kích và vứt bỏ như những đồ cũ rích, thừa thãi và choáng chỗ một cách vô ích trong cuộc sống con người nữa.

Đây đang là thảm cảnh của các xã hội tây âu phát triển kỹ nghệ tân tiến: một xã hội đang bị bệnh ”mất máu tinh thần” và ”trống rỗng tâm linh”.

Tuy nhiên đây không phải là tư tương của giáo sư Maurice Godelier, là người đặt nền tảng xã hội trên sự thánh thiêng.

Giáo sư Maurice Godelier là một nhà nhân chủng học nổi tiếng thế giới, và là một trong những người sáng lập nền nhân chủng học kinh tế tại Pháp. Sau đây là một số nhận định của giáo sư về sự thánh thiêng siêu việt như là nền tảng và điểm tham chiếu của các xã hội con người.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong cuốn sách ”Nền tảng của các xã hội con người” giáo sư đã khẳng định rằng nền tảng của mỗi một xã hội con người là một cái gì thánh thiêng. Nhưng mà thánh thiêng là gì thưa giáo sư?

Đáp: Sự thánh thiêng không chỉ là cái gì liên quan tới tôn giáo. Thánh thiêng là tất cả những gì chúng ta không thể mua bán được, cũng không thể cho được, mà phải được duy trì để thông truyền lại cho các thế hệ khác như là điểm tựa nòng cốt của căn tính con người, mà chúng ta ước mong cho nó sống mãi trong dòng thời gian. Nói rằng các xã hội được xây dựng trên sự thánh thiêng có nghĩa là phản đối một trong các bằng chứng nhân chủng học được lập đi lập lại từ nhiều thập niên qua, cho rằng các xã hội con người được xây dựng trên sự trao đổi người hay hàng hóa và qùa tặng nhau. Hiến pháp của chúng tôi không phải là một vật có thể trả giá, khác với các lá phiếu có thể mua bán, nhưng nó là của dân tộc Pháp đã tự ban cho mình như là luật sống chung, và không ai có thể hủy bỏ, mà chỉ có thể tu chính và bổ túc mà thôi.

Có thể nói rằng sự thánh thiêng chứa đựng tôn giáo và tích hợp chính trị; tôn giáo và chính trị là hai yếu tố nguồn gốc của mọi xã hội, trong mức độ trong đó bao hàm việc thiết định chủ quyền tối thượng.

Hỏi: Như thế giáo sư định nghĩa một tôn giáo như thế nào?

Đáp: Trong lãnh vực của một xã hội nó là toàn bộ các tương quan, mà các thành phần xã hội thiết lập với các thực thể vô hình, nhưng được coi như hoạt động trên lộ trình của vũ trụ và trong diễn tiến của cuộc sống thường ngày. Dựa trên đó một tôn giáo trao ban một quy chế đặc biệt cho các cá nhân xác định như các thầy phù thủy, hay các nhóm xã hội như các tư tế hoặc các đan sĩ. Nhưng một tôn giáo không chỉ là một toàn bộ các tín ngưỡng, lễ nghi và quy chế xã hội, mà nó cũng bao gồm các kiểu suy tư và các điều lệ hành xử, cũng như các đòi buộc và các cấm đoán nữa.

Hỏi: Vậy thưa giáo sư, đâu là các nhiệm vụ gắn liền với sự thánh thiêng?

Đáp: Các nhiệm vụ tôn giáo bao gồm việc cử hành các lễ nghi và các hiến tế nhằm cộng tác vào việc mưu cầu hạnh phúc cho con người, nối kết họ với các thần linh và các bậc tổ tiên. Các nhiệm vụ chính trị liên quan tới việc cai quản xã hội, duy trì một trật tự xã hội được coi là dựa trên trật tự tự nhiên và trật tự vũ hoàn. Có nhiều thí dụ cho thấy sự tương tác giữa hai nhiệm vụ: từ các braman của Ấn Độ tức giới tư tế, là giai tầng xã hội cao nhất trong 4 giai tầng lớn của xã hội Ấn, cho tới pharaô là thần sống của Ai Cập, rồi tới hoàng đế như cột trụ nòng cốt của xã hội Trung Hoa: hoàng đế là người duy nhất có nhiệm vụ chu toàn các lễ nghi tế tự nối liền Đất với Trời vv...

Hỏi: Điều gì xảy ra khi các nhiệm vụ tôn giáo và các nhiệm vụ chính trị bị tách rời nhau một cách triệt để như đã xảy ra bên Tây Phương bị tục hóa, đặc biệt là tại Pháp ngày nay thưa giáo sư?

Đáp: Việc tách rời giữa Nhà Nước và Giáo Hội là điều mới có đây thôi. Nó đã được chuẩn bị bởi chủ thuyết thiên quang luận, rồi được lấy lại ở nơi khác, đặc biệt là tại Liên Xô, nhưng mà tại Liên Xô chủ thuyết mác xít đã trở thành tôn giáo... Sự tách rời hay bẻ gẫy giữa Nhà Nước và Giáo Hội đó đã cho phép các khoa học nhân văn tự khẳng định: vì khi người ta thôi nghĩ rằng nền tảng của một xã hội có nguồn gốc thiên linh, thì khi đó nó có thể trở thành đối tượng của các nghiên cứu khoa học. Trong nghĩa này chủ thuyết Thiên quang luận đã mở đường cho lịch sử và các khoa học xã hội, nhưng nó đã quan niệm lịch sử như là sự tiến hóa của nhân loại, từ tình trạng mọi rợ cho tới nền văn minh. Thế rồi cần phải loại bỏ quan niệm tiến hóa, là thuyết vẫn còn được các nhà sáng lập ra nền nhân chủng học của thế kỷ XIX như Lewis Morgan và Edward Tylor, ủng hộ. Đối với nhà nhân chủng học Morgan, người Mỹ, hình thái cao nhất của nền văn minh đã là xã hội Hoa Kỳ, vì hồi đó Âu châu vẫn còn phải tính sổ với các tàn tích của chế độ phong kiến.

Hỏi: Trong tác phẩm mới xuất bản giáo sư đã dành ra một phần lớn cho việc nghiên cứu biến cố khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tại sao vậy?

Đáp: Năm 2003 tôi đã nộp cho Ủy ban Âu châu một bản tường trình về tầm quan trọng của các khoa học học nhân văn và xã hội đối với việc giải thích sự tiến hóa của thế giới hiện đại. Và tôi đã dùng biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 để minh giải bản tường trình đó. Tôi đã bị ấn tượng mạnh bởi sự kiên 15 trên tổng số 19 tên khủng bố là người A Rập Saudi, và như thế họ thuộc quốc gia đồng minh gần gũi và thân thiết nhất với Hoa Kỳ trong tất cả mọi quốc gia vùng Trung Đông. Khi tìm hiểu nguồn gốc nước A rập Sauđi, tôi đã khám phá ra rằng nó đã chào đời ngay từ hồi năm 1742, do giao ước ký kết giữa Muhammad Ibn Abdal Wahhab, là người đã bị dòng tộc của ông tẩy chay vì đã đề nghị một cuộc cải cách nghiêm ngặt đối với Hồi giáo theo khuynh hướng gọi là Wahhabismo, và Mohammed Ibn Saud, là tộc trưởng tìm cách thống trị các bộ lạc khác của vùng Trung A rập.

Ngoài ra trong số 15 tay khủng bố người A rập Sauđi, thì có 11 người thuộc liên hiệp các bộ lạc không hoàn toàn theo lập trường của dòng họ Saud cai trị A rập Sauđi. Các tay khủng bố này đã biện minh cho hành động khủng bố của họ, bằng cách trưng dẫn luật thánh chiến của chủ trương Wahhabismo, khích lệ chiến đấu chống lại người Do thái và các Kitô hữu và chống lại Tây Phương nói chung.

Việc phân tích này đã cho phép tôi chứng minh rằng để có thể hiểu lý do các vụ khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001, thì cần phải quy chiếu hàng chục bộ môn và lãnh vực khác nhau như: lịch sử và kinh tế vùng Cận Đông và Trung Đông, thần học hồi giáo, nhân chủng học, chiến thuật địa lý, tâm lý các người khủng bố và phân tâm học vv...

Hỏi: Thưa giáo sư, trong nghĩa nào các vụ khủng bố mưu sát xác định các giả thuyết của giáo sư liên quan nền tảng của các xã hội con người?

Đáp: Ngay từ thế kỷ thứ XVIII tại A rập Sauđi đã có sự hiệp nhất giữa chính trị và tôn giáo, giữa một ”sceicco” địa phương có tham vọng và một người chủ trương cải cách Hồi giáo. Sự kết hiệp này đã làm nảy sinh ra một quốc gia mới đã thống trị được các bộ lạc sống trong vùng trung A rập, và thành lập một phẩm trật mới giữa các liên hiệp bộ lạc dựa trên thứ bậc gần gũi của chúng với nhà vua A Rập Sauđi. Các thứ bậc liên hệ này có được qua các cuộc hôn nhân với các thành phần của hoàng gia hay qua các tương quan khác.

Và thế là người ta chứng kiến cảnh quốc gia hóa các bộ lạc đồng thời cũng là cảnh bộ lạc hóa quốc gia. Trong trường hợp này các tương quan chính trị tôn giáo đã nắm giữ một vai trò nền tảng, và đối với tương lai của A rập Sauđi nó là vai trò kiểm soát các nơi thánh của Hồi giáo là La Mecca và Medina. Vai trò này còn quan trọng hơn là các tương quan kinh tế dựa trên việc khai thác dầu hỏa.

(Avvenire 23-12-2008)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.