2009-01-22 15:15:49

Để hiệp nhất phải canh tân nội tâm và sống gắn bó với Chúa Kitô


”Để hiệp nhất mọi thành phần Dân Chúa phải canh tân nội tâm đích thật và sống gắn bó với Chúa Kitô. Đó là điều kiện cần thiết cho phong trào đại kết”. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung khoảng 7000 tín hữu sáng thứ tư 21-1-2009 trong đại thính đường Phaolô VI.

Vì Giáo Hội đang ở trong tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý về hiệp nhất. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Anh chị em thân mến, tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô”, đã bắt đầu ngày Chúa Nhật vừa qua và sẽ kết thúc vào Chúa Nhật 25 tháng giêng tới này là lễ thánh Phaolô tông đồ trở lại. Đây là sáng kiến tinh thần qúy báu ngày càng lan rộng giữa các tín hữu kitô, để đáp lại lời Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa Cha trong Nhà Tiệc Ly, trước khi chịu khổ nạn: ”Xin cho chúng nên một, để thế gian tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21).

Trong lời cầu linh mục này 4 lần Chúa Giêsu đã xin cho các môn đệ được hiệp nhất theo hình ảnh sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Đây là một sự hiệp nhất chỉ có thể lớn lên theo gương tự hiến của Chúa Con cho Chúa Cha, nghĩa là ra phải khỏi chính mình và hiệp nhất với Chúa Kitô. Ngoài ra trong lời cầu này hai lần Chúa Giêsu thêm mục đích của sự hiệp nhất: là để thế gian tin. Như vậy sự hiệp nhất trọn vẹn gắn liền vời cuộc sống và sứ mệnh của chính Giáo Hội trong thế giới này. Giáo Hội phải sống một sự hiệp nhất chỉ có thể phát xuất từ sự hiệp nhất của Giáo Hội với Chúa Kitô, với sự siêu việt của Người như là dấu chỉ Chúa Kitô là sự thật. Trách nhiệm của chúng ta là làm cho thế giới trông thấy ơn hiệp nhất khiến cho lòng tin của chúng ta đáng tin cậy. Vì vậy thật là điều quan trọng khi mỗi cộng đoàn kitô ý thức được sự cấp thiết phải cùng nhau hoạt động bằng mọi cách có thể để đạt mục đích ấy.

Nhưng trước hết sự hiệp nhất là một ơn của Chúa, nên đồng thời phải khẩn nài với lời cầu nguyện liên lỉ không mệt mỏi. Chỉ khi ra khỏi chính mình và đến với Chúa Kitô, chỉ trong tương quan với Chúa chúng ta mới có thể thực sự hiệp nhất với nhau. Đó là lời mời gọi được hướng tới tín hữu kitô trong tuần cầu nguyện cho hiệp nhất này.

Tiếp đến Đức Thánh Cha cho biết đề tài của tuần cầu nguyện cho hiệp nhất năm nay đã được một nhóm đại kết đại hàn chọn từ chương 37 sách ngôn sứ Edekiel, kể lại thị kiến, trong đó Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ lấy hai mảnh gỗ viết chữ lên trên và nhập chúng thành một. Bàn tay của ngôn sứ cầm hai mảnh gỗ liền nhau biểu tượng cho bàn tay của Thiên Chúa, quy tụ và hiệp nhất dân Chúa và toàn thể nhân loại. Chúng ta cũng có thể áp dụng lời của ngôn sứ cho các kitô hữu, trong nghĩa nó là một sự khuyến khích cầu nguyện và làm tất cả những gì có thể để hiện thực sự hiệp nhất của tất cả mọi môn đệ của Chúa Kitô, làm việc để bàn tay của chúng ta trở thành dụng cụ bàn tay hiệp nhất của Thiên Chúa. Lại càng cảm động hơn nữa, khi chúng ta để gần lời khuyến khích này với các lời Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly. Chúa ước mong toàn Dân Người bước tới và trông thấy nơi đó Giáo Hội của các thế kỷ tương lái, bước tới đích điểm hiệp nhất với sự nhẫn nại và lòng kiên trì. Dấn thân này bao gồm sự gắn bó khiêm tốn và ngoan ngoãn vâng theo mệnh lệnh của Chúa. Ngôn sứ Edekiel xác quyết với chúng ta rằng chính Chúa là Thiên Chúa duy nhất sẽ quy tụ chúng ta trong ”tay của Người”.

Phần hai thị kiến của ngôn sứ Edekiel đào sâu ý nghĩa và các điều kiện của sự hiệp nhất các chi tộc khác nhau. Bị phân tán giữa các dân ngoại, người Israel đã biết các việc tôn thờ sai trái và đã có các quan niệm sống lầm lạc cũng như bắt chước các thói tục xa lạ với Luật Chúa. Giờ đây Thiên Chúa tuyên bố rằng họ sẽ không còn ra ô uế vì những ngẫu tượng, những đồ gớm ghiếc và mọi tội ác của các dân ngoại nữa (Ed 37,23). Ngài nhắc lại sự cần thiết giải thoát họ khỏi tội lỗi, và thanh tẩy con tim của họ: ”Ta sẽ cứu chúng thoát khỏi mợi nơi chúng đã ở và đã phạm tội; Ta sẽ thanh tẩy chúng. Và như thế chúng sẽ là dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Ed 37,23). Trong điều kiện canh tân nội tâm đó, chúng ”sẽ theo các giới răn của Ta, sẽ tuân giữ các luật lệ của Ta và sẽ đem chúng ta thực hành” (Ed 37,24). Và văn bản kết luận với lời hứa cứu độ vĩnh viễn: ”Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an... Ta sẽ đặt thánh điện của Ta, nghĩa là sự hiện diện của ta, ở giữa chúng” (Ed 37,26). Áp dụng ý nghĩa các lời này vào phong trào đại kết Đức Thánh Cha nói:

Thị kiến của ngôn sứ Edekiel trở thành hùng hồn, một cách đặc biệt đối với phong trào đại kết, vì nó nêu bật sự cần thiết không thể bỏ qua được của việc canh tân nội tâm đích thật nơi tất cả mọi thành phần Dân Chúa, việc canh tân mà chỉ có Chúa mới làm được thôi. Chúng ta cũng phải rộng mở cho sự canh tận đó, vì chúng ta cũng tản mác giữa các dân tộc trên thế giới và đã học các thói quen rất xa cách với Lời Chúa. Tài liệu Công Đồng Chung Vaticăng II về sự hiệp nhất cũng nhấn mạnh trên sự cần thiết của việc hoán cải nội tâm, vì ”ước mong hiệp nất nảy sinh và trưởng thành từ việc canh tân tâm trí, từ bỏ chính mình và thực thi tình bác ái trọn vẹn” (UR, 7). Như thế tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất trở thành việc kích thích tất cả chúng ta hoán cải chân thành, ngày càng ngoan ngoãn lắng nghe Lời Chúa, và có lòng tin ngày càng sâu xa hơn.

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất cũng là dịp thuận tiện để cám ơn Chúa về những gì đã làm được cho đến nay, để các kitô hữu bị chia rẽ, các Giáo Hội và cộng đoàn giáo hội xích lại gần nhau hơn. Chính với tinh thần này mà trong năm qua, với sự xác tín và niềm hy vọng, Giáo Hội Công Giáo đã tiếp tục các tương quan chặt chẽ với tất cả mọi Giáo Hội và cộng đoàn giáo hội Đông Tây. Trong các hoàn cảnh khác nhau, đôi khi tích cực hơn, và nhiều khi với các kho khăn lớn hơn, Giáo Hội Công Giáo đã không bao giờ thiếu sót trong dấn thân hướng tới việc tại tạo sự hiệp nhất trọn vẹn. Các tương quan và các cuộc đối thoại thần học cũng tiếp tục cho thấy có các dấu chỉ đồng quy tinh thần đáng khích lệ. Tại Vaticăng này hay trong các cuộc tông du tôi đã có được niềm vui gặp gỡ các kitô hữu đến từ nhiều chân trời khác nhau. Tôi đã vui sướng tiếp đón 3 lần Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, và chúng ta đã nghe lắng tiếng người trong Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới vừa qua, với tình huynh đệ nồng nhiệt và xác tín cậy trông nơi tương lai.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến việc tiếp đón hai Thượng Phu Catholicos của Giáo Hội Tông Truyền Armeni, là Đức Karekin II Thượng Phụ Etchmiazin, và Đức Aram I Thượng Phụ Antelias. Sau cùng ngài cũng chia sẻ sự mất mát đớn đau về cái chết của Đức Thượng Phụ Alexis II Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Nga. Đức Thánh Cha nói ngài tiếp tục hiệp thông với các anh em chính thống đang chuẩn bị lựa chọn Đức Tân Thượng Phụ kế vị. Trong các cuộc hội kiến với các anh em kitô thuộc các Giáo Hội Tây phương Đức Thánh Cha tái khẳng định tầm quan trọng của chứng ta chung đối với thế giới ngày càng bị chia rẽ và đang phải đương đầu với nhiều thách đố văn hóa, xã hội kinh tế và luân lý đạo đức.

Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người hiệp ý cầu xin Chúa cho các dấn thân đại kết tiếp tục tiến triển. Đặc biệt trong Năm Thánh Phaolô kỷ niệm 2000 năm thánh nhân sinh ra, cần phải suy niệm những gì thánh nhân viết về sự hiệp nhất, đặc biệt lời người khẳng định trong thư gửi tín hữu Êphêxô: ”Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-5). Ước chi mỗi cộng đoàn biết noi gương thánh nhân dấn thân tạo dựng hiệp nhất nhờ các sáng kiến tinh thần và mục vụ khác nhau, và nhờ các buổi cầu nguyện mà các cộng đoàn ngày càng tổ chức nhiều hơn, đặc biệt trong tuần cầu cho hiệp nhất này. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để cho cuộc đối thoại tiếp tục giữa các Giáo Hội và cộng đoàn giáo hội, vì nó cần thiết cho việc chấm dứt các khác biệt, và để cho cuộc đối thoại của tình bác ái cũng như thần học giúp kitô hữu sống chứng tá chung. Ước mong trong con tim của chúng ta đó là ngày hiệp thông trọn vẹn mau đến, để mọi môn đệ Chúa có thể cùng cử hành bí tích Thánh Thể, là hiến tế thiên linh cho cuộc sống và ơn cứu độ của toàn thế giới.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.