2009-01-20 15:02:29

Năm thiên văn quốc tế Galileo


Phỏng vấn ông William Shea, giáo sư đại học Padova về năm Galileo

Ngày 15-1-2009 trong một lễ nghi tổ chức tại Paris Liên Hiệp Quốc đã chính thức khai mạc ”Năm thiên văn quốc tế”, nhân kỷ niệm 400 năm khoa học gia Galileo Galilei bắt đầu xử dụng kính viễn vọng để quan sát vũ trụ.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 21-12-2008, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã nhắc đến biến cố này. Ngài nói: ”Sự kiện hôm nay ngày 21 tháng 12, vào chính giờ này là lúc đông chí, cho tôi cơ hội gửi lời chào đến tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, sẽ tham gia vào năm quốc tế thiên văn 2009, nhân kỷ niệm 400 năm các quan sát đầu tiên bằng kính viễn vọng của ông Galileo Galilei. Trong số các vị tiền nhiệm của tôi có các chuyên gia trong ngành này chẳng hạn như Đức Sylvestro II, là một giáo sư ngành thiên văn; Đức Gregorio XIII, người cải tổ lịch, thánh Pio X, một vị biết làm đồng hồ mặt trời. Theo thánh vịnh 19 ”Tầng trời cao kể lại vinh quang Chúa”, thì những định luật thiên nhiên, mà biết bao nhiêu khoa học gia đã giúp chúng ta hiểu biết rõ ràng hơn trong dòng lịch sử, cũng là một động lực lớn lao giúp chiêm ngưỡng Thiên Chúa với lòng biết ơn”.

Năm quốc tế thiên văn được cử hành tại 140 quốc gia với nhiều sáng kiến khác nhau. Chẳng hạn tại Italia có cuộc triển lãm các thủ bản, sách và tài liệu nhằm trình bầy trở lại thư viện của khoa học gia Galileo Galilei. Cuộc triển lãm được tổ chức tại thư viện quốc gia thành phố Firenze trung bắc Italia và sẽ kéo dài cho tới ngày 28-2-2009.

Tại trung tâm văn hóa thánh Gaetano ở Padova ngày 28 tháng hai sẽ có buổi diễn thuyết về đề tài ”Tương lai của Galileo” liên quan tới khoa học và kỹ thuật từ thế kỷ XVI tới ngàn năm thứ ba. Trong khi tại Bologna ngày 17-1-2009 giáo sư William Shea diễn thuyết về đề tài ”Galileo và việc khám phá ra thế giới mới”. Tại Palermo, trên đảo Sicilia, đài thiên văn địa phương sẽ tham dự chương trình quốc tế ”Một trăm giờ thiên văn”, là các buổi chiều quan sát bầu trời. Tại Roma ngày 16-10-2009 sẽ có cuộc triển lãm trong viện bảo tàng Vaticăng về đề tài ”Thiên văn và các dụng cụ. Gia tài lịch sử nền thiên văn Italia từ Galileo cho tới ngày nay”. Cuộc triển lãm này được tổ chức với sự cộng tác của đài thiên Văn Vaticăng và cũng trưng bầy thủ bản tác phẩm ”Sidereus Nuncius” của khoa học gia Galileo.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông William Shea, giáo sư đại học Padova về năm Galileo.

Giáo sư William Shea sinh năm 1937 tại Québec bên Canada, và được mời giữ ghế ”Galileo” về lịch sử khoa học tại đại học Padova. Giáo sư đã đậu tiến sĩ nghiên cứu tại đại học Cambridge bên Anh quốc, và đã dậy học tại các đại học Ottawa, Havard, và MacGill Montréal và Strasbourg. Giáo sư cũng đã là giám đốc Trường nghiên cứu khoa học xã hội Paris và là thành viên của Học viện nghiên cứu Berlin cũng như Hàn lâm viện hoàng gia Khoa học Thụy Điển, là tổ chức phát các giải thưởng Nobel. Giáo sư Shea cũng đã là chủ tịch Liên hiệp quốc tế Lịch sử Triết học Khoa học, Hàn lâm viện quốc tế Lịch sử Khoa học và Ủy ban Khoa học nhân văn của tổ chức Khoa học âu châu Strasbourg. Giáo sư là tác giả của 26 cuốn sách và 150 bài viết khoa học trong 10 thứ tiếng khác nhau. Hiện nay giáo sư đang chuẩn bị cho ra bản dịch chú giải tác phẩm ”Sidereus Nuncius” của khoa học gia Galileo.

Hỏi: Thưa giáo sư nhiều người thường chỉ biết rằng nhà khoa học Galileo đã bị bỏ tù vì dám tuyên bố trái đất xoay quanh mặt trời, nhưng thật ra ông còn có nhiều công trạng khác nữa, có đúng vậy không?

Đáp: Vâng đúng thế. Tên tuổi của Galileo còn gắn liền với hai khám phá quan trọng khác nữa. Năm 1609, tức cách đây 400 năm, ông đã là khoa học gia đầu tiên sáng chế ra kính viễn vọng. Và với các quan sát thiên văn ông Galileo đã đạt 6 khám phá nòng cốt khác. Ngoài ra khi đưa ra công thức liên quan tới luật rơi của trọng lượng, Galileo đã dọn đường cho Isaac Newton và định luật vạn vật hấp dẫn. Vì thế năm thiên văn 2009 phải là dịp để giúp mọi người chú ý tới các sinh hoạt khác nhau của thiên tài Galileo, vừa là khoa học gia, vừa là nhà vật lý, nhà văn và là họa sĩ nữa, vì hồi còn trẻ Galileo đã học về hội họa tại Firenze. Trong suốt đời mình ông cho rằng hội họa là nghề chính của ông, mặc dù chúng ta không có bức tranh nào của ông cả, nhưng các bức vẽ của ông liên quan tới mặt trăng thì thật là toàn vẹn.

Hỏi: Thưa giáo sư, khoa học gia Galileo đã làm thế nào để có thể chế tạo ra ống kính viễn vọng vào thời đó?

Đáp: Vào tháng 7 năm 1609 từ Padova, nơi ông dậy môn toán học trong 18 năm trời, Galileo tới Venezia và nghe thấy các du khách Hòa Lan và Pháp nói chuyện với nhau về một dụng cụ bằng kính có thể phóng lớn ba bốn lần. Thật ra vào các năm cuối cùng của thế kỷ XV tại Italia đã có một vài dụng cụ như vậy. Tại Roma các tu sĩ dòng Tên cũng nghiên cứu về lãnh vực này. Nhưng tất cả các dụng cụ phóng lớn này chỉ là ”đồ chơi”, không thể dùng cho lãnh vực thiên văn được. Nhưng Galileo nảy ra ý định tài tình là tìm đến Murano, là nơi chuyên sản xuất mắt kính tốt nhất thế giới. Hãng Senerissima xuất cảng sang Phương Đông 5.000 mắt kính mỗi năm. Ông mua một kính tụ hội lồi và một kính tụ hội lõm. Và ông làm một ống kính có khả năng khiến cho một vật lớn lên gấp 9,10 lần và 20 lần. Và thế là ống nhòm và ống kính viễn vọng thành hình.

Hỏi: Đây cũng là một dụng cụ giúp khám phá ra các chuẩn bị của địch quân từ xa, mà mắt người không thể trông thấy được, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Ngày 22-8-1609 khoa học gia Galileo đã chứng minh cho 8 vị nghị sĩ thấy rằng từ trên tháp chuông của vương cung thánh đường thánh Marco, qua ống nhòm có thể nhìn thấy cờ của các tầu từ xa tới bến cảng Venezia, hai giờ trước khi có thể trông thấy bằng mắt thường. Dĩ nhiên trong lãnh vực quân sự nó là một lợi ích rất lớn. Ngày 25 tháng 8 khoa học gia Galileo viết một bức thư tặng Cộng Hòa Venezia ống nhòm đó. Bức thư này chúng tôi còn giữ được trong văn khố. Nhưng vào năm 1610 khi rời Venezia, Galileo đem theo một ống kính có khả năng phóng lớn gấp 20 lần.

Hỏi: Thưa giáo sư, với kính viễn vọng khoa học gia Galileo đã khám phá ra những gì khi quan sát bầu trời?

Đáp: Trước hết ông khám phá ra các núi và các miệng núi lửa trên mặt trăng. Thứ hai ông tuyên bố rằng số các vì sao nhiều gấp 20 lần hơn là các vì sao mà chúng ta có thể trông thấy bằng mắt thường. Khám phá thứ ba nhờ kính viễn vọng là các tinh vân (nebulose); dải Ngân Hà là một kết khối của các vì sao. Thứ bốn, Mộc Tinh có 4 vệ tinh xoay quanh. Thứ năm, Kim Tinh xoay quanh Mặt Trời và có các chu kỳ giống các chu kỳ của Mặt Trăng, là hành tinh xoay quanh Trái Đất. Thứ sáu, mặt của Mặt trời có các vết; và thứ bẩy, Galileo cho rằng Thổ Tinh (Saturno) có các vệ tinh xoay quanh, thật ra đây là ba vòng khí, không thể phân biệt được với kính viễn vọng của Galileo.

Trong bẩy giả thiết thiên văn thì 6 giả thiết đã được các quan sát thiên văn sau này xác nhận. Và đây là một thành công ngoại thường. Ngoài ra cũng phải ghi nhận rằng việc quan sát Mặt Trăng đã dẫn đưa Galileo tới một kết luận định đoạt khác. Trước thời Galileo người ta đã nghĩ rằng Mặt Trăng bao gồm chất liệu khác với Trái Đất. Trái lại Galileo vén mở cho biết Mặt Trăng rất giống Trái Đất, và các luật lệ Trái Đất có thể áp dụng cho Mặt Trăng và toàn vũ trụ, kể cả định luật rơi của các trọng lượng.

Hỏi: Đó là luật khiến cho khoa học gia Newton nói rằng nếu không có các nghiên cứu của Galileo, ông đã không đi tới chỗ khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn, nhờ định luật đó mà chúng ta dính vào Trái Đất này, các vệ tinh dính vào Trái Đất, và hành tinh dính vào Mặt Trời.

Đáp: Vâng, khoa học gia Galileo đã khám phá ra rằng mọi vật đều rơi với cùng tốc độ như nhau, bất kể sức nặng của nó ra sao. Thế rồi ông còn khám phá ra sự độc lập của các di chuyển chiều ngang và các di chuyển chiều dọc thẳng đứng. Tôi xin đơn cử một thí dụ: chúng ta đang ở trên một toa xe lửa vận tốc cao từ Milano tới Bologna, còn đang dừng ở nhà ga. Tôi thò tay vào túi để tìm vé xe đưa cho nhân viên kiểm soát vé, khiến cho chùm chìa khóa của tôi rơi xuống sàn xe, theo đường thẳng đứng. Xe lửa chuyển bánh và chỉ trong một chút là đạt vận tốc 300 cây số giờ. Điện thoại di động của tôi reo, tôi thò tay vào túi lấy nó ra và lại làm cho chùm chìa khóa rơi xuống sàn xe lửa đang chạy nhanh. Chùm chìa khóa rơi xuống sàn theo đường thẳng đứng, y như khi xe lửa dừng vậy, chứ không khác nhau.

Hỏi: Nhưng mà nếu có ai ở ngoài xe lửa trông thấy chùm chìa khóa rơi khi xe lửa chạy với tốc độ 300 cây số giờ, thì họ thấy đường rơi chéo chứ không thẳng, có đúng vậy không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng đúng thế. Nếu chúng ta bắn một mũi tên hay một hỏa tiễn bất cứ với vận tốc nào, thì đường bay của chúng là đường cong parabole, chứ không phải đường thẳng. Dĩ nhiên là thuyết Trái Đất xoay quanh Mặt Trời, tuy đúng nhưng hồi đó không thể chứng minh được, đã khiến cho khoa học gia Galileo đụng độ với giáo quyền.

Nhưng trong 4 thế kỷ sau đó nó đã là lý do khiến cho người ta chú ý tới ông. Thảm cảnh của ông đó là đã không chứng minh được một cách khoa học thuyết mà sau đó đã được ông minh giải trong tác phẩm ”Sidereus Nuncius” năm 1610, sau khi đã trở thành ”giáo sư toán học và triết học trưởng” của Đại Quận Công vùng Toscana. Chứng minh duy nhất mà ông đã cung cấp là việc quan sát hiện tượng thủy triều. Theo Galileo thủy triều xảy ra là vì hậu qủa của hai sự xoay vần: Trái Đất xoay quanh chính mình và đồng thời cũng xoay quanh Mặt Trời. Tư tưởng này hay, nhưng đã không đứng vững và không được người thới đó ủng hộ, vì hiện tượng thủy triều phát xuất từ hấp lực của Mặt Trăng.

Hỏi: Như thế ”Năm thiên văn 2009” này có giúp làm sáng tỏ con người của khoa học gia Galileo không thưa giáo sư?

Đáp: Khoa học gia Galileo là một người có rất nhiều gương mặt. Ông đã học nghề hội họa và muốn trở thành họa sĩ. Nhưng vì cuộc sống gia đình khó khăn và vì thấy ông giỏi toán, cha ông khuyên ông trở thành nhà toán học. Ông duy trì tình bạn thân thiết với các họa sĩ thời đó và giúp nữ họa sĩ Artemisia Gentileschi bán tranh, khi bà gặp khó khăn. Galileo không phải là người sùng đạo, cả khi ông đã hành hương đền thánh Đức Bà Loreto hai lần, nhưng ông hấp thụ được tinh thần tu đức tinh tuyền của con gái là Maria Celeste nữ tu dòng kín Claret. Chị đã viết cho thân phụ các bức thư tuyệt vời và ủi quần áo giúp ông.

(Avvenire 31-12-2008)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.