2009-01-19 11:50:40

Tổ chức Caritas Italia dụng cụ canh tân Giáo Hội và xã hội


Phỏng vấn Đức Ông Giovanni Nervo, người sáng lập tổ chức Caritas Italia

Ngày 13-12-2008 Đức Ông Giovanni Nervo, sáng lập viên tổ chức Caritas Italia, đã mừng thượng thọ 90 tuổi. Trong thư chúc mừng Đức Ông Nervo Linh Mục Vittorio Nozza, đương kim Giám đốc Caritas Italia, đã gọi Đức Ông Nervo là ”tiếng nói của những người bị lãng quên”. Trong thư có đoạn viết: ”Đức Ông nêu gương cho tất cả chúng con vì khả năng luôn luôn đứng ở hàng tiền tuyến, đặc biệt trong việc lắng nghe và quan sát các nhu cầu của những người nghèo khổ nhất, trong ý thức và trong việc giúp người khác ý thức về các đường lối chính trị thiếu sót trong việc phục vụ người nghèo, bằng cách đem tiếng nói của những người bị bỏ quên đi khắp nơi và gợi ý các cho các lựa chọn chính trị biết lưu tâm nhiều hơn tới các quyền lợi, phẫm giá và việc thăng tiến con người”.

Cha Nozza cũng bầy tỏ lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ của mọi người đối với gương sống lòng tin, đời cầu nguyện và sự tận tụy mà Đức ông Nervo đã dành cho các anh chị em nghèo và cho Giáo Hội, trong tinh thần đơn sơ và việc chu toàn bổn phận mỗi ngày. Đức Ông Nervo là một món qùa qúy mà Chúa gửi cho Giáo Hội Italia, vì nhờ các hoạt động của ngài tổ chức Caritas Italia đã trở thành dụng cụ canh tân Giáo Hội. Thay mặt cho nhân viên Caritas toàn nước Italia cha Nozza cầu chúc Đức Ông nhiều ơn lành của Chúa, để như Đức Ông vẫn thường nói ”khả năng nở hoa nơi đâu Chúa đã gieo vãi chúng ta được canh tân, trong thế giới đầy thương tích này, như tông đồ bác ái, luôn luôn cần thiết như là sự kích thích và bổ túc của công bằng”.

Dưới thời Đức ông Nervo trong thập niên 1970-1980 Caritas Italia cũng đã nhiều lần trợ giúp Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt qua việc gửi thuốc cho người nghèo.

Sau đây chúng tôi xin gởi tới qúy vị và các bạn bài phỏng ván Đức Ông Giovanni Nervo về việc thành lập và các sinh hoạt của tổ chức Caritas Italia.

Hỏi: Thưa Đức Ông, Đức Ông đã sinh ra cách đây 90 năm. Giờ đây Đức Ông cũng phải tổng kết sổ đời dài lắm: 90 năm phục vụ con người, trong một thế đứng đặc biệt giúp quan sát toàn xã hội, đặc biệt với tổ chức Caritas Italia, đứa con tinh thần mà Đức Ông đã cho chào đời cách đây gần 40 năm?

Đáp: Vâng, điều đầu tiên tôi phải nhắc tới trong sổ tổng kết là ngày tôi sinh ra: tôi đã chào đời trong môt gia đình rất nghèo, và tôi đã phải sống cảnh di cư tị nạn. Vì lúc đó có thế chiến thứ I kéo dài từ năm 1914 tới 1918. Dân làng Solagna quê sinh của tôi gần tỉnh Bassano del Grappa, chỉ nội trong vòng ba ngày đã bỏ hết mọi sự để di tản tới Codogno thuộc tỉnh Lodi, và mẹ tôi đã cho tôi chào đời tại đây ngày 13-12-1918. Cha tôi hồi đó là lính phải chiến đấu, nhưng đã được về phép để tham dự lễ rửa tội của tôi ngày 15 tháng 12 và ngày 30 tháng 12 cha tôi qua đời vì bị bệnh dịch cúm Spagnola, khi tôi mới sinh được 17 ngày, chị gái tôi lên 4 tuổi và mẹ tôi mới 27 tuổi. Chúng tôi bơ vơ trong kiếp tị nạn. Sự kiện sinh ra và lớn lên giữa những người nghèo đã giúp tôi hiểu các bổn phận tôi phải có đối với họ.

Hỏi: Cuộc đời của Đức Ông khiến cho người ta liên tưởng tới cuộc đời của một vị giám đốc khác của Caritas: đó là Đức Ông Luigi Di Liego. Đức Ông Di Liego đã viết: “Tôi là con của một người di cư bất hợp pháp, một công nhân lén út vào Hoa Kỳ”. Đây có phải là một chuyện tình cờ hay không thưa Đức Ông?

Đáp: Vâng, hai trường hợp rất giống nhau. Vì thế chúng tôi cảm thấy gần nhau trong thế giới của những người rốt hết trong xã hội và có bổn phận đối với người nghèo. Chúng tôi đã là bạn với nhau.

Hỏi: Thưa Đức Ông, trong lời nói của Đức Ông người ta có cảm tưởng sự khó nghèo là một đặc ân. Nó là đất mầu mỡ để lại dấu vết sâu đậm trong cuộc đời của Đức Ông. Ai đã là vị thầy dậy lớn nhất trong cuộc đời của Đức Ông?

Đáp: Các dậy dỗ hay đẹp nhất tôi đã có là từ mẹ tôi, là người đã biết đương đầu với hoàn cảnh sống khó khăn với lòng tin, sức mạnh và sự thanh thản. Trong thánh lễ tạ ơn mừng 90 tuổi tôi phải cám ơn cha mẹ tôi, nhất là mẹ tôi đã có can đảm cho tôi chào đời trong một hoàn cảnh thê thảm như vậy. Đó là bài học của cuộc sống. Ngày nay người ta có hết mọi sự, nhưng họ lại lưỡng lự và có các nỗi sợ hãi đen tối không muốn cho con cái chào đời.

Hỏi: Hồi năm 1971, do ý muốn cúc Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và của Hội Đồng Giám Mục Italia, Đức Ông đã được trao cho nhiệm vụ thành lập và điều hành tổ chức Caritas Italia, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy trong những ngày này tôi cũng nghĩ lại thủơ ban đầu ấy. Có tất cả mọi chuyện phải làm. Nhưng mà nói thật ra chúng tôi đã không tổ chức cái gì cả. Chúng tôi đã chỉ đáp trả lại các lời kêu gọi mà Thiên Chúa gửi tới qua các sự kiện, thế thôi. Chẳng hạn như sự thôi thúc mạnh mẽ nhất để thành lập tổ chức Caritas là trận động đất trong vùng Friuli đông bắc Italia hồi năm 1976.

Hồi đó đã có hàng chục ngàn người thiện nguyện đến Friuli để trợ giúp các nạn nhân của vùng này. Trong mùa hè năm đó thì có các sinh viên học sinh và các công nhân làm việc thiện nguyện. Nhưng sang mùa thu thì không có ai, do đó tôi mới nói Giáo Hội phải can thiệp. Vì thế tôi mới kêu gọi các giáo phận thay phiên nhau gửi các nhóm thiện nguyện tới trợ giúp các nạn nhân liên tục, ít nhất trong vòng ba năm. Đã có 80 giáo phận toàn nước hưởng ứng lời kêu gọi. Và các người trẻ thiện nguyện, với các kinh nghiệm sống bác ái của họ trong các hoàn cảnh cấp bách, đã trở thành các nhóm thành viên Caritas giáo phận đầu tiên. Chúng tôi không phải là những người khám phá ra phong trào thiện nguyện, nhưng đã vun trồng nó lớn mạnh, không phải như là thực tại của sự trợ giúp, nhưng như là hoạt động thay đổi xã hội.

Hỏi: Tổ chức Caritas Italia cũng đã khám phá ra các người trẻ phản đối đi quân dịch vì lý do lương tâm, có đúng vậy không?

Đáp: Đã có 100.000 người trẻ thay vì đi thi hành nghĩa vụ quân dịch thì đã lựa chọn thời gian phục vụ xã hội dân sự trong các chương trình của tổ chức Caritas Italia. Và họ đã thông truyền cho mọi người ý thức mạnh mẽ của thái độ sống không bạo lực và hòa bình. Vì thế tôi đã nói trên đây là chúng tôi chỉ di chuyển từ các thực tại xảy ra trong cuộc sống thường ngày mà Chúa gửi đến cho chúng tôi. Và chúng tôi sẵn sàng trung thành đáp trả lại các nhu cầu thường ngày của các anh chị em cần được trợ giúp.

Hỏi: Thế Đức Ông có gặp các khó khăn nào trong công việc không?

Đáp: Có chứ. Giáo Hội Italia đã sống 30 năm và nhận sự trợ giúp mạnh mẽ của các tín hữu công giáo Hoa Kỳ. Giờ đây cần phải từ chỗ nhận sang chỗ cho đi. Và tôi đã gặp 2 khó khăn: một khó khăn tiêu cực một khó khăn tích cực. Khó khăn thứ nhất là tâm thức thụ động, khi nghe nói tới tổ chức Cartias thì người ta chỉ nghĩ ngay đến việc nhận đồ cứu trợ. Một Giám Mục được chỉ định theo dõi giai đoạn khởi đẫu của tổ chức Caritas giáo phận đã hỏi ngay: ”Thế thì các vị đem đến cho chúng tôi cái gì nào?” Tôi trả lời: ”Thưa Đức Cha, chúng con khêng xem tới cái gì cả”. Ngài nói ngay: ”Vậy thì qúy vị hiện hữu để làm gì?”. Nhưng mà đó là tâm thức thời cách đây gần 40 năm.

Còn kinh nghiệm tích cực đó là tôi còn nhớ trong đại hội toàn quốc đầu tiên của tổ chức Caritas Italia hồi năm 1972, có một bà cụ già ăn mặc rất khiêm tốn đến trao cho tôi một phong bì trong đó có 1 triệu 200 ngàn Lire, hồi đó là môt số tiền rất lớn. Đó là tiền hưu trí bà muốn đóng góp cho Caritas. Tôi thầm nhủ: đây là dấu chỉ!

Hỏi: Thưa Đức Ông nếu Chúa cho Đức Ông sống thêm 90 tuổi nữa thì Đức Ông sẽ làm gì?

Đáp: Tôi sẽ dấn thân tổ chức các kỳ nghì hè cho giới trẻ. Tội sẽ đem họ sang sống một tháng trong một làng bên Phi châu, để cho họ hiểu biết cảnh bần cùng nghèo đói và túng thiếu còn đang thống trị trên rất nhiều vùng đất của địa cầu này. Để cho họ biết rằng còn có 2 phần 3 dân chúng toàn cầu phải sống trong các hoàn cảnh vô nhân. Vấn đề đích thật là giáo dục những ai được sống trong các điều kiện tốt đẹp và may mắn hơn biết nghĩ tới những người bần cùng khốn khổ và chia sẻ với họ, đồng thời phải chiến đấu chống lại nạn nghèo đói để bảo đảm hòa bình. Nhưng để được như thế thì phải tận mắt chứng kiến cảnh sống bần cùng nghèo đói này. Nhu cầu nền tảng của con người ngày nay là mở mắt trông thấy các anh chị em nghèo đói đang chiến đa số trên thế giới.

Hỏi: Đức Ông có muốn nhắn gửi người trẻ sứ điệp nào và có muốn cầu chúc họ điều gì không?

Đáp: Có. Tôi muốn khích lệ người trẻ hiểu biết Hiến Pháp quốc gia và sống xứng đáng như là các công dân tốt, và sống như là các tín hữu Kitô của Tin Mừng. Tôi cầu chúc họ sống trung thực với các giá trị cao qúy của lý tưởng công dân và lý tưởng Tin Mừng, kiên trì sống ơn gọi làm người và là Kitô hữu, dám di ngược dòng đời, kể cả khi có phải trả giá mắc mỏ đi nữa.

(Avvenire 13-12-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.