2008-12-16 13:38:10

Nguy cơ của làn sóng bách hại các Kitô hữu Ấn Độ trong dịp lễ Giáng Sinh


Phỏng vấn Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục Cuttack-Bhubaneswar về nguy cơ bạo lực chống lại các Kitô hữu có thể tái bùng nổ trong dịp Giáng Sinh tới đây tại bang Orissa

Ngày 25 tháng 12 tới này nhân lễ Giáng Sinh một nhóm ấn giáo cuồng tín trong bang Uttar Pradesh, sẽ tổ chức một buổi lễ tiếp nhận 11.000 Kitô hữu trở lại với Ấn giáo. Họ cho biết muốn tổ chức lễ trở lại Ấn giáo của các tín hữu Kitô nói trên đúng ngày lễ Giáng Sinh, vì các thừa sai Kitô đã dùng lễ này để quyến rũ tín đồ Ấn giáo nghèo bỏ Ấn giáo để theo Kitô giáo.

Các quan sát viên độc lập coi các lời tố cáo này là các vu khống không có nền tảng, và họ cũng nghi ngờ số Kitô hữu trở lại Ấn giáo. Trong khi đó phía Kitô giáo đã tổ chức một chiến dịch hòa bình nhằm củng cố cuộc sống chung hòa bình giữa các tín hữu Kitô và ấn giáo trong bang Orissa.

Chính Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục Cuttack Bhubaneshwar, thủ phủ bang Orissa đã cho biết như trên trong một cuộc điện đàm với tổ chức ”Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ”. Đức Cha cũng cho biết một phái đoàn gồm các vị lãnh đạo cấp cao của chính quyền liên bang New Dehli sẽ đi thăm quận Kandhamal là nơi đã xảy ra các cuộc bách hại bạo lực chống lại Kitô hữu từ ngày 23 tháng 8 cho tới tháng 10 năm nay. Phái đoàn viếng thăm gồm 150 nhân viên và giáo chức.

Mục đích chuyến viếng thăm là để thuyết phục các nhóm ấn giáo cuồng tín có các tương quan chung sống hòa bình với các Kitô hữu. Vì thực ra các Kitô hữu không phải là một đe dọa đối với các tín hữu ấn.

Như đã biết ngày 23-8-2008 ông Swami Laxanananda Saraswati, lãnh tụ của lực lượng Ấn giáo cuồng tín ”Vishwa Hindu Parishad”, đã bị lực lượng du kích quân Mao Trạch Đông sát hại cùng với 5 đồ đệ. Lực lượng này đổ tội cho Kitô hữu, và các vụ bạo lực chống lại các Kitô hữu bắt đầu bùng nổ.

Các người đầu tiên bị tấn công ngay chiều hôm đó là các nữ tu dòng Bửu Huyết Chúa Giêsu. Xe của các chị bị chặn và bị đốt. Sáng hôm sau nhiều nhà thờ và trung tâm mục vụ bác ái bị tấn công. Và thế là ngọn lửa bạo lực lan nhanh trong quận Kandhamal và nhiều nơi khác trong bang Orissa.

Các vụ bạo động và bách hại này đã khiến cho gần 70 người chết, 5.000 căn nhà bị thiêu rụi. 18.000 người bị thương và 50.000 người phải chạy trốn vào rừng, trong đó có cả các linh mục và tu sĩ nam nữ.

Ngoài ra còn có hàng chục nhà thờ và các trung tâm bác ái xã hội bị tàn phá và đốt cháy, trong đó có cả nhà thương do các nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Terexa Calcutta trông coi. Một nữ giáo dân thừa sai bị thiêu sống và một nữ tu bị hãm hiếp. Trong số các người chết có cả linh mục và nữ tu.

Trong các tuần sau đó các vụ bách hại cũng lan sang nhiều bang khác như Chattisgharal, Madya Pradesh, Karnataka và cả Kerala là bang có đông tín hữu Kitô nhất Ấn Độ. Bình luận về làn sóng bao lực chống lại các Kitô hữu, Đức Cha Vincent Concessao, Tổng Giám Mục New Dehli nói: ”Đây không chỉ là một vấn đề liên quan tới việc tôn trọng các nhóm thiểu số, mà cũng can hệ tới nền dân chủ của Ấn Độ nữa. Thật là điều đáng buồn, vì Ấn Độ nổi tiếng là một quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới, một quốc gia sinh động, có khả năng quy tụ nhiều chủng tộc, tôn giáo và tiếng nói, mà giờ đây lại có gương mặt lọ lem vì bạo lực và bất bao dung như vậy. Đặc biệt là hiện nay Ấn Độ đang nổi bật trên trường quốc tế như là một cường quốc của thế kỷ XXI, mà bên trong lại có tệ nạn bất khoan nhượng tôn giáo và vi phạm nhân quyền trắng trợn và trầm trọng như thế. Cộng đồng thế giới và các vị lãnh đạo quốc tế tin tưởng nơi nền dân chủ phải mạnh mẽ chống lại và lên án các hành động vi phạm nhân quyền này. Vì đây không phải chỉ là vấn đề bảo vệ các nhóm thiểu số, mà là bảo vệ chính nền dân chủ của Ấn Độ”.

Đức Hồng Y Oswal Gracias, Tổng Giám Mục Mumbai, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, nói các hành động bạo lực dã man tàn ác chống lại các Kitô hữu thật là một điều hổ nhục cho quê hương đất nước Ấn Độ, và bôi nhọ hình ảnh của Ấn Độ trước dư luận thế giới.

Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục Cuttack-Bhubaneswar thủ phủ bang Orissa, cho biết chính phong trào quốc gia qúa khích ấn giáo đã dấy lên làn sóng bạo lực bách hại các Kitô hữu. Nó thực là một bệnh ung thư khiến cho cuộc sống chung hòa bình, là nền tảng của Ấn Độ, gặp khủng hoảng nặng nề.

Các nhóm tấn công Kitô hữu đa số thuộc phong trào ấn giáo cuồng tín có tên gọi là ”Rashtriya Swayamsevak Sangh”, là tổ chức duy quốc gia thiện nguyện chủ trương áp dụng hệ thống ấn giáo cho mọi thành phần xã hội. Họ có cung cách hành xử như Đức Quốc Xã hồi thế chiến thứ II. Ông Golwakar, một trong các người thành lập phong trào này, là người rất ngưỡng mộ Hitler lãnh tụ Đức Quốc Xã, khước từ ý tưởng Ấn Độ là một nhà nước đời, và muốn áp đặt hệ thống Ấn giáo cho mọi thành phần xã hội. Orissa là bang có tới 94% tổng số dân theo Ấn giáo. Tín hữu Kitô chỉ chiếm 2,4%.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Raphael Cheenath, Tổng Giám Mục Cuttack-Bhubaneswar, về nỗi lo sợ của các Kitô hữu bang Orissa trước các bách hại và bạo lực có thể xảy ra trong dịp lễ Giáng Sinh sắp tới.

Hỏi: Thưa Đức Cha Cheenath, Mùa Vọng đã bắt đầu bước sang tuần thứ ba, trong các ngày này tình hình tại bang Orissa như thế nào, vì người ta nghe tin có các vụ bạo lực mới chống lại các tín hữu Kitô?

Đáp: Tình hình trong bang Orissa vẫn rất căng thẳng. Dĩ nhiên người ta không chứng kiến các cảnh bạo lực kỳ thị chống lại chúng tôi như đã xảy ra trong ba tháng 8,9 và 10 vừa qua, nhưng các tín hữu Kitô tiếp tục bị bao vây, và một số đông vẫn chưa có thể trở về nhà. Rất nhiều người ban đầu chạy trốn vào trong rừng, rồi sau đó tìm tới các trại tị nạn. Nhiều người khác trốn sang sống với các thân nhân hay bạn bè thân quen tại các bang khác của Ấn Độ. Tất cả đều lo sợ có các bách hại và bạo lực mới chống lại họ, nếu họ trở về làng quê.

Hỏi: Ai là những người có trách nhiệm đối với tình hình bạo lực này thưa Đức Cha?

Đáp: Các buồn sầu và bất ổn là hậu qủa của bạo lực do các nhóm ấn giáo gắn liền với các nhóm lợi lộc chính trị và kinh tế, gây ra. Họ coi sự dấn thân của các Kitô hữu trong việc thăng tiến công lý và bình đẳng là một nguy hiểm đối với quyền tối thượng của họ. Tuy nhiên sự bất ổn hiện nay không chỉ liên quan tới hoạt động của các nhóm ấn giáo, mà cả các nhóm tội phạm lợi dụng tình hình này để cướp bóc nữa.

Hỏi: Chính quyền địa phương và chính quyền liên bang có tìm cách giải quyết tình trạng này hay không thưa Đức Cha?

Đáp: Chính quyền địa phương cũng như chính quyền liên bang đã không có các biện pháp cần thiết nào để ngăn chặn làn sóng bạo lực chống lại các Kitô hữu. Quân đội và các lực lượng an ninh khác hiện diện đấy, nhưng họ cũng không dấn thân một cách cụ thể để loại trừ bạo lực. Các người cuồng tín vẫn được tự do đi lại và tổ chức các hoạt động đe dọa tín hữu Kitô cũng như có các hành động tội phạm.

Hỏi: Thưa Đức Cha, tình hình cuộc sống của các người tị nạn và các Kitô hữu trốn chạy khỏi các làng mạc của họ hiện nay ra sao?

Đáp: Theo như tôi được biết, vẫn còn có 11.000 người còn sống trong các trại tị nạn của chính quyền trong quận Kandhamal, và nhiều ngàn người khác trong các thành phố vùng Bhubaneshwar, là thủ phủ bang Orissa và Cuttack. Mọi người đều lo sợ không dám về làng quê của mình, một nhần cũng vì các làng này đã bị tàn phá, nhà cửa của họ bị cướp bóc và đốt cháy không còn gì, một số đất đai bị chiếm đoạt và chia cho người dân địa phương. Dẫu sao đi nữa, hành động của các nhóm ấn cuồng tín nhắm làm cho các nhóm thiểu số là các bộ tộc theo Kitô giáo sống xa đất đai của họ. Đây không phải chỉ là sự sợ hãi. Các bạo lực vẫn tiếp tục, một cách lén lút, thường không gây tiếng vang và không được biết tới. Chẳng hạn trong tuần vừa qua đã có một phụ nữ Kitô trở về làng quê của bà, nhưng không thấy bà ta trở lại trại tị nạn nữa. Trong một làng khác nhà của ba Kitô hữu đã bị đốt.

Hỏi: Hồi Giáng Sinh năm ngoái bách hại và bạo lực đã bùng nổ tại quận Kanhamal chống lại các Kitô hữu, khiến cho hằng chục người chết và hàng trăm người bị thương. Giáng Sinh năm nay Đức Cha dự đoán như thế nào?

Đáp: Các nhóm chống lại các tín hữu Kitô đã báo trước là trong dịp Giáng Sinh năm nay họ sẽ siết chặt vòng vây và ngăn chặn mọi sinh hoạt của các tín hữu Kitô trong quận Kandhamal, và như thế cũng có nghĩa là ngăn chặn mọi lễ nghi tôn giáo. Chúng tôi đang đối thoại với các anh chị em ấn giáo nhưng không thuộc các nhóm cuồng tín nói trên và cũng không liên lụy tới các quyền lực làm nảy sinh ra các biến cố thê thảm này. Chúng tôi cũng tìm cách có được nhiều an ninh hơn từ phía các lực lượng an ninh trật tự.

Chúng tôi không thể nhượng bộ, là các chủ chăn chúng tôi không thể để cho các anh chị em đồng đạo sống trong cảnh tuyệt vọng hay lại giao họ trở lại cho Ấn giáo mà họ ra rời bỏ, với hy vọng có được sự bình đẳng và tôn trọng. Đối với biết bao nhiêu người đang chờ đợi để có thể trở về làng quê của họ, đối với biết bao nhiêu người ở lại và đang sống trong cảnh bất an, sứ điệp của các người ấn giáo cuồng tín rất là rõ ràng: chỉ có việc trở lại với Ấn giáo là có thể cứu các người được thôi. Chúng tôi cầu nguyện và hoạt động để sự việc không xảy ra như vậy.

(Avvenire 5-12-2008; ASIANEWS 26.27.28.30-8-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.