2008-12-12 17:55:04

Công bố Huấn Thị ”Phẩm giá con người” của Bộ Giáo Lý đức tin


VATICAN. Ngày 12-12-2008, Bộ giáo lý đức tin đã công bố Huấn Thị ”Dignitas personae” (Phẩm giá con người), về một số vấn đề luân lý sinh học.

Huấn thị được Đức TGM Luis Ladaria, dòng Tên, Tổng thư ký Bộ giáo lý đức tin, và Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống và vị nguyên chủ tịch của Hàn lâm viện này là Đức Cha Elio Sgreccia, giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh. Văn kiện này mang chữ ký ngày 8-9-2008 của ĐHY Tổng trưởng William Levada và Đức TGM Tổng thư ký Luis Ladaria, trước đó đã được ĐTC Biển Đức 16 phê chuẩn ngày 20-6 năm nay và truyền công bố.

Huấn thị ”Phẩm giá con người” cập nhật Huấn thị ”Donum vitae” (Hồng ân sự sống), do Bộ giáo lý đức tin ban hành năm 1987, vì trong thời gian hai thập niên qua đã có những tiến triển lớn trong kỹ thuật y khoa sinh học.
Huấn thị mới dài 37 trang gồm 3 phần với tổng cộng 37 đoạn: phần đầu nhấn mạnh những khía cạnh nhân loại học, thần học và luân lý đạo đức; phần hai bàn về các vấn đề liên quan tới việc truyền sinh; phần ba nói về sự lèo lái các phôi thai và gia sản di truyền của con người (3).

Văn kiện Tòa Thánh khẳng định rằng lập trường không chấp nhận nhiều kỹ thuật sinh học mới phải được đánh giá tích cực như một sự phủ nhận của nhân loại chống lại những vụ vi phạm các quyền con người, nạn kỳ thị chủng tộc, chế độ nô lệ, kỳ thị phụ nữ, trẻ em và người bệnh (36). Cách đây 1 thế kỷ, Giáo Hội đã can đảm bảo vệ các công nhân bị áp bức trong các quyền của họ, thì ngày nay Giáo Hội bảo vệ một lớp người khác, là những người vừa được thụ thai, bị áp bức trong quyền sống căn bản của họ (37). Giáo Hội tin tưởng nhìn những nghiên cứu khoa học và nhìn nhận sự độc lập của ngành này, nhưng Giáo Hội nhắc nhở cho mọi người liên hệ về trách nhiệm luân lý đạo đức và xã hội (10). Nguyên tắc căn bản trong lãnh vực này là: 'Hoa quả sự sinh sản của con người từ lúc đầu tiên trong cuộc sống, nghĩa là từ lúc hợp tử đầu tiên (zygote) được thành hình do sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng, phải đươc nhìn nhận các quyền của con người, trong đó trước tiên có quyền sống bất khả nhượng của mội người vô tội” (4).

Các vấn đ

 
Đi vào chi tiết hơn, trước hết về vấn đề chữa trị sự son sẻ, Huấn Thị dạy rằng cần phải loại trừ mọi kỹ thuật thụ thai nhân tạo có sự can thiệp của người thứ ba ngoài đôi vợ chồng và các kỹ thuật thụ thai, tuy ở trong vòng vợ chồng, nhưng thay thế tác động vợ chồng. Trái lại có thể chấp nhận các kỹ thuật nhắm giúp tác động vợ chồng và sự thụ thai”. Huấn thị khuyến khích việc nhận con nuôi (12-13) đồng thời nhắc nhở rằng trong việc thụ thai trong ống nghiệm, ”con số phôi thai bị hy sinh rất cao”. Đây là một kỹ thuật trong đó phôi thai người bị đối xử như 'một mớ tế bào' mà thôi. Ngoài ra, càng ngày càng có những đôi vợ chống không son sẻ sử dụng các kỹ thuật truyền sinh nhân tạo với mục đích duy nhất là để có thể chọn lựa con cái theo hệ di truyền (14-15). Giáo Hội nhìn nhận ước muốn hợp pháp có con, nhưng ước muốn này không thể biện minh cho sự sản xuất. Trong thực tế, người ta có cảm tưởng một số nhà nghiên cứu dường như chiều theo tiêu chuẩn duy nhất là các ước muốn chủ quan và sức ép về kinh tế, rất mạnh mẽ trong lãnh vực này” (16). Trong số các kỹ thuật tự nó là bất hợp pháp, có phương pháp gọi tắt là ICSI (Intra Cytoplasmic Sperm Injection), bơm thẳng tinh trùng vào trứng, vì kỹ thuật này được thực hiện bên ngoài cơ thể của đôi vợ chồng nhờ những cử chỉ của người thứ ba” (17).

Huấn thị tái khẳng định sự không chấp nhận việc làm đông lạnh phôi thai và tuyên bố không thể chấp nhận việc dùng những phôi thai đông lạnh hiện có để nghiên cứu hoặc để chữa bệnh hay để cho các đôi vợ chồng son sẻ tùy tiện sử dụng...

Về việc phá thai, Huấn Thị của bộ giáo lý đức tin nói đến việc giảm bớt số phôi thai hoặc bào thai trong lòng mẹ bằng cách trực tiếp hủy bỏ chúng. Đây thực là một hành động phá thai chủ ý tuyển chọn. Cả việc chẩn bệnh trước khi phôi thai bám vào màng tử cung, trong thực tế đây cũng là một sự tuyển chọn phẩm chất với hậu quả là hủy hoại các phôi thai bị tật hoặc có những đặc tính không được người ta mong muốn. Hành động này thực là một sự kỳ thị bất công, đưa tới sự không nhìn nhận qui chế luân lý và pháp lý của những người bị bệnh nặng hoặc bị tật nguyền (21-22).

Ngoài các phương pháp ngừa thai, cũng được coi là bất hợp pháp những kỹ thuật ngăn chặn, như vòng xoắn và viên thuốc ngày hôm sau, nhắm chặn đứng phôi thai trước khi bám vào tử cung. Cũng thế đối với các kỹ thuật chống thai nghén, như thuốc RU-486, tạo nên sự đào thải phôi thai mới bám vào thành tử cung. Việc sử dụng các phương tiện này thuộc vào tội phá thai và nếu đi tới sự chắc chắn là đã thực hiện sự phá thai, thì đương sự mắc vạ tuyệt thông tức khắc (23).

Về kỹ thuật chọn giống tốt, việc sử dụng kỹ thuật di truyền với mục đích trị liệu, có thể chấp nhận trên nguyên tắc các can thiệp trên các tế bào không sinh sản, và chỉ có công hiệu giới hạn cho từng cá nhân mà thôi. Trái lại, những can thiệp trên các tế bào giống có nguy hiểm lớn cho việc thông truyền những thiệt hại cho dòng dõi, thì đó là điều bất hợp pháp (25-26).

Huấn thị quyết liệt lên án việc ứng dụng kỹ thuật di truyền với mục đích không trị liệu, nghĩa là nhắm mục tiêu gọi là cải tiến và tăng cường những năng khiếu di truyền. Đây thực là một sự tự phụ ý thức hệ muốn thay thế Thiên Chúa trong toan tính tạo nên một loại người mới (27). Việc phúc chế người (clonation) để sản xuất, trị liệu hoặc nghiên cứu đều là điều tự nó là bất hợp pháp. Sự phúc chế để sản xuất người tạo nên một hình thức nô lệ về sinh học. Trầm trọng hơn nữa là sự phúc chế gọi là với mục đích trị bệnh: tạo nên những phôi thai người, rồi phá hủy đi với mục đích chữa trị cho một người khác (28-29-30).

Về việc sử dụng tế bào gốc: là điều hợp pháp khi người ta sử dụng những phương pháp không gây thiệt hại trầm trọng cho đương sự mà người ta rút lấy tế bào gốc, chẳng hạn trong trường hợp lấy những mô từ một cơ phận trưởng thành, từ máu của giây rún khi mới sanh, từ các mô của bào thai chết một cách tự nhiên. Trái lại, thật là điều bất hợp pháp trầm trọng khi lấy tế bào gốc từ phôi thai người còn sống, vì làm như thế có nghĩa là hủy hoại phôi thai ấy. Việc nghiên cứu khoa học trên các tế bào gốc rút từ phôi thai người đã bị lịch sử lên án, không những vì nó thiếu ánh sáng của Thiên Chúa, nhưng còn vì nó thiếu nhân đạo (31-32).

Huấn Thị khẳng định rằng phúc chế phôi thai người lai vật, pha trộn các yếu tố di truyền của con người với các yếu tố của loài vật là một sự xúc phạm đến phẩm giá con người, việc làm ấy có thể gây xáo trộn cho căn tính đặc thù của con người (30). Sau cùng, Văn kiện Tòa Thánh cũng bàn về vấn đề sử dụng chất liệu sinh học của con người, từ một nguồn gốc bất hợp pháp. Các nhà nghiên cứu cần loại bỏ việc này, cho dù các chất liệu ấy được sản xuất ngoài trung tâm nghiên cứu của mình, được bán trên thị trường, lý do vì cần phải tránh cộng tác với sự ác và tránh gương mù. (SD 12-12-2008)

G. Trần Đức Anh OP







All the contents on this site are copyrighted ©.